Không kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, những công nhân bốc xếp vẫn miệt mài mưu sinh trên bến cảng.
Không kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, những công nhân (CN) bốc xếp vẫn miệt mài mưu sinh trên bến cảng.
Việc nặng, lương thấp
Một giờ chiều, cảng Hòn Khói (thị xã Ninh Hòa) tấp nập xe ra vào xếp dỡ hàng hóa. Những chiếc tàu biển khổng lồ cao vút nằm sát cầu cảng chờ ăn hàng. Ngoài trời nắng gắt, dưới hầm tàu nóng hầm hập, bụi mù mịt, hàng chục công nhân đang hì hục bốc xếp những bao xi măng vừa được chuyển tới cho kịp chuyến. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ai nấy tập trung làm việc liên tay.
Kéo chiếc khăn che mặt đã ướt đẫm mồ hôi, chị Quế, 40 tuổi cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề bốc vác 15 năm nay. Dẫu biết nghề này hợp với đàn ông hơn nhưng do trình độ thấp, tìm một công việc phù hợp không dễ dàng nên tôi đã xin vào cảng để làm CN bốc xếp ”.
Không chỉ nặng nhọc mà môi trường làm việc cũng hết sức độc hại. Anh Cảnh có thâm niên gần 20 năm làm CN bốc xếp ở cảng Hòn Khói bộc bạch: “Hàng qua cảng có hàng chục loại khác nhau, nào xi măng, đá, mùn cưa rồi cả bột gạo… Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, nhưng bốc xi măng là cực nhất bởi trong quá trình làm dưới hầm hàng bụi bay mịt mù; thậm chí hai người đứng cạnh nhau chẳng nhận ra mặt; khẩu trang cũng chỉ để giảm bớt phần nào. Mỗi đợt bốc xong hàng, tối về ngủ là ho cả đêm. Chẳng thế mà những CN bốc xếp như chúng tôi ai nấy đều bị viêm xoang, có người viêm phổi mãn tính”.
Công việc nặng nhọc là vậy nhưng thu nhập không cao, nếu vác cật lực thì mỗi ngày cũng chỉ được trên dưới 100.000 đồng. “Anh em bốc xếp chẳng ai có lương. Tiền công được tính theo sản phẩm, bởi vậy bốc càng nhiều thì công càng cao. Ngày ít việc như hôm nay, tàu làm hàng chậm, khiến kho chứa chưa kịp dọn, không có chỗ xếp tính ra mỗi người chỉ được 60.000 đồng”, anh Trường nói và cho biết đã từng có thời gian vất vả quá, anh bỏ việc mấy năm để đi biển nhưng vì thua lỗ nên lại quay về cảng bốc vác.
Đáng nói, nghề bốc vác ở cảng tuy vất vả nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm, trong khi hầu hết những người bốc vác đều là trụ cột gia đình. “Mỗi tháng bình quân anh em kiếm được từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Dạo gần đây, lượng hàng qua cảng ít, có khi cả tuần không có việc làm”, anh Trường tâm sự. Do đặc thù công việc nặng nhọc nên thời gian làm việc của CN bốc xếp cũng không dài. Bước qua tuổi 45 là họ đã có dấu hiệu xuống sức rõ rệt, và bắt đầu xuất hiện bệnh nghề nghiệp, phổ biến nhất là đau xương khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm phổi… Vậy nên dù được cảng ký hợp đồng, đóng bảo hiểm nhưng hiếm có người làm đủ thời gian để được hưởng lương hưu.
Tìm hiểu cuộc sống của những CN bốc xếp, chúng tôi càng hiểu và cảm thông với họ. Anh Nguyễn Thái Trường Thành (CN bốc xếp cảng Hòn Khói) là một trường hợp. Cách đây 13 năm, vợ chồng anh sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Thế nhưng vừa sinh ra, bác sĩ đã thông báo cháu bị bệnh tim bẩm sinh. Vợ chồng anh đã chạy chữa cho cháu đủ nơi nhưng bệnh của cháu không thể mổ được. Đến khi cháu 7 tuổi thì chân không thể cử động và phải đi bằng gối, đôi bàn tay cũng không linh hoạt như người thường. “Từ ngày cháu bị bệnh, gia đình càng thêm khó khăn. Những đồng lương ít ỏi của chồng chỉ đủ lo sinh hoạt hàng ngày. 13 năm nay, anh chưa có một đêm tròn giấc bởi những lo toan trăn trở”, chị Lai - vợ anh Thành tâm sự.
Chăm lo cho người lao động
Ông Phạm Viết Tùng - Trưởng phòng Tổng hợp cảng Hòn Khói: Cảng có 5 tổ bốc xếp hàng hóa, mỗi tổ hơn chục người, trong đó có 1 nữ. Bình quân mỗi tháng có khoảng 30.000 tấn hàng hóa thông qua cảng, tính ra mỗi tháng các công nhân phải bốc xếp khoảng 500 tấn hàng. |
Được biết, hiện nay, các cảng biển trong tỉnh đều đã tự chủ về kinh doanh, nên việc thực hiện chế độ lương thưởng cũng khác nhau. Tuy nhiên, CN bốc xếp ở tất cả các cảng đều được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hàng năm được kiểm tra sức khỏe. Ông Phạm Viết Tùng - Trưởng phòng Tổng hợp cảng Hòn Khói cho biết, ngoài các chế độ theo quy định được thực hiện đầy đủ, những CN bốc xếp còn được hưởng chế độ lao động nặng nhọc, độc hại bằng 10% mức lương tối thiểu. Cùng với đó, 1 năm, CN bốc xếp được nghỉ 14 ngày và hưởng thêm 1 tháng lương với mức tối thiểu bù cho thời gian mưa bão không có việc làm. Những trường hợp khó khăn cũng được đơn vị xem xét hỗ trợ. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Hoàng (CN bốc xếp ), gần 20 năm nay nuôi con một mình. Biết hoàn cảnh của chị, công đoàn đã hỗ trợ chị 30 triệu đồng để cất nhà, ổn định cuộc sống.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở cảng Nha Trang chế độ chính sách đối với CN bốc xếp có khá hơn: có lương cơ bản, mỗi tháng được khoảng hơn 3,5 triệu đồng; ngoài ra, họ còn được trả công sản phẩm với mỗi tấn hàng xếp dỡ được 14.000 đồng. Các chế độ thưởng khác tùy thuộc vào doanh thu hàng năm của cảng.
Theo lãnh đạo các cảng, CN bốc xếp có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của cảng, bởi dẫu máy móc có hiện đại đến đâu nhưng không có bàn tay của CN bốc xếp thì việc làm hàng cho tàu không thể hoàn thành. “Tuy mỗi CN có hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung họ là những người chất phác, thật thà và rất chăm chỉ làm việc, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chúng tôi đánh giá cao vai trò của họ trong hoạt động của cảng”, ông Nguyễn An Tú - Quyền Giám đốc cảng Hòn Khói cho biết.
THÀNH NAM