Bao đời nay, con sông Tô Hạp vẫn bồi đắp thêm sự màu mỡ, là nguồn nước chính cho vùng cây trái Khánh Sơn. Ấy vậy mà, chỉ 3 - 4 năm gần đây, nhất là sau đỉnh lũ chưa từng có năm ngoái, sông Tô Hạp đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều diện tích cây trồng hai bên bờ sông.
Bao đời nay, con sông Tô Hạp vẫn bồi đắp thêm sự màu mỡ, là nguồn nước chính cho vùng cây trái Khánh Sơn. Ấy vậy mà, chỉ 3 - 4 năm gần đây, nhất là sau đỉnh lũ chưa từng có năm ngoái, sông Tô Hạp đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều diện tích cây trồng hai bên bờ sông.
Sông “nuốt” đất
Tuy cơn lũ khủng khiếp trên sông Tô Hạp đã kết thúc từ cuối tháng 11-2018, nhưng ông Nguyễn Văn Thành (thôn Du Oai, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi xem lại clip dòng nước hung tợn cứ chốc chốc lại dâng cao, nhổ gốc, cuốn phăng những cây bưởi da xanh, sầu riêng, quýt đường đang độ ra trái của gia đình. “Cây mất có thể trồng lại được, thiệt hại lớn nhất của gia đình tôi là sạt lở bờ sông, đất cũng mất theo, biết lấy gì để trồng lại cây? Tính ra, gia đình tôi có 1,1ha cây ăn quả dọc theo bờ sông Tô Hạp, sông đã “nuốt” mất 0,4ha, bây giờ chỉ còn 0,7ha. Thế nhưng, tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn nên tôi e không giữ được 0,7ha còn lại này”.
Ông Lê Minh Đức (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) cho biết: “Một phần diện tích đất sản xuất của gia đình tôi nằm cạnh kè cầu Cam Khánh, vậy mà nước lũ cũng xói trôi một đoạn kè, “nuốt” mất 1.500m2 đất trồng sầu riêng xen với bưởi da xanh của gia đình. Nếu không có đoạn kè này thì chắc diện tích sạt lở của gia đình tôi còn lớn hơn. Tính ra, đợt lũ cuối năm 2018, xã Sơn Lâm có hàng chục hộ mất đất trồng cây, với tổng diện tích hơn 10.000m2”.
Xã Sơn Hiệp là một trong những địa phương bị sạt lở nặng nề nhất sau đỉnh lũ năm 2018. Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Dọc theo sông Tô Hạp, đoạn qua địa bàn xã có hàng chục điểm sạt lở, gây mất đất sản xuất của người dân, uy hiếp an toàn một số khu dân cư như: tại khu vực thôn Xà Bói, Hòn Dung, Tà Gụ. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn xã đã mất đến 50.000m2 đất sản xuất, chủ yếu là đất màu trồng mía tím, cây ăn quả. Có trường hợp như các ông: Bo Bo Thanh Tùng, Mấu Hồng Thịnh ở thôn Xà Bói nhà chỉ có 3.000m2 đất canh tác, trồng mía tím vậy mà đã bị cuốn trôi 1/3 diện tích”.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Liên tục những năm gần đây, nhiều đoạn bờ sông Tô Hạp, nhánh của sông Tô Hạp từ thượng nguồn về đến tận hạ nguồn đã bị sạt lở. Đặc biệt, sau đợt mưa lũ cuối năm 2018, sông Tô Hạp càng sạt lở nghiêm trọng hơn, nặng nhất là đoạn qua các xã: Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm. Tình trạng sạt lở này đã khiến cho nhiều diện tích đất sản xuất ven sông bị cuốn mất, nhiều hộ rơi vào cảnh mất tư liệu sản xuất. Qua thống kê sau đợt lũ này, toàn huyện có 150.000m2 đất sản xuất đã bị mất do bờ sông sạt lở. Hiện nay, đang có nhiều đoạn bờ sông Tô Hạp nguy cơ cao sẽ tiếp tục sạt lở vào mùa mưa. Ngoài ra, do tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối, nhiều khu dân cư, công trình cơ sở hạ tầng cũng bị uy hiếp trong mùa mưa tới, nhất là đoạn qua các xã: Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Lâm…”.
Thiên tai khó lường
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nhận định: “Ở Khánh Sơn, vào mỗi mùa mưa lũ, dọc sông Tô Hạp vẫn xuất hiện một số khu vực bị sạt lở nhưng không lớn, nghiêm trọng như đợt cuối năm 2018. Không như ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình trạng sạt lở bờ sông một phần do nguyên nhân khai thác cát, sỏi trái phép, sông Tô Hạp sạt lở nặng là do nước nguồn về quá mạnh và nhanh. Như năm 2018, mưa cục bộ rất lớn, trong vòng vài giờ mà lượng mưa đo được lên đến 250mm. Lưu lượng nước đổ về sông Tô Hạp rất lớn, đủ sức cuốn trôi nhiều công trình trên đường về hạ lưu, gây xói mòn, sạt lở bờ sông. Còn khai thác cát, sỏi lòng sông chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ là chính, quy mô không lớn nên không thể gây sạt lở lớn đến vậy”.
Ông Nguyễn Văn Thành khẳng định: “Từ trước tháng 11-2018, gia đình tôi chưa bao giờ mất đất sản xuất do sạt lở bờ sông. Vậy mà các ngày 24 và 25-11-2018, lũ từ thượng nguồn đổ về, dâng cao, chảy rất xiết; ban đầu nước lũ cứ gây xói mòn dần, rồi từng mảnh đất, cây cối từng đợt bị sạt xuống sông. Tính ra, chỉ trong ngần ấy thời gian, sông Tô Hạp đã ăn sâu vào đất vườn nhà tôi hơn 20m”.
Tương tự, lãnh đạo các địa phương: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc… đều chung nhận định: Biến đổi khí hậu gây ra mưa cục bộ lớn đã để lại hậu quả nặng nề hai bên bờ sông Tô Hạp; trong khi đó diện tích rừng thượng nguồn chưa được bảo vệ sát sao nên một khi có mưa lớn, nước sẽ nhanh chóng đổ xuống sông, tạo nên dòng nước dữ, cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó.
Nhiều biện pháp chống sạt lở
Để chống sạt lở bờ sông, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã triển khai nhiều dự án xây dựng kè ở những điểm trọng yếu trên bờ sông Tô Hạp. Ông Trần Hữu Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện cho biết: “Ban quản lý được UBND huyện giao chủ đầu tư một số công trình xây dựng kè chống sạt lở dọc 2 bên bờ sông Tô Hạp. Chúng tôi đang đốc thúc nhà thầu thi công, tranh thủ mùa khô, đẩy nhanh tiến độ của dự án xây dựng kè lớn nhất của huyện, đoạn qua thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Hiệp, với tổng mức đầu tư hơn 81 tỷ đồng. Trong đó, sẽ xây dựng kè tại 10 vị trí xung yếu, cấp bách, với tổng chiều dài cả hai bên bờ là 3.484m. Hiện nay, một số đoạn đang được hoàn thiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình kè Tà Lương, kè bảo vệ các cầu: Ba Cụm Bắc, cầu A Thi, cầu Cam Khánh”.
Ông Trần Tấn Chóng cho biết: “Để giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến xói lở bờ sông, gây uy hiếp an toàn các khu dân cư, làm mất đất sản xuất của người dân, chúng tôi đang triển khai nhiều biện pháp như: gia cố tạm một số điểm có nguy cơ cao; nắn dòng ở một số điểm... Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, về lâu dài phải xây dựng kè và phát triển rừng”.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Hiện nay, một số đoạn sông Tô Hạp sạt lở nghiêm trọng đã và đang được xây dựng kè, qua đó đã giúp ổn định bờ sông, giữ đất sản xuất. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên địa phương đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông như: xây dựng các “mỏ hàn” để chống sạt ở một số vị trí xung yếu; tiến hành nắn, chỉnh trị dòng chảy để giảm thiểu sạt lở. Địa phương kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Tô Hạp để ổn định đời sống, sản xuất của người dân”.
Đã nhiều năm ngược xuôi Khánh Sơn theo con sông Tô Hạp, sau mỗi mùa mưa lũ lớn thì dòng sông này lại được mở rộng thêm, thậm chí có đoạn mở rộng lên hơn 30 lần, đồng nghĩa với rất nhiều tư liệu sản xuất quý giá của người dân địa phương bị mất trắng. Người dân hy vọng rằng, Khánh Sơn sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình kè chống sạt lở để không còn xảy ra tình trạng sông “nuốt” đất của dân mỗi mùa lũ tới. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, về lâu dài phải xây dựng kè và phát triển rừng”.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Hiện nay, một số đoạn sông Tô Hạp sạt lở nghiêm trọng đã và đang được xây dựng kè, qua đó đã giúp ổn định bờ sông, giữ đất sản xuất. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên địa phương đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông như: xây dựng các “mỏ hàn” để chống sạt ở một số vị trí xung yếu; tiến hành nắn, chỉnh trị dòng chảy để giảm thiểu sạt lở. Địa phương kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Tô Hạp để ổn định đời sống, sản xuất của người dân”.
Đã nhiều năm ngược xuôi Khánh Sơn theo con sông Tô Hạp, sau mỗi mùa mưa lũ lớn thì dòng sông này lại được mở rộng thêm, thậm chí có đoạn mở rộng lên hơn 30 lần, đồng nghĩa với rất nhiều tư liệu sản xuất quý giá của người dân địa phương bị mất trắng. Người dân hy vọng rằng, Khánh Sơn sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình kè chống sạt lở để không còn xảy ra tình trạng sông “nuốt” đất của dân mỗi mùa lũ tới.
HẢI LĂNG