Khi xây nhà, cần những thợ xây lành nghề, còn tháo dỡ nhà cũ lại cần những người gan dạ. Nhiều người gọi vui những người thợ tháo dỡ nhà cũ là đội quân… phá công trình. Thế nhưng, có chứng kiến họ làm việc, mới thấy đời thợ… "phá công trình" lắm hiểm nguy và chông chênh như chính công việc của họ.
Khi xây nhà, cần những thợ xây lành nghề, còn tháo dỡ nhà cũ lại cần những người gan dạ. Nhiều người gọi vui những người thợ tháo dỡ nhà cũ là đội quân… phá công trình. Thế nhưng, có chứng kiến họ làm việc, mới thấy đời thợ… “phá công trình” lắm hiểm nguy và chông chênh như chính công việc của họ.
Hiểm nguy rình rập
7 giờ, chúng tôi theo chân tổ thợ gồm 6 người do ông Hà Quốc Việt (50 tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) làm đội trưởng tới “khai tử” căn nhà 3 tầng trên đường Hoàng Văn Thụ (phường Phương Sài). Đồ nghề của họ khá đơn giản, chỉ vài chiếc máy khoan, máy đục, máy cắt sắt, búa tạ. Sau khi kiểm tra công trình, tổ thợ di chuyển đưa đồ nghề lên sân thượng và kéo dây điện để bắt đầu công việc. Vừa cắm mũi đục vào máy, ông Nguyễn Văn Vinh cho biết: “Làm nghề này phải dạn, không sợ độ cao. Cảm giác đứng chênh vênh trên bức tường cũ không có dây đai để khoan phá chính khối bê tông mình đang đứng không phải ai cũng làm được”.
Rất nhanh chóng, lần lượt từng người một chọn những vị trí mặt sàn bê tông để khoan trước. Chỉ sau vài giờ, mặt sàn tầng thượng của căn nhà đã được tổ thợ khoan thủng để lộ ra cốt thép. Từ dưới đất nhìn lên, những người thợ đứng chênh vênh trên khung dầm nhà đã trống hoác khiến tôi sợ thay cho họ. “Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và dạn dĩ. Mới vào nghề, ai cũng run lắm, nhưng rồi cũng quen được với cảm giác chông chênh giữa trời. Mỗi lần phá dỡ xong 1 công trình, anh em an toàn là vui mừng lắm rồi. Dù vất vả, nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên anh em động viên nhau làm việc, bám nghề”, ông Việt chia sẻ.
Tại một căn nhà 5 tầng trong con hẻm 17 đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang), tổ thợ gồm 7 người của ông Huỳnh Văn Công cũng đang cặm cụi làm việc. Mặc dù trời nắng chát chúa, bụi mù mịt, những người thợ ở đây không đeo khẩu trang, áo cũ thô sờn phủ trắng lớp bụi. Trên tay ông Công là chiếc máy khoan đầu lắp mũi đục to như cái xà beng dài hơn hai gang tay, trọng lượng dễ đến gần một nửa cơ thể được ông dùng hết sức dũi vào lớp bê tông dày hàng chục phân. Thấy chúng tôi, ông la to: “Đừng vào đây, nguy hiểm lắm, đợi một lát tôi ra”. Dứt lời, ông lại đưa chiếc máy khoan cắm mũi đục vào dầm nhà để phá trong tiếng gầm rú của động cơ và tiếng va đập chát chúa. Toàn thân ông từ các khớp xương, thớ thịt như gắn liền với cỗ máy rung lên bần bật.
Câu chuyện giữa tôi với ông Công bị ngắt quãng bởi trong tốp thợ có người bị mảng bê tông rơi trúng vào cánh tay. Ông Công vội chạy vào kiểm tra, rồi quay ra tiếp tục câu chuyện dang dở: “May quá, anh em chỉ bị trầy xước nhẹ. Cái nghề này nó thế đấy, suốt ngày tiếp xúc với sắt thép, bê tông, chuyện chảy máu như thế nhằm nhò gì. Làm nghề này nguy hiểm, bởi luôn phải thao tác trên cao, đối mặt với tường đổ, trần rơi. Đã có không ít người bị gãy chân, gãy tay rồi”. Đến nay, tốp thợ của ông Công đã có gần 100 người bỏ việc vì sợ nguy hiểm.
Tổ thợ của ông Việt cũng đã có hơn 200 người lần lượt bỏ nghề. Ngoài sự cực nhọc, nguy hiểm luôn rình rập, việc hít bụi từ các vật liệu trong quá trình phá dỡ cũng là mối nguy hiểm mà những người thợ phải đối mặt. Ông Huỳnh Văn Tấn, một thợ phá dỡ chia sẻ: “Biết rằng hít bụi ảnh hưởng sức khỏe, nhưng cái nghề này không thể đeo khẩu trang được. Bởi vì trong quá trình làm, mồ hôi chảy ra nhiều khiến khẩu trang bị ướt sũng, bụi bám dày gây khó thở. Đồng thời, mọi người cũng không thể lắp dây đai an toàn được. Vì công trình phá dỡ không có giàn giáo nên nếu lắp dây đai thì khi công trình đổ xuống sẽ kéo theo mình vào đống đổ nát”. Do thường xuyên làm việc trong môi trường bụi nên đa số những người thợ phá dỡ công trình mà chúng tôi tiếp cận đều mắc các bệnh về mắt và đường hô hấp như viêm phổi, viêm xoang, đau mắt.
Cần được coi là một nghề chính thức
Ông Việt kể, 20 năm trước, thấy nhu cầu phá dỡ công trình cũ khá lớn, ông và các thành viên lập tổ thợ hành nghề. Mỗi công trình, tùy thuộc vào diện tích, độ cao, vị trí thuận lợi hay khó khăn để định giá phá dỡ. Với một công trình 3 tầng, có diện tích hơn 100m2, tổ thợ phá dỡ từ 20 đến 25 ngày. Làm ngày nào ghi công ngày đó, trung bình mỗi ngày được 500.000 đến 600.000 đồng/người. Dù tiền công cao, nhưng việc tuyển dụng lao động cũng rất khó khăn, bởi không phải ai cũng chịu được áp lực và sự vất vả của nghề này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có những công ty chuyên nghiệp nghề tháo dỡ công trình, chỉ có khoảng 10 tổ thợ lập nhóm hành nghề. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề phá dỡ công trình thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, đa số những người làm nghề này đều không được trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định nên mối nguy hiểm luôn rình rập. Phần lớn người làm nghề không được ký hợp đồng lao động, không được tham gia các loại bảo hiểm và không được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tâm sự với chúng tôi, bản thân những người làm công việc này cũng hiểu và ý thức về sự nguy hại đến sức khỏe, tính mạng mà họ đang phải đối mặt. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn. Thế nhưng, vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nên họ phải bám nghề.
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nghề phá dỡ công trình mới thịnh hành những năm gần đây. Do vậy, vẫn chưa có bất kỳ trường nghề nào đào tạo loại nghề này. Bên cạnh đó, phần lớn những người hành nghề hiện nay đều là lao động tự do, lập tổ thợ nhận việc để làm và chưa có loại hình doanh nghiệp hành nghề chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn lao động cho những người hành nghề này chưa được các ngành chức năng quan tâm, thực hiện. “Trước nhu cầu thực tế, hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu và định hướng cho các trường nghề tổ chức đào tạo loại nghề phá dỡ công trình. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra và yêu cầu, hướng dẫn các tổ thợ đăng ký thành lập công ty hành nghề có tính pháp lý. Từ đó, mới có phương án, kế hoạch hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tránh để xảy ra những sự cố tai nạn đáng tiếc…”, ông Tri cho hay.
V.G