10:02, 25/02/2022

Những chiến sĩ áo trắng

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, tất cả hoạt động đã trở về bình thường mới. Tuy nhiên, công việc của đội ngũ cán bộ y tế vẫn không ngừng nghỉ. Những chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm âm thầm chiến đấu với dịch bệnh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được kiểm soát, tất cả hoạt động đã trở về bình thường mới. Tuy nhiên, công việc của đội ngũ cán bộ y tế vẫn không ngừng nghỉ. Những chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm âm thầm chiến đấu với dịch bệnh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.


Giữ vững thành trì y tế cơ sở


Một buổi chiều cuối tháng 2, sau khi đưa giấy chứng nhận hoàn thành điều trị tại nhà cho một bệnh nhân, ông Nguyễn Văn Trọng - Cử nhân y tế công cộng, Trưởng trạm Y tế xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) lại nhanh chóng đến thôn Phú Hòa để kiểm tra sức khỏe cho vợ chồng anh N.T.H và chị Đ.T.N.T (mang thai 7 tháng) đang điều trị Covid-19 tại nhà. Sau khi thăm khám, đo nồng độ SpO2, kiểm tra thị lực, anh Trọng tỉ mỉ hướng dẫn vợ chồng anh H. cách xử lý các triệu chứng, liều dùng đối với từng loại thuốc, nhất là những triệu chứng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Đây chỉ là 2 trong hàng trăm bệnh nhân F0 đang được trạm y tế xã theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà.

 

Bác sĩ Lý Thế Huy kiểm tra sức khỏe bệnh nhân F0 đang điều tại bệnh viện.

Một trái tim hướng về bệnh nhân


Trạm Y tế xã Ninh Quang được Sở Y tế đánh giá là một trong những trạm y tế thực hiện tốt công tác lấy mẫu, truy vết cộng đồng. Là người đứng đầu, trưởng trạm Nguyễn Văn Trọng đã chỉ đạo việc thực hiện xét nghiệm cộng đồng nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao. Ngay khi xã có ca mắc đầu tiên (ngày 5-7-2021) liên quan đến chợ cá Hà Thanh (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa), anh Trọng đã tham mưu cho lãnh đạo xã thành lập 9 tổ Covid cộng đồng để khẩn trương thực hiện xét nghiệm sàng lọc, truy vết F1, F2 đối với tất cả người dân tham gia buôn bán tại chợ này. Đồng thời, xây dựng mô hình xét nghiệm cộng đồng thành nhiều nhóm nhỏ để bám sát từng khu dân cư, tới tận nhà lấy mẫu cho những người không đi lại được. Tại thời điểm đỉnh dịch, toàn xã có hơn 80% dân số được xét nghiệm. Nhờ đó, xã đã kịp thời tách F0 khỏi cộng đồng, đưa đi điều trị tại bệnh viện và đưa F1 cách ly tập trung. Chỉ riêng trong năm 2021, trạm đã triển khai 15 đợt sàng lọc Covid-19 ở cộng đồng, lấy hơn 40.000 mẫu, với năng lực xét nghiệm khoảng 1.500 - 2.000 mẫu đơn/ngày. Từ khi thành lập đến nay, trạm y tế lưu động của xã đã điều trị, chăm sóc cho gần 350 F0 tại nhà, góp phần giảm tải rất lớn cho bệnh viện điều trị tuyến trên. “Trong số các bệnh nhân điều trị tại nhà, có 3 bệnh nhân trở nặng trong đêm khuya. Nhận được thông báo của gia đình, chúng tôi nhanh chóng đưa bình oxy đến nhà, sơ cấp cứu ban đầu và chuyển lên tuyến trên. Khi biết bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Trọng chia sẻ.


Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, trạm y tế xã và các tổ Covid cộng đồng đã triển khai rất tốt công tác tiêm phủ vắc xin cho người dân. Có thời điểm, trạm được phân bổ hơn 3.000 liều vắc xin và yêu cầu tiêm trong vòng 2 ngày. Trạm phải dốc toàn lực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của xã để lập 3 điểm, 9 bàn tiêm, làm việc cả ngày liên tục đến tận khuya. Đến nay, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên và 100% trẻ từ 12 đến 17 tuổi ở xã được tiêm mũi 2, gần 90% người dân được tiêm mũi 3.

 

Trạm y tế chỉ có 10 cán bộ nhưng toàn xã có hơn 13.160 dân. Áp lực công việc ngày thường đã nhiều nhưng không thấm vào đâu so với thời gian chống dịch Covid-19. Theo anh Trọng, từ khi có chủ trương điều trị F0 tại nhà, công việc của cán bộ y tế cơ sở gấp mấy lần trước đây, bởi họ vừa làm công tác phòng, chống dịch vừa phải khám, chữa bệnh cho khoảng 50 - 70 bệnh nhân/ngày. Sau những vất vả, họ luôn động viên nhau cùng nỗ lực để giữ vững thành trì trong cuộc chiến chống dịch. Với sự đóng góp đó, tập thể Trạm Y tế xã Ninh Quang và cá nhân anh Nguyễn Văn Trọng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.


Hết lòng vì bệnh nhân


Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi gặp được bác sĩ chuyên khoa II Lý Thế Huy - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Phó Giám đốc BV dã chiến số 1. Anh là một trong những cán bộ y tế đầu tiên của tỉnh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở đợt dịch thứ 4.


Do đang cách ly để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở khu bệnh nặng nên việc trao đổi với bác sĩ Huy đều thông qua màn hình điện thoại. Câu chuyện giữa chúng tôi thường bị ngắt quãng khi bác sĩ phải đi kiểm tra những bệnh nhân có triệu chứng bất thường, hay phải trấn an tâm lý cho họ.

 

Bác sĩ Lý Thế Huy kiểm tra sức khỏe bệnh nhân F0 đang điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Lý Thế Huy kiểm tra sức khỏe bệnh nhân F0 đang điều trị tại bệnh viện.

 


Bác sĩ Huy kể, giữa tháng 7-2021, khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh, ngày 15-7, ông nhận được quyết định điều động từ BVĐK tỉnh lên BV dã chiến số 1 phụ trách chính trong công tác điều trị bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức cấp cứu. Ngày đầu tiếp nhận, tại khoa có 15 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng phải thở máy, trong khi đó, các phương tiện để điều trị còn thiếu nhiều, ê-kíp trực chỉ có 3 người/kíp. Để hoàn thành công việc, điều trị thành công cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch, bác sĩ Huy thường xuyên hội chẩn xin ý kiến từ các chuyên gia BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trực tiếp sát cánh cùng anh em trong mỗi kíp trực. Đồng thời, xin thêm nhân lực, trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, đào tạo cho những cán bộ tăng cường để kịp thời tiếp nhận công việc điều trị cho bệnh nhân. Thời gian đầu, do thiếu nhân lực, vừa điều trị, bác sĩ Huy vừa xắn tay cùng với điều dưỡng vệ sinh, chăm từng bữa ăn, tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Với việc xây dựng chiến lược điều trị phù hợp, bác sĩ Huy cùng với ê-kíp y, bác sĩ của BV dã chiến số 1 đã điều trị thành công cho hàng ngàn ca; trong đó cứu sống nhiều trường hợp rất nguy kịch, lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền, phụ nữ mang thai… nguy cơ tử vong rất cao.


“Thời điểm đó, không riêng tôi, tất cả đội ngũ y, bác sĩ ở đây ai cũng làm việc với công suất 200 đến 300%, thường khoảng 1-2 tháng chúng tôi mới về nhà một lần. Ở môi trường F0 vây quanh, chỉ cần sai sót nhỏ trong phòng hộ cá nhân là có thể bị lây nhiễm bệnh, nhất là khi thực hiện cấp cứu, hay khi đặt những thủ thuật nội khí quản cho bệnh nhân ngừng hô hấp hoặc khó thở. Áp lực, vất vả là thế nhưng ai cũng không bỏ cuộc. Mỗi khi giành lại được sự sống cho bệnh nhân nguy kịch, rồi thấy họ mạnh khỏe ra viện là động lực cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Huy chia sẻ.  


Mong muốn lớn nhất của bác sĩ Huy là người dân nên thực hiện nghiêm quy tắc 5K để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Như thế là cũng góp phần cùng đội ngũ y, bác sĩ phòng, chống dịch hiệu quả.


Sau cánh cửa phòng xét nghiệm


Hơn 17 năm trong nghề, trải qua nhiều đợt dịch nhưng anh Đặng Tấn Vinh - cử nhân xét nghiệm Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh chưa bao giờ thấy áp lực công việc lại lớn như cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tháng 8-2020, CDC tỉnh được Bộ Y tế cho phép thành lập phòng xét nghiệm RT-PCR, kỹ thuật mà trước đó chỉ có tuyến viện Trung ương mới thực hiện. Là cử nhân có bề dày kinh nghiệm, anh Vinh được lãnh đạo CDC tỉnh giao trọng trách chịu trách nhiệm chính trong hoạt động của phòng xét nghiệm. Dưới sự hướng dẫn, tập huấn của tuyến trên, anh là người đầu tiên thực hiện mẫu xét nghiệm RT-PCR. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4, mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng trăm mẫu bệnh phẩm; để giúp các đồng nghiệp khoanh vùng, truy vết các F1, F2 nhanh nhất, anh Vinh và cán bộ của khoa đã làm việc cả ngày lẫn đêm.


Anh Vinh chia sẻ, có nhiều hôm phải đến 1 giờ sáng, anh em mới rời khỏi Labo xét nghiệm. Cả người như bị vắt kiệt sức vì mặc đồ bảo hộ nóng nực, tay mỏi và đau do cầm Pipet trong thời gian dài. Nhưng mỗi khi bước vào phòng xét nghiệm, tất cả những mệt mỏi đều tan biến, thay vào là sự tập trung cao độ. Bởi xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao, tỉ mỉ, chuẩn xác từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền đến chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… Chỉ cần một thao tác nhỏ không chính xác cũng sẽ làm sai lệch kết quả, ảnh hướng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và kế hoạch chống dịch của cả hệ thống chính trị.


Ngoài công việc tại phòng xét nghiệm RT-PCR, anh Vinh còn tham gia lấy mẫu, test nhanh tại cộng đồng và các khu cách ly… Anh tâm sự: “2 năm qua, các dịp lễ, Tết, chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, chia ca trực xuyên Tết. Lời hứa với gia đình đi du lịch khi hết dịch đến nay vẫn chưa thực hiện được”. Nhưng bù lại, niềm vui lớn nhất trong năm 2022 là anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.


THẢO LY - HOÀNG DUNG