04:08, 22/08/2020

Cháy mãi ngọn lửa cách mạng

Mưu trí, dũng cảm, kiên cường và bất khuất, dành trọn tuổi thanh xuân của mình đi qua giông bão chiến tranh là chân dung của những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà chúng tôi được gặp. Với họ, ký ức về một thời khói lửa đạn bom luôn sống mãi...

Mưu trí, dũng cảm, kiên cường và bất khuất, dành trọn tuổi thanh xuân của mình đi qua giông bão chiến tranh là chân dung của những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà chúng tôi được gặp. Với họ, ký ức về một thời khói lửa đạn bom luôn sống mãi...

Những trái tim rực lửa


Vừa nghe tiếng Đại úy Bo Bo Thanh Quý (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khánh Sơn) tới nhà, ông Bo Bo Tới (75 tuổi) vội ra cổng, dang rộng cánh tay ôm anh, vui như gặp lại đồng đội cũ. Nhắc chuyện chiến đấu năm xưa, “Con đại bàng” của núi rừng Sơn Trung nói: “Cây đã đánh địch 25 trận đấy!” (Cây là cách xưng hô của ông - PV).


Năm 17 tuổi, Bo Bo Tới làm liên lạc cho Thị ủy Cam Ranh, sau đó hoạt động du kích. Năm 1966, gặp 1 tiểu đội lính Mỹ lùng sục vào xã, ông nổ súng diệt 2 tên, làm số còn lại tháo chạy. Năm 1971, xã bị địch bắn phá 3 ngày đêm liền, rồi 1 tiểu đoàn lính Mỹ càn vào, định lập bốt. “Địch đông lắm, nhưng nghĩ đến bà con, đến cách mạng, Cây quyết tâm diệt thật nhiều địch”, Bo Bo Tới nhớ lại. Ông đã dẫn đầu nhóm đồng đội, lợi dụng địch chưa kịp đào công sự, dùng trung liên, tiểu liên bắn mãnh liệt vào giữa đội hình. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng hốt rút quân. Sau đó, ông bí mật gài mìn, đào hầm chông rải rác nơi máy bay địch thường đổ quân xuống, phá hủy 1 máy bay, diệt 30 giặc Mỹ. Từ năm 1965 đến 1975, ông đã diệt 60 tên địch, làm bị thương 15 tên, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, phá hủy 1 xe quân sự. Ngày 20-10-1976, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi đang là Xã đội trưởng xã Sơn Trung.

 

Anh hùng Bo Bo Tới vui mừng khi có khách tới nhà.

Anh hùng Bo Bo Tới vui mừng khi có khách tới nhà.


Nhỏ con như Bo Bo Tới, nhưng cựu binh đặc công Nguyễn Đức Quân (còn gọi là Nguyễn Trung Hiếu, quê tỉnh Phú Yên, hiện ở phường Phước Long, TP. Nha Trang) cũng từng khiến địch “dựng tóc gáy”. Tham gia du kích từ 14  tuổi, rồi bảo vệ cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), vào Đại đội đặc công thuộc Trung đoàn Ngô Quyền, chinh chiến từ Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ, ông Quân không nhớ chính xác đã tham gia đánh bao trận, bị thương bao lần. Câu trả lời có lẽ là tấm áo quân phục dát ba chục tấm huân chương, trong đó 2 huân chương được trao ngay tại chiến trường. Chỉ lên đầu, nơi một mảnh sọ bị mất trong trận chiến ở gò Thì Thùng (Phú Yên), ông kể, năm 1966, khi Lữ đoàn dù 173 dùng trực thăng đổ quân xuống, quân ta từ địa đạo Thì Thùng chui lên, bất ngờ đánh giáp lá cà. “Quanh tôi, đồng đội hy sinh, bị thương. Tôi cũng bị pháo văng bể miếng sọ. Không thể để địch chiếm lợi thế, tôi xé áo buộc lại vết thương rồi gác trung liên ở giữa, các súng khác xung quanh, cứ thế chạy từ khẩu này sang khẩu khác nã đạn, trụ từ sáng đến chiều... Có lần, bị thương ở phổi, tôi xé áo nhét tạm để chiến đấu tiếp. Lúc sau thấy lạnh ở hông, thì ra còn 1 lỗ thủng khác, thế là lại xé áo nhét vào, cột chặt. Xong trận cũng vừa bất tỉnh”, ông Quân nhớ lại. Năm 1969, chiến đấu gần Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), đối đầu với hơn 1.000 địch, 150 xe, pháo, ông bị gãy xương sườn, đứt 3 khúc ruột, bị thương một mắt, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Trận đó, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất tại chiến trường. Ông cười hào sảng: “Tôi đánh trận mà không giết được giặc là không muốn ăn cơm! Khi cấp trên cho ra Bắc chữa trị, tôi nghĩ, đi bộ đội để chiến đấu, nên năn nỉ xin ở lại, đánh thêm trận nữa, thế là lại thêm 1 vết thương trên đầu”. Ngày 20-12-1971, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Anh hùng Nguyễn Đức Quân kể cho các cháu nghe về những chiến công  của mình thời chiến.

Anh hùng Nguyễn Đức Quân kể cho các cháu nghe về những chiến công của mình thời chiến.


Nắm đất nghĩa tình


Cho đến giờ, thương binh hạng 4/4 Phan Nhạn (quê Bình Định, ở Phước Long, Nha Trang) vẫn không quên 15 chuyến trên 7 con tàu không số với cương vị thợ máy, máy chính, càng không quên những “bến cảng lòng dân”. Ông kể, cuối năm 1964, ông Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu 41 được giao nhiệm vụ có mặt tại Vũng Rô đúng giao thừa. Nghĩ đến giao thừa được gặp bà con Phú Yên, cũng là quê ông Thạnh, tất cả đều chộn rộn. Mọi người tất bật chuẩn bị quà Tết, những món quà không có nhãn, như con tàu không số. Riêng ông và 1 đồng đội ngồi gói bánh chưng.


Đêm cuối năm, mưa phùn gió bấc, sau khi chia tay lãnh đạo, tàu 41 lặng lẽ vượt sóng lớn, lách tránh các tàu tuần tiễu của địch, đến chiều 30 tháng Chạp chuyển hướng vào bờ. Tầm 14 - 15 giờ, từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo phát hiện tàu địch. Tất cả vội vào vị trí. Chỉ huy cho tàu đổi hướng, đi song song để tránh tàu địch, đồng thời dàn cảnh sinh hoạt. Ông Nhạn mặc áo đông xuân, quần short, đội mũ lá, một tay cầm đàn mandolin, tay kia cầm chai rượu ngoại ngửa cổ uống, rồi ngoắc địch “sang uống rượu”. “Ngoắc chúng mà trong lòng tôi lo lắm, lỡ chúng sang thật thì lộ hết! Thật may, chúng không nghi ngờ, đi tiếp”, ông Nhạn chia sẻ. Gần 12 giờ đêm, tàu 41 thả xuồng, cũng vừa lúc thuyền của bến cập mạn tàu. Mọi người ôm nhau vui mừng. Bỗng, từ phía bờ, hàng loạt súng pháo nổ vang. Nhiều đèn dù xanh đỏ từ đồn phụt lên lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô. “Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta?”, tất cả lại sẵn sàng nghênh chiến. Bỗng, từ phòng báo vụ vang lên lời Bác Hồ chúc Tết. Giao thừa! Mọi người ôm chầm nhau nghẹn ngào. Cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ 1965 được tổ chức ngay trên nắp khoang hầm hàng ngụy trang sau khi đã bố trí các tổ bám chốt. Ngoài thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, thuốc lá, còn có cả cành đào Nhật Tân đỏ hồng khoe sắc bên nhành mai vàng của núi Đá Bia, khiến ai cũng xao xuyến.


Tối mùng 1 Tết, hầu hết dân công dầm mình dưới nước để kịp chuyển hàng. Vũ khí, thuốc men được bốc lên, cát trên bờ lại được đưa xuống thế chỗ để giữ ổn định khi tàu ra khơi. Một cô dân công cầm gói nhỏ bọc trong khăn tay, trao cho thuyền trưởng Thạnh: “Em gửi nắm đất Vũng Rô ra Bắc. Mảnh đất này đã nhiều lần bom đạn cày xới nhưng vẫn một lòng trung kiên. Nay có vũ khí miền Bắc đem vào, nhất định chúng em sẽ lập nhiều chiến công”. Cả tàu bùi ngùi xúc động. Tất cả đều hiểu, đem vũ khí là một phần, nhưng họ đã đem được tình cảm quân dân miền Bắc vào miền Nam. Nắm đất đó, sau này ông Thạnh đã trao cho Bảo tàng Hải quân.


Mãi tri ân


Sau bao câu nói hài hước về thương tích, tận lúc chia tay, cựu binh 79 tuổi Nguyễn Đức Quân mới trầm ngâm: “Ngày ấy, mở mắt là thấy lính Mỹ càn quét dân mình, không chiến đấu, sao bảo toàn được thành quả cách mạng?”.  

 

Anh hùng Phan Nhạn kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng  gắn bó với những chuyến tàu không số.

Anh hùng Phan Nhạn kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gắn bó với những chuyến tàu không số.

 
Trong căn nhà đơn sơ của ông Phan Nhạn có 2 bức hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt trang trọng trong tủ. Sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều sau những chuyến tàu va đập do bị dội bom, nhồi sóng liên tục. Dẫu vậy, ông vẫn giữ phong thái vững vàng, kiên nghị trong ánh mắt, nụ cười hiền hậu. Người cựu binh tâm sự: “Đất nước hòa bình, thống nhất lâu rồi, nhưng chúng tôi sao quên được những năm tháng đi biển giữa chiến tranh. Ở đó không chỉ có đại dương khó lường, đạn bom quân địch, mà còn có mồ hôi, sinh mạng của nhiều đồng đội. Vì vậy, tôi hiểu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mình vinh dự được nhận ngày 25-4-2015 có cả chiến công của đồng đội. Tôi luôn trân trọng tưởng niệm, tri ân suốt cuộc đời này”.


Thế hệ cháu con mãi tri ân và gìn giữ công sức của thế hệ cha ông. Bởi trong trái tim của những người mà tuổi thanh xuân đã đi qua giông bão chiến tranh ấy vẫn luôn rực cháy ngọn lửa cách mạng và niềm mong mỏi gìn giữ thành quả cách mạng, hòa bình, độc lập dân tộc.

 

Nguyễn Vũ - Văn Giang


 




Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, toàn tỉnh có 17 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng hiện nay chỉ 3 người còn sống là các ông: Bo Bo Tới, Nguyễn Đức Quân, Phan Nhạn. Họ đều có nhiều thành tích đặc biệt, đóng góp lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mỗi anh hùng là một tấm gương sáng, biểu tượng của lòng quả cảm, sự gan dạ, sáng tạo trong mỗi trận đánh. Sử liệu về chiến công của các anh hùng đều được lưu giữ để nghiên cứu, học tập và truyền dạy cho các thế hệ bộ đội.