Khi đi thực tế ở huyện miền núi Khánh Sơn, chứng kiến việc thanh niên ở đây tham gia khởi nghiệp đã đem lại cho chúng tôi nguồn cảm hứng mới. Dù cách làm của mỗi người khác nhau, nhưng họ đều chung niềm trăn trở, ý chí vươn lên với mong muốn được góp phần mình vào sự phát triển của quê hương.
Khi đi thực tế ở huyện miền núi Khánh Sơn, chứng kiến việc thanh niên ở đây tham gia khởi nghiệp đã đem lại cho chúng tôi nguồn cảm hứng mới. Dù cách làm của mỗi người khác nhau, nhưng họ đều chung niềm trăn trở, ý chí vươn lên với mong muốn được góp phần mình vào sự phát triển của quê hương.
Những ý tưởng ban đầu
Đến thôn Ha Nít (xã Sơn Lâm), chúng tôi gặp một gương thanh niên khởi nghiệp người dân tộc Raglai, đó là anh Mấu Văn Tịnh - chủ nhân của thương hiệu Cà phê Raglai. Vào năm 2020, sau một thời gian dài đi làm việc ở các tỉnh Tây Nguyên, anh Tịnh nhận thấy ở quê mình tiềm năng chế biến sản phẩm cà phê rất lớn. Bởi xã Sơn Lâm là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của huyện Khánh Sơn nhưng người dân chỉ mới bán hạt thô cho thương lái đưa đi tiêu thụ ở nơi khác. Ý tưởng chế biến hạt cà phê của địa phương nhen nhóm trong đầu chàng trai này. Trong gần 2 năm qua, anh Tịnh đã tìm hiểu, làm thử nghiệm sản phẩm cà phê bột và cà phê hạt nguyên chất mang thương hiệu Cà phê Raglai. Qua đó, đã bắt đầu nâng giá trị kinh tế của hạt cà phê địa phương. “Cà phê Raglai đảm bảo các điều kiện của sản phẩm nông nghiệp sạch. Khu vực trồng cà phê không sử dụng hóa chất, hạt cà phê được sử dụng là những hạt đúng độ chín đỏ, các bước sơ chế đều được làm thủ công, hạt cà phê khi rang xay không tẩm ướp các loại phụ gia để đảm bảo mùi vị nguyên bản nhất. Hiện nay, do đang trong thời gian thử nghiệm nên sản lượng, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhỏ hẹp. Nhưng bước đầu phản hồi của người tiêu dùng rất tích cực”, anh Mấu Văn Tịnh cho biết.
Chúng tôi tìm gặp anh Phùng Minh Anh - giáo viên kiêm Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học - THCS Thành Sơn tại ngôi nhà ở lưng đồi ở thôn Tà Giang 2 nghe anh kể chuyện khởi nghiệp. Cách đây mấy năm, anh Phùng Minh Anh đã có ý tưởng thực hiện một vùng trồng cây dược liệu trên quê hương mình. Đầu năm 2021, được sự ủng hộ của gia đình, anh Phùng Minh Anh bắt đầu trồng một số loại cây dược liệu trên diện tích đất 2ha. Những loại cây được chọn trồng như: sâm bố chính, chuối mồ côi, thủy xương bồ, sim rừng, nho rừng, sâm hành, ngãi đen… Sau hơn 1 năm, hầu hết các loại cây đều thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt. Một số cây trồng ngắn ngày đã cho thu hoạch. Sau khi hình thành vũng nguyên liệu ổn định, anh sẽ liên kết với doanh nghiệp để cung cấp nguyên liệu phục vụ chiết xuất những sản phẩm dược liệu.
Ước mơ về hệ sinh thái khởi nghiệp
Khi nói đến phong trào khởi nghiệp trong thanh niên huyện Khánh Sơn, một gương mặt được nhiều người nhắc đến là anh Huỳnh Mazsa - Giám đốc Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh. Trong nhiều năm qua, trải qua nhiều lần thất bại nhưng anh vẫn kiên trì với con đường hiện thực ước mơ của mình. “Nhớ lại những năm đầu khởi nghiệp với trái sầu riêng sạch Khánh Sơn, rồi tiếp đó là các loại nông sản sạch khác, tôi cũng phải bầm dập lắm mới giữ được cửa hàng tới hôm nay. Ấp ủ lớn nhất của tôi là tạo được một hệ sinh thái sản xuất, tiêu thụ và dịch vụ của thanh niên có cùng chí hướng trên địa bàn huyện, để anh em có thể hỗ trợ nhau, bớt khó khăn hơn khi khởi nghiệp”, anh Huỳnh Mazsa chia sẻ.
Hiện tại, cửa hàng Đặc sản Khánh Sơn (số 39 Võ Trứ, TP. Nha Trang) của anh Huỳnh Mazsa đã đi vào hoạt động ổn định. Nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của một số thanh niên khác. Nhưng câu chuyện khởi nghiệp của anh Huỳnh Mazsa không chỉ dừng lại ở đó. Năm 2019, anh mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn. Từ tổ hợp tác này đã mở rộng thành Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh với 15 thành viên chính thức là những thanh niên có mô hình lập nghiệp, khởi nghiệp trên địa bàn huyện. “Để được tham gia hợp tác xã, mô hình sản xuất nông nghiệp của các thanh niên phải là mô hình sản xuất sạch, không sử dụng phân bón hóa học. Mỗi thành viên tham gia hợp tác xã đều phải trải qua 6 tháng theo dõi hoạt động, khi đáp ứng đủ điều kiện mới được duyệt vào”, anh Huỳnh Mazsa cho biết.
Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh đang hướng đến tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp mang bản sắc của Khánh Sơn. Trong đó, thương hiệu Tà Gụ Farm làm nhận diện cho các vườn sản xuất, canh tác của hợp tác xã với các sản phẩm chính là sầu riêng, bưởi da xanh, gà bản địa, heo đen...; Tà Gụ Food có nhiệm vụ tiêu thụ các sản phẩm từ Tà Gụ Farm và phân phối các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ nhiều vùng miền sản xuất khác. Ngoài ra, hợp tác xã đang xây dựng và hình thành Tà Gụ Glamping là mô hình cắm trại, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa... Các mô hình này đã tạo thêm công việc, nguồn thu nhập cho nhiều thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn. Trong tương lai, khi hoạt động ổn định, hệ sinh thái sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên của hợp tác xã được bền vững hơn. Mong muốn lớn nhất của các thành viên hợp tác xã là tạo được vùng chuyên canh lớn sản xuất cây ăn trái, tạo sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm; kết nối được với nhiều bạn hàng lớn nâng cao giá trị nông sản.
Cần thêm nguồn lực
Tham gia vào Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn huyện, khi đến gian hàng giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp của thanh niên Khánh Sơn. Ông cũng mong muốn, chính quyền địa phương có những giải pháp để hỗ trợ, đồng hành với những thanh niên khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. |
Với những gương thanh niên khởi nghiệp ở huyện Khánh Sơn, chúng tôi thấy ở mỗi người đều có ý chí tự lực vươn lên theo đuổi ý tưởng của mình. Trên hành trình đó, sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cộng đồng vẫn còn mờ nhạt. Những gì mỗi thanh niên khởi nghiệp đã làm được đều chủ yếu đến từ sự nỗ lực của bản thân. “Hoạt động thanh niên khởi nghiệp ở trên địa bàn xã mới chỉ xuất hiện 2 năm gần đây nên chưa có nhiều mô hình. Đây chủ yếu là nỗ lực của các cá nhân, phía địa phương chưa hỗ trợ được gì cho những thanh niên khởi nghiệp. Chúng tôi vẫn đang theo dõi một số mô hình, nếu có hiệu quả thì sẽ đề xuất với chính quyền xã có giải pháp hỗ trợ”, anh Cao Ái Nguyên - Phó Bí thư Đoàn xã Sơn Lâm cho biết.
Còn theo chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều thanh niên có ý chí khởi nghiệp, lập nghiệp với các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái... Điểm chung của các mô hình khởi nghiệp là tận dụng thế mạnh về những sản vật đặc trưng của địa phương. Huyện đoàn chủ yếu hỗ trợ bằng các hình thức như: Tạo điều kiện tham gia vào ngày hội thanh niên khởi nghiệp sáng tạo; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn huyện; lễ hội trái cây Khánh Sơn... Qua đó, góp phần giới thiệu các mô hình khởi nghiệp của thanh niên huyện và quảng bá các sản phẩm của địa phương. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục nắm bắt, có hướng hỗ trợ thiết thực hơn với các mô hình gặp khó khăn về vốn; hỗ trợ thêm về mặt truyền thông, quảng bá các mô hình khởi nghiệp của thành viên hợp tác xã.
Câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên Khánh Sơn dù mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu và quy mô vẫn còn nhỏ bé, nhưng mang ý nghĩa xã hội lớn, bởi đây là minh chứng cho một lớp thanh niên yêu lao động sản xuất, muốn đóng góp tư duy, sức trẻ vào sự phát triển của quê hương. Ánh sáng tri thức đã tới vùng núi cao.
Vĩnh Thành - Giang Đình