11:10, 12/10/2021

Nơi tìm thấy nẻo về

Những người đã nghiện ma túy, tự bản thân rất khó mà từ bỏ. Để trở về với cuộc sống bình thường họ rất cần sự giúp đỡ  mới có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Có lẽ vì quá hiểu điều ấy, các cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) luôn bên họ đồng hành, nâng đỡ tinh thần, cố gắng giúp họ đoạn tuyệt với ma túy để trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.

Những người đã nghiện ma túy, tự bản thân rất khó mà từ bỏ. Để trở về với cuộc sống bình thường họ rất cần sự giúp đỡ  mới có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Có lẽ vì quá hiểu điều ấy, các cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) luôn bên họ đồng hành, nâng đỡ tinh thần, cố gắng giúp họ đoạn tuyệt với ma túy để trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.


Nhọc nhằn cắt cơn


Trong căn phòng khóa ngoài, một học viên (HV) nhìn qua cửa sổ với ánh mắt lờ đờ. Anh Ngô Văn Thanh - cán bộ y tế cho biết, đây là HV mới tiếp nhận, đã xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo quy định, đang được theo dõi cắt cơn, giải độc trong 7-15 ngày; sau đó là giai đoạn phục hồi sức khỏe, điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội nếu có. Khi HV khỏe lại, thần kinh ổn định sẽ được chuyển sang ở chung với HV khác; được học về tác hại của ma túy, các quy định của pháp luật, tập thể dục, lao động, học nghề… Câu chuyện của chúng tôi chợt đứt đoạn bởi tiếng la ó, đập cửa rầm rầm  của HV mới vào đòi… ma túy. Bỏ dở cuộc trò chuyện, anh Thanh vội vã chạy tới... “Người nghiện thường dùng ma túy giờ nào thì sẽ thèm ma túy đúng giờ đó. Khi lên cơn nghiện, họ rất hung hăng, la ó, sẵn sàng tấn công, tìm đủ cách trốn. Có người quăng dép vỡ bóng đèn, đập cửa, đánh cả cán bộ y tế vì ảo giác”, anh Thanh giải thích.

 

Học viên chăm sóc cây xanh

Học viên chăm sóc cây xanh


Áp lực công việc càng lớn hơn khi có lúc một ca trực 2 người phải trông hơn chục HV giai đoạn cắt cơn. Trong 3 ngày đầu xử lý cắt cơn, cán bộ y tế phải canh từ 4-6 giờ cho họ uống thuốc nếu cần. HV không ăn nổi cơm sẽ cho ăn cháo, cháo không ăn được thì uống sữa. Tất cả đòi hỏi cán bộ y tế phải nắm bắt sát sao, linh hoạt điều trị. Khi cắt cơn tạm ổn, HV lại nảy sinh tâm lý chán chường, không thiết gì hết, vờ uống thuốc rồi vứt bỏ nên người trực không được phép lơ là. Anh Thanh giãi bày: “Cũng có lúc tôi nản lòng vì quá nhiều áp lực, nguy cơ. Nhưng rồi tôi nhận ra, mỗi HV có sự tự ti và lý do sa ngã riêng. Khi tỉnh táo, họ lại tìm cán bộ xin lỗi. Đó là động lực để tôi làm việc 13 năm qua”.  

 

Vất vả tìm lại mình


7 giờ sáng, anh Huỳnh Khánh Hải - trưởng ca trực bắt đầu tiếp nhận sổ sách, thông tin bàn giao, chia công cụ hỗ trợ, phân công HV làm việc và cán bộ quản lý. Khi các HV khác đi lao động, nhiệm vụ của anh Hải là theo dõi sát sao 20-30 HV còn lại. Đó là những HV cá biệt, khuyết tật, đau bệnh…, rất dễ đánh nhau, tấn công, trốn trại, chuyển bệnh, cần cán bộ theo sát, phản ứng mau lẹ. Anh Hải kể năm ngoái, HV T.N.H.L (39 tuổi) gây rối, khi anh tới nhắc nhở thì bị L. chửi, quơ thanh gỗ dọa, lấy dao lam định tấn công. Lợi dụng lúc anh sắp ra khỏi phòng, không để ý, L. lao tới cắn tay anh chảy máu. L. sống lang thang, đã vào cơ sở lần thứ 3. Đối tượng nhiễm HIV, rất hung hăng, thường xuyên chửi bới, kích động HV tấn công cán bộ. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, đằng nào cũng bị thương nên vẫn khống chế L. đưa đi cách ly, xong xuôi tôi mới đi điều trị bằng thuốc ARV. Sau này gặp lại tôi, L. xin lỗi, giải thích do buồn nản, thiếu kiềm chế. Hiện giờ, L. chấp hành nội quy rất tốt”, anh Hải chia sẻ.


Sau 21 giờ, HV đi ngủ nhưng cán bộ vẫn phải liên tục đi kiểm tra vòng trong, vòng ngoài. Phòng trực bố trí giữa các phòng HV cũng để giúp các anh nắm bắt nhanh tình huống xấu. Người nghiện có tâm lý rất bất thường; HV có bệnh nguy hiểm, áp lực càng nặng nề hơn. Cơ sở có hệ thống camera nhưng các anh vẫn phải rải ra kiểm tra trực tiếp là thế.

 

Ở giai đoạn giáo dục, lao động trị liệu, học viên được tập thể thao.

Ở giai đoạn giáo dục, lao động trị liệu, học viên được tập thể thao.

 

Không chỉ vậy, các cán bộ ở cơ sở còn giúp HV học nghề, hỗ trợ việc làm. Tuy nhiên, vẫn có người không vượt qua được chính mình. Có HV đã làm công tác tư tưởng, ra ngoài được hỗ trợ việc làm thêm, 6-7 tháng sau lại tái nghiện. Bù lại, cũng có người vươn lên làm lại cuộc đời. “Hồi mới làm, bạn bè tôi cản vì “Trăm người nghiện thì cả trăm tái nghiện”. Nhưng 7 năm qua, tôi đã chứng minh định kiến đó không đúng. Tôi biết có 2 HV bỏ ma túy hơn 10 năm, 1 HV bỏ được 3-4 năm; một số HV đã về huyện Cam Lâm làm ăn, kinh tế ổn định; 1 HV giờ là chủ công ty vận tải nhỏ ở TP. Nha Trang. Những HV đó giúp tôi thêm quyết tâm hướng thiện cho người lầm lỗi”, anh Hải chia sẻ. HV N.T.B.T. (26 tuổi, trú xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) cho biết, nhờ vào đây, chị mới biết làm nhiều việc. Một HV cai nghiện tự nguyện kể, chị đã ở đây 6 tháng, giờ xin ở thêm 3 tháng nữa để đoạn tuyệt với quá khứ. Còn HV T.V.L (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) khẳng định, đây là lần thứ 2 và sẽ là lần cuối anh vào để cai nghiện.


Điều kiện còn khó khăn


Công việc vất vả, số HV tăng nhưng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh lại bị xuống cấp về cơ sở vật chất, nhân lực thiếu. Riêng cán bộ y tế, ngoài trực ca 2 ngày/lần, họ còn phải khám sức khỏe mỗi sáng cho toàn bộ HV, trực cấp cứu và phát thuốc nếu cần. Cả cơ sở có 7 cán bộ y tế thì 2 người tăng cường cho khu A; còn lại chia ra trực 2 người/ca, 1 người kiêm làm hành chính. Anh Huỳnh Khánh Phúc Sinh - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Kế toán cho biết, dự kiến đến cuối tháng 10, cơ sở sẽ tăng lên khoảng 350 HV (trước khoảng 270-300 HV), nhưng số cán bộ không tăng. Mỗi ca trực 6 người phải quản lý toàn bộ HV trong 48 giờ liên tục. Cán bộ nam làm hành chính cũng phải luân phiên phụ ca trực đêm. Giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, cán bộ làm liền 14 ngày, nghỉ 11 ngày rồi tới đơn vị cách ly trước 3 ngày, xét nghiệm âm tính rồi mới nhận ca. Từ ngày 20-9, cơ sở mới giãn trực 7 ngày/ca. Một số chị còn mang cả con nhỏ vào đơn vị ở suốt đợt dịch.


Theo ông Nguyễn Thế Lưu - Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, trước đây, cơ sở có 4 khu nhà ở, chữa bệnh và cai nghiện. Cơn bão số 12, năm 2017 đã làm sập, hỏng hoàn toàn khu C, D và một phần khu B. Năm 2019, đơn vị sửa lại khu A và dồn toàn bộ HV về đây, nhưng công năng khu này chỉ đủ cho 200 HV. So với 3 năm trước, số HV đã tăng hơn 50%; số HV/phòng cũng quá tải gấp rưỡi. Không gian sinh hoạt chật chội khiến HV dễ mâu thuẫn, có thể dẫn đến ẩu đả; việc giáo dục cũng khó khăn. Mấy năm qua, một số cán bộ đã xin nghỉ việc. Cả cơ sở chỉ có 37 người, thiếu 5 biên chế. Vừa rồi, đơn vị tuyển được vài người, nhưng nhận việc 3 ngày, họ lại xin nghỉ, bỏ về vì không chịu nổi áp lực. Đơn vị rất mong được UBND tỉnh, ngành chức năng sớm sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; tạo điều kiện dùng hết số biên chế còn lại và tuyển thêm người. Đồng thời, sớm giải quyết chế độ phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn cho lao động theo hợp đồng 68.


Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, trong điều kiện xuống cấp, quá tải, thiếu nhân viên nhưng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh vẫn bảo đảm chăm sóc, điều trị cai nghiện, không để xảy ra tình trạng gây rối, trốn trại, bảo đảm an ninh trật tự. Với những kiến nghị của đơn vị, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết. Riêng dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dự kiến sẽ triển khai vào đầu năm 2022, nhằm nâng sức chứa của cơ sở lên hơn 500 HV.

 

Tại cuộc họp về tình hình Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu: Các sở, ngành nghiên cứu sớm cấp vốn để triển khai dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh theo Nghị quyết số 33 ngày 21-7-2020 của HĐND tỉnh. Trước mắt, đầu năm 2022, triển khai xây mới, hoàn thiện, nghiệm thu khu B để phục vụ người nghiện có hồ sơ được xác lập ban đầu chuẩn bị xuất viện, hết thời gian cách ly y tế do dịch Covid-19.


N.V - V.G