Gần gũi, nghĩa tình - đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với Đại tá Trần Văn Thà - nguyên Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 270) chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm xưa...
Gần gũi, nghĩa tình - đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với Đại tá Trần Văn Thà - nguyên Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 270) chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm xưa...
Ký ức không bao giờ quên
Đã nghe danh về Đại tá Trần Văn Thà từ lâu qua các bài báo, câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của ông. Nhưng đến dịp 30-4 vừa qua, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ ông tại gia đình ở số nhà 62 Phù Đổng (TP. Nha Trang). Ngồi trước mặt chúng tôi, người lính già vẫn giữ được nét nghiêm nghị, quắc thước, nhưng cũng rất giản dị, cởi mở. Ở độ tuổi 92, tinh thần ông vẫn còn minh mẫn, đôi chân dù có chậm, đôi tai đã không thính nhạy, nhưng khi được hỏi về đời lính của mình, về những người đồng đội năm xưa thì ông vẫn nhớ như in.
Lần tìm trong ký ức, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu đi theo Việt Minh: “Gia đình tôi có ông nội tham gia nghĩa quân Cần Vương đánh Pháp ở đèo Bánh Ít, cha tôi cũng tham gia đánh Pháp. Còn tôi, đi theo Việt Minh từ tháng 2-1945, đến giữa tháng 10 năm đó, tôi gia nhập đơn vị Lê Trung Đình (thuộc du kích Ba Tơ) do ông Lê Kính chỉ huy tham gia đánh Pháp ở mặt trận Nha Trang, Ninh Hòa, Đắk Lắk, Phú Yên… Từ những ngày đầu đứng dưới cờ Việt Minh, tôi đã thề hy sinh giành độc lập”. Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông được đưa ra miền Bắc để học tập và bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông kể về 930 ngày đêm đánh Mỹ, giữ đảo Cồn Cỏ tiền tiêu từ tháng 5-1965 đến tháng 12-1967. Trên cương vị Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, ông đã trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu mưu trí, dũng cảm. Ông đã bố trí lại thế trận phòng ngự, phương án tác chiến theo hướng đưa toàn bộ lực lượng ra xung quanh đảo để có thể tổ chức, xây dựng cả trận địa phòng thủ, trận địa bắn chi viện cho đội tàu thuyền chở hàng ra đảo và trận địa đánh biệt hải. Chính vì thế, khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ bao trên đảo lúc đó đã đánh địch ngoan cường, tiêu diệt nhiều tàu chiến, máy bay, biệt hải của quân Mỹ. Sau hơn 600 trận đánh lớn nhỏ, hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ thù, nhưng đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng. Chiến công của đảo Cồn Cỏ lúc bấy giờ đã thu hút nhiều văn nghệ sĩ đến để tìm hiểu thực tế và sáng tác. Trong đó, nổi bật nhất là tác phẩm Họ sống và chiến đấu của nhà văn Nguyễn Khải.
Đầu tháng 1-1968, ông được điều về Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 (thuộc Trung đoàn 270). Từ đảo vào đất liền làm nhiệm vụ, công việc đầu tiên của ông là tìm hiểu địa hình, địa bàn chiến đấu của đơn vị một cách thật chính xác, rõ ràng để đưa ra được những phương án đánh địch hiệu quả nhất. Và tại đây, chiến tích 108 ngày đêm (từ ngày 20-1 đến 8-5-1968) bóp nghẹt yết hầu Cửa Việt đã được ông cùng các đồng đội lập nên rạng ngời. Với 198 trận đánh lớn nhỏ, trong đó có 98 trận đánh với bộ binh, xe tăng thiết giáp Mỹ, ngụy đã tiêu diệt 650 tên ngụy, 346 lính Mỹ, bắt sống nhiều tù binh, bắn cháy 51 xe tăng và xe thiết giáp; đánh 55 trận với tàu địch trên sông Hiếu, bắn chìm 33 tàu vận tải, bắn cháy 1 tàu đổ bộ, 2 tàu tuần giăng, 1 tàu chiến, 1 tàu phá mìn; đánh 45 trận với không quân Mỹ, bắn cháy, bắn rơi 6 máy bay. Trong đợt 108 ngày đêm này, Tiểu đoàn 47 đã có 3 đồng chí được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. “Để có được những thành tích vẻ vang đó là sự hy sinh anh dũng của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trong Tiểu đoàn cũng như lực lượng vũ trang địa phương. Với cá nhân tôi, đó còn là những quyết định mang tính sống còn. Chẳng hạn, như việc không đồng tình với quyết định của tập thể là rút quân khỏi Cửa Việt chỉ sau 2 ngày tham chiến. Tôi đã kêu gọi chiến sĩ trong đơn vị tiếp tục bám trụ đánh địch và làm nên kỳ tích 108 ngày đêm Cửa Việt oai hùng”, Đại tá Trần Văn Thà kể.
Sau ngày miền Nam thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Đại tá Trần Văn Thà xin về công tác tại quê nhà Khánh Hòa. Ông được cử về Thị đội Nha Trang, Tỉnh đội Khánh Hòa và tiếp tục được thử thách qua cuộc chiến chống quân Khơme Đỏ ở Campuchia, chiến tranh biên giới phía bắc, diệt trừ Phun rô ở Tây Nguyên. Năm 1983, ông về hưu với quân hàm Đại tá và tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa với đồng đội, nhân dân.
Nghĩa tình đồng đội
Đi qua rất nhiều cuộc chiến trong đời binh nghiệp, điều khiến cho Đại tá Trần Văn Thà đau đáu nhất chính là những đồng đội đã hy sinh. Đầu năm 1976, khi cầm quyết định của Tổng Cục chính trị chuyển về công tác ở Quân khu 5, ông đã tranh thủ lên Đắk Lắk, vùng miền núi tỉnh Phú Yên để tìm kiếm hài cốt hai người anh, người bạn, người đồng chí của ông trong thời chống Pháp là liệt sĩ Trần Khắc Hóa (quê Nha Trang) và liệt sĩ Nguyễn Hề (quê Ninh Hòa). Hơn 20 ngày tìm kiếm giữa rừng sâu núi thẳm với bao vất vả, gian nan, ông cũng đã bốc được hài cốt của 2 liệt sĩ để vào ba lô và mang theo bên mình hàng tháng trời trước khi tìm được thân nhân để trao lại an táng về nơi cuối cùng.
Cũng với tình nghĩa đồng đội sâu nặng, đến năm 1989, ông lại tiến hành công việc đi tìm hài cốt những đồng đội, chiến sĩ đã hy sinh. Khi bắt đầu công việc, ông đã tự bỏ kinh phí của cá nhân để làm chỉ với tâm nguyện duy nhất là đưa các anh em về nơi an nghỉ cuối cùng bên người thân, gia đình. Dằng dặc 16 năm từ năm 1989 đến năm 2005, đôi chân của Đại tá Trần Văn Thà đã đi khắp các chiến trường xưa để tìm lại được hơn 560 bộ hài cốt của đồng đội. Trong đó, có 30 hài cốt liệt sĩ xác định được tên, tuổi, quê quán; 6 hài cốt liệt sĩ đã được gia đình đưa về quê nhà; 95 hài cốt liệt sĩ đã xác định chính xác là chiến sĩ của Tiểu đoàn, nhưng chưa rõ tên trên bia mộ đã được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ… Hành trình nghĩa tình đó đã để lại những câu chuyện vô cùng cảm động cho những ai từng biết. Như việc đi tìm mộ liệt sĩ, nhà báo Lê Đình Dư - phóng viên Báo Quân đội nhân dân hy sinh trong 108 ngày đêm Cửa Việt. Chính tay ông đã chôn cất liệt sĩ cùng chiếc ống kính máy ảnh, nhưng đến tháng 7-1999, khi ông trở lại cùng người thân liệt sĩ thì cảnh vật đã có nhiều đổi thay nên việc xác định vị trí trở nên rất khó khăn. Sau nhiều ngày tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng, những lời khấn nguyện tưởng như theo gió mây. Bỗng một buổi chiều, có người đàn ông đến cho biết từng đào được ngôi mộ có cái ống sắt xoay xoay. Và tất cả vỡ òa hạnh phúc khi xác định chính xác đây chính là di cốt của người liệt sĩ.
Với những người dân nghèo, Đại tá Trần Văn Thà còn được biết đến là một lương y khi ông đã khám, chữa bệnh cho nhiều người. Với kiến thức Đông y, trong những năm tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám của cựu chiến binh, nhiều bệnh nhân bị xơ gan, hen, bạch cầu cấp đã được ông chữa khỏi. Ông chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bằng cái tâm của người lính cụ Hồ, cũng như việc đi tìm đồng đội là trách nhiệm với những người đồng đội đã kề vai sát cánh, chung một chiến hào. Chia tay Đại tá Trần Văn Thà, trong chúng tôi cảm nhận được thật nhiều điều ý nghĩa. Tình người, tình đồng chí, bản lĩnh của người lính cụ Hồ đã soi sáng cho ông vượt qua biết bao gian nan, thử thách.
Giang Đình
- Đại tá Trần Văn Thà được xem là nguyên mẫu cho nhân vật Thục trong vở kịch Đại đội trưởng của tôi của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm.
- Ông là đồng đội và chỉ huy của các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Cao Lương Bằng, Lễ Hữu Trạc, Thái Văn A, Cao Tất Đắc, Cao Văn Khang, Lê Văn Bang, Bùi Hạnh, Nguyễn Tăng Mật, Lê Đình Dư, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Quang Thiêm.
- Năm 1973, Đại tá Trần Văn Thà vinh dự được thực hiện nhiệm vụ dẫn đường đưa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và lãnh tụ Cuba Fidel Castro đi thăm vùng giải phóng Quảng Trị.