20 năm qua, từ vòng tay ấm áp của các mẹ, các dì, các cậu ở Làng trẻ em SOS Nha Trang, các em nhỏ đã mạnh khỏe phát triển và tự tin trưởng thành.
20 năm qua, từ vòng tay ấm áp của các mẹ, các dì, các cậu ở Làng trẻ em SOS Nha Trang, các em nhỏ đã mạnh khỏe phát triển và tự tin trưởng thành.
Ngôi làng bình yên
Đó là ngôi làng vừa thân thuộc, vừa đặc biệt. Cảm giác thanh bình khi bước qua cổng làng, dạo bước trên lối đi giữa những hàng cau, bông sứ. Buổi sáng, ánh nắng lấp lánh xiên qua tán cây, mái ngói, rọi xuống những khu vườn rực rỡ sắc hoa trước nhà. Đâu đó, vọng lại tiếng hát, tiếng cười của mấy em nhỏ mầm non; tiếng đọc bài râm ran từ lớp học tiếng Anh. Buổi chiều, khi mặt trời đổ bóng sau những hiên nhà, trên sân, mấy bạn nam đá banh, mấy bạn nữ chơi cầu lông. Vài bạn tập xe đạp, cua tay lái điệu nghệ trong tiếng vỗ tay cổ vũ của các em nhỏ. Trong các nhà, mấy bà mẹ lúi húi nấu bữa tối...
Gần đến ngày kỷ niệm 20 năm thành lập làng, không khí càng náo nức. Ngày cuối tuần, góc làng rộn ràng vang lên bài ca truyền thống: “Như cánh chim non từ khắp bốn phương trời, về đây chung sống trong tình thương mái ấm. Yêu làng trẻ em SOS Nha Trang...”. Trần Thị Hương Thảo (lớp 5) hồn nhiên giới thiệu: “Ở làng con, nhà vừa có số, vừa có tên, đều là tên loài chim. Con ở nhà số 5, là nhà chim Chào mào; nhà số 2 là nhà chim Họa mi; nhà số 6 là nhà chim Se sẻ...”.
Đến nhà chim Chào mào, chúng tôi gặp mẹ Phan Thị Loan đang giục bé Trần Quốc Dũng (lớp 2) đi tắm rồi ăn cơm. Mẹ Loan khoe: nhà có 2 con được nhận học bổng, 1 con đứng nhất lớp 11. Vừa rồi, chị lớn Lâm Thị Yến Nhi (25 tuổi) xuất giá. Cả nhà rộn rịp lo thuê làm cổng cưới, chuẩn bị hồi môn, may váy áo, bận mà vui, lúc đón dâu xong mới cảm thấy nhớ con... Chuyện mẹ Loan kể bình thường như những câu chuyện thường được các bà mẹ chia sẻ, nhưng lại rất đặc biệt bởi các mẹ ở làng đều là mẹ nuôi.
Ấm áp tình mẹ con
20 năm trước, hồi mới nhận nhà, mẹ Loan có 10 đứa con, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ mới 1 tuổi rưỡi. Làm mẹ của 10 đứa con, công việc rất vất vả. Có lần, ôm đứa con sốt cao đi viện, mẹ khóc suốt dọc đường. Lại có giai đoạn, để cậu con trai hết ham chơi điện tử, ngày ngày, con đi học trước, mẹ lặng lẽ theo sau, chắc chắn con vào lớp mới về. Con đi học về trễ là mẹ lo đi tìm, có hôm lang thang tới 1 - 2 giờ sáng. Tìm về rồi, mẹ lại rủ rỉ khuyên. Lúc con cãi lời, chống đối, mẹ chỉ biết nín lặng, chờ đêm đến, ra vườn khóc; nhưng hôm sau vẫn khuyên con tiếp... Cứ như vậy, 20 năm qua, mẹ Loan đã nuôi 24 trẻ, hiện chăm 7 cháu. “Có lúc nghĩ lại, tôi tự hỏi sao mình gan quá vậy!”, mẹ Loan đùa.
Bên thềm nhà chim Họa mi, chị em Cao Thị Mỹ Y và Cao Đường đang chơi vui đùa. 5 tuổi, nhưng Đường mới 7kg, người nhỏ thó. 2 năm trước, khi mới tiếp quản nhà 1 năm, mẹ Lê Thị Kim Huê nhận chị em Đường. Lúc đó, 2 chị em đều suy dinh dưỡng, riêng Đường suy dinh dưỡng nặng, bàn tay toàn xương, đứng chưa vững. Mẹ Huê vẫn nhớ bữa trưa đầu tiên, mẹ cho 2 chị em ăn cơm với thịt kho tôm. Tô cơm đầu tiên, Y xúc cho Đường ăn hết luôn và đòi ăn nữa. Nhưng thấy Đường yếu xìu, mẹ không dám cho ăn nhiều một lúc nên chỉ cho thêm chút ít, rồi chờ đến 14 giờ cho ăn tiếp. 2 chị em lại ăn hết 1 tô nữa!. Rồi mẹ gom lá thơm trong vườn nấu nồi nước tắm cho cả hai. Nhưng Đường tắm xong vẫn hôi. Mấy ngày sau, mẹ mới phát hiện 2 tai Đường chảy mủ, nên mang em đi khám. “Bác sĩ vệ sinh tai, lấy ra một mẩu sắt, liền mắng tôi lơ là, để thủng tai con mới mang tới chữa! Nghe vậy, tôi chỉ biết ra chỗ khác lau nước mắt! Sau này, xem hồ sơ, biết cháu vừa được làng nhận nuôi, bác sĩ mới thông cảm với tôi”, mẹ Huê bùi ngùi nhớ lại.
Việc chăm sóc Đường sau đó cũng không dễ dàng. Màng nhĩ bị hỏng nên Đường rất khó học nói. Vất vả, nhưng đến một ngày, Đường gọi tiếng đầu tiên “Dì ơi!”, mẹ Huê mừng phát khóc. Bé Y lỏn lẻn trả lời chúng tôi: “Mẹ đẻ con uống rượu miết... Con muốn ở với dì Huê”. Còn Đường không trả lời, ôm sách, bá cổ mẹ Huê, đòi kể chuyện.
Ngày vào làng, Huỳnh Minh Anh 23 ngày tuổi, nhỏ xíu. Hàng đêm, mẹ Nguyễn Anh Thư canh giờ cho uống sữa, thay tã. 15 - 16 tháng tuổi, Minh Anh biết nói, mẹ lắp ghế lên xe đạp, đi đâu cũng chở con theo. “Hôm đó trời mưa, tôi dặn cháu ở nhà, đừng theo mẹ kẻo ướt, nhưng cháu nói rất đáng yêu: Mẹ lái xe, con cầm ô!”, mẹ Thư kể. Minh Anh luôn đinh ninh mẹ Thư là mẹ đẻ. Sau này biết sự thật, Minh Anh buồn đôi chút, rồi càng quấn quýt mẹ Thư hơn... Giờ đây, nghỉ hưu đã 4 năm, nhưng cứ gần Tết, mẹ Thư lại xin đón Minh Anh về ăn Tết cùng. “Tôi xin đón cháu về để trò chuyện, tranh thủ chút thời gian mẹ con gần nhau, cảm nhận con đang lớn dần. Tôi luôn mong cháu sớm trưởng thành và có ngày được người thân tìm nhận lại, vậy mới trọn vẹn”, mẹ Thư thổ lộ.
Rồi con sẽ trưởng thành
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Làng trẻ em SOS Nha Trang là thành viên Làng trẻ em SOS Việt Nam. Qua 20 năm hoạt động, mô hình gia đình thay thế tại làng đã thực sự trở thành mái ấm yêu thương cho những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác, giúp các em trưởng thành, tự tin bước vào đời, hòa nhập cộng đồng. Đây chính là thành quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các con của các mẹ, các dì, cán bộ, nhân viên, giáo viên tại làng 20 năm qua. |
Về dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập làng, điều dưỡng viên Lê Thị Mỹ Nga rơm rớm nước mắt nhớ lại ngày đầu vào làng, khi em mới 10 tuổi, mất mẹ sớm, cha cũng qua đời sau tai nạn giao thông. Nga được sống cùng mẹ Võ Thị Bạch Mai ở nhà số 14, nhà chim Vành khuyên. Mẹ Mai đã hướng Nga theo nghề điều dưỡng, mong sau này em có thể tự lo cho bản thân. “Ngày em nhận bằng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cũng là ngày biết mẹ Mai bị ung thư. Không lâu sau, mẹ qua đời... Em luôn thầm cảm ơn mẹ Mai, cảm ơn các dì, các cậu ở làng đã cho em một mái ấm gia đình”, Nga bày tỏ.
Ông Lê Hùng Nghệ - Giám đốc làng cho biết, làng chính thức khánh thành ngày 28-12-1999; đến năm 2000 có thêm Trường Mầm non SOS Nha Trang. 20 năm qua, làng đã chăm sóc, nuôi dưỡng 376 trẻ; gồm 175 trẻ đang quản lý, 78 trẻ được nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, hòa nhập cộng đồng (39 em đã lập gia đình) và 123 trẻ tái đoàn tụ gia đình. 100% trẻ đều được học hết THPT, đậu tốt nghiệp THPT và học tiếp hoặc đi học nghề; nhiều em được nhận học bổng. Làng cũng duy trì các lớp năng khiếu; tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, văn hóa, thể thao; nhiều trẻ tham gia các giải thể thao cấp quốc gia đã giành giải cao. Hiện tại, làng có 25 em đang học nghề chuyên môn; 13 em thực hiện chương trình bán tự lập; 1 em thực hiện chương trình tìm việc. Thời gian tới, các bà mẹ, bà dì, cán bộ, nhân viên, giáo viên toàn làng sẽ tiếp tục đoàn kết, toàn tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi trước lúc chia tay, Ngô Quang Nam (tốt nghiệp Học viện Âm nhạc, Huế) bùi ngùi: “Các mẹ, các dì đã dành trọn tình yêu thương để dạy dỗ, nuôi dưỡng chúng em. Em luôn cảm ơn mái nhà thân thương SOS Nha Trang và khao khát trở thành người có ích”.
TIỂU MAI - THANH TRÚC