11:08, 08/08/2021

Bài 1: Động lực để vươn lên

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người thu nhập thấp, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên. Trong nhiều năm qua, những chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch… lồng ghép các chính sách giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, rất nhiều gia đình nghèo khó đã thoát nghèo, an cư lạc nghiệp.


 

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người thu nhập thấp, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên. Trong nhiều năm qua, những chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch… lồng ghép các chính sách giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, rất nhiều gia đình nghèo khó đã thoát nghèo, an cư lạc nghiệp.

 

Bài 1: Động lực để vươn lên

Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hàng loạt chính sách được triển khai đồng bộ, cùng những cách làm hay ở cơ sở đã giúp hàng ngàn hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.


Niềm vui thoát nghèo


Tuy đã quá trưa nhưng vợ chồng ông Lê Minh và bà Nguyễn Thị Yến (thôn Xuân Đông, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) vẫn chịu khó gom những bao cỏ về làm thức ăn cho đàn bò. Bà Yến kể, mấy năm trước, gia đình luôn lâm vào cảnh túng thiếu, vất vả. Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng bà đã trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Thấy mô hình nuôi bò đem lại hiệu quả, ông Minh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 70 triệu đồng mua bò và trồng hơn 1ha keo. Vợ chồng ông chịu khó đi gom cỏ nuôi 5 con bò cái sinh sản theo kiểu lấy công làm lời. Sau một thời gian, bò sinh bê, nuôi lớn vài tháng đem bán, rồi tiếp tục đầu tư, đến nay, ông đã có 10 con bò giống. Với sự nỗ lực đó, cuối năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo, có điều kiện lo cho các con ăn học. Ông Minh chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để được vay vốn, vì vậy, tôi phải sử dụng đồng vốn sao cho có hiệu quả để thoát nghèo”.

 

Người nhà của ông Cao Văn Xuống chăm sóc đàn dê.

Người nhà của ông Cao Văn Xuống chăm sóc đàn dê.


Khi mặt trời lặn cũng là lúc ông Cao Văn Xuống, người dân tộc Raglai (thôn Sông Cạn Đông, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) trở về bên gia đình sau một ngày lao động. Ông Xuống kể, ông lập gia đình năm 2011, rồi ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi vợ sinh con; căn nhà tạm khi trời nắng thì nóng, mưa thì dột mà không có tiền để xây mới hoặc sửa. Quyết tâm không để gia đình mãi lâm vào cảnh khó khăn, ông vay vốn ngân hàng mua 1 con bò và 5 con dê về nuôi, rồi học thêm nghề thợ hồ. Ban đầu làm thợ phụ, dần dần, ông học hỏi thành thạo với nghề rồi lên làm thợ chính. Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế, gia đình ông đã thoát nghèo vào đầu năm 2020. Từ khoản tiền tích cóp, vợ chồng ông đã xây được căn nhà mới khang trang. Ông Xuống tâm sự: “Tôi rất mừng khi gia đình đã thoát được nghèo. Tới đây, tôi sẽ nhân nuôi đàn dê, xây chuồng trại kiên cố và trồng thêm rau, cỏ làm thức ăn chăn nuôi”...


Đa dạng cách làm hay


Năm 2019, xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Ngoài triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, xã chủ động rà soát, nắm bắt nguyện vọng của từng hộ nghèo, trên cơ sở đó bóc tách đất rừng giao cho những hộ thiếu đất sản xuất để phát triển kinh tế. Xã còn xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, nuôi heo đen, bò, gà thả vườn… và chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên. Điển hình có gia đình ông Kiều Mùa, ông Đặng Ơn, bà Cao Ri Dân (thôn Tây Nam) phát triển mô hình vườn đồi; hộ ông Phan Thịnh (thôn Đông) nuôi gà thả vườn, nuôi heo đen đạt hiệu quả cao… Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo.

 

Việc triển khai kịp thời các chính sách đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Việc triển khai kịp thời các chính sách đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.


Theo ông Nguyễn Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Diên Xuân (Diên Khánh), hàng năm, Đảng ủy đều ban hành nghị quyết về công tác giảm nghèo. Đồng thời, xã lập 4 tổ giúp đỡ hộ nghèo với 5 thành viên/tổ, là cán bộ, đảng viên trực tiếp khảo sát hộ nghèo do mình phụ trách. Trên cơ sở đó, các tổ đưa ra giải pháp giúp đỡ hộ nghèo tiếp cận nguồn lực, chính sách hỗ trợ sinh kế. Trong đó, xã tập trung hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn hộ nghèo về phát triển các mô hình vườn đồi, chăn nuôi. Đầu năm 2016, xã có 235 hộ nghèo, đến nay giảm còn 27 hộ; hệ thống hạ tầng cơ sở từng bước hoàn thiện, khang trang, đời sống người dân được nâng cao…


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngoài cách làm hay của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể cũng đã triển khai nhiều mô hình giúp đỡ người nghèo. Điển hình, hội phụ nữ các cấp có mô hình nuôi heo đất, giúp đỡ hội viên nghèo, hỗ trợ sinh kế; đoàn thanh niên có phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp; hội người cao tuổi có câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau làm kinh tế… Từ những cách làm hay, sáng tạo đó đã tạo đà, tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên.


Hiệu quả từ các chính sách

 

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chính sách giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh giảm được 17.249 hộ nghèo. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giảm gần 400 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chỉ còn 2,18%.

 

Hàng năm, các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, nghiên cứu, triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, xã nghèo; đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Trong đó, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho hộ nghèo được chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã mở hơn 100 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 3.000 lao động nông thôn. Sau đào tạo, đã có 90% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Điển hình như bà Phạm Thị Thuận (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh), qua học nghề chế biến thủy sản đã mở cơ sở làm chả cá. Ban đầu, sản phẩm làm ra chỉ bán trong tỉnh, đến nay đã cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, bà Thuận đã mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị và tạo việc làm cho hơn 70 lao động địa phương...


Đặc biệt, chính sách cho vay vốn đã phát huy hiệu quả tích cực. Tính đến ngày 31-5-2021, toàn tỉnh đã triển khai cho hơn 132.500 hộ nghèo, cận nghèo vay hơn 3.260 tỷ đồng. Các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đầu tư hiệu quả, từ đó đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp, ngành còn khảo sát nguyện vọng để hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng giúp hơn 2.300 hộ nghèo chuyển đổi mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã miễn, giảm học phí, học bổng cho hơn 54.600 lượt học sinh, sinh viên với số tiền gần 370 tỷ đồng. Hàng năm, 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nhằm giúp người nghèo an cư lạc nghiệp, các cấp, ngành, đoàn thể còn huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 4.200 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, các chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, đất sản xuất… cũng đã góp phần giảm bớt khó khăn cho hộ nghèo.


VĂN GIANG

 


Bài 2: Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau