10:07, 30/07/2019

Cho thuê hồ thủy lợi: Hậu quả khó gỡ

Từ năm 2008 đến năm 2015, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa đã ký hợp đồng cho phép nhiều cá nhân, doanh nghiệp nuôi cá trong hồ và trồng cây khu vực thuộc phạm vi bảo vệ hồ chứa nước do mình quản lý. Tuy nhiên, tất cả hợp đồng này đều chưa đúng quy định pháp luật.
 

Từ năm 2008 đến năm 2015, Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa đã ký hợp đồng cho phép nhiều cá nhân, doanh nghiệp nuôi cá trong hồ và trồng cây khu vực thuộc phạm vi bảo vệ hồ chứa nước do mình quản lý. Tuy nhiên, tất cả hợp đồng này đều chưa đúng quy định pháp luật.

Người thuê nắm đằng lưỡi
 

Những ngày qua, gia đình bà Võ Thị Bích Vân, thường trú thôn Thống Nhất, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh đứng ngồi không yên khi hợp đồng thuê mặt hồ Suối Hành (Cam Ranh), hồ Tà Rục (huyện Cam Lâm) ký kết với Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (nay là Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa - viết tắt là Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) liên tục bị công ty yêu cầu thanh lý, trong khi thời hạn cho thuê đến năm 2050. Lật từng hợp đồng, sổ ghi chép đầu tư nuôi cá, bà Vân giải bày, năm 2011, bà hợp đồng thuê hồ Suối Hành với Công ty Thủy lợi Khánh Hòa thời hạn từ năm 2011 - 2020. Năm 2015, ông Đỗ Hồng Hải (Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa lúc bấy giờ) ký thêm 1 hợp đồng mới với bà Vân cho thuê hồ Suối Hành để nuôi cá, thời hạn hợp đồng là 35 năm (2015 - 2050). Năm 2013, bà Vân được Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho thuê mặt nước hồ Tà Rục để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 30 năm (2013 - 2042). Sau khi thuê được hồ, bà đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nuôi cá. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, không hiểu tại sao phía công ty liên tục yêu cầu thanh lý hợp đồng. “Chúng tôi không vi phạm hợp đồng, không vi phạm pháp luật thì tại sao phải thanh lý?. Nhưng nếu Nhà nước cần thu hồi, chúng tôi sẵn sàng trả lại nhưng phải đền bù hợp lý”, bà Vân bức xúc.

 

Mặt nước hồ Tà Rục đã được ký hợp đồng cho thuê đến năm 2042.

Mặt nước hồ Tà Rục đã được ký hợp đồng cho thuê đến năm 2042.


Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Đạt (ở xã Cam Tân, Cam Lâm) thuê mặt nước hồ Cam Ranh (Cam Lâm) để nuôi thủy sản. Cụ thể, vào năm 2008, ông Trần Huy Liên là đại diện Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã ký hợp đồng cho ông Đạt thuê mặt hồ chứa nước này để nuôi trồng thủy sản trong thời gian 10 năm. Sau đó, ông Đỗ Hồng Hải - Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa (giai đoạn này) ký phụ lục tăng thời hạn cho thuê từ 10 năm lên 30 năm, tức là đến năm 2027. “Tính ra, gia đình tôi còn đến 18 năm để nuôi cá theo hợp đồng. Liên tục mấy năm qua, năm nào tôi cũng đầu tư 300 - 400 triệu đồng để thả cá giống xuống nuôi mà có năm thua lỗ. Gần đây, gia đình tôi rất lo lắng khi phía công ty liên tục yêu cầu thanh lý hợp đồng. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đều được đầu tư để nuôi cá tại đây, bây giờ tôi chưa biết phải tính ra sao”, ông Đạt nói.

 

1

Người dân đang chăm sóc cá trên hồ Suối Hành.


Trường hợp ông Võ Quang Hà (xã Cam Hòa, Cam Lâm) và ông Trần Thanh Nhựt (xã Cam Tân, Cam Lâm) thì ký kết hợp đồng với Công ty Thủy lợi Khánh Hòa để thuê 4ha đất trồng cây ở khu vực hạ lưu đập hồ Cam Ranh. Họ đã bỏ ra hàng tỷ đồng để trồng khoảng 4.000 cây xoài, 6.500 cây ổi đã trồng được 4 năm, hơn 4.000 cây chuối đã trồng được hơn 1 năm, chỉ cần thêm 1 năm nữa là toàn bộ diện tích sẽ cho thu nhập. “Công ty cứ đòi thanh lý hợp đồng nên chúng tôi chưa biết phải tính toán ra sao, muốn đầu tư thêm cho vườn cây cũng không được”, ông Nhựt bày tỏ. 

 
Sai quy định


Tính tại thời điểm này, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng cho 5 doanh nghiệp, hộ cá nhân thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản tại 6 hồ chứa: Am Chúa, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành, Tà Rục, Đồng Bò. Việc nuôi thủy sản tuy không ảnh hưởng đến công trình, môi trường, nguồn nước nhưng lại sai quy định bởi chưa được UBND tỉnh cho phép.

 

Một số phương tiện, thiết bị phục vụ nuôi cá ở hồ chứa nước Suối Hành (Cam Ranh)

Một số phương tiện, thiết bị phục vụ nuôi cá ở hồ chứa nước Suối Hành (Cam Ranh)


Ngoài ra, các hợp đồng trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà Công ty Thủy lợi Khánh Hòa ký kết với các hộ dân cũng chưa đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với vùng hạ lưu đập, công ty đã ký kết 3 hợp đồng liên doanh trồng cây hàng năm với 4 hộ nằm trong vùng phụ cận hạ lưu đập của 3 hồ chứa: Suối Dầu, Cam Ranh và Suối Hành với tổng diện tích 21,5ha; thời gian thực hiện có hợp đồng ký kết 20 năm, có hợp đồng 35 năm. Đối với vùng phụ cận lòng hồ Suối Dầu, công ty đã ký 2 hợp đồng trồng cây trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Suối Dầu, với tổng diện tích 86ha, thời gian thực hiện các hợp đồng là 20 năm.


Như vậy, việc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đứng ra cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước để các tổ chức, cá nhân trồng cây là sai quy định, vượt quá thẩm quyền. Bởi theo quy định, chỉ có UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản, trồng cây tại khu vực bảo vệ công trình thủy lợi.


Khó giải quyết


Khi phát hiện ra sự việc, từ đầu năm 2019, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công ty thanh lý các hợp đồng đã ký kết không đúng quy định. Nếu các tổ chức, cá nhân liên quan không có thiện chí hợp tác, yêu cầu công ty sử dụng các biện pháp được pháp luật cho phép để thực hiện đóng cửa khu vực mặt nước, mặt đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do công ty được Nhà nước giao quản lý.


Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu công ty có trách nhiệm rà soát lại thủ tục hồ sơ, pháp lý liên quan đối với các hợp đồng đã ký kết không đúng quy định, để từ đó đánh giá, phân loại cụ thể từng nhóm hợp đồng, tìm ra giải pháp giải quyết hợp lý. Bên cạnh đó, sở yêu cầu công ty tiếp tục làm việc với các tổ chức, cá nhân để vận động, thuyết phục thanh lý các hợp đồng đã ký chưa đúng với quy định.


Theo báo cáo ngày 19-6 của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, công ty đã tiếp tục mời các doanh nghiệp, hộ cá nhân ký kết hợp đồng không đúng quy định để vận động, thuyết phục thanh lý hợp đồng nhưng tất cả đều yêu cầu công ty bồi thường thỏa đáng thì mới đồng ý thanh lý hợp đồng.


Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường của người thuê lại rất lớn, tùy vào ý muốn của họ. Đơn cử như trường hợp bà Vân, mức đề nghị bồi thường lên đến khoảng 15 tỷ đồng. Trong khi đó, các ông Nhựt, Hà đòi đến 12 tỷ đồng đền bù chi phí đầu tư trong 4 năm và thời gian thực hiện hợp đồng trong 16 năm còn lại. Trường hợp ông Đạt thì đề nghị mức đền bù 5 tỷ đồng…


Mới đây, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã gửi thông báo đến các tổ chức, cá nhân đang thuê mặt hồ nuôi cá, thuê đất khu vực phạm vi bảo vệ hồ chứa trồng cây, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ cá nhân nộp lại giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho phía công ty. Sau 3 lần ra thông báo về việc nộp lại giấy phép hoạt động, nếu các doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện, công ty sẽ thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định hiện hành để ra thông báo chấm dứt hợp đồng.


Nhóm PV

 

 


 

Về bản chất, đây chỉ là hợp đồng dân sự. Trong hợp đồng, giao dịch dân sự cả 2 bên đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phát sinh tranh chấp, theo quy định của pháp luật, để đảm bảo quyền lợi, các bên phải tiến hành hòa giải, thương lượng. Trong trường hợp thanh lý hợp đồng thì phải giải quyết hậu quả của việc thanh lý đó.


Nếu giữa 2 bên hòa giải không thành, không thỏa thuận được với nhau về giải quyết hậu quả của hợp đồng, một trong các bên có thể đưa ra tòa án để giải quyết theo Luật Tố tụng dân sự. Một trong các bên không thể dùng quyền lực để cưỡng chế thanh lý hợp đồng dân sự được.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà