Thiếu kinh phí để hoạt động, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm... nên trung tâm học tập cộng đồng nhiều nơi hoạt động cầm chừng, thậm chí chỉ mang tính hình thức…
Thiếu kinh phí để hoạt động, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm... nên trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) nhiều nơi hoạt động cầm chừng, thậm chí chỉ mang tính hình thức…
40% Trung tâm hoạt động kém hiệu quả
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi tới văn phòng TTHTCĐ xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) - được bố trí trên tầng 2 của trụ sở UBND xã thì thấy văn phòng đóng cửa. Hỏi các phòng, ban bên cạnh thì được biết, văn phòng này thường xuyên đóng cửa, có khi mấy tháng mới mở cửa một lần do không có ai làm việc tại đây.
Ông Lương Ngọc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Bình, Giám đốc TTHTCĐ xã cho biết, ban giám đốc đều là kiêm nhiệm nên ít có mặt ở đây. Các hoạt động của trung tâm cũng đều tổ chức tại hội trường xã hoặc các trường học. Mỗi năm, trung tâm mở hơn 10 lớp tuyên truyền nhưng chủ yếu dành cho đối tượng học sinh với các chủ đề về phòng, chống bạo lực học đường, đuối nước, ma túy. “Đối với lĩnh vực tập huấn, tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội cho nông dân, phụ nữ, thanh niên, việc mở lớp và mời báo cáo viên rất khó. Trong khi đó, các đoàn thể cũng có những lớp tập huấn với các báo cáo viên có chuyên môn, do đó các lớp mà trung tâm mở ra không đạt hiệu quả”, ông Việt nói.
Đây cũng là tình trạng chung của các TTHTCĐ khác trong tỉnh. Được biết, mỗi năm, TTHTCĐ được ngân sách cấp kinh phí 44 triệu đồng để hoạt động. Tuy nhiên, chỉ tính riêng tiền lương của ban giám đốc, thủ quỹ đã chiếm hơn 60% kinh phí, kinh phí hoạt động chỉ còn hơn 16 triệu đồng. Trong đó, kinh phí trực tiếp cho các hoạt động chuyên đề là 12,3 triệu đồng. Với kinh phí ít ỏi này, việc hoạt động của phần lớn các trung tâm rất mờ nhạt, thậm chí mang tính hình thức.
Theo số liệu điều tra năm 2016 của nhóm thực hiện đề tài cấp tỉnh “Nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” (do Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến - Hội Trí thức tỉnh làm chủ nhiệm), toàn tỉnh có 137 TTHTCĐ thì gần 40% trung tâm hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, có 15 trung tâm chỉ tổ chức các lớp học, báo cáo các chuyên đề cho từ 100 đến 400 người dân/năm. Có 73 TTHTCĐ có phòng làm việc, 64 trung tâm chưa có phòng làm việc; 16 trung tâm có trụ sở hoạt động; 121 trung tâm chưa có trụ sở hoạt động; phần lớn các hoạt động của TTHTCĐ tổ chức ở hội trường UBND xã, phường, thị trấn.
Hướng đi mới
Gần 20 năm qua, tỉnh đã thiết lập được hệ thống TTHTCĐ - một trong những cơ sở giáo dục đào tạo cho người dân có cơ hội được thường xuyên học tập. Năm 2000, khi mới thành lập, mỗi trung tâm chỉ được cấp 20 triệu đồng; năm 2012 tăng lên 38 triệu đồng và từ năm 2013 đến nay được cấp 44 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với những hạn chế nhất định, TTHTCĐ ở nhiều nơi chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Tháng 3-2018, đề tài “Nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh” đã xây dựng mô hình TTHTCĐ - VHTT điểm (trên cơ sở hợp nhất TTHTCĐ và trung tâm VHTT) tại 4 địa bàn gồm: phường Vạn Thạnh (Nha Trang); xã Diên Thọ (Diên Khánh); xã Khánh Thành (Khánh Vĩnh); xã Ninh Ích (Ninh Hòa). Hơn 10.040 người dân đã được học văn hóa, tuyên truyền phổ biến kiến thức và tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao tại 4 TTHTCĐ - VHTT điểm. |
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến, đề xuất thành lập một mô hình hoạt động mới trên cơ sở hợp nhất TTHTCĐ với trung tâm văn hóa thể thao (VHTT) là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực hoạt động của 2 trung tâm này. Thực tế cho thấy ở một số địa phương, việc hợp nhất này bước đầu đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
Chúng tôi có mặt tại TTHTCĐ - VHTT (trước đây là TTHTCĐ) phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang, đúng lúc trung tâm đang có các lớp học về kỹ năng sống cho học sinh nên không khí khá nhộn nhịp. Lớp học do trung tâm phối hợp với các cơ sở kinh doanh và các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức. Bà Nguyễn Thị Hồng Vinh - Chủ tịch UBND phường Vạn Thạnh, Giám đốc TTHTCĐ - VHTT cho biết, sau hơn 1 năm (từ tháng 3-2018) đi vào hoạt động, mô hình mới đã đạt được nhiều kết quả. Nổi bật là thời gian quan trung tâm đã tổ chức chuyên đề về phòng cháy chữa cháy, thu hút đông đảo nhân dân trong phường quan tâm, từ đó tích cực hưởng ứng phong trào “nhà nhà có bình chữa cháy”. Hiện nay, phường đã có hơn 1.500 hộ dân trang bị bình chữa cháy. Trung tâm còn duy trì được 5 lớp học ngoài giờ cho học sinh gồm: kỹ năng sống; luyện chữ viết; vẽ và tiếng Anh thiếu nhi có 125 học viên. “Mô hình TTHTCĐ - VHTT là chủ trương đúng. Việc lồng ghép TTHTCĐ - VHTT đã tận dụng được cơ sở vật chất cũng như đội ngũ lãnh đạo trung tâm đa dạng, bổ sung cho nhau cùng hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực hơn”, bà Vinh nói.
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo: Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận chuyển giao đề tài “Nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” từ Sở Khoa học và Công nghệ. Sở đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình kết hợp TTHTCĐ và trung tâm VHTT thành TTHTCĐ - VHTT trên địa bàn toàn tỉnh. |
Từ khi chuyển qua mô hình mới, TTHTCĐ - VHTT xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh) cũng đã có các hoạt động đa dạng, sôi nổi hơn. Ngoài kinh phí được cấp, trung tâm đã vận động doanh nghiệp và hộ gia đình hỗ trợ hơn 10 triệu đồng để tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ và ủng hộ sách cho nhà văn hóa thôn. Dịp hè vừa qua, trung tâm đã mở lớp luyện chữ đẹp vừa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vừa có thêm nguồn thu cho hoạt động của trung tâm.
Theo bà Tiến, để có nhiều hoạt động thiết thực hơn, các trung tâm cần điều tra nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, sát thực tế. Bên cạnh đó, cần có những nội dung hoạt động cụ thể phù hợp từng địa bàn khu dân cư. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, hướng dẫn viên là cán bộ, giảng viên các trường học, trung tâm, trường dạy nghề; tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể trong thực hiện các nhiệm vụ của TTHTCĐ - VHTT.
Sự kết hợp TTHTCĐ - VHTT chính là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, là lối đi mở cho các TTHTCĐ hiện nay, cần được nhân rộng trong thời gian tới.
VÂN DUNG