10:02, 19/02/2019

Mà Giá làm du lịch

Ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), ngoài thác Yang Bay và các điểm dừng chân đầy thơ mộng, quyến rũ dưới chân đèo Khánh Lê, du khách trong và ngoài tỉnh không còn xa lạ với điểm du lịch sinh thái Mà Giá của một lão nông người Raglai ở xã Giang Ly. 

Ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), ngoài thác Yang Bay và các điểm dừng chân đầy thơ mộng, quyến rũ dưới chân đèo Khánh Lê, du khách trong và ngoài tỉnh không còn xa lạ với điểm du lịch sinh thái Mà Giá của một lão nông người Raglai ở xã Giang Ly. Đây là điểm du lịch khá độc đáo, dựa trên nền tảng không gian núi rừng, xen kẽ với cảnh quan tạo dựng nhưng không làm mất đi vẻ hoang sơ vốn có của nó.


Lão nông làm du lịch


Dẫn chúng tôi vào “khu nghỉ mát” theo cách nói của mình vào một ngày đầu xuân, già Mà Giá A (người dân hay gọi là Mà Giá), năm nay đã trên 80 tuổi, chủ nhân điểm du lịch chân vẫn thoăn thoắt, len lỏi bước qua con đường đầy đá và các cầu tre tự tạo dẫn chúng tôi vào trong. Nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo tới chơi, tìm hiểu thông tin viết bài, già cười hiền bảo: “Mình được lên báo nhiều rồi, còn gì đâu nữa mà nói”. Nói vậy, nhưng Mà Giá vẫn vui, bởi theo già, người lớn tuổi vẫn thường thích được khen hơn là chê.

 

 
Kể lại quãng thời gian khởi nghiệp làm “khu nghỉ mát”, giọng già lúc trầm lúc bổng như hòa quyện vào không gian của núi rừng. Hồi trước, già làm Chủ tịch UBND xã Giang Ly, năm nào đến mùa khô bà con trong xã cũng chật vật vì thiếu nước trồng hoa màu. Thấy đầu nguồn suối Lách có nhiều nước, già cùng mấy người dưới tỉnh lên tìm cách kéo nước về ruộng cho dân. Nhà già đông con (12 người) nên chọn chỗ khó hơn, ngay đầu nguồn dòng suối Lách, nhường chỗ bằng phẳng để bà con trồng lúa, trồng mì, trồng bắp. Khi mấy người bạn dưới tỉnh lên chơi, thấy dòng suối mát, rợp bóng cây rừng nên bảo già làm du lịch. Lúc đó, già cười nghĩ sao mà làm được.


Từ lúc nghỉ hưu, quanh quẩn với mấy mảnh ruộng, rẫy mì, già có thời gian gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ nên nhận ra đây là nơi lý tưởng để an dưỡng tuổi già. Từ thượng nguồn về đến Giang Ly, suối tách ra thành 7 nhánh nên được gọi là suối Lách. “Mỗi ngày, từ 6 giờ sáng đến sẩm tối già cứ men theo từng nhánh suối kè đá, ghép lại những chỗ bằng phẳng thành nơi có thể ngồi nghỉ ngơi. Tích lũy từng ngày, khu suối của già cũng thành hình, ban đầu là bà con trong xã, rồi trong huyện biết đến ngày càng nhiều nên tìm đến chơi. Từ năm 2004, già kêu gọi các con cùng chung tay chỉnh trang lại đường sá, dựng sạp (chòi), cải tạo cảnh quan, điểm du lịch cũng hình thành từ đó”, Mà Giá kể.


Không có người thiết kế, cũng không có máy móc, sau 14 năm kiên trì chỉ bằng đôi bàn tay, Mà Giá đã kết nối được không gian núi rừng xen kẽ với cảnh quan tự tạo dựng. “Nhiều người cười bảo, sao già rồi mà cứ lọ mọ, tỉ mẩn ngoài suối để đắp đập, tạo nhà miết vậy. Con cái có đứa lại bảo, sao không thuê máy cho nhanh? Nhưng già kiên quyết nói không, vì sợ sẽ phá mất không gian vốn có ở đây. Già chỉ chọn chỗ để con người nghỉ ngơi chứ không thay đổi núi rừng, dòng suối, tiên quyết là không phá cây rừng thì mới giữ được suối đẹp”, Mà Giá tâm sự.

 

zzVề với điểm du lịch của Mà Giá, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh núi rừng thơ mộng.

Về với điểm du lịch của Mà Giá, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh núi rừng thơ mộng.


Từ ngôi nhà sàn liếp nứa đầu tiên, đến nay, điểm du lịch Mà Giá đã có 32 sạp lớn nhỏ xuôi theo dòng suối Lách. Tất cả đều do Mà Giá và các con làm bằng tay, nguyên liệu là mây, tre nứa, cây rừng tận dụng, có sức chứa từ 5 - 30 người/sạp. Tiếp đến là hai chiếc cầu treo bắc qua dòng suối nhỏ, con đường mòn rợp bóng nối dài những hàng sỏi cuội nguyên thủy. Hay công trình dẫn nước phát điện, có thể cung cấp điện cho 4 bóng đèn… đều do lão nông chân chất ấy tự mò, tự học, tự làm lên.


Điểm khác biệt ở điểm du lịch Mà Giá là tiếng đàn đá vang vọng núi rừng. Tận dụng sức chảy của dòng suối chính, lấy đá tạo thành bậc, dùng ống nước kết nối để nước chảy vào gáo. Gáo được buộc nối với hệ thống dây cột từ suối dẫn vào nhà trung tâm, để khi nước suối dội vào gáo kéo căng dây, tác động đến đá mẹ, rồi lan đến những thanh đá còn lại tạo nên những âm thanh réo rắt độc đáo. “Đây là cách ông bà xưa thường dùng để đánh đuổi thú rừng. Già nghiên cứu, áp dụng theo cách của mình để hàng ngày được nghe tiếng đàn đá của người Raglai. Đồng thời, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cho mọi người”, Mà Giá tự hào.


Làm du lịch để giữ rừng


Từ ngày đầu khởi nghiệp, Mà Giá không thu tiền vé của mọi người. Khách lui tới có thể thoải mái mang đồ ăn, thức uống vào đây vui chơi. Người thương thì ủng hộ gia chủ ché rượu cần, đồ lưu niệm hay con gà nhà nuôi được, không có cũng chẳng sao. Năm 2007, để có tiền tu sửa sạp khi khách trong và ngoài tỉnh đến đông hơn, Mà Giá thu mỗi sạp 20 - 50 nghìn đồng tùy theo đoàn. Mấy năm trở lại đây, lượng khách đến với điểm du lịch Mà Giá có khi cả trăm nghìn lượt mỗi năm. Số tiền vé thu được, ngoài trả lương cho nhân viên, Mà Giá lại dành để đầu tư mở thêm sạp mới hoặc tái tạo cây rừng.

 

Về với điểm du lịch của Mà Giá, du khách sẽ cảm nhận được  khung cảnh núi rừng thơ mộng.


Thời gian gần đây, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến Mà Giá ngỏ ý mua lại điểm du lịch với giá cao. Số tiền họ đưa ra đủ để già và con cháu an nhàn tận hưởng tuổi già nhưng Mà Giá đều lắc đầu. “Người ta sẽ đưa máy móc, phá hết cây, không giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng nữa nên già không bán đâu”, Mà Giá nói chắc nịch. Trên đường dẫn chúng tôi đi tham quan điểm du lịch, đi đến đâu thấy vỏ kẹo, túi ni lông… là già cúi nhặt bằng hết. Thi thoảng chúng tôi bắt gặp những bảng gỗ nhỏ chữ méo xẹo “giữ sạch suối”, “không xả rác” được gắn ở những thân cây dễ thấy nhất. Mà Giá chia sẻ, khách đến nhiều, kéo theo đó lượng rác thải ra cũng không ít. Vì thế, trong số 31 con cháu, đứa nào học hết lớp 12 đều lên đây phụ cùng ông trông nom, phục vụ khách và nhất là thu dọn rác cho bằng hết.


Đối với Mà Giá, làm du lịch đơn giản là muốn giữ rừng, như hồn người Raglai vậy. Có lẽ vì thế, điểm du lịch của già đậm nét hoang sơ, thân thiện, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách dù chỉ một lần đặt chân đến.


Thành Long