Liên tục từ năm 2019 đến nay, lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa (viết tắt Công ty Lâm sản Khánh Hòa) luôn trong tình trạng báo động về việc người dân chặt phá rừng trồng, lấn chiếm đất rừng. Từ thực trạng này, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng cần phải có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để giữ rừng.
Liên tục từ năm 2019 đến nay, lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa (viết tắt Công ty Lâm sản Khánh Hòa) luôn trong tình trạng báo động về việc người dân chặt phá rừng trồng, lấn chiếm đất rừng. Từ thực trạng này, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng cần phải có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để giữ rừng.
Ngổn ngang trên đỉnh Đa Râm
Từ trung tâm xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh) đi qua vài đập tràn nhỏ, đỉnh núi Đa Râm với những khoảnh rừng dầu rái trồng cách đây hơn 20 năm đã trong tầm mắt. Khuất sau những rẫy keo, những cánh rừng trồng đã không còn nguyên vẹn khi bị một số đối tượng cưa hạ không thương tiếc. Bên cạnh những gốc dầu bị cưa là diện tích lúa, mì, keo đã được người dân trồng xen vào để chiếm đất rừng. Tại tiểu khu 99 (xã Khánh Thượng), vạt rừng với mấy chục cây dầu đã bị chặt phá cách đây không lâu, thân còn ngổn ngang, cành lá chưa kịp khô. Ông Phạm Trí Dũng - Đội phó Đội Bảo vệ rừng Khánh Thượng (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) thở dài chua xót: “Để có được rừng cây như thế này là công sức của rất nhiều thế hệ công nhân trồng rừng. Bây giờ, rừng bị phá coi như công cốc; hành vi chặt phá rừng đều do người dân địa phương thực hiện. Do dịch Covid-19 bùng phát nên việc đi lại kiểm tra của lực lượng bảo vệ rừng bị hạn chế. Lợi dụng tình hình này, người dân địa phương kéo nhau vào khu vực rừng trồng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý để chặt phá lấy đất sản xuất. Các đối tượng thực hiện hành vi vào thời điểm chiều tối nên rất khó bắt được quả tang. Rừng dầu rái là rừng trồng nên cây thẳng hàng, thẳng lối, chỉ trong 1 giờ, các đối tượng đã có thể cưa hạ cả chục cây gỗ lớn”.
Cánh rừng dầu rái tại Đa Râm được Công ty Lâm sản Khánh Hòa trồng từ năm 1999. Sau 22 năm, những khoảng đất trống, đồi trọc năm xưa đã được phủ xanh. Khi những thân cây đang vào độ phát triển tốt nhất cũng là lúc bị các đối tượng triệt hạ. Thủ đoạn của các đối tượng là không phá cùng một chỗ, mà rải rác nhiều nơi, cưa rừng rồi đốt cháy, lấy đất trồng keo. Mỗi địa điểm, người dân chỉ chặt hạ vài chục cây, khu vực rừng bị phá đều là địa điểm giáp ranh với nương rẫy sản xuất.
Lần theo lối mòn, ngược lên lưng chừng núi Đa Râm, chúng tôi thấy được tình trạng phá rừng trồng, lấn chiếm đất càng nghiêm trọng hơn. Những vạt rừng nham nhở, có điểm bị chặt phá đã lâu, có điểm mới bị cưa hạ, thân cây dầu rái đường kính chừng 30-35cm nằm ngổn ngang, gốc cây vẫn còn tươm nhựa đỏ. Chỉ tay về phía vạt rừng lô nhô gốc cây mới bị đốt, ông Dũng cho biết, phần rừng với gần 100 cây dầu rái bị đốn hạ này rộng khoảng 8.500m2, không bắt được quả tang các đối tượng. Mới đây, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện đối tượng Cao Nghem (người địa phương) lên phát, đốt phần diện tích rừng đã phá. Lúc này, đối tượng mới thừa nhận đã phá rừng dầu rái để chiếm đất trồng keo.
Diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Lâm sản Khánh Hòa được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ hơn 40.980ha rừng, đất rừng thuộc địa giới hành chính 8 xã phía Tây và Tây Nam huyện Khánh Vĩnh. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị vốn đã ít (chỉ có 38 người), nay còn phải phân tán để quản lý, bảo vệ diện tích rừng trồng với hơn 2.256ha và hơn 6.880ha đất chưa có rừng khi nạn chặt phá rừng trồng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất của người dân liên tục diễn ra. Tình trạng chặt phá rừng trồng, lấn chiếm đất lâm nghiệp do Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà ở khắp 8 địa phương cánh Tây, cánh Tây Nam của huyện Khánh Vĩnh. Theo số liệu của Công ty Lâm sản Khánh Hòa, từ năm 2019 đến tháng 10-2021, trong lâm phận của công ty đã xảy ra 476 vụ chặt phá rừng trồng với tổng diện tích hơn 313ha. Cũng trong thời gian này, đã xảy ra 20 vụ chiếm đất rừng của công ty sau khi khai thác rừng trồng với tổng diện tích lên đến 88,57ha. Các vụ chặt phá, chiếm đất rừng trồng diễn biến rất phức tạp, có số lượng người tham gia nhiều, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Gần đây, tình trạng này diễn biến phức tạp tại địa bàn các xã: Khánh Thành, Liên Sang, Khánh Thượng... Tuy công ty đã phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, ngăn chặn nhưng một số hộ dân không chấp hành, không hợp tác, thậm chí có trường hợp đã ký cam kết trả lại đất xâm chiếm trước đó nhưng rồi không thực hiện, còn chửi bới, đe dọa lực lượng liên ngành khi đến tuyên truyền, vận động. UBND xã mời đối tượng đến giải quyết cũng không đến. Ngoài ra, hiện nay, tình trạng mua bán đất ở một số địa phương trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh diễn ra khá “nóng”. Nhiều hộ sau khi bán đất, không còn đất sản xuất quay sang chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng”.
Cần quyết liệt ngăn chặn
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng trên, ông Pi Năng Thảo - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết, ngoài khu vực Đa Râm, lâm phận của Công ty Lâm sản Khánh Hòa ở một số khu vực khác tại địa phương cũng xuất hiện tình trạng người dân chặt phá rừng trồng, lấn chiếm đất rừng trồng. Trong số đó, có trường hợp thiếu đất sản xuất, có trường hợp không thiếu; có trường hợp mới phát dọn, lấn chiếm, có trường hợp canh tác nương rẫy giáp ranh với rừng trồng của công ty rồi tiếp tục phát lấn thêm. Địa phương sẽ phối hợp với công ty để tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục vi phạm.
Để bảo vệ diện tích rừng trồng của mình, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã tổ chức thêm 9 chốt chặn ở những khu vực trọng điểm, hợp đồng thêm 13 nhân viên tuần tra bảo vệ rừng nhằm tăng cường tuần tra, sớm phát hiện, ngăn chặn những vụ việc vi phạm; phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được giao. “Công ty kiến nghị UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp quyết liệt xử lý một số vụ việc trọng điểm để răn đe, tránh tình trạng người dân tiếp tục chặt phá, lấn chiếm rừng trồng như hiện nay. Công ty cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phối hợp vận động người dân tháo dỡ lán trại, di dời ra khỏi các khu vực rừng trồng của đơn vị, ngăn chặn việc trồng, trỉa hoa màu trên khu vực đất lấn chiếm. Đồng thời, phối hợp thu hồi toàn bộ 313ha rừng và đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm để công ty trồng lại rừng”, ông Tân nói.
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, không riêng địa bàn huyện Khánh Vĩnh, ở các địa phương miền núi, nhu cầu về đất sản xuất đang tạo sức ép rất lớn đối với rừng. Trong khi đó, các chủ rừng vẫn rất khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được Nhà nước giao. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng; kiên quyết thu hồi các diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, xử lý nghiêm người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
HẢI LĂNG - ĐÌNH LÂM