10:03, 08/03/2019

Giá heo lao dốc vì dịch bệnh

Những ngày này, người chăn nuôi heo trong tỉnh Khánh Hòa đang thấp thỏm vì dịch bệnh lở mồm long móng, đồng thời thêm áp lực từ dịch tả heo châu Phi đang hoành hành ở các tỉnh phía bắc. 

Những ngày này, người chăn nuôi heo trong tỉnh Khánh Hòa đang thấp thỏm vì dịch bệnh lở mồm long móng, đồng thời thêm áp lực từ dịch tả heo châu Phi đang hoành hành ở các tỉnh phía bắc. Hiện tại, giá thịt heo đang lao dốc, người tiêu dùng không mặn mà sử dụng khiến người chăn nuôi heo ở Khánh Hòa lao đao.


Thị trường trầm lắng


9 giờ sáng 7-3, chúng tôi có mặt tại khu vực kinh doanh thịt heo của chợ Phước Thái (TP. Nha Trang) chứng kiến không khí mua bán khá trầm lắng. Bà Nguyễn Thị Dân, tiểu thương ngành hàng thịt heo chợ Phước Thái cho biết, bà ra chợ từ 6 giờ sáng, ngồi 3 giờ mới bán được 200.000 đồng. Trước đây, mỗi ngày bà bán hết 2 con heo, khoảng hơn 150kg thịt, nhưng bây giờ chỉ lấy một nửa số lượng mà không bán hết. “Bán lẻ đã chậm, các mối hàng quen như khách sạn, nhà hàng cũng hạn chế lấy thịt heo. Trước đây, các khách sạn trên đường Trần Phú lấy thịt heo của tôi với đơn hàng 3 - 4 triệu đồng/ngày, nhưng mấy ngày gần đây chỉ lấy 400.000 - 800.000 đồng/ngày. Tình hình này kéo dài, tôi phải tạm nghỉ một thời gian cho qua đợt dịch bệnh hoặc xin giảm thuế, phí chợ”, bà Dân nói. Cạnh đó, chủ sạp thịt heo Lê Mai Hương cho biết, giá bán thịt heo mấy ngày nay đã giảm nhiều nhưng khá ế ẩm. Trước đây, thịt ba chỉ giá 90.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ còn 80.000 đồng/kg, thậm chí có hôm bán 75.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

 

1

Hàng thịt chợ Phước Thái vắng người mua.

 

Tính đến hết ngày 7-3, cả nước đã có 10 tỉnh, thành xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình và Thái Nguyên. Tại Khánh Hòa đến nay chưa xuất hiện dịch bệnh này.

Không riêng chợ Phước Thái, hàng chục tiểu thương ngành hàng thịt heo chợ Xóm Mới cũng đang đứng ngồi không yên trước tình cảnh ế ẩm mấy ngày nay. Ông Võ Tá Quang - Phó Trưởng giới ngành hàng thịt heo chợ Xóm Mới cho biết, lượng khách hàng đến quầy thịt heo những ngày này vắng hẳn so với trước, sức mua cũng giảm đáng kể. Bình thường, ông Quang lấy từ lò mổ khoảng 180kg thịt heo để bỏ cho các bạn hàng và bán lẻ hết trong buổi sáng, nhưng mấy ngày nay, do sức mua thấp nên ông chỉ lấy 100 - 120kg thịt heo nhưng ngồi đến trưa vẫn chưa hết hàng. Ông Quang đánh giá, sức mua thịt heo tại chợ Xóm Mới giảm hơn 30% so với trước khi có thông tin về dịch bệnh trên heo.


Thị trường thịt heo những ngày qua trầm lắng, chủ yếu do người tiêu dùng e ngại. Bà Mai Phương Thảo (đường Mê Linh) cho biết: “Thông tin dịch tả heo châu Phi xảy ra ở các tỉnh phía bắc, rồi việc phát hiện heo chết ở Cam Lâm nên tôi cảm thấy không an tâm khi ăn thịt heo. Mấy ngày nay, khi đi chợ, tôi thay thế thịt heo bằng các loại thực phẩm khác, đợi qua đợt dịch này rồi tính tiếp”. Tương tự, chủ một quán cháo dinh dưỡng ở phường Phước Long cũng cho biết, gần 1 tuần nay, nhiều phụ huynh không mua cháo thịt heo cho con, thay vào đó họ chọn các loại thực phẩm khác như: gà, bò, cá thu, tôm, bồ câu…


Ông Nguyễn Duy Toàn - chuyên viên kiểm soát giết mổ động vật Trạm Thú y Nha Trang cho biết, toàn thành phố hiện có 22 điểm giết mổ heo. Bình thường, 22 điểm này giết mổ khoảng 400 con heo mỗi ngày. Nhưng do tình hình thị trường tiêu thụ chậm, nay chỉ có khoảng 18 lò mổ hoạt động. Lượng heo giết mổ trong 1 ngày cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 250 con.


Heo khỏe bị vạ lây


Chúng tôi tìm đến xã Cam Hiệp Bắc, một trong những vùng lõi của vựa heo Cam Lâm, không khí chăn nuôi heo nơi đây những ngày này khá ảm đạm. Khoảng 30 cơ sở chăn nuôi heo đều có chung cảm nhận: “Heo nhà mình vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường nhưng lại bị mang tiếng là dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Trừ (thôn Trung Hiệp 1, Cam Hiệp Bắc) than thở. Nhà ông Trừ có gần 30 con heo thịt đã nuôi được 3 tháng và 4 con heo nái. Toàn bộ heo đã được tiêm phòng đầy đủ. Để phòng, chống dịch bệnh, ông còn mua thuốc khử trùng phun quanh chuồng trại, để ý nhiều hơn đến việc chăm sóc đàn heo từ thức ăn nước uống. Điều ông lo lắng nhất là heo khỏe cũng đang bị vạ lây, bởi giá heo thịt rớt liên tục, đã mất đến cả chục giá so với trước thời điểm có thông tin dịch tả heo châu phi.

 

Tại Nha Trang đã có 4/22 lò mổ tạm ngưng hoạt động  do nhu cầu giảm.

Tại Nha Trang đã có 4/22 lò mổ tạm ngưng hoạt động do nhu cầu giảm.


Cùng chung suy nghĩ với ông Trừ, chủ một trang trại chăn nuôi heo lớn ở xã này đã nhất quyết không cho chúng tôi vào quan sát trại heo vì hiện nay “dịch bệnh phức tạp, tuyệt đối không cho người lạ vào”. Theo người này, trại heo hiện có hơn 100 con heo 50kg trở lên. Một số đã đạt trọng lượng xuất bán. Nhưng hiện nay giá xuất bán đã giảm, chỉ còn khoảng 42.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg so với trước. Không những vậy, người mua lại ít, nên dù giá có giảm cũng khó xuất chuồng hơn trước. “Chưa kịp hồi phục sau hơn 2 năm rớt giá, giờ lại rơi vào cảnh vạ lây từ đâu tới, chắc tôi phải nghỉ nuôi heo để chuyển sang nghề khác”, chủ trang trại này thở dài.


Không chỉ các hộ chăn nuôi đơn lẻ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đang như ngồi trên đống lửa bởi nhiều yếu tố cùng tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Phạm Hoàng Dũng - Giám đốc khu vực Khánh Hòa - Phú Yên - Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, toàn bộ con giống, thức ăn, quy trình nuôi, đưa ra thị trường của heo CP đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn do công ty xây dựng và được cơ quan chức năng xác nhận. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng heo bán ra thị trường giảm cả về số lượng lẫn giá cả. Cụ thể, tại Khánh Hòa mỗi ngày công ty cung cấp cho các lò giết mổ khoảng 700 con heo. Nhưng trong ít ngày qua, lượng heo giảm xuống khoảng 10%, giá heo hơi bán ra trong ngày 8-3 chỉ 45.000 đồng/kg, giảm 10% so với trước đó.  Nguyên nhân một phần cũng từ thông tin dịch bệnh khiến người tiêu dùng e ngại. Còn theo chủ nhãn hiệu thịt heo sạch Long Phát, dù quy trình chăn nuôi heo của Long Phát đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP, hoạt động giết mổ, phân phối đã được khép kín đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, nhưng heo Long Phát cũng không nằm ngoài biến động giảm của thị trường.

   
Tăng cường kiểm soát


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh thời gian này vẫn ổn định. Người chăn nuôi tuân thủ tốt quy trình an toàn trong chăn nuôi. Một vài ổ dịch nhỏ xảy ra ở quy mộ hộ đã được người nuôi, chính quyền địa phương và lực lượng thú y nhanh chóng phát hiện, xử lý, khống chế. Tuy nhiên, khi dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, lại xuất hiện một số lượng heo chết vứt xuống hồ, kênh dẫn nước tại Cam Lâm đã tác động không tốt đến tâm lý người tiêu dùng. “Cùng với việc rà soát, tăng cường kiểm soát hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ heo trên toàn tỉnh, ngành Thú y cũng triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình hình. Hiện nay, các loại vật tư hóa chất đã được chuẩn bị để khi có dịch bệnh xảy ra có thể tiến hành tiêu độc, khử trùng. Tất cả các trang thiết bị bảo hộ lấy mẫu và các phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đều đã sẵn sàng”, ông Thắng cho biết.

 

zzCán bộ xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm (bên phải) đang thống kê, giám sát hoạt động chăn nuôi heo của người dân.

Cán bộ xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm (bên phải) đang thống kê, giám sát hoạt động chăn nuôi heo của người dân.


Theo khẳng định từ cơ quan thú y, kết quả xét nghiệm các mẫu heo chết chưa rõ nguồn gốc thả trôi trên hồ Suối Dầu và kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh (huyện Cam Lâm) vừa qua không phải do dịch tả heo châu Phi. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, người dân không nên quay lưng với thịt heo, thay vào đó nên sử dụng thịt heo tại các cơ sở uy tín, được chứng nhận từ cơ quan thú y… Ban quản lý các chợ, siêu thị, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, đủ về tình hình dịch bệnh trên heo, tránh những tác động tiêu cực cho cả người nuôi và kinh doanh thịt heo của địa phương.


Trước tình hình dịch bệnh trên đàn heo có diễn biến phức tạp, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu tỉnh một số giải pháp cấp bách nhằm cải thiện tình hình. Một mặt kiểm soát tốt hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển trong tỉnh, mặt khác tăng cường các giải phát kiểm soát heo từ tỉnh khác đi qua địa bàn hoặc nhập vào tỉnh Khánh Hòa. “Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, vứt bỏ heo nhiễm bệnh, heo chết ra môi trường phải xử lý nghiêm”, ông Đào Công Thiên nhấn mạnh.


Hiện nay, các địa phương, ngành chức năng đang tiếp tục khẩn trương rà soát, tăng cường kiểm soát hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ heo trên toàn tỉnh. Ngành Thú y tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình hình; các loại vật tư hóa chất cũng đã được chuẩn bị để khi có dịch bệnh xảy ra có thể tiến hành tiêu độc, khử trùng; tất cả các trang thiết bị bảo hộ lấy mẫu và các phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đều đã sẵn sàng.


Nhóm phóng viên

 

 



Theo thông tin từ cơ quan Thú y, bệnh dịch tả heo châu Phi (AFS) lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi có biểu hiện không khác biệt với triệu chứng của bệnh dịch tả heo cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn.