Khi những cành mai, cành đào ở đất liền vẫn chưa khoe sắc thì quân, dân trên quần đảo Trường Sa đã chuẩn bị đón mùa xuân mới. Tết nơi đầu sóng thật đặc biệt nhưng vẫn đầy đủ hương vị Tết cổ truyền.
Khi những cành mai, cành đào ở đất liền vẫn chưa khoe sắc thì quân, dân trên quần đảo Trường Sa đã chuẩn bị đón mùa xuân mới. Tết nơi đầu sóng thật đặc biệt nhưng vẫn đầy đủ hương vị Tết cổ truyền.
Tết về theo những chuyến tàu
Tới thăm các đảo nổi như: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông hay đảo chìm như Đá Nam, Đá Thị... chúng tôi đều thấy rộn ràng không khí chuẩn bị đón Tết. Tết ở các đảo tiền tiêu, Tết của những người lính xa nhà, dù không được quây quần bên mâm cơm với người thân, nhưng các anh vẫn cảm thấy ấm cúng bên đồng đội và người dân nơi đây. Giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, Tết Nguyên đán ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ngoài lương thực, thực phẩm được mang ra từ đất liền, không thể thiếu mai, thiếu quất. Ngồi ngắm chậu hoa lan được đặt ngay ngắn trên bàn thờ Bác Hồ, Thượng tá Đậu Đình Dân - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây tâm sự: “Trường Sa bao giờ cũng đón Tết sớm hơn đất liền. Khi những chuyến tàu bắt đầu chở quà ra Trường Sa, cũng là lúc quân dân biển đảo vui xuân mới. Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ, chẳng khác đất liền. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Song Tử Tây và các đảo nổi khác giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm thì tham gia hái hoa dân chủ. Chỉ khác đất liền là không được đi hái lộc xuân, không được cùng người thân quây quần nấu bánh chưng bên bếp than hồng”.
Ngay khi những chuyến tàu cập cảng để chuyển quà và thực phẩm, không khí ở tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa đều rộn ràng. Đi đến đâu cũng thấy mọi người tất bật chuẩn bị làm thịt heo, ngâm gạo nếp, lau lá dong… Tết là dịp để quân và dân trên đảo có điều kiện xích lại gần nhau hơn. Ngồi lau lá dong, chị Nguyễn Thị Lan, hộ dân số 3 trên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Tết ở đảo nhưng vẫn có gói bánh chưng, đi chùa lễ Phật và rất nhiều trò chơi dân gian khiến chúng tôi cảm thấy đỡ nhớ đất liền. Mỗi chiếc lá dong, mỗi món quà mà đất liền gửi ra như mang theo hơi ấm và tình cảm của đồng bào cả nước. Dù đã 3 lần đón Tết trên quần đảo Trường Sa, nhưng năm nào tôi cũng cảm thấy Tết nơi đây thật đặc biệt. Đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi”.
Hương vị quê nhà
Mặc dù đón Tết sớm nhưng ngay khi bình minh vừa ló rạng, cán bộ, chiến sĩ đã chỉnh tề trong quân phục mới nhất, đi chùa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Trung sĩ Trần Trung Đức (quê ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, công tác trên đảo Song Tử Tây) lần đầu tiên đón Tết xa nhà hồ hởi khoe: “Tuy đây là lần đầu tiên ăn Tết ở đảo nhưng em cảm thấy rất ấm cúng. Đơn vị mới, vùng đất mới nhưng tất cả rất thân quen, tình cảm. Từ cán bộ cho đến chiến sĩ đều như một đại gia đình. Cảm xúc này quá đặc biệt đối với em”.
Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng, hy sinh của lính đảo hòa vào sóng nước. Nếu trong đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Bánh chưng gói lá bàng vuông không chỉ đặc biệt bởi vị chát ngọt của loại lá mà còn mang hương vị mặn mòi của biển, trở thành đặc sản chỉ lính đảo Trường Sa mới có. Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn - Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết: “Bây giờ, các đảo đều có lá dong đem từ đất liền ra để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn cảm thấy đặc biệt hơn. Trong mỗi cái bánh chưng ấy có tinh thần thép của người lính đảo”.
Đón Tết ở những đảo nổi như: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… tuy vất vả nhưng dù sao vẫn còn may mắn hơn so với những đảo chìm với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều. Vì điều kiện đảo chật chội, không tổ chức được nhiều hoạt động nên nỗi nhớ Tết đất liền càng trở nên da diết hơn. Đại úy Bùi Thanh Hải, hiện công tác ở đảo Đá Thị vẫn nhớ những kỷ niệm đón Tết ở đảo Núi Le B. Dù đơn vị và anh em chiến sĩ trên đảo cố gắng tạo không khí và những món ăn mang hương vị Tết nhưng giữa mênh mông biển cả khiến ai cũng nhớ nhà da diết. Anh Hải kể thời khắc giao thừa dù đã cố gắng mạnh mẽ nhưng khi vợ điện ra hỏi thăm anh vẫn không nén được cảm xúc vì nỗi nhớ vợ, con.
Thiêng liêng Tết Trường Sa
Không chỉ có bánh chưng bằng lá bàng vuông, Tết của lính đảo còn có mâm ngũ quả với đu đủ, dừa, chuối và quả tra. Tất cả những thứ trái cây được bàn tay và công sức của quân, dân trên quần đảo tự trồng. Hàng loạt hoạt động trong những ngày đầu năm được tổ chức. Các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, lắc thúng bắt vịt hay kéo co được các chiến sĩ trẻ tham gia một cách hào hứng.
Giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động. Tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin tuyệt đối. Trong thời khắc quan trọng, trái tim của những người lính đều hướng về Tổ quốc, về các anh hùng liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì quần đảo thiêng liêng giữa ngàn khơi. Binh nhất Nguyễn Trường Khang (sinh năm 1999, quê Hải Hậu, Nam Định, công tác trên đảo Nam Yết) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được đón Tết trên đảo. Được tham gia gói bánh chưng, quây quần bên đồng chí, đồng đội, em cảm thấy rất tự hào và thú vị. Với em, đón Tết Trường Sa thật thiêng liêng. Giữa bốn bề sóng nước nhưng có những ngày xuân ấm tình đồng đội khiến em cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ Tết truyền thống bên gia đình, người thân”.
Đêm cuối năm, tiếng đàn ghi ta bập bùng giữa bộn bề sóng nước. Mọi người cùng cất tiếng hát từ trái tim mình: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”. Lời hát như một lời thề của người lính đảo với đất nước, Tổ quốc mình trong thời khắc đón năm mới.
Đình Lâm