Sau 10 năm lên thành phố, Cam Ranh đã vươn mình với sức sống của thành phố trẻ có nhiều tiềm năng về kinh tế biển; đời sống người dân ngày càng được nâng cao!
Sau 10 năm lên thành phố, Cam Ranh (Khánh Hòa) đã vươn mình với sức sống của thành phố trẻ có nhiều tiềm năng về kinh tế biển; đời sống người dân ngày càng được nâng cao!
Đổi thay một vùng đất
Chúng tôi trở lại Cam Ranh khi ngày kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9 đã cận kề. Mùa thu 1945, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm Nha đại diện hành chính huyện Ba Ngòi (nay là TP. Cam Ranh) tuyên bố thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời. Nha đại diện hành chính Ba Ngòi xưa, hiện nay là Nhà Văn hóa truyền thống TP. Cam Ranh (số 82 đường Nguyễn Trọng Kỷ, phường Cam Linh). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, căn nhà xưa được xây theo kiến trúc Pháp vẫn còn khá nguyên vẹn! Trong ánh nắng vàng rực rỡ của ngày đầu thu, tấm bia Di tích lịch sử cách mạng nằm dưới gốc phượng già đang nở hoa đỏ rực như nhắc nhở cháu con nhớ về quá khứ hào hùng của cha ông!
Trong ký ức lớp người cao tuổi ở Cam Ranh, vùng đất này ngày xưa rất nghèo khó. Ngoại trừ trung tâm Ba Ngòi, khu phố Đá Bạc và các vùng phụ cận, còn lại cả vùng rộng lớn nhà cửa còn tạm bợ. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản bằng chài lưới. Sự nghèo khó ấy còn đeo đẳng suốt mấy chục năm sau. Cho đến bây giờ, ông Trần Chí Bằng - Chủ tịch UBND phường Cam Linh vẫn nhớ như in ngày theo cha (cán bộ đi tập kết) từ miền Bắc về lại Cam Ranh vào năm 1976: “Lúc đó, cả vùng đất Cam Linh toàn nhà vách đất lợp tôn, lợp tranh rất tạm bợ. Người dân chủ yếu đánh bắt thủy sản ven bờ, đời sống bấp bênh. Rẫy xoài, vườn dừa chạy dài đến sát mép biển. Đường sá đi lại chủ yếu là đường đất, chỉ có khu vực trung tâm có điện”.
Tương tự, ông Phạm Tấn Nhiều - nguyên Bí thư Đảng ủy phường Cam Nghĩa cũng chưa quên sự gian khó của Cam Ranh sau ngày giải phóng. Điện, đường, trường, trạm vẫn còn tạm bợ. Mùa mưa, học sinh phải học trong trường dột nát. “Quá nhiều nỗi khổ, nhưng khổ nhất là chuyện thiếu nước. Vì thiếu nước, đơn vị của tôi (Sư đoàn Phòng không 377) phải xây dựng bể nước, rồi đem xe chở nước cho người dân đến lấy về dùng”, ông Nhiều kể.
Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đời sống người dân vẫn còn khá khó khăn, rất ít gia đình mua được xe máy và các phương tiện nghe nhìn hiện đại. “Lúc đó, nhà tôi sắm được chiếc tivi màu hàng thải của Nhật, cả xóm kéo đến xem. Trong nhà cũng chỉ có mỗi cái quạt máy nên mùa hè ngủ chẳng bao giờ ngon giấc vì nóng nực”, ông Trần Hữu Ninh - nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Cam Linh nhớ lại.
Năm 2010, Cam Ranh được công nhận là thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh. Theo thời gian, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Trên đường 3-4 từ trung tâm thành phố chạy về Cam Linh, hai bên đường nhà cửa, siêu thị, hàng quán buôn bán sầm uất. Ông Trần Chí Bằng cho biết, cơ cấu kinh tế của phường phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ và thủy sản. Trên địa bàn phường hiện nay có hàng chục hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thu nhập 1 - 2 tỷ đồng/năm. Số hộ có xe hơi lên đến 15 - 20%. Tỷ lệ hộ nghèo của phường chỉ còn 0,56% (14/2.400 hộ). Các gia đình chính sách được chăm lo, không còn hộ nghèo, cận nghèo. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong phường cũng được đảm bảo.
Ở phía bắc thành phố, phường Cam Nghĩa từ vùng đất hoang sơ nay cũng có nhiều đổi thay. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa cho biết, kinh doanh thương mại trên địa bàn phường khá đa dạng. Toàn phường có hơn 130 doanh nghiệp đang hoạt động, ngoài ra còn có 565 hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của phường chỉ còn 0,66%.
Kỳ vọng thành phố trẻ
Sau 10 năm lên thành phố, kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh ở Cam Ranh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của thành phố tăng bình quân 8,6%/năm; thu ngân sách tăng 18%/năm (dự kiến năm 2020 thu 447 tỷ đồng). Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 29,4%; nông nghiệp chiếm 17,5%. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Cam Ranh còn 0,65%. Với lợi thế về đầu mối giao thương như: Sân bay Quốc tế Cam Ranh, cảng Cam Ranh (công suất bốc dỡ hàng hóa 2,5 triệu tấn/năm)… TP. Cam Ranh được kỳ vọng là đô thị hạt nhân, động lực quan trọng ở khu vực phía nam của tỉnh, có vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của cả tỉnh, tác động tích cực đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, TP. Cam Ranh đầu tư xây dựng Công viên văn hóa rộng 3ha ở phường Cam Linh để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, mới đây, các nhà đầu tư đã đưa vào vận hành Dự án Nhà máy điện mặt trời Tuấn Ân với công suất 10MWp và dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sông Giang với công suất 60MWp. Các nhà máy này sẽ góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách của thành phố trong thời gian tới. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có hàng loạt dự án lớn, mang tính động lực phát triển nên những kỳ vọng về sự phát triển của Cam Ranh trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Nổi bật nhất là dự án KN Paradise Cam Ranh với diện tích 800ha (bao gồm các khách sạn 4 và 5 sao, câu lạc bộ golf, căn hộ, villa, công viên giải trí, casino…). Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng. Dự án Cảng cá động lực, thuộc Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa (1 trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước) có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng cũng được kỳ vọng tạo sự đột phá cho TP. Cam Ranh. Theo thiết kế, dự án có thể phục vụ cho tàu có công suất lên đến 2.000CV, giúp ngư dân khai thác tối đa nguồn lợi hải sản tại các ngư trường với lượng hàng qua cảng khoảng 120.000 tấn/năm. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động vào năm 2021. Bên cạnh đó, hiện nay, Công ty Cổ phần Vinpearl đang triển khai Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh. UBND TP. Cam Ranh cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án: Khu dân cư chất lượng cao Cam Phú, Khu dân cư Phạm Văn Đồng và Bãi tắm số 4…
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Đức Hải - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Thời gian tới, Cam Ranh sẽ phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tổ chức kết nối giữa đô thị cũ và đô thị mới để mở rộng không gian thành phố, từng bước xây dựng đô thị khang trang, hiện đại. Thành phố cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành quan tâm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và các cụm công nghiệp. Khi Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh và Cụm Công nghiệp Cam Thịnh Đông đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển ngành thương mại, dịch vụ, là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
V.K - X.T
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh tỉnh, Đảng bộ Cam Ranh đã tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Mờ sáng ngày 22-8, đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số trang bị giáo mác, gậy gộc, tên, ná, từ Cà Rôm, Hiệp Mỹ, Hiệp Thạnh, Trại Cá, Trà Long, Khánh Cam, Hòa Do, Mỹ Ca, Cồn Ké theo đường số 1 đổ về Đá Bạc. Đồng bào làm nghề biển Cam Ranh, Thịnh Xương, Cồn Sung, Bình Ba, Bình Hưng trên hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ giương cờ đỏ sao vàng cùng tiến về Đá Bạc, bao vây chiếm Nha đại diện hành chính và các công sở của chính quyền tay sai. Viên kiểm lý Tôn Thất Ẩn giao nộp ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Các tên Việt gian phản động đều bị tự vệ bắt giữ. UBND cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Nguyễn Xuân Cúc làm chủ tịch ra mắt quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.