Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến trên biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) của tàu C235 ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử bi tráng nhất. 60 năm đã qua, những dòng hồi ức về cuộc chiến đấu cảm tử của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội vẫn trào dâng cảm xúc…
Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến trên biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) của tàu C235 ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử bi tráng nhất. 60 năm đã qua, những dòng hồi ức về cuộc chiến đấu cảm tử của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội vẫn trào dâng cảm xúc…
Năm 2016, trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi may mắn được gặp ông Lê Duy Mai (hiện sống ở Thanh Hóa) - chiến sĩ tàu C235 ngay tại bến Hòn Hèo. Chuyện anh hùng Nguyễn Phan Vinh và trận chiến quyết tử của tàu C235 không còn mới, nhưng khi nghe chuyện từ người trong cuộc mới thấy hết sự hiểm nguy, tinh thần quả cảm của những cán bộ, chiến sĩ tàu không số.
Đường đến Hòn Hèo
Sau sự kiện Vũng Rô, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được địch kiểm soát rất gắt gao. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh (quê Điện Bàn, Quảng Nam) được Đoàn 125 tin tưởng giao chỉ huy tàu C235 đi Hòn Hèo vì là người dày dạn kinh nghiệm với 11 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam. Bến Hòn Hèo là một lựa chọn cực kỳ mạo hiểm, mang tính bất ngờ cho kẻ địch nên mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho chuyến đi vào Hòn Hèo, tàu C235 được bổ sung thêm 3 chiến sĩ đặc công nước. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã vạch ra 3 phương án tác chiến cả dưới nước và trên bờ, tổ chức tập suốt gần 2 tuần, dự kiến mọi tình huống.
Ngày 6-2-1968, tàu C235 từ đảo Hải Nam, Trung Quốc lên đường đi Hòn Hèo. Thế nhưng, trên đường đi tàu bị địch bám theo nên Sở Chỉ huy lệnh cho tàu quay về cảng A3 (Hải Khẩu, đảo Hải Nam). Ở đây, tàu C235 được sơn màu khác, thay số hiệu, kiểm tra lại máy móc để chuẩn bị xuất phát… Đêm 27-2-1968, từ Hải Khẩu, tàu C235 xuất phát lần 2 đi bến Hòn Hèo. Tối 29-2-1968, khi tàu chuyển hướng vào bờ, máy bay trinh sát của địch bám theo. Các tàu tuần dương của địch cũng được gọi đến để truy đuổi. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh cho tàu tắt hết đèn, luồn lách qua đội hình tàu địch để hướng vào bến Hòn Hèo. Không bắt được tín hiệu của bến, chỉ huy tàu C235 quyết định thả hàng để lực lượng của bến sẽ vớt sau.
Trận chiến cảm tử của tàu C235
Khoảng 2 giờ 30 ngày 1-3-1968, tàu C235 thả hàng sắp xong, 7 tàu địch lầm lũi tiến vào chia thành 2 vòng bao vây tàu. Trên không, máy bay địch thả pháo sáng rực cả bầu trời. Quân địch nổ súng xối xả để thị uy nhằm bắt sống quân ta. Trong tình thế hiểm nguy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em vừa chiến đấu, vừa điều khiển tàu chạy vào bờ. Càng vào gần bờ, cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch càng quyết liệt. “Sau 20 phút chiến đấu, 5 người đã hy sinh, số còn lại bị thương khá nhiều, anh Vinh cũng bị đạn bắn sượt qua đầu. Máy tàu hỏng nặng nên phương án quay đầu trở ra đâm vào tàu địch không thể thực hiện được. Anh Vinh quyết định cho đặt bộc phá để nổ tàu. Mọi người được lệnh rời tàu, chỉ anh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa, sau đó bơi vào bờ”, ông Mai nhớ lại.
Hơn chục phút sau, trên mặt biển Hòn Hèo bùng lên một cột lửa khổng lồ. Một phần thân tàu văng lên sườn núi. Súng vẫn tiếp tục nổ ở mép nước. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ chiến đấu đến phút cuối để kìm chân địch cho đồng đội rút lên núi. Khi rút lên núi, thuyền phó Đoàn Văn Nhi điểm quân số tất cả chỉ còn lại 7 người. Những ngày sau đó, quân địch tiếp tục đổ quân lùng sục khắp núi Hòn Hèo để truy bắt các chiến sĩ tàu C235. Sau khi một chiến sĩ mất tích khi đi tìm nước uống (sau này mới biết bị địch bắt), thuyền phó Nhi (đang bị thương) quyết định ở lại để cố thủ, ra lệnh cho 5 chiến sĩ Lê Duy Mai, Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến, Vũ Long An, Nguyễn Văn Phong đi tìm nước uống, tìm cách bắt liên lạc với lực lượng ở bến. “Phải đến ngày thứ 10, khi sức cùng, lực kiệt, gần như tắt hết hy vọng thì chúng tôi gặp được du kích địa phương. Sau đó, cả nhóm cùng bộ đội địa phương quay lại tìm anh Nhi nhưng không thấy anh đâu”, ông Mai kể. Về lại nơi tập kết của quân giải phóng và được y tá địa phương chăm sóc, điều trị tận tình nên cả 5 chiến sĩ đều nhanh chóng hồi phục sức khỏe, rồi vượt Trường Sơn ra miền Bắc.
Năm tháng qua đi, nhưng ông Nguyễn Bá Cường - y tá ở Trạm xá Hòn Hèo (sau này làm Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa), trực tiếp chăm sóc 5 chiến sĩ tàu C235 ngày ấy vẫn nhớ, khi ấy các chiến sĩ tàu không số chỉ còn da bọc xương, hai hốc mắt trũng sâu vì nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày. Bằng mọi thứ có ở trạm xá, mọi người cố gắng cứu chữa, tẩm bổ để các anh mau lại sức. Sau một thời gian dài chăm sóc, các anh đã dần khỏe lại. Cũng tham gia lực lượng bến Hòn Hèo, bà Phạm Thị Hường (76 tuổi, vợ ông Cường) nhớ lại: “Sau trận chiến của tàu C235, địch tổ chức càn quét rất dữ. Toàn bộ lương thực, thực phẩm đều bị địch đốt sạch. Tất cả phải sống nhờ vào khoai mài… Ngày chuẩn bị cho các chiến sĩ tàu C235 ra Bắc, tôi đã bỏ công suốt mấy ngày đêm may 5 cái võng cho 5 anh em mang đi đường. Khi chia tay, các anh nói rằng, đây là những kỷ vật quý giá nhất của đời lính tàu không số”.
Trong lòng người ở lại
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội tàu C235 đã nằm lại trong trận chiến ở bến Hòn Hèo, nhưng tinh thần chiến đấu quyết tử của họ còn được nhớ mãi. Cựu binh Trần Ngọc Tuấn (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) kể rằng, khi tàu C235 bị địch vây đánh ở vùng biển Hòn Hèo, tàu C43 của ông cũng đang đụng độ với địch ở vùng biển Đức Phổ, Quảng Ngãi. “Tôi với anh Vinh là đồng hương nên chơi với nhau rất thân. Anh Vinh là người trung thực, thẳng thắn, gan dạ, được anh em trong đơn vị rất quý mến. Tôi từng đi với anh Vinh một chuyến vào Trà Vinh… Sau này, biết tin anh hy sinh, cán bộ và chiến sĩ ở Đoàn 125 ai cũng tiếc thương”, ông Tuấn bùi ngùi nói.
Nhớ về người thuyền trưởng anh hùng của tàu C235, cựu binh Lê Duy Mai xúc động nói: “Anh Vinh là người vô cùng hào sảng, làm việc hết mình, với bạn bè, đồng đội cũng hết mình. Gặp người chỉ huy như vậy, cấp dưới thấy mình có thể giao phó cả sinh mạng cho anh không một chút phân vân”. Theo ông Mai, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh là người có lý tưởng cách mạng rất cao cả. Trong lá thư gửi đồng chí Trần Phong (nguyên Đoàn trưởng Đoàn 125, hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quân chủng Hải quân), thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh có những lời tâm sự thể hiện lý tưởng của mình: “Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân...”.
Năm 2016, nhân kỷ niệm 55 đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Hòn Hèo, tôi gặp em gái và 2 người con của liệt sĩ Doãn Quang Ruyện từ quê nhà Thái Bình vào viếng người thân. Bà Doãn Thị Mai (em gái liệt sĩ) cho biết: “Năm 1967, khi viết thư cho tôi, anh Ruyện có dặn nếu anh hy sinh thì các em thay anh chăm sóc bố mẹ. Khi gửi thư, anh Ruyện còn kèm bức ảnh chụp khi anh vừa học xong lớp báo vụ tàu. Tấm ảnh đó đến nay tôi vẫn giữ”. Thắp hương viếng người cha thân yêu và các đồng đội của ông, anh Doãn Quang Hùng và em gái Doãn Thị Thu nước mắt rưng rưng. Ngày bố mất, anh Hùng mới 8 tuổi nhưng cũng đã cảm nhận được nỗi đau mất mát. “Chúng tôi rất cảm ơn người dân Ninh Vân bao năm qua đã chăm lo hương khói cho bố tôi và đồng đội của ông; cảm ơn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng khu tưởng niệm rất khang trang, tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể”, anh Hùng xúc động chia sẻ.
Trong trận chiến ở bến Hòn Hèo, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã hy sinh, 1 chiến sĩ bị bắt. 5 chiến sĩ được lực lượng ở bến tìm thấy chăm sóc, hồi phục sức khỏe rồi vượt Trường Sơn trở ra miền Bắc. Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh cũng đã được đặt tên cho một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và đường phố ở Nha Trang, Đà Nẵng. Tại bến Hòn Hèo, Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 chiến đấu anh dũng ở đây. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng tôn tạo khu di tích này. Ở nhà bia vừa được xây dựng có ghi sự kiện tàu C235 chiến đấu với quân địch và tên 14 liệt sĩ của tàu đã hy sinh ở Hòn Hèo.