Trong cuộc đời làm báo của nhiều phóng viên, có lẽ những ngày tham gia tác nghiệp về dịch Covid-19 sẽ không thể nào quên.
Trong cuộc đời làm báo của nhiều phóng viên, có lẽ những ngày tham gia tác nghiệp về dịch Covid-19 sẽ không thể nào quên.
Những ngày đầu đối mặt với Covid-19
Đầu năm 2020, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 là người Trung Quốc. Riêng Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên trong nước ghi nhận ca mắc tại cộng đồng (lây từ 2 bệnh nhân Trung Quốc này). Vì thế, những ngày đầu năm Canh Tý là chuỗi ngày các phóng viên trên địa bàn tỉnh nỗ lực hết mình để phản ánh nhanh nhất tình hình dịch đến bạn đọc.
Nhắc về những ngày ấy, phóng viên Cát Đan - Báo Khánh Hòa kể: “Tôi đón Tết Canh Tý cùng gia đình ở Quảng Ngãi. Ngày 30 Tết, khi nhận được thông tin về 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam là cha con người Trung Quốc có ghé và ở tại TP. Nha Trang, tôi vội vàng chạy xe 8km đến tiệm Internet ở TP. Quảng Ngãi để thuê máy tính làm tin. Tối giao thừa, nhận được thông tin một người Trung Quốc cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đập phá, đòi đánh bác sĩ, tôi liên hệ ngay với lãnh đạo bệnh viện lấy thông tin. Sau khi tức tốc gõ tin trên chiếc điện thoại cũ, tôi qua nhà hàng xóm xin nhờ wifi để gửi tin đi cho kịp. Ngày mùng 4 Tết, vừa về TP. Nha Trang, nơi đầu tiên tôi “đạp đất” chính là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh để tiếp tục tác nghiệp”.
Với phóng viên Thanh Quý và Tiến Hóa - Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa (KTV), kỷ niệm nhớ nhất là ngày ê-kíp được phân công làm tin Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh kiểm tra công tác điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19. Đây là ê-kíp truyền hình duy nhất được tác nghiệp trong ngày hôm đó để ghi lại những hình ảnh quý giá về công tác điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 đầu tiên tại Khánh Hòa. Phóng viên Thanh Quý chia sẻ: “Tới bệnh viện, ê-kíp chúng tôi được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế cá nhân, cùng đoàn công tác của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp vào khu vực cách ly, tiếp cận với bệnh nhân nghi ngờ. Thời điểm ấy, Covid-19 là căn bệnh mới, thông tin về bệnh này đối với người dân gần như là số 0. Vì thế, tuy lo sợ nhưng hiểu rõ những hình ảnh quay được sẽ giúp người dân phần nào hiểu hơn về Covid-19, điều này đã giúp chúng tôi tự tin thực hiện tốt bản tin”.
Sau Tết Canh Tý, nhất là khi Bộ Y tế thông báo tỉnh Khánh Hòa có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng, nhiều người sợ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh - nơi điều trị ca dương tính và các ca nghi ngờ khác, nhưng các phóng viên (báo, đài Trung ương lẫn địa phương) phụ trách về mảng chống dịch bắt buộc có mặt để thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh. Thời điểm đó, các khuyến cáo về biện pháp phòng dịch chưa rõ ràng và cụ thể, để bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi khi từ bệnh viện về, cùng với khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhiều phóng viên còn phơi áo khoác, mũ bảo hiểm trên xe, để mặt trần chạy về giữa nắng với niềm tin mong manh cái nắng gay gắt buổi trưa sẽ giúp tiêu diệt được vi rút SARS-Cov-2 bám trên người mình nếu có. “Khi về đến nhà, tôi và các đồng nghiệp không ai bảo ai cũng tự cách ly, không cho con đến gần mình. Trong chuỗi ngày căng thẳng đó, chúng tôi có những khoảng khắc được sống trong niềm vui vỡ òa, khi là những người đầu tiên trực tiếp làm tin ca dương tính Covid-19 đầu tiên ở Khánh Hòa được điều trị khỏi”, phóng viên Phương Linh (Báo Lao động) kể.
Những kỷ niệm khó quên
Giữa năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Chính phủ quyết định thực hiện các đợt giải cứu đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Những phóng viên phải thường xuyên có mặt tại sân bay, khu vực cách ly của quân đội để lấy hình ảnh, thông tin khi các chuyến bay hạ cánh. Giữa năm 2020, chuyến bay chở những công dân Việt Nam đầu tiên từ Hàn Quốc về nước hạ cánh ở sân bay Cam Ranh. Khi đó, khá nhiều phóng viên tham gia tác nghiệp lần đầu tiên mặc bộ đồ bảo hộ, lần đầu “đứng gần” những người từ vùng dịch trở về. Khi máy bay chưa hạ cánh, các phóng viên còn khá e ngại, lo lắng bởi nhìn vào những tấm rào chắn, những khuyến cáo khoảng cách 2m… được lực lượng quân đội quán triệt trước đó. Thế nhưng, khi những công dân xuất hiện thì sự lo lắng, thậm chí là sợ hãi đều quên hết. Thay vào đó, các phóng viên nhanh chóng tìm góc độ tác nghiệp với tâm niệm truyền tải rõ ràng, chân thực nhất hình ảnh bên trong khu cách ly và những công dân trở về từ vùng dịch vẫn mạnh khỏe, tuân thủ các điều kiện cách ly.
Để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho phóng viên Phương Linh (Báo Lao động) trong những đợt tác nghiệp về dịch Covid-19 là hình ảnh những người lính ở các khu cách ly. Vốn quen với thao trường luyện tập, khi thực hiện nhiệm vụ quản lý người cách ly, họ trở thành anh nuôi lo chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho hàng trăm công dân về từ nước ngoài, trong đó có nhiều thai phụ và trẻ em. “Nhiều đơn vị phải vào rừng đóng quân để nhường doanh trại cho công dân cách ly ở. Vậy mà trên một số diễn đàn lại lan truyền thông tin thất thiệt, kể cả những chỉ trích của chính công dân về từ nước ngoài về sự thiếu thốn ở các khu cách ly. Điều này thôi thúc chúng tôi dùng ngòi bút phản ánh chân thật cho bạn đọc thấy được những khó khăn, vất vả của người lính nơi tuyến đầu chống dịch”, phóng viên Phương Linh cho biết.
Sau những đợt đi cùng với lực lượng quân đội để đón, đưa công dân về từ nước ngoài đi cách ly, giúp phóng viên Phan Sáu - Thông tấn xã Việt Nam tại Khánh Hòa hiểu rõ hơn sự vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Phóng viên Phan Sáu kể: “Có đợt, chúng tôi chờ ở sân bay từ 12 giờ đến khi đưa công dân về khu cách ly gần nửa đêm. Đợt đó, trong số công dân trở về ghi nhận có ca dương tính. Tuy đã chuẩn bị tâm lý, đứng xa ghi hình, có mặc đồ bảo hộ nhưng khi về nhà tôi vẫn không khỏi lo lắng, tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác. Từ trải nghiệm thực tế giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về lực lượng tuyến đầu chống dịch”.
Mạng xã hội phát triển, kéo theo nhiều luồng thông tin khác nhau, nhất là ở các đợt dịch đầu tiên. Những tin đồn đúng và không đúng về các ca dương tính tràn lan trên mạng Facebook gây hoang mang xã hội. Để xác minh thông tin, các phóng viên trên địa bàn tỉnh kịp thời lấy thông tin phản ánh chính xác đến bạn đọc. Có những thông tin nhận được lúc tối khuya, phóng viên cũng phải bấm điện thoại gọi cho lãnh đạo các cơ quan chức năng để xác minh, đến khi tin được gửi đi, cũng là lúc bước sang ngày mới.
Tuy vất vả nhưng với chúng tôi, phần thưởng quý giá nhất là đã kịp thời truyền tải các thông tin chính xác, hình ảnh chân thực, sống động đến người dân.
Nhóm P.V