10:03, 17/03/2020

Gieo mầm đam mê…

Điều thú vị ở các á khoa kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay là mỗi em có một tính cách, một sở trường riêng, nhưng đều có điểm chung là mê… học. Mỗi em đều xác định rõ mục tiêu phấn đấu của mình và không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy.
 

Điều thú vị ở các á khoa kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia năm nay là mỗi em có một tính cách, một sở trường riêng, nhưng đều có điểm chung là mê… học. Mỗi em đều xác định rõ mục tiêu phấn đấu của mình và không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy.
 
Ham học… 
 
Sau thành tích trở thành HS đầu tiên của Khánh Hòa đạt á quân tại vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19, cái tên Nguyễn Hải Đăng, lớp 12 chuyên Sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) trở nên nổi tiếng. Không lâu sau đó, Đăng còn giành “cú đúp” với giải nhì môn Sinh học kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020. Cũng trong kỳ thi này, cậu bạn thân của Đăng từ thời cấp 2 là Nguyễn Nhâm Tấn, lớp 12A6 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đạt giải nhì ở môn Tin học, hoàn thành lời tuyên bố trước đó của cả hai: “Nếu không đạt giải kỳ thi HS giỏi quốc gia thì nghỉ chơi với nhau nhé!”. 

 

Hải Đăng (bên phải) và Nhâm Tấn trao đổi bài học.
Hải Đăng (bên phải) và Nhâm Tấn trao đổi bài học.

Trước đó, cả Đăng và Tấn đều “sưu tầm” cho mình khá nhiều giải thưởng ở nhiều cuộc thi các cấp. Đăng từng đạt huy chương đồng và bạc môn Sinh học Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 (kỳ thi HS giỏi hàng năm dành cho HS khối 10 và 11 các trường chuyên khu vực phía nam), giải ba môn Sinh học kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh năm lớp 11 và giải nhì tỉnh năm lớp 12. Tấn từng đạt giải ba kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh môn Tin học, giải nhất cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi Giải Toán trên máy tính casio, giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia hội thi “Tin học trẻ”... Tuy nhiên, cả hai cho rằng mình không phải là những “mọt sách” vì vẫn dành thời gian để giải trí, nghe nhạc, lúc chơi… game, lâu lâu lại gặp nhau để tán gẫu, xả stress. Đăng cười dí dỏm: “Nhiều lúc đang chơi game, em phải lấy sách ra học để… giải trí. Việc học quan trọng nhất là tinh thần tự học, có thể học ở bất kỳ mọi nơi, mọi lúc. Theo em, các bạn HS cần có một môi trường học tập thoải mái, hạn chế kiểu nhồi nhét và tạo áp lực. Học và chơi đều cần phải hài hòa mới có thể tăng cường khả năng sáng tạo. Em tự học bằng cách thường đặt câu hỏi trước những vấn đề xảy ra xung quanh mình rồi tự tìm câu trả lời cho câu hỏi đó”. 

 

Lê Minh Khang thực hành dạy học.
Lê Minh Khang thực hành dạy học.
 
Em Lê Minh Khang, lớp 12 chuyên Lý Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng cho rằng, ý thức tự học là điều quan trọng nhất. Cùng với đó là đặt ra mục tiêu để làm động lực phấn đấu. Cậu bạn luôn tạo cho mình sự thoải mái với việc học, không gây áp lực cho mình. Kể về con, bà Trần Bảo Khanh, mẹ Khang rất đỗi tự hào: “Bố mẹ không bao giờ phải nhắc nhở Khang học, bởi học tập với Khang là niềm đam mê, thích thú. Nhiều hôm thấy con học bài tới khuya, tôi phải nhắc Khang đi ngủ sớm”. Ham học, nên việc Khang đạt được bảng thành tích đáng nể trong suốt nhiều năm học là điều không khó hiểu: đứng top đầu lớp về điểm tổng kết các năm học; đạt huy chương vàng môn Vật lý kỳ thi Olympic truyền thống 30-4, giải nhì kỳ thi HS giỏi tỉnh năm lớp 11 và giải nhất cấp tỉnh, giải nhì quốc gia năm lớp 12.
 
Còn với Lê Thái Tuyết Nhi, lớp 12 Văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, văn học lại là niềm đam mê của em từ nhỏ. Lớn hơn, tiếp xúc nhiều với môn Văn, Nhi càng yêu thêm môn học này qua từng trang sách. Nhi chia sẻ: “Nhiều bạn cho rằng môn Văn khó học, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu chúng ta có đam mê, chịu khó tìm tòi, nghiền ngẫm thì rất dễ dàng nhận ra văn học rất thú vị. Em thích câu nói “văn học là nhân học”, “là tấm gương phản chiếu thực tế xã hội”. Đọc “văn” là hiểu được “người”.” Ngoài việc nắm vững kiến thức trên lớp, Nhi còn tìm mua những cuốn sách văn học nâng cao, các tác phẩm phê bình văn học, những cuốn tiểu thuyết hay. Mỗi khi gặp một mẩu chuyện, đoạn văn hay, em lại nghiền ngẫm, gạch chân ghi lại những dòng chữ tâm đắc. Được biết, cô bạn từng đoạt huy chương bạc môn Văn tại Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4, giải ba môn Văn cấp tỉnh năm lớp 11 và giải nhì môn Văn cấp quốc gia năm lớp 12... 
 
… để nuôi dưỡng đam mê
 
Sau biến cố gia đình, Nguyễn Nhâm Tấn sống với mẹ và 2 chị từ năm lớp 1. Cuộc sống khó khăn, công việc buôn bán của mẹ từng không đủ để trang trải chi phí nuôi 3 anh em ăn học. Bù lại, cả 3 anh em Tấn đều chăm chỉ học hành và đạt được những kết quả tốt, là món quà động viên mẹ. Chị gái, một kỹ sư công nghệ thông tin chính là người truyền cảm hứng cho Tấn đối với môn Tin học. Cậu bạn chia sẻ, mình yêu thích lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và mong muốn thiết kế được những đồ dùng có thể làm thay công việc cho con người. 
 
Hải Đăng lại đặc biệt trăn trở trước những vấn đề môi trường phức tạp và biến đổi khí hậu hiện nay. Đăng chia sẻ: “Em từng có thái độ tiêu cực đối với một số người có hành vi phá hoại môi trường. Nhưng giờ đây, em chuyển hướng sang việc lý giải vì sao họ lại làm như vậy để tìm cách giải quyết.” Đăng từng cùng với một bạn sáng lập ra nhóm Rebiro, thực hiện việc thu gom vỏ bút bi, thay ruột mới rồi bán lại với giá thấp để khuyến khích mọi người hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường. Đăng cũng đã vạch sẵn kế hoạch cho tương lai của mình là tìm kiếm một suất học bổng du học. Sau thời gian học, Đăng sẽ làm việc ở nước ngoài từ 5 đến 10 năm rồi quay trở về Việt Nam, dùng nguồn quỹ đã tích lũy được trong thời gian đó để thực hiện những dự án về môi trường. “Em đặt ra đích đến cuối cùng là gì, còn chặng đường đi đến đích dù nhanh hay chậm không quan trọng. Tuy nhiên, em luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thành mục tiêu sớm hơn thời hạn đề ra”, Đăng cho biết. 

 

Lê Thái Tuyết Nhi có niềm đam mê học Văn và gặt hái được nhiều thành công.
Lê Thái Tuyết Nhi có niềm đam mê học Văn và gặt hái được nhiều thành công.
 
Trong kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 26 giải, trong đó có 4 giải nhì, 7 giải ba, 15 giải khuyến khích. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả giáo dục mũi nhọn của tỉnh những năm gần đây có tiến bộ hơn so với trước cả về số lượng và chất lượng. Thành tích của Đăng, Tấn, Khang, Nhi nói riêng và của các HS nói chung đã tạo tiền đề cho những bước phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Tiếp tục đầu tư có trọng điểm, đầu tư sâu cho các trường, lớp giáo dục mũi nhọn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong những năm học tiếp theo 
 
Phòng học của Khang luôn có sẵn một tấm bảng lớn để cậu thực hành… dạy học. Đôi khi, bố mẹ, bà ngoại và cô em gái đóng vai những “học trò” nghe “thầy giáo” Khang say sưa giảng bài. Cậu HS có chiều cao 1m82 và chất giọng trầm ấm, tác phong từ tốn ấy nom không khác gì một giáo viên trẻ thực thụ. Khang kể, ước mơ trở thành thầy giáo được Khang ấp ủ ngay từ khi còn bé cho đến tận bây giờ. Các thầy cô ở trường, với những bài giảng hấp dẫn đã truyền lửa, giúp Khang thêm yêu nghề giáo, yêu môn Vật lý. Cậu cũng từng được cô giáo cho “thử nghiệm” làm giáo viên để giảng bài môn Vật lý cho lớp. Khang chia sẻ: “Được tuyển thẳng vào đại học, em chọn ngành Sư phạm Vật lý của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để hiện thực hóa ước mơ của mình. Mong muốn của em là sau này có thể trở về Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nơi em từng học để tiếp tục truyền dạy kiến thức cho các thế hệ sau”. 
 
Hiện Tuyết Nhi là trưởng ban nội dung của Prom Lê Quý Đôn, một sân chơi do các HS của trường lập ra để tổ chức các hoạt động theo từng chủ đề, em mong muốn tổ chức những hoạt động mang dấu ấn cá nhân, có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói đối với cộng đồng. Thông qua các hoạt động đó, Nhi được truyền thêm cảm hứng và luôn ấp ủ sau này có thể quay về trường giúp cho đội tuyển Văn ở ngôi trường mình từng theo học có nhiều hơn những trải nghiệm thực tế. Bởi theo Nhi, hiện nay hoạt động ngoại khóa của HS chuyên Văn còn hạn chế, nhiều bạn chưa có nhiều cơ hội cọ xát với thực tế xã hội. Cô bạn có tính cách hướng ngoại này dự định sẽ chọn ngành truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để theo học sau khi tốt nghiệp THPT. 
 
Có dịp gặp gỡ các á khoa kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học này, chúng tôi luôn cảm phục trước những thành tích và nỗ lực học tập của các em. Mong rằng những mục tiêu, khát vọng các em đặt ra sẽ gặt hái được quả ngọt. Và với những chia sẻ của các á khoa sẽ là bài học, kinh nghiệm cho nhiều HS trên địa bàn tỉnh học tập.
 
Giang - Ngân