11:11, 19/11/2019

Chăm bẵm ước mơ hòa nhập

Không đứng trên bục giảng, chưa từng biết đến nghỉ hè, đó chính là các thầy cô hỗ trợ hòa nhập cho trẻ khuyết tật, người đã đồng hành cùng trò trong giờ học, giờ chơi, thậm chí bữa ăn, giấc ngủ... Từ năm này sang năm khác, các thầy cô vẫn miệt mài, chăm bẵm ước mơ cho trẻ hòa nhập.
 

Không đứng trên bục giảng, chưa từng biết đến nghỉ hè, đó chính là các thầy cô hỗ trợ hòa nhập cho trẻ khuyết tật, người đã đồng hành cùng trò trong giờ học, giờ chơi, thậm chí bữa ăn, giấc ngủ... Từ năm này sang năm khác, các thầy cô vẫn miệt mài, chăm bẵm ước mơ cho trẻ hòa nhập.
 

Sốc... nghề

Học trò đầu tiên mà cô Trương Thị Thanh Thúy tiếp cận là một học trò tự kỷ không có ngôn ngữ. Em liên tục la hét chói tai tưởng chừng không biết mệt, rồi bất ngờ “bốp”, ném đồ trúng mặt cô với lực rất mạnh!. “Lúc đó, tôi thực sự bị choáng và sợ hãi”, cô Thúy nhớ lại. Sau này, hỗ trợ cho M.K, cô cũng hoang mang không kém vì K. chỉ nói tiếng Anh, không nói tiếng Việt, có nhiều hành vi cần xử lý, cơ chân tay yếu ớt...


Còn cô Đàm Thị Thế Dương thì không sao quên cảm xúc ban đầu lúc còn học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang - ngành Giáo dục đặc biệt: “Lần đầu đi kiến tập, thấy các em nhỏ bị down tới ôm ghì cô, nước miếng chảy nhễu nhão, rồi đột ngột sờ... ngực mấy bạn đi cùng, tôi run bắn, nghĩ sao mình lại chọn ngành này!”. Ra trường, nhận hỗ trợ học trò đầu tiên, vừa ngồi học được một lúc, em nằm lăn ra đất, khóc ngằn ngặt, chân tay giãy đạp liên hồi, làm cô phát hoảng, lúng túng không hiểu mình đã làm điều gì không đúng; tự dưng các kỹ năng được học muốn bay sạch!.

 

Cô giáo Đàm Thị Thế Dương cùng học trò đến trường.

Cô giáo Đàm Thị Thế Dương cùng học trò đến trường.


“Nhưng dần dần, được học các phương pháp tiếp xúc với trẻ, khoảng cách giữa mình và trẻ thu hẹp dần, từ đó không còn sợ nữa, và lại thấy thương mấy em nhiều hơn”, cô Dương chia sẻ. Cô Thúy cũng dần thấy các bạn nhỏ dễ thương, có cảm xúc và có thể chơi cùng nếu biết cách.


Nghề nhọc nhằn


7 giờ, cô Dương bắt đầu từ khu Ba Làng đến đón T.P ở đường Lê Hồng Phong, chở đi ăn sáng rồi về nhà cô học và ăn trưa cùng, sau đó cô trò cùng nhau tới Trường THCS Võ Thị Sáu (phường Phước Long), đến 17 giờ 30, cô Dương mới chở P. về, hoàn thành công việc một ngày. Cứ vậy, trời nắng cũng như mưa, suốt 6 năm qua, từ khi P. học lớp 1 (8 tuổi), cô giáo bé nhỏ đó đã chở cậu học trò dần trở thành thanh niên tới trường học. So với khi bắt đầu can thiệp, lúc P. chưa đi học (7 tuổi), giai đoạn đưa P. đến trường hòa nhập vất vả hơn nhiều, bởi ở trường không chỉ tiếp xúc với một cô giáo, một bạn và phải ngồi học cả buổi. Để P. quen với trường, cô Dương phải mất 6 - 7 tháng dẫn P. đi chơi, dạo bộ, tiếp xúc mọi người. P. bị hạn chế về ngôn ngữ, khó phát âm, nên tương tác cũng bị hạn chế. Những lúc P. muốn thể hiện điều gì đó mà không thể nói ra hoặc người nghe không hiểu, P. sẽ nổi cáu, nhéo, bấu người khác. Cánh tay cô Dương có khi bầm tím vì P. phản ứng tiêu cực. Khi bị bắt làm điều không thích, P. thường la hét dữ dội. Vì thế, trên lớp, cô Dương phải nắm bắt tâm lý, hễ thấy P. có phản ứng mệt mỏi, khả năng ghi nhớ, tập trung đã tới hạn thì cô lại xin phép cho P. ra ngoài vận động một lát. Giờ ra chơi, cô lại thành “thông dịch viên” giúp thầy cô, bạn bè hiểu P. hơn.

 

Thầy Nghĩa cùng trò Đ.L “đi học” tại Trường THCS Lý Thường Kiệt.

Thầy Nghĩa cùng trò Đ.L “đi học” tại Trường THCS Lý Thường Kiệt.


Ngành giáo dục chuyên biệt không nhiều nam; càng hiếm thầy đi hỗ trợ hòa nhập cho học sinh nữ. Thầy Cao Hữu Nghĩa là một trong số ít đó. Năm 2015, thầy nhận hỗ trợ Đ.L. Lúc đó, L. được chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ nặng, bị ảnh hưởng cả tình cảm, nhận thức, tri giác. L. phản ứng rất mạnh về cảm giác, không cho ai đụng chạm. Mỗi ngày, thầy Nghĩa đều dành thời gian massage, chườm nóng lạnh…, giúp L. giảm dần sự nhạy cảm quá mức. Sau 2 tháng, người khác mới có thể chạm vào tay bé. Để dẫn L. đi chơi, kiềm chế được sự hiếu động, liên tục chạy từ chỗ này đến chỗ kia sờ mó, thầy phải dùng nhiều phương pháp để cố gắng dạy L. ngồi yên trong vài phút. Từ từ, từng chút một, sau này, L. mới có thể ngồi yên cùng thầy. Dẫn L. đến Trường THCS Lý Thường Kiệt hòa nhập, thầy Nghĩa không chỉ giúp em tiếp nhận kiến thức mà còn giúp em biết chào khi gặp người lớn, biết chấp nhận bạn chơi cùng, hoặc đơn giản là biết đến giờ thì được ra chơi. “Cũng có lúc tôi rất nản, nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Mình dành cả tuần, có khi nửa tháng để tập một bài tập nhận thức đến khi L. nhuần nhuyễn. Nhưng khi triển khai bài tập mới, ôn lại bài cũ, dường như cháu không nhớ gì. Nhưng nhìn lại quá trình mình đã bỏ công theo học trò, tôi lại tự hỏi bỏ đi thì mọi cố gắng giúp trò ra sao?. Nghĩ vậy, tôi lại quyết tâm”, thầy Nghĩa chia sẻ.


Niềm vui và mong mỏi đồng cảm


Trong tâm sự của các thầy cô, chúng tôi cảm nhận những vất vả khó khăn dường như chẳng thấm gì so với mong mỏi nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu của gia đình, cộng đồng để cùng hỗ trợ trẻ thiếu may mắn. Không ít lần, cô Dương phải nghe thắc mắc “sao không đưa em ấy vào trường chuyên biệt (trường dành cho trẻ khuyết tật), để em học cùng sẽ ảnh hưởng đến các bạn”. Trong khi đó, mỗi trẻ tự kỷ có vấn đề khác nhau về nhận thức, hành vi, không phải cứ đưa trẻ tự kỷ vào trường chuyên biệt sẽ giúp trẻ tốt hơn. “Hồi P. học lớp 1, tôi đang mang bầu. Lúc đó, nhiều người quở mang bầu mà dạy mấy đứa khuyết tật thì con sẽ bị vậy; mấy bà bầu còn né xa trẻ khuyết tật vì sợ bị lây... Lúc đó, tôi rất buồn vì hiểu biết hạn chế đó, nhưng tôi vẫn gắn bó với P. Và con gái của tôi giờ đã 4 tuổi, rất ngoan, ham học hỏi. Tôi chỉ mong mọi người hãy mở lòng, yêu thương trẻ tự kỷ nhiều hơn thay vì xa lánh, lạnh nhạt”, cô Dương ao ước.

 

Cô Thúy và trò M.K tại Trường Tiểu học Phước Long 2.
Cô Thúy và trò M.K tại Trường Tiểu học Phước Long 2.

 

Cô Thúy cũng từng muốn bỏ nghề khi cô báo trước xin nghỉ một thời gian vì gia đình có chuyện riêng thì bị phụ huynh giữ lương lại và nói: “Em về, con chị ai lo?”. Có lần, một phụ huynh còn lo lắng hỏi trò của cô có đánh, cắn bạn và lo ngại trò này đến gần con họ. Một trong những đặc điểm nổi bật của trẻ tự kỷ là hành động máy móc, lặp đi lặp lại, luôn làm đúng quy trình được dạy, nhưng cô từng bị nhân viên nhà trường “mắng vốn” vì trò đi vệ sinh không xả nước!

 

Nhưng cho dù có áp lực hay từng chán nản, chỉ một sự tiến bộ nhỏ của trẻ cũng khiến các thầy cô có động lực gắn bó với nghề. Cô Dương nhớ rõ cảm giác tự hào khi trò P. hoàn thành được bài văn ngắn tả mẹ năm lớp 4; hay khi P. có thể cùng đi siêu thị, lấy đồ, đến đúng nơi tính tiền; biết đến giờ đi học, dậy đánh răng, rửa mặt, thay đồng phục, đeo khăn quàng, đi giày, mang cặp... Đó chính là động lực để cô tiếp tục làm việc và theo học liên thông tại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh vào cuối tuần. Cùng M.K đi hòa nhập tại Trường Tiểu học Phước Long 2, cô Thúy không sao quên được lần thấy cô bật khóc sau khi nghe điện thoại, M.K đã nhìn rất lâu, rồi lẳng lặng lấy giấy lau nước mắt cho cô, đứng cạnh tới khi thấy cô cười mới đi chỗ khác. Lần khác, cô giáo chủ nhiệm cho đổi vở chấm bài của bạn, M.K có thể nhận ra bạn kẻ ô nhận xét bị xéo và kẻ cho thẳng lại. “Tôi rất tự hào vì thấy trò mình bắt kịp được các bạn. Điều này cũng nhờ trò được vào trường hòa nhập”, cô Thúy nói. Vì vậy, tuy lo lắng về khả năng công việc bấp bênh nhưng cô Thúy vẫn khẳng định không bao giờ bỏ trẻ.


Cô Thiều Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt chia sẻ: “Chúng tôi từng nói với các phụ huynh khác rằng, không bậc cha mẹ nào mong muốn con mình khuyết tật. Nhưng khi bác sĩ đã nhận định trẻ khuyết tật đó có thể hòa nhập, nếu các phụ huynh không thông cảm, nhà trường không tạo điều kiện, thầy cô không yêu thương, thì các trẻ này không bao giờ có cơ hội tiến bộ”. Cùng tâm lý đó, những năm qua, ban giám hiệu nhiều trường học đã dang tay đón học sinh khuyết tật hòa nhập và còn cho phép thầy, cô hỗ trợ hòa nhập trẻ tại lớp. “Thầy cô hỗ trợ hòa nhập có thể giúp trẻ làm từng việc nhỏ nhất như phân biệt màu sắc, học các động tác vận động đơn giản, làm quen với trường, thầy cô, bạn bè…, nhưng tất cả vẫn chỉ là nền tảng. Bạn bè, người thân, nhà trường, mọi người xung quanh mới là đòn bẩy giúp trẻ hòa nhập tốt nhất với cuộc sống”, cô Thúy tâm tình.


MAI - NHIÊN