Giữa buổi sáng, sau cuộc giao ban chớp nhoáng giữa 2 ca trực, chúng tôi theo Đội tuần tra của Ban Quản lý vịnh Nha Trang bắt đầu chuyến tuần tra trên biển. Với tình hình khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản tại vịnh Nha Trang diễn ra thường xuyên, nhất là tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, việc tuần tra trên vịnh không lúc nào ngơi nghỉ…
Giữa buổi sáng, sau cuộc giao ban chớp nhoáng giữa 2 ca trực, chúng tôi theo Đội tuần tra của Ban Quản lý vịnh Nha Trang bắt đầu chuyến tuần tra trên biển. Với tình hình khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản tại vịnh Nha Trang diễn ra thường xuyên, nhất là tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, việc tuần tra trên vịnh không lúc nào ngơi nghỉ…
Tàu lần lượt chạy qua các điểm đảo quen thuộc như: Hòn Tằm, Hòn Tre, Hòn Một rồi tiến thẳng ra Hòn Mun. Lác đác trên biển một vài tàu, thuyền đánh cá, câu mực buông neo chờ đợi. Chỉ tay về các tàu cá, ông Huỳnh Trung Thảo - Phó Đội trưởng Đội tuần tra chia sẻ: “Khu vực các đảo: Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm… tính từ đảo ra biển 300m thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi cấm tuyệt đối các hoạt động khai thác; tính ra thêm 300m nữa là phân khu phục hồi sinh thái cũng nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt. Ngoài phạm vi này là phân khu phát triển, cho phép tàu thuyền được khai thác nhưng bằng các nghề theo quy định, không gây tổn hại đến các loài thủy sinh vật và môi trường sống, nghiêm cấm các ngành nghề hủy diệt. Hàng ngày, các tàu cá vẫn thường xuyên hoạt động xung quanh khu bảo tồn biển nên chúng tôi phải thường xuyên tuần tra”. Tàu đảo vài vòng sát mép Hòn Mun. Dọc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cách mặt nước 3 - 12m là nơi tập trung các rạn san hô. Đây là nơi trú ngụ, phát triển của nhiều loài thủy sản nên cũng là nơi các tàu cá thường liều lĩnh vào đánh bắt. Theo lệnh ông Thảo, thuyền trưởng Trần Nhật Huân bẻ lái áp sát các tàu cá, đồng thời phát loa thông báo cho họ không được vào khu vực cấm.
Không chỉ ngăn chặn tàu cá xâm nhập vùng cấm, đội còn có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp tàu du lịch vi phạm các quy định neo đậu, lặn, ngắm san hô tại khu bảo tồn... Khi đi qua các tàu du lịch và ca nô đưa khách lặn biển, ông Thảo phân công các thành viên của đội nhanh chóng lên các tàu này kiểm tra giấy tờ. Đội có nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện hoạt động trong khu vực để bảo đảm hoạt động đúng tuyến, điểm quy định; kiểm tra việc nộp các loại phí, lệ phí và tuân thủ các quy định trong tổ chức hoạt động giải trí, lặn biển bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
14 giờ, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn từ loa phóng thanh. Nhìn qua cửa cabin, chúng tôi thấy hàng chục tàu cá đang vây quanh khu vực Hòn Mun. Trên boong, thành viên của đội tuần tra liên tục hô to yêu cầu tàu cá dời đi. Máy trưởng Trần Văn Yên dõng dạc: “Yêu cầu các anh cho thuyền rời khỏi khu vực. Đây không phải là khu vực đánh bắt. Nếu các anh không chịu dời đi buộc chúng tôi phải lập biên bản, xử lý!”. Sau một hồi quần thảo, các tàu cá rời khỏi khu vực, các thành viên mới cho tàu tạm nghỉ.
19 giờ, các thành viên lại tiếp tục tuần tra nhưng lúc này tàu cá đã đậu khá xa “vạch” cấm. Ông Thảo phân tích: “Nhờ buổi chiều đội đi tuần sớm nên đến tối mới nhẹ việc; nếu triển khai trễ thì việc đẩy đuổi các tàu cá sẽ khó khăn vì khu vực này nhiều tôm cá hơn ngoài vịnh”. Việc tuần tra cũng linh động theo thời gian vì tàu cá hoạt động theo mùa. Từ đầu năm tới tháng 4 dương lịch là mùa câu mực, đội tuần tra tập trung các thuyền câu; tháng 4 đến cuối năm là mùa hoạt động của nhiều ngành nghề khai thác như: Trũ bao, xúc, câu mực, câu thẻo, mành… Nghề trũ bao là ghê nhất vì đánh bắt kiểu tận diệt. Với mắt lưới nhỏ như lưới ruồi thì không một sinh vật nào có thể thoát. Vì thế, các hoạt động tuần tra cũng thay đổi cho phù hợp.
24 giờ, các phương tiện đã buông lưới, ánh đèn loang loáng. Lúc này, Trạm Kiểm soát biên phòng Hòn Mun thuộc Đồn Biên phòng Bích Đầm cũng có mặt để phối hợp tuần tra và xử lý tàu cá nếu có sai phạm. Đại úy Đoàn Văn Phong - Trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Hòn Mun chia sẻ: “Thấy sắc phục của bộ đội biên phòng, chủ tàu cá cũng kiêng dè phần nào, không dám manh động. Tuy nhiên, cũng có lúc chủ tàu cá vi phạm bị thu hồi hải sản, dụng cụ… phản ứng. Thậm chí, họ dùng vũ khí như súng bắn cá, dao, rựa… chống lại lực lượng chức năng nên chúng tôi buộc phải xử lý”.
Theo chân Đội tuần tra vịnh Nha Trang, chứng kiến một ngày làm việc của các anh em trên tàu, chúng tôi cảm nhận được cường độ làm việc vất vả của họ. Ban Quản lý vịnh Nha Trang sở hữu 4 phương tiện nhưng chỉ có 2 tàu 01, 02 làm nhiệm vụ tuần tra. Tuy còn khó khăn nhưng ai nấy cũng ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường vịnh không bị xâm hại.
Vịnh Nha Trang có diện tích 249,65km2, trong đó diện tích mặt biển gần 211,85km2, diện tích các đảo gần 37,8km2. Vịnh có hệ sinh thái đa dạng với 26 loài cá có giá trị, 200 loài cá sống đáy, 30 loài cá nổi, 33 loài cá sống cửa sông, 176 loài cá sống ở rạn san hô; 350 loài san hô… Vịnh Nha Trang được xây dựng Khu bảo tồn biển từ năm 2001, gồm các phân khu chức năng nhằm bảo vệ hệ sinh thái và môi trường của một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
_________________________________________
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang: Hiện nay, công việc tuần tra vịnh do 2 lực lượng đảm nhận: Đội tuần tra hoạt động hàng ngày và Đội liên ngành hoạt động 2 lần/tuần. Trong đó, Đội tuần tra của ban quản lý là lực lượng chủ lực, hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở tàu cá vi phạm và đẩy, đuổi ra khỏi khu vực cấm. Nhờ đó, tình hình khai thác, xâm phạm vùng cấm đã giảm mạnh thời gian gần đây. Năm 2020, đội xử lý 2 vụ tàu cá xâm phạm; đồng thời, phối hợp với bộ đội biên phòng và chính quyền nơi đối tượng cư trú nhắc nhở, giáo dục.
V.L