Nhọc nhằn, vất vả và những ám ảnh về tai nạn đường sắt là những điều tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với các kiện tướng lái tàu. Có lẽ, chỉ có tình yêu những cung đường, con tàu và sân ga mới giúp họ vượt qua bao khó khăn để gắn bó trọn vẹn với nghề.
Nhọc nhằn, vất vả và những ám ảnh về tai nạn đường sắt là những điều tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với các kiện tướng lái tàu. Có lẽ, chỉ có tình yêu những cung đường, con tàu và sân ga mới giúp họ vượt qua bao khó khăn để gắn bó trọn vẹn với nghề.
Gian nan nghiệp lái
15 giờ 43, tàu HH9 kéo hồi còi thật dài báo hiệu lệnh chuyển bánh rời Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang. Trên khoang lái rộng chừng 3m2, mùi dầu Diesel xộc lên đặc quánh, hôi hám, tiếng máy nổ xình xịch rền vang, nhưng lái chính Nguyễn Phước Toàn vẫn điềm tĩnh giữ vô lăng, mắt quan sát không rời phía trước.
Trước giờ, tôi vẫn nghĩ nghề lái tàu chắc đơn giản bởi chỉ đi một đường thẳng tắp. Nhưng có đồng hành với các anh mới hiểu hết nỗi vất vả, hiểm nguy của nghề này. Năm 1995, anh Toàn thi đậu vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Trường Đại học Nha Trang), ngành Kinh tế thủy sản. Thế nhưng, chỉ vì đam mê lái tàu mà anh đã quyết định rời trường đại học trong khi cả gia đình phản đối. “Phía trước nhà tôi có chú làm nghề lái tàu hỏa. Có lần, tôi được chú cho đi tàu, cảm thấy rất thú vị khi được ngồi trên khoang lái, đi khắp đó đây. Vậy là chỉ sau 1 năm theo học đại học, tôi quyết định dừng lại rồi vào Dĩ An, Bình Dương học Trường Kỹ thuật nghiệp vụ đường sắt 2. 3 năm sau ngày ra trường, tôi về công tác tại Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang”, anh Toàn chia sẻ. Đến giờ, anh Toàn là người có thâm niên nhất ở phân xưởng với 22 năm cầm lái, 3 lần được phong kiện tướng lái tàu. Một vinh dự mà đời “cơ trưởng” hỏa xa ai cũng ước mong.
Nghiệp lái tàu đến với anh Trần Ngô Quốc cũng không phải tình cờ mà được nuôi dưỡng từ nhỏ. Anh Quốc có anh trai cũng là một lái tàu cự phách của Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang. Anh Quốc tâm sự: “Tôi chọn nghề lái tàu vì đã quá quen với tiếng máy nổ động cơ. Anh trai tôi bảo nghề này cực và nguy hiểm luôn rình rập nhưng tôi vẫn chọn, đơn giản vì tôi yêu những cung đường, con tàu và sân ga. Với nghề này, ai đã bước chân vào là phải thật sự yêu nghề, có sức khỏe, bản lĩnh để xử lý các bất trắc trong quá trình lưu thông trên đường”. Dù tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1983) nhưng anh Quốc cũng đã 2 lần được vinh danh kiện tướng lái tàu.
Tìm hiểu được biết, để trở thành một lái tàu không đơn giản. Các anh phải trải qua vòng tuyển chọn hết sức ngặt nghèo. Đầu tiên là 3 năm học tập tại trường nghiệp vụ đường sắt với đủ các khoa mục từ thông tin tín hiệu, sửa chữa máy móc tới lý thuyết vận hành đầu máy, toa xe. Ra trường, các anh sẽ bước tiếp vào giai đoạn mới cũng gian nan không kém, đó là làm lái phụ 1. Để được thi phụ lái 2, lái tàu phải có 20.000km an toàn và muốn được lái chính phải đạt 30.000km an toàn. Nếu không vượt qua được vòng sát hạch, lái tàu sẽ phải tiếp tục 3 năm nữa làm lái phụ 2 hoặc chuyển công tác khác.
Những nỗi ám ảnh
Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết các lái tàu đều cho biết, khi xác định theo nghề, họ đã sẵn sàng đối diện với những khó khăn, vất vả, đôi khi phải đánh đổi sức khỏe và tính mạng của mình. Khi lên buồng lái, ai cũng mong muốn đưa những chuyến tàu về ga an toàn, nhưng có người cả đời không thôi ám ảnh về những vụ tai nạn...
Đã 8 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về vụ tai nạn đường sắt khiến lái tàu Nguyễn Thành Đạt vẫn chưa thôi ám ảnh. “Năm đó, tôi là phụ lái tàu SE7, khi lưu thông đến đoạn huyện Cam Lâm tông vào một chiếc xe bồn băng qua đường sắt. Tôi và tài xế xe bồn bất tỉnh hoàn toàn. Khi tỉnh lại tôi mới biết mình bị nứt sọ, được đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Cả tháng sau tôi vẫn ám ảnh, cứ nằm ngủ là lại nghĩ đến tiếng còi tàu, tiếng bánh xe tàu hỏa phanh gấp đến rợn người và hình ảnh vụ tai nạn. Phải một thời gian rất dài, tôi mới trở lại bình thường và tiếp tục nghiệp lái tàu”, anh Đạt chia sẻ.
Những tai nạn đường sắt như vậy không hiếm, nó có thể đến bất cứ lúc nào bởi sự bất cẩn của người đi đường. Đến bây giờ, lái tàu Tô Anh Hải vẫn không thể quên vụ tai nạn khiến một người trong đoàn đi đám cưới tử vong do đoàn tàu của anh tông phải. “Lúc đấy khoảng 2 giờ chiều một ngày hè năm 2018, tàu chúng tôi đang lưu thông hướng từ Bình Thuận về Nha Trang, đến khu gian Hòa Tân - Cây Cầy (huyện Diên Khánh), bất ngờ một ô tô 7 chỗ không quan sát băng qua đường ngang có cảnh giới tự động và tông phải tàu. Vụ tai nạn khiến tài xế tử vong tại chỗ, 5 người bị thương. Đến giờ tôi vẫn luôn ám ảnh về vụ tai nạn đó”, anh Hải kể.
Anh Nguyễn Đức Hùng - Quản đốc Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang cho biết, hầu hết các vụ tai nạn đường sắt, lái tàu đều có thể nhìn thấy trước. Bởi họ ngồi ngay trên đầu máy nên có thể nhìn rõ cảnh một chiếc xe máy, ô tô, hoặc người đi bộ từ đường ngang chuẩn bị lao qua đường sắt. Những lúc như vậy dù kéo còi liên tục và giật phanh khẩn cấp, nhưng để đoàn tàu dừng lại được cũng phải mất 800m trượt trên đường ray. Đây thực sự là những vụ tai nạn bất khả kháng. “Chính vì chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối, đồng thời cũng là người đầu tiên phải đứng ra giải quyết nên ngoài chuyên môn nghiệp vụ, lái tàu còn phải có bản lĩnh, thần kinh thép mới trụ được với nghề”, anh Hùng bộc bạch.
Trăn trở phía sau tay lái
Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang hiện có 193 lái tàu, trong đó có 70 kiện tướng lái tàu. Theo quy định của ngành Đường sắt, một lái tàu thực hiện hành trình 120.000km an toàn và không để xảy ra vi phạm gì do lỗi chủ quan sẽ được phong kiện tướng. Để đạt được quãng đường an toàn này, lái tàu mất ít nhất 3 năm thực hiện. |
Gian nan, vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng các anh bảo… làm mãi cũng quen. Và ít ai biết rằng, đằng sau những chuyến tàu an toàn, đi đến nơi về đến chốn, đời lái tàu phải hy sinh rất nhiều tình cảm riêng tư.
“Cuối năm 2017, tôi cưới vợ được 3 ngày thì lên đường làm nhiệm vụ. Thời điểm này chỉ cách giao thừa 1 giờ, vợ chồng nhìn nhau nghẹn ngào. Tôi động viên và cũng nhận được sự đồng cảm sẻ chia từ vợ”, anh Quốc nói và cho biết, đời lái tàu phải chấp nhận những lúc như thế. Nếu Tết đến mọi nhà sum vầy thì những người lái tàu lại bước vào thời gian cao điểm nhất của năm. Số lần các anh được đón xuân cùng gia đình chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là đón giao thừa trên khoang lái.
Là một nghề đặc thù, có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên 55 tuổi là họ được nghỉ chế độ. Đặc thù là thế nhưng hiện nay, lương của nghề lái tàu thấp hơn so với mặt bằng chung các ngành nghề trong xã hội. Theo những lái tàu lâu năm, hiện nay, lương của họ được tính theo giờ. Lái tàu khách 1 giờ được trả 43.000 đồng và tàu hàng thì chưa đến 30.000 đồng. Bình quân 1 tháng lương của lái tàu từ 5,5 đến 8 triệu đồng. “Ở phân xưởng, người ít cũng gắn bó được với nghề 3 năm, người nhiều gần 30 năm. Với đồng lương ít ỏi như thế, chỉ có người thực sự yêu nghề mới gắn bó được lâu dài”, một lái tàu nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ.
Thành Nam