Có rất nhiều thầy cô giáo ngoài những giờ lên lớp đã âm thầm giúp học sinh (HS) và các gia đình khó khăn bằng nhiều cách, góp phần lan tỏa yêu thương trong xã hội.
Có rất nhiều thầy cô giáo ngoài những giờ lên lớp đã âm thầm giúp học sinh (HS) và các gia đình khó khăn bằng nhiều cách, góp phần lan tỏa yêu thương trong xã hội.
Nhen lửa thiện nguyện
Thầy Phạm Thanh Thủy, giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Xương Huân 1 (TP. Nha Trang) trở thành tình nguyện viên trong đợt dịch Covid-19 vừa qua chỉ sau lần tình cờ thấy đồng nghiệp đang livestream đi thiện nguyện. Tham gia hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thầy Thủy đã đi khắp các địa phương trong tỉnh, làm những việc bốc rau, củ, gạo, mì… chuyển đến các vùng phong tỏa, khó khăn. Đi nhiều nơi, thầy cảm nhận rõ hơn về khó khăn của người dân, cũng như cảm phục chị em chân yếu tay mềm cật lực ngày đêm lo cho người dân khu phong tỏa, lực lượng trực chốt. “Tôi đã học được cách nhìn mới về cuộc sống và việc làm thiện nguyện”, thầy Thủy nói.
Ngày 29-8 vừa qua, anh Đặng Văn Long, giáo viên môn Giáo dục thể chất và quốc phòng - an ninh Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) cũng tham gia vào đội vận chuyển hàng hóa cùng với các chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thấy bên hội phụ nữ có nhiều chương trình ý nghĩa, anh xin tham gia với ý nghĩ: “Mình không đủ điều kiện hỗ trợ vật chất nhưng có thể giúp về sức lực, tinh thần”. Trưa đó, nhận được giấy đi đường, thầy Long mừng rỡ đưa vợ xem và nói: “Anh đi tình nguyện đây!”. Không kịp ăn trưa, thầy cùng các tình nguyện viên bốc hơn 3 tấn nước uống đóng chai chuyển về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Hôm sau lại đi xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) vận chuyển rau...
Sau khi tốt nghiệp được trở lại dạy tại chính ngôi trường từng học, cô Nguyễn Thị Mỹ Thắm, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (TP. Nha Trang) luôn đồng cảm với những HS có hoàn cảnh khó khăn. Một lần, nghe kể về hoàn cảnh của đồng nghiệp có con phải phẫu thuật tim, dù đã được nhiều người hỗ trợ nhưng kinh phí phẫu thuật chưa đủ, cô Thắm đã quyết định đăng tải hình ảnh và câu chuyện của em HS này lên facebook cá nhân với mong muốn sẽ có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, giúp em có thêm cơ hội sống. Bài viết của cô đã làm lay động nhiều người, rất nhiều tấm lòng đã đồng cảm, chia sẻ cùng bé, giúp gia đình có thêm kinh phí để lo cho con…
Những lần làm từ thiện tiếp đó đến với cô Thắm tự nhiên như duyên lành, khi thì thông qua HS cũ đến thăm, kể chuyện trường lớp, vô tình thông tin về một bạn học đang bị bệnh nặng; lúc lại một đồng nghiệp kể về HS nghèo gặp khó khăn… Những câu chuyện ấy luôn làm cô Thắm suy nghĩ, tìm cách âm thầm liên hệ giúp đỡ. Cô Thắm chia sẻ: “Mình khả năng có hạn, chỉ là có duyên với một số HS thiệt thòi, giúp được em nào, cứ hết lòng với em đó. Rất may, tôi có nhiều người bạn, người thân luôn ủng hộ”. Nhóm của cô hiện có 12 thành viên, đa số là giáo viên, cựu sinh viên sư phạm thường xuyên tham gia các chuyến thiện nguyện. Số thành viên tăng lên nhờ những chuyến đi như thế. Mỗi khi biết ai đó có hoàn cảnh nào khó khăn cần giúp đỡ, cả nhóm cùng bàn cách hỗ trợ phù hợp, rồi người ít, người nhiều “góp gió thành bão”, chuyển đến tận tay người cần giúp. Có người ủng hộ một nửa khoản tiền thưởng vừa nhận; có người xin gửi cả phần ủng hộ của mẹ, rồi bạn bè, người thân ủng hộ thêm… Tự bỏ tiền túi, nhóm đã in dấu chân trên khắp các địa phương trong tỉnh, lên cả Gia Lai, ra Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… Đơn giản vì tất cả cùng chung nhịp đập con tim.
Cô Thắm kể về những chuyến đi với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Có chuyến đi trong mưa bão, xe vừa chạy qua thì đất núi sạt lở, phủ kín đường. Chuyến lên huyện Khánh Vĩnh, nghe thầy cô nói trên này cần nhất sách giáo khoa, nhóm mừng lắm vì công sức dạy HS giữ gìn sách cả năm học đã giúp các cô có thêm nhiều tập sách trao tặng. Biết một HS sắp vào đại học bị liệt chân, nhóm kết nối các giáo viên, nhờ đó hỗ trợ điều trị được cho em… Niềm vui của cô Thắm là những việc làm của nhóm đã lan tỏa, được mọi người ủng hộ, kết nối, tích cực tham gia.
Lan tỏa yêu thương
Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền, cựu sinh viên sư phạm không quên chuyến đi từ thiện tại một địa phương miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm 2020. Đoàn hẹn phát quà buổi trưa, khi tới mới biết các em đã đợi từ 7 giờ. “Có em đi đôi dép đã rách quai, nứt đế; có em diện bộ váy đẹp rộng thùng thình mượn của chị, nhìn rất thương. Ngoài sách vở, đoàn còn chuẩn bị nhiều đôi dép tổ ong. Nhận quà xong, có em đi ngay dép mới và ngắm nghía thích thú. Nhìn các em, tôi lại muốn có thêm nhiều chuyến đi như thế này đến với những em ở vùng sâu, vùng xa, dù cực nhưng mình luôn cảm thấy vui!” - chị Huyền tâm sự.
Với thầy Thủy, chuyến đi đọng lại cảm xúc nhất là lần tặng quà ở Ninh Hòa. “Những cụ già 70-80 tuổi đi bộ từ sớm đến nhận quà; những em bé mừng rỡ khi được nhận gói bánh… Từ những chuyến đi ấy, tôi dễ đồng cảm hơn với các hoàn cảnh khó khăn. Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người, từ đó có động lực để giúp đỡ mọi người nhiều hơn…”, thầy Thủy nói.
Cô Thắm chia sẻ, vì làm nghề giáo nên cô ưu tiên quan tâm đến HS, gia đình các em hoặc đồng nghiệp gặp khó khăn. Đôi khi, một món quà trao đi không chỉ ý nghĩa ở giá trị vật chất mà còn ở giá trị tinh thần, tình cảm. Vì vậy, nhóm thiện nguyện của cô luôn cẩn thận, chu đáo trong khâu chuẩn bị quà. Những bộ sách dù cũ hay mới đều được sắp xếp, đóng gói cẩn thận. Quần áo luôn được giặt sạch, ủi, gấp gọn gàng, phân loại theo từng độ tuổi. Chiếc lồng đèn mua sẵn chắc chắn đẹp hơn rất nhiều chiếc lồng đèn tự làm bằng vỏ lon, nhưng nhóm cô vẫn bỏ công để làm thành quà tặng… “Dịp Trung thu vừa rồi, trao cho HS chiếc lồng đèn tự làm, chúng tôi có thể tự tin nói các cô, chú đã đây là những sản phẩm mà nhóm tự làm trong cả tuần với tất cả tấm lòng và sự yêu thương… Qua đó giúp các em trân trọng hơn những món quà mà mọi người mang đến cho mình, dạy cho các em biết tiết kiệm, biết dùng đôi tay, trí óc để sáng tạo, tận dụng đồ phế thải biến thành những đồ chơi, vật dụng ý nghĩa; dạy các em cách giữ gìn môi trường, biết yêu thương gia đình, bản thân và lạc quan vượt lên khó khăn trong cuộc sống”, cô Thắm nói.
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Có thể nói, năm 2021 là năm đáng nhớ của ngành Giáo dục. Trong thời gian tỉnh đang nỗ lực chống dịch Covid-19, các phòng Giáo dục và Đào tạo đã vận động các thầy cô tham gia chống dịch và nhiều giáo viên đã xung phong lên đường thực hiện các công việc như: Hỗ trợ ghi chép thông tin lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cộng đồng hay tham gia trực chốt ở địa phương… Bên cạnh đó, ngoài công việc giảng dạy, rất nhiều giáo viên luôn nhiệt huyết với công tác xã hội, vận động, quyên góp sách, vở, dụng cụ học tập… cho các em HS khó khăn. Đây là những việc làm ý nghĩa, là những hình ảnh đẹp của đội ngũ giáo viên… |
TIỂU MAI - THANH TRÚC