04:02, 06/02/2019

Ngữ thanh làng nơi biên đảo

Ngữ thanh làng! Tại sao không nhỉ? Khi trên mỗi hòn đảo Việt, giữa bốn bề sóng nước khơi xa, cũng những căn nhà Việt với đủ thế hệ con cháu, trẻ già không chỉ làm nghiêng cả đêm với những ầu ơ đưa giấc cùng những ríu rít tiếng trẻ nô đùa dưới tán cây phong ba.

Ngữ thanh làng! Tại sao không nhỉ? Khi trên mỗi hòn đảo Việt, giữa bốn bề sóng nước khơi xa, cũng những căn nhà Việt với đủ thế hệ con cháu, trẻ già không chỉ làm nghiêng cả đêm với những ầu ơ đưa giấc cùng những ríu rít tiếng trẻ nô đùa dưới tán cây phong ba. Đến cả những tiếng ò ó o… của gã gà trống rướn cổ báo gọi mặt trời buổi sáng, tiếng tục tác lảnh lót từ chái nhà đảo của “chị” mái mơ chanh choác mỗi ngày, tiếng meo meo, gừ gừ nũng nịu của “ả” mèo mướp khi vào bữa, và đặc biệt ấn tượng hơn là tiếng “anh chị hợi” khụt khịt dịch chuyển dọc bãi bờ san hô... Vẫn là thứ âm thanh bình dị muôn thuở sau lũy tre làng quê Việt trong bờ… nhưng lại ăm ắp ngữ thanh làng quê trong không gian làng Việt quần cư trên tuyến đảo Trường Sa.


Ngữ thanh làng! Đó là một phần đơn nhỏ trong hình hài Tổ quốc thiêng liêng để không chỉ dân làng đảo, mà cả những công dân thuần Việt như tôi đều có thể “nghe, sờ” bằng tất cả sự mẫn cảm của các khứu giác.

 

1


Ngữ thanh làng! Nhớ lại kỷ niệm có được từ  4 cuộc hải trình thăm làng đảo vào những mùa giông gió. Trong đó, phải kể đến một kỷ niệm khó quên ghi lại từ  bến cảng Trường Sa những ngày cận Tết Đinh Hợi 2007. Sau khi vứt chiếc ba lô “con cóc” kỷ niệm hồi lính giải phóng vào góc phòng ngủ dành riêng cho cánh nhà báo, tôi vọt lên boong. Vừa lên tới nơi tôi đã nghe tiếng ai đó gần như gào lên: “Giời ơi, đến lùa mấy con heo vào chuồng “nhà tàu” cũng ậm à ậm ạch không xong. Mấy ngày sóng ngày gió, đưa được heo ra đến làng đảo mà thành heo chết, mất Tết của “nó” thì các cậu rửa tai ra mà nghe cả làng nó rủa cho mất… Tết nghe chửa!”.


Trời ạ, vẫn là một tiếng làng mà tôi nghe được trong những lần cùng các công dân Trường Sa cưỡi sóng ra thăm, chuyển hàng Tết ra tuyến làng đảo chắn sóng Trường Sa. Vậy nhưng cái tiếng làng nghe được từ ông đại tá gốc nông dân vùng chiêm trũng Nguyễn Văn Liên nghe có “vị” rất làng.

 

Chờ khi nhìn đàn heo được các thanh niên trai tráng đưa gọn gàng vào cái chuồng được quây bằng lưới B40 và tự tay buộc thêm mấy tấm lá dừa trên “mái” chuồng…, ông đại tá quay sang tôi giọng mềm và lành như… đất: “Ngày Tết, ngoài bánh mứt, đậu nếp… tùy  “làng” lớn hay nhỏ, đông dân hay thưa người… mỗi “làng” đều được huyện cấp một hay hai con heo, mà phải là heo sống thực sự thì Tết mới ra Tết”. Nheo mắt dõi về phía biển khơi, ông đại tá hồ hởi mô tả nguyên cái không gian Tết nhất làng đảo. Rằng cũng như làng quê trong bờ, những đêm 29, 30 Tết, không thể thiếu được tiếng “gà kêu, lợn éc”, vốn là âm thanh Tết nhất đã thấm trong thành vách… tai của mỗi người dân quê Việt Nam, nên nó càng không thể thiếu được ở những làng đảo cách bến, xa bờ hun hút hàng trăm hải lý. Dân đảo ăn Tết không chỉ bằng miệng, bằng mắt, mà còn ăn Tết bằng cả… tai. Duy chỉ dịp Tết Nguyên đán hàng năm, làng đảo, đặc biệt là “đảo chìm” mới có con heo sống đúng nghĩa để vài ba ngày đầu nó ụt ịt quanh bờ đảo, đợi đêm 29, 30, ngày làng đảo “ngả heo”… là khi cánh lính ta có cơ hội để được nghe, được nhấm nháp, được háo hức phong vị Tết cổ truyền của làng quê Việt Nam qua tiếng eng éc cứ như vọng từ sau lũy tre làng...


Ngữ thanh làng! Mùa biển những ngày cận Tết là mùa giông gió. Sau 3 ngày 2 đêm chao lắc, nhồi lên hụp xuống giữa những núi sóng lừng lững, bất chợt một sáng mai, chấm đảo đầu tiên trong nhóm đảo phía bắc Trường Sa - đảo Song Tử Tây đã hiện ra và lớn dần trước mũi tàu. Cùng với 3 hồi còi hụ chào đảo, và tiếng thuyền trưởng phát lệnh thả neo, là tiếng ai đó hét lên sung sướng. Và chỉ mới nghe một tiếng làng thôi,  cánh lính đang lử khử vì 3 ngày đêm nếm trải cuộc hải trình chao lắc bỗng tỉnh như sáo, ùa lên boong. Hướng cái nhìn về phía những người lính trẻ đang háo hức, Đại tá Nguyễn Văn Liên nói với tôi: “Mỗi lần tàu ra đến đảo, mấy cậu lính trên tàu vui một, trong bờ các dân đảo còn vui gấp mười. Chẳng gì thì hôm nay cũng là ngày Tết sớm với đảo Song Tử Tây”.

 
 
Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông dưới cây nêu chủ quyền làng đảo.

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông dưới cây nêu chủ quyền làng đảo.

 

Từng mấy mùa vượt sóng cuối năm ra thăm, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa, tôi hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ cảm giác của những người đón Tết trên thềm sóng nước Trường Sa - những cái Tết sớm lần lượt theo tàu đến từng đảo nổi, đảo chìm. Âu cũng là nét riêng trong tục đón Tết của những công dân giữ đảo giữa trùng khơi.


Ngay khi đoàn khách trong bờ theo xuồng cập đảo, chưa kịp uống hết chung trà, đã nghe từ bếp “làng”  đảo tiếng “gà kêu, lợn éc” rất gợi. Thượng tá, trưởng làng đảo Trịnh Lương Vượng nói giọng xứ Thanh trịnh trọng: “Năm hết Tết sắp đến, nhân dịp khách quý từ bờ ra thăm, làng đảo tổ chức thịt gà, mổ heo cùng ăn Tết đợt một với khách”.


Chợt ngạc nhiên khi nghe nói làng đảo Song Tử Tây mổ heo, bởi khi chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện đảo Trường Sa xuống xuồng vào đảo, ngoài nếp, đậu, bánh mứt theo đúng tiêu chuẩn ngày Tết, tuyệt nhiên không thấy một chú heo nào được “theo cùng”. Hỏi ra mới biết, chú heo “lên thớt Tết” chiều nay là heo làng đảo Song Tử Tây tự nuôi trên đảo. Trong số các làng đảo cánh Bắc, làng đảo Song Tử Tây có điều kiện tăng gia, chăn nuôi. Đặc biệt, ngoài gà, vịt và heo nuôi thành đàn, đây là làng đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa đưa được bò từ đất liền ra nuôi. Theo trưởng làng, hiện tại rau trồng quanh làng đảo tuy không nhiều như ở trong bờ, nhưng cũng đủ “chất xanh”. Riêng gà, heo bảo đảm để có thể mổ định kỳ mỗi tháng đôi lần cho các công dân làng đảo có bữa ăn tươi và giúp thêm cho cả “bà con” trạm đèn Hải đăng và Trạm Khí tượng thủy văn trên làng đảo. Vì vậy, đảo dành suất heo sống trong bờ nhường cho đồng đội ở các khóm đảo chìm vốn khó khăn hơn.


Ngữ thanh làng! Tôi đã qua mấy mùa nếm trải phong vị Tết với các công dân làng đảo. Bây giờ nhớ lại mạch cảm của mình, trong tôi vẫn chưa hết cảm giác được lẫn vào trong hồn cốt của những ngôi làng đảo, để cùng háo hức đón Tết, thấy yêu hơn tiếng lợn éc, gà kêu, những ngữ thanh rất đặc trưng của làng trên quần đảo Trường Sa giữa mênh mang ngàn khơi.


LÊ BÁ DƯƠNG