Những năm gần đây, do hạn hán, năng suất thấp, giá cả bấp bênh… khiến người trồng mía trong tỉnh liên tiếp bị thua lỗ nặng. Từ một cây trồng chủ lực của các địa phương trong tỉnh, cây mía dần nhường đất cho các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, kéo theo các nhà máy đường cũng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.
Những năm gần đây, do hạn hán, năng suất thấp, giá cả bấp bênh… khiến người trồng mía trong tỉnh Khánh Hòa liên tiếp bị thua lỗ nặng. Từ một cây trồng chủ lực của các địa phương trong tỉnh, cây mía dần nhường đất cho các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, kéo theo các nhà máy đường cũng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Nếu ngành chức năng, các địa phương, người trồng mía không chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để tăng năng suất thì còn lâu nông dân mới tìm lại được “vị ngọt” của cây mía đường.
Thua lỗ, nông dân bỏ mía
Giữa cái nắng như đổ lửa, gạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt xạm đen, ông Hoàng Văn Thanh - người trồng mía ở xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm cho biết: “Trồng mía cả năm mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Gia đình tôi có 3ha đất trồng mía, năm nào đạt được 60 tấn/ha, nhưng bán cho thương lái chỉ được 25 đến 30 triệu đồng/ha, mới đủ chi phí đầu tư. Năm nay, người trồng mía thua lỗ nặng, năng suất rất thấp, chỉ đạt chừng 25 tấn/ha, bán cho thương lái chưa đến 20 triệu đồng/ha”. Ông Thanh cho rằng, nếu bán trực tiếp cho nhà máy đường giá sẽ cao hơn, được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Lâu nay, những hộ trồng mía diện tích ít thường phải bán qua đầu nậu, bởi như thế sẽ không gặp trục trặc gì. “Liên tục 4-5 năm nay, năm nào người trồng mía cũng thua lỗ. Vì vậy, không chỉ tôi mà nhiều hộ khác cũng bỏ mía, hộ có tiền đầu tư thì trồng xoài, hộ ít vốn thì trồng mì”, ông Thanh nói.
Qua các vùng trồng mía trọng điểm ở thị xã Ninh Hòa như: Ninh Tân, Ninh Xuân, Ninh Tây…, đến đâu cũng gặp thông tin rao bán đất mía. Bây giờ, trang trại chăn nuôi, rừng keo, vườn cao su, rẫy mì… đã thay thế dần cho cây mía. Ngồi nghỉ mệt dưới tán keo đã 4 năm tuổi tiếp giáp với ruộng mía vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Thành (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi có 7,6ha mía, do không hiệu quả nên 4 năm trước, tôi đã chuyển đổi 3ha sang trồng keo. Niên vụ này, nắng nóng kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến cây mía còi cọc, năng suất giảm còn 50% so với niên vụ trước, thu chẳng bù chi nên tôi quyết định bỏ toàn bộ diện tích mía này để tìm cây khác về trồng. Tôi đang dự định sẽ cày bỏ 3,6ha mía còn lại để trồng xoài hoặc mít”.
Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, niên vụ mía 2019 - 2020, toàn xã chỉ còn 2.338ha mía, giảm 200ha so với niên vụ trước, do nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây keo, mì. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, liên tục trong những năm gầy đây, diện tích mía trên địa bàn tỉnh giảm mạnh; cây mía đã nhường đất cho các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, mỗi năm có hàng trăm héc-ta đất mía được chuyển đổi. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 18.984ha mía thì đến nay, diện tích mía giảm 2.823ha, còn 16.161ha.
Nhà máy hụt nguyên liệu
Năng suất, sản lượng mía nguyên liệu giảm đã kéo theo hoạt động của 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn. Năm nay, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa thiếu nguyên liệu đầu vào nghiêm trọng. Năng suất mía giảm đến 40% nên mía nguyên liệu không đủ cung cấp cho nhà máy. Đầu vụ, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa ước tính sẽ ép khoảng 400.000 tấn mía, nhưng thời điểm hiện tại chỉ đạt 200.000 tấn. Trong đó, vùng nguyên liệu trong tỉnh chỉ cung cấp được khoảng hơn 100.000 tấn mía. Ông Thái Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cho biết, với tình hình này, sang năm không biết lấy mía đâu để ép. Năm trước, công ty phải thu mua và ép đến hết tháng 5, nhưng năm nay chỉ khoảng 1 tuần nữa là không còn mía để ép.
Đây cũng là tình cảnh chung của Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar). Mặc dù công suất của Vietsugar đạt 10.000 tấn mía/ngày, nhưng nhà máy phải hoạt động với công suất thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Đến thời điểm hiện tại, vụ ép đã kết thúc do hết nguyên liệu. Ước tính niên vụ này, vùng mía của tỉnh cung cấp chưa tới 200.000 tấn mía cho Vietsugar, trong khi năng lực sản xuất của đơn vị này có thể đạt tới 1,2 triệu tấn mía/vụ.
Khó khăn không dừng ở đó, theo lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1-1-2020, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước trong khối ASEAN. Như vậy, giá đường trong nước sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, vùng nguyên liệu mía đường trong nước đang sụt giảm về chất lượng lẫn số lượng. Điều này đặt ra bài toán nan giải cho các nhà máy đường.
Nút thắt cần gỡ
Nhiều nhà nông cho biết, thực ra người trồng mía vẫn có thể gắn bó được với cây mía, nhưng nút thắt ở đây là phải tăng được năng suất. Đã hơn 20 năm gắn bó với cây mía, các nhà máy đường trong tỉnh đã qua bao phen đổi chủ sở hữu, nhiều hộ trồng mía xung quanh đã bỏ mía để chuyển sang trồng keo, trồng chuối… nhưng ông Nguyễn Văn Thành (xã Ninh Tân) vẫn quyết định dành một phần diện tích 3ha trồng mía. Ông Thành phân tích, năm nay tuy nắng hạn nhưng nhờ rẫy mía nằm cạnh suối, nên trong giai đoạn mía phát triển ông vẫn bơm, tưới bổ sung được 2 đợt. Nhờ đó, năng suất mía đạt chừng 50 tấn/ha, sau khi trừ chi phí ông vẫn lãi được khoảng 10 triệu đồng mỗi ha. “Muốn nâng cao năng suất, nông dân không thể làm được mà phải liên kết, nhận đầu tư từ nhà máy cả giống, phân bón, máy móc, kỹ thuật canh tác… Tuy nhiên, tôi được biết mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm tại Khánh Hòa đã đổ vỡ do các bên không tìm được tiếng nói chung”, ông Thành cho hay.
Trước những khó khăn của người trồng mía, những năm qua, chính quyền các địa phương như: Cam Lâm, Ninh Hòa, Diên Khánh… đã định hướng chuyển đổi nhiều diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác, chỉ phát triển cây mía ở những nơi phù hợp. Bước đầu sự chuyển đổi này ở các địa phương đã mang lại hiệu quả. “Chúng tôi xác định chỉ duy trì diện tích mía dưới 8.000ha, đây là những khu vực nông dân có thể đầu tư để tăng năng suất. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà máy đường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật, máy móc vào canh tác để tăng hiệu quả đầu tư, nâng năng suất mía”, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa chia sẻ.
Đại diện các nhà máy sản xuất, chế biến đường cho rằng, để tồn tại ngành mía đường phải tái cơ cấu. Trong đó, điều cốt lõi là phải nâng được năng suất và chữ đường của cây mía. Bởi, với năng suất bình quân từ 40 đến 50 tấn/ha, lượng đường thu về thấp, rất khó để bà con có được thu nhập cao từ cây mía. Không những vậy, hầu hết diện tích trồng mía là sở hữu của nông dân, quy mô gia đình, phân bố chủ yếu vùng đất gò, đồi nên khó áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh cơ giới hóa tại các vùng trồng mía. Mới đây, công ty mua 40 máy móc về hỗ trợ bà con nhằm giảm chi phí nhân công lao động. Đối với vùng đất cằn cỗi, công ty đang hướng dẫn bà con trồng theo phương pháp mía hố để tập trung dinh dưỡng, nâng cao năng suất”. Cũng theo ông Việt, để nâng cao năng suất cây mía không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Có như vậy mới giảm được chi phí giá thành còn 50% so với cách làm hiện nay.
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước những khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đường và người trồng mía cần phải thay đổi để tồn tại. Đối với các vùng đất bằng có nước tưới, bà con cần liên kết với doanh nghiệp để được cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Phải nâng được năng suất mía lên 80 tấn/ha, chứ 40 đến 50 tấn/ha như hiện nay là không có lãi. Các nhà máy đường có thể chủ động trong giảm giá thành sản phẩm bằng cách tạo lập kênh phân phối của chính mình. Có như vậy mới có thể kiểm soát, bình ổn được giá đường trong nước. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu nhập khẩu giống mía, nâng cao chất lượng chữ đường nhằm tăng năng suất mía, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất đường giúp giảm giá thành đường.
NHÓM PV