11:05, 13/05/2022

Thông điệp từ những "Ngôi nhà xanh"

Ngôi nhà xanh là tên gọi của mô hình các chị em phụ nữ tích cóp tiền từ việc bán phế liệu để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Những việc làm đơn giản nhưng ý nghĩa ấy đã lan tỏa thông điệp tích cực trong thời gian qua…

Ngôi nhà xanh là tên gọi của mô hình các chị em phụ nữ tích cóp tiền từ việc bán phế liệu để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Những việc làm đơn giản nhưng ý nghĩa ấy đã lan tỏa thông điệp tích cực trong thời gian qua…


Hỗ trợ thiết thực


Dưới cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm tới chợ Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa). Nơi góc chợ quê, trên miếng xốp trước mặt bà Trương Thị Thạnh - 65 tuổi, thôn Mông Phú còn lại hơn chục con cá. Có khách hàng tới mua cá, định vứt chai nước ngọt vừa uống hết, bà Thạnh liền cất lời “Đừng vứt, cho ngoại xin cái chai”, rồi bà cẩn thận bỏ vào bịch ni-lông phía sau lưng đã chứa một ít chai và lon nhựa. Chỉ vào túi phế liệu, bà Thạnh cho biết: “Bà góp vào “Ngôi nhà xanh”. Bởi nguồn vốn bán cá nuôi hai bà cháu qua ngày xuất phát từ nơi đó, nơi mà các chị, các mẹ lượm lặt từng cái lon, chai nhựa, tích góp dần để bán hỗ trợ cho những người như bà”.

 

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Ninh Trung phân loại phế liệu.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Ninh Trung phân loại phế liệu.


Bà Thạnh kể, bà bị bệnh hen suyễn, cuộc sống dựa vào tiền làm thuê, làm mướn của con gái. Sau khi con gái lấy chồng, gia đình không hạnh phúc nên để lại cháu ngoại cho bà nuôi và đi bước nữa. Từ đó, cuộc sống của hai bà cháu chỉ dựa vào việc buôn bán nhỏ ở chợ. Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chợ đóng cửa, hai bà cháu sống bằng tiền tích cóp lâu nay và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Hết dịch, chợ hoạt động trở lại thì nguồn vốn để buôn bán cũng cạn kiệt. Hội Phụ nữ xã Ninh Trung đã hỗ trợ cho bà 3 triệu đồng thu được từ “Ngôi nhà xanh”. Có vốn, bà tiếp tục mua cá về bán. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng bà cháu cũng có cái ăn hàng ngày. Trời đứng bóng, hàng cá của bà vừa bán hết. Sắp xếp đồ đạc lên xe, bà Thạnh tranh thủ đi một vòng chợ nhặt nhạnh những lon nước, chai bị vứt để đem về góp vào “Ngôi nhà xanh”. Đây là thói quen hàng ngày của bà gần 1 năm nay.


Chia tay bà Thạnh, chúng tôi tìm đến nhà bà Phan Thị Để - thôn Hiền Lương (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm). Bà Để mới đi làm về, phía sau chiếc xe đạp còn treo bịch nhựa đựng các lon, chai nhựa phế thải. Lau mồ hôi trên trán, bà Để cười giải thích: “Số chai, lọ này tôi nhặt ở quán ăn sáng nơi tôi đang làm thuê, mang về góp vào “Ngôi nhà xanh” của xã”. Cách đây không lâu, bà Để bị tai nạn gãy tay phải bó bột. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền mua thẻ bảo hiểm y tế, tiền khám chữa bệnh rất tốn kém. Biết được hoàn cảnh của bà, cuối năm 2021, sau khi “khui” và bán các phế liệu từ “Ngôi nhà xanh”, Hội Phụ nữ xã Cam An Bắc đã dùng số tiền trên mua thẻ bảo hiểm y tế tặng bà Để… Dù giá trị không quá lớn nhưng đối với bà Để lại là món quà rất ý nghĩa.


Không chỉ có bà Thạnh, bà Để, từ nguồn kinh phí bán phế liệu của mô hình “Ngôi nhà xanh”, con của bà Võ Thị Tuyết Trinh - thôn Tấn Phú, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (mẹ đơn thân nuôi 2 người con) được hỗ trợ học bổng 1 triệu đồng/suất; bà Nguyễn Thị Cá, thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung được hỗ trợ 2,5 triệu đồng để mua và nuôi 100 con gà. Số tiền thu được từ việc bán gà thịt và trứng, giúp bà Cá sống ổn định, không lo thiếu ăn từng bữa như trước.


Lan tỏa tính nhân văn


Mô hình “Ngôi nhà xanh” đầu tiên của xã Cam An Bắc được lập vào tháng 7-2020, tại thôn Triệu Hải. Sau một thời gian hoạt động, thấy hiệu quả nên Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo thành lập thêm 2 mô hình đặt ở thôn Tân An và trụ sở UBND xã. Từ đó, hội viên phụ nữ và người dân các thôn đã tích cực tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, gom vỏ lon bia, nước ngọt, giấy báo cũ, bìa các tông, chai nhựa… để góp cho “Ngôi nhà xanh”. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam An Bắc cho biết: “Trước khi phát động mô hình, tình trạng rác và phế liệu bị vứt dọc 2 bên đường ở xã rất nhiều. Thế nhưng, từ khi mô hình được triển khai, những việc làm ý nghĩa của các hội viên dần lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành nhiệt tình của phụ nữ và người dân. Từ đó, tình trạng vứt rác thải và phế liệu bừa bãi cũng giảm dần, đường làng, ngõ xóm sạch hơn trước”.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (bên phải) trao thẻ bảo hiểm y tế cho bà Để.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (bên phải) trao thẻ bảo hiểm y tế cho bà Để.


Đến nay, số tiền bán phế liệu trong 3 ngôi nhà được hơn 10 triệu đồng. Hội đã mua tặng 2 thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 15 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 500.000 đồng. Thời gian tới, hội nhân rộng ra 5 thôn và 3 điểm trường trên địa bàn xã. Tại huyện Cam Lâm, qua 2 năm thực hiện (từ năm 2020 đến nay), các cấp hội phụ nữ đã triển khai được 23 mô hình “Ngôi nhà xanh”, thu gom trung bình được gần 10-15kg rác thải nhựa và phế liệu khác/tuần. Mỗi năm, kinh phí thu được khoảng 2 triệu đồng/mô hình. Từ số tiền trên, hội phụ nữ các xã, thị trấn đã trao 14 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; tặng 6 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ khó khăn; 5 cuốn sổ tiết kiệm, 25 suất quà cho người già neo đơn…

 

Bạn Nguyễn Hoàng Lan Vy - Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa bỏ rác vào “Ngôi nhà xanh”.

Bạn Nguyễn Hoàng Lan Vy - Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa bỏ rác vào “Ngôi nhà xanh”.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Trung, mô hình “Ngôi nhà xanh” của xã được thành lập cuối năm 2020 đặt tại 2 thôn Tân Ninh và Quảng Cư. Sau thời gian triển khai, mô hình nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân. Hiện nay, không chỉ có hội viên, nhiều người dân, học sinh cũng mang các phế liệu tới góp cho “Ngôi nhà xanh”. Nhiều hàng quán còn chủ động gom lon nước, chai nhựa để hàng ngày các thành viên mô hình tới lấy. Đối với các hộ gia đình hội viên phụ nữ, các chị tự phân loại rác thải, những rác thải có thể bán gây quỹ sẽ được thu gom bỏ vào “Ngôi nhà xanh”. Hàng quý, các thành viên sẽ khui và bán các phế liệu chứa trong ngôi nhà. Số tiền thu được, hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, đau ốm có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã.

 


Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Phụ nữ Khánh Hòa tham gia phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”, Hội Phụ nữ các cấp đã linh hoạt xây dựng nhiều mô hình sáng tạo và đạt hiệu quả, trong đó có mô hình “Ngôi nhà xanh”. Đến nay, các cấp hội phụ nữ đã xây dựng được gần 200 “Ngôi nhà xanh”, thu được khoảng 400 triệu đồng/năm, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ khoảng 1.000 phụ nữ, trẻ em nghèo. Tuy hiệu quả kinh tế mang lại không quá lớn nhưng có sức lan tỏa trong cộng đồng, vừa góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch - đẹp; đồng thời khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ, hội viên, phụ nữ.
 

LY VÂN