12:04, 30/04/2020

Hòn Khói - Vùng đất chân mây

Một ngày cuối tháng 4, tôi về vùng đất Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa. Đường từ Quốc lộ 1 về Hòn Khói vừa được cải tạo "mượt như nhung" khiến anh bạn đồng nghiệp đi cùng cứ tấm tắc khen. 45 năm đã qua, kể từ ngày giải phóng, vùng đất Hòn Khói hôm nay đã đổi thay nhiều, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Một ngày cuối tháng 4, tôi về vùng đất Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Đường từ Quốc lộ 1 về Hòn Khói vừa được cải tạo “mượt như nhung” khiến anh bạn đồng nghiệp đi cùng cứ tấm tắc khen. 45 năm đã qua, kể từ ngày giải phóng, vùng đất Hòn Khói hôm nay đã đổi thay nhiều, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.


Những lát cắt lịch sử


Theo Lịch sử Đảng bộ thị xã Ninh Hòa, phong trào cách mạng ở Hòn Khói phát triển khá sớm. Chi bộ Hòn Khói được thành lập năm 1930, là một trong những chi bộ được thành lập sớm nhất của huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) của tỉnh. Ngày 15-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòn Khói, nhân dân trong vùng đã khởi nghĩa thành công, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Hòa.

 

Sau Cách mạng tháng Tám, khu vực Hòn Khói được chia thành các xã: Trịnh Phong (Ninh Hải), Xuân Phương (Ninh Diêm và Ninh Thủy), Phát Đạt (Ninh Phước). Chưa được bao lâu, giặc Pháp quay trở lại, lập nên nhiều đồn bốt để kiểm soát vùng Hòn Khói. Cuối năm 1947, chính quyền cách mạng quyết định nhập 3 xã, thành lập Ủy ban Kháng chiến hành chính Hòn Khói. Ngọn lửa cách mạng vẫn được nuôi dưỡng trong vùng đất muối, chỉ chờ dịp là bùng lên. Đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Triết (92 tuổi, đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở Ninh Diêm) vẫn nhớ những chiến công của thời kỳ ấy. “Tháng 5-1948, quân và dân vùng Hòn Khói phối hợp với bộ đội địa phương đột nhập đồn Thương Chánh - Hòn Khói, diệt đồn trưởng, bắt tù binh. Trận đánh đồn Thương Chánh được Liên khu 5 tặng Huân chương Chiến công hạng Ba”, ông Triết kể. Rồi đến tháng 7-1954, Đại đội Đặc công tỉnh, Đại đội 900 của huyện Ninh Hòa cùng lực lượng dân quân du kích một lần nữa tấn công hạ đồn Thương Chánh, góp phần giành chính quyền trở lại ở Ninh Hòa.


Những năm kháng chiến chống Mỹ, dù bị địch bố ráp ác liệt, nhưng lực lượng cách mạng vẫn bám trụ ở đây để gây dựng phong trào. Ông Nguyễn Bá Cường (75 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội vũ trang xã Ninh Diêm thời kỳ 1970 - 1975 nhớ lại: Từ một cơ sở cách mạng ở Ngân Hà đầu năm 1970, đến năm 1972, đội đã xây dựng được 22 cơ sở. Nhờ bám vào cơ sở, đội đã xây dựng lực lượng du kích rất mạnh, tổ chức nhiều đợt phục kích giết những tên ấp trưởng, các tên chỉ điểm khiến địch hoang mang. “Trong chiến tranh, nhiều người con của vùng Hòn Khói đã hy sinh. Chỉ riêng Ninh Thủy đã có đến 177 liệt sĩ, trong đó có 174 liệt sĩ hy sinh từ tháng 4-1975 trở về trước; phường có đến 25 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, ông Cường cho biết.

 

Cảng Hòn Khói - cửa ngõ giao thương của khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa

Cảng Hòn Khói - cửa ngõ giao thương của khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa

 

Theo dòng chuyện cũ, ông Cường nhắc đến Ninh Hải, nơi có nhiều gia đình có truyền thống cách mạng, trong đó có gia đình ông Trịnh Nhơn (tổ 1 Đông Hải). “Khi tôi sinh ra, 2 người chú ruột đã đi theo cách mạng, hy sinh trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đến thời chiến tranh chống Mỹ, 2 người anh ruột của tôi cũng lần lượt đi theo cách mạng rồi hy sinh… Sau này, cả bà nội và má tôi đều được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, ông Nhơn nhớ lại. Nhiều năm nay, năm nào vào ngày 30-4 gia đình ông Nhơn cũng làm bữa cơm ăn mừng ngày chiến thắng, cũng là một cách nhắc nhở thế hệ trẻ quý trọng cái giá của độc lập, thống nhất đất nước!


Đổi thay Hòn Khói


Về Hòn Khói hôm nay, mọi sự đều đổi thay đến ngỡ ngàng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, điện đường, trường trạm đầy đủ. Đường Hòn Khói nối Ninh Diêm và Ninh Hải, hai bên là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Cuối đường là cảng Hòn Khói tấp nập xe vào ra. Ninh Diêm hiện nay đã phần nào mang dáng dấp đô thị với nhà cửa khang trang, buôn bán sầm uất, có cửa hàng điện máy, thế giới di động, siêu thị Bách hóa xanh. Hiện nay, dự án Trung tâm Điện máy xanh cũng đang được triển khai ở Ninh Diêm. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ mặt kinh tế - xã hội của Ninh Hòa nói chung và vùng đông bắc gồm: Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy có sự phát triển vượt bậc. Không chỉ thay đổi về hạ tầng đô thị, các công trình xã hội, khu vui chơi giải trí cũng được đầu tư khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của 3 phường chỉ còn khoảng 1,4%, thấp hơn mức trung bình của thị xã là 1,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 42 đến 45 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân của thị xã.

 

Có lẽ, những người dân sống ở Hòn Khói hiểu hơn ai hết về sự đổi thay của vùng đất này. Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Triết vẫn nhớ như in hình ảnh ngày về lại quê hương vào năm 1976, sau hơn 20 năm xa cách kể từ khi tập kết ra Bắc. Từ Ninh Hòa, ông phải đi bộ về Hòn Khói. “Khi tôi về, bố mẹ đã mất, nhìn gia cảnh người anh trai và chị gái với mái nhà tranh, con cái nheo nhóc mà rưng rưng nước mắt”, ông Triết nhớ lại. Cả vùng Hòn Khói lúc đó chưa có điện, chỉ vài nhà có radio, đời sống của diêm dân, ngư dân còn rất khổ; dụng cụ sản xuất còn rất thiếu thốn. “Sau giải phóng, tôi làm Bí thư Đảng ủy xã Ninh Diêm, nhìn đời sống của xã viên cơ cực nhưng không làm gì được, mãi đến khi đổi mới, đời sống của người dân mới dần khá lên”, ông Triết kể. Tương tự, ông Nguyễn Bá Cường vẫn nhớ những ngày đầu giải phóng, cả Ninh Thủy chỉ có vài chiếc tàu nhỏ công suất cỡ 15CV đánh bắt gần bờ. Hiện nay, đời sống của người dân đã khác. Nhiều hộ gia đình đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ ra tận các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó gia đình ông Trương Quốc Bảo ở tổ dân phố Thủy Đầm có 3 chiếc tàu composite trị giá gần 20 tỷ đồng. Ở phường Ninh Hải, nhiều hộ gia đình như: Đặng Văn Hoa, Lê Hữu Hài, Hà Văn Bảo… cũng đã giàu lên nhờ nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Lãnh đạo phường Ninh Hải cho biết, bây giờ, đời sống người dân không chỉ no đủ mà nhiều gia đình đã mua được ô tô, cất nhà 2 - 3 tầng. Số lượng lao động trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp ngày càng giảm, nhiều người chuyển sang buôn bán, làm nhân viên du lịch, công nhân.

 

Ông Nguyễn Văn Triết kể chuyện lịch sử cách mạng với thế hệ trẻ của Ninh Diêm.

Ông Nguyễn Văn Triết kể chuyện lịch sử cách mạng với thế hệ trẻ của Ninh Diêm.


 

Hòn Khói là tên dân gian của vùng đất thuộc tổng Phước Hà Ngoại, huyện Quảng Phước. Khi ấy, Hòn Khói gồm các làng: Ðông Hà (Rớ), Ðông Hòa (Xóm Bà Ðỏi), Ðông Hải (mũi Hòn Khói), Ðông Cát (xóm Cát), Bình Tây (xóm Ðò), Thạnh Danh, Phú Thọ và Bá Hà (Cồn Cạn). Đến năm 1910, Phước Hà Ngoại nhập vào huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa. Vùng đất Hòn Khói gồm: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Phước và Ninh Vân.

Nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong, Hòn Khói đang được định hướng phát triển mạnh về lĩnh vực công nghiệp, xây dựng - dịch vụ du lịch. “Thiên nhiên đã ban tặng cho Hòn Khói nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến đây để tìm hiểu đầu tư các dự án công nghiệp, du lịch. Ngoài Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực, trên địa bàn đang có nhiều dự án lớn triển khai như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Ninh Phước), Khu Công nghiệp Ninh Thủy, Khu dịch vụ hậu cần dầu khí (Ninh Hải), Khu du lịch TTC (Khu du lịch Dốc Lết trước đây), Khu nghỉ dưỡng Pax Ana… Vấn đề là phải phát triển làm sao để hài hòa, tránh sự xung đột giữa hai lĩnh vực công nghiệp và du lịch”, ông Thạnh chia sẻ.


Chiều về, tôi ra bãi biển Dốc Lết. Đang mùa dịch Covid-19, bãi biển vắng khách trở nên yên bình tuyệt đẹp. Những dải cát dài trắng phau, mặt biển xanh ngắt một màu. Dự án Khu du lịch TTC Resort Premium với 400 phòng nghỉ đang vào giai đoạn hoàn thiện, hứa hẹn sẽ đem đến những mùa du lịch sôi động. Đứng trước biển lồng lộng gió, tôi chợt nhớ những câu thơ đầy sức sống của Quốc Sinh: “Sẽ viết bài tình thơ Hòn Khói hôm sau/Thức dậy con đường giữa lòng nô nức/Gió Vân Phong nồng tràn lồng ngực/Chảy khắp cánh đồng muối sáng như gương”.


XUÂN THÀNH