09:10, 19/10/2018

Với cả trái tim…

Ở trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, cảnh những học sinh thỉnh thoảng la hét, rồi tự làm mình bị thương, hoặc vài trẻ ngồi một góc cười ngờ nghệch là những điều thường thấy. Các cô giáo muốn dạy các em học được những điều đơn giản nhất đều phải yêu thương trẻ bằng cả trái tim...

Ở trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, cảnh những học sinh (HS) thỉnh thoảng la hét, rồi tự làm mình bị thương, hoặc vài trẻ ngồi một góc cười ngờ nghệch là những điều thường thấy. Các cô giáo muốn dạy các em học được những điều đơn giản nhất đều phải yêu thương trẻ bằng cả trái tim...


Dạy học bằng cả yêu thương


Nói đến Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa (số 7 Tản Viên, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang), không thể không nhắc đến cô Phan Thị Sen - Trưởng phòng Dạy thực hành, người vừa được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018. Chúng tôi gặp cô vào chiều 17-10, hai ngày sau khi cô ra Hà Nội nhận giải thưởng cao quý. Dẫn các em từ phòng học ra bàn ăn, cô ân cần dặn dò từng HS không được dùng tay bốc thức ăn, không được nghịch ngợm. Những em bị dị tật vận động, cô hướng dẫn tỉ mỉ cách cầm muỗng, cách lấy thức ăn... Nhìn cô tiếp xúc với HS, chúng tôi có cảm giác cô như người mẹ đang dành tình cảm cho con mình.

 

Cô Phan Thị Sen yêu thương học trò bằng cả trái tim.

Cô Phan Thị Sen yêu thương học trò bằng cả trái tim.


Vốn là giáo viên dạy tiểu học, từ năm 1995, cơ duyên đưa cuộc đời cô gắn với HS khuyết tật. Năm 2004, sau khi chồng mất, nhiều người khuyên cô, thậm chí là giúp đỡ cô chuyển sang một trường tiểu học của thành phố để bớt vất vả, nhưng cô đã từ chối để gắn bó với những đứa trẻ kém may mắn. Cô tâm sự: “Tuy không được đào tạo để dạy trẻ khuyết tật, song kể từ khi gắn bó với các em, tôi đã rất nặng lòng. Thấy mình, con mình may mắn được lành lặn mà thầm cảm ơn cuộc đời. Càng nghĩ như thế, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm với các em nhiều hơn, để  bù đắp phần nào những khiếm khuyết của các em. Chỉ khi mình xem HS như con của mình mới hy vọng giúp các em hòa nhập được với HS bình thường”.


Với HS khuyết tật nơi đây, cô Sen như người mẹ hiền. Cô kể trường hợp HS Lê Văn Cường (năm nay 25 tuổi; hiện ngụ tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị khiếm thính. Cường vào trung tâm khi tuổi khá lớn, mọi hành động đều theo bản năng và có phần hung bạo. Cường học được một thời gian thì bỏ học đi giao bánh mì thuê ở Nha Trang. “Tình cờ tôi gặp Cường chạy xe máy đi giao bánh mì, tôi thấy quá nguy hiểm cho em và người khác vì em bị khiếm thính. Tôi đã mua cho em cặp kính chiếu hậu, rồi ngồi vẽ cho em những ký hiệu về tốc độ, cách quan sát phương tiện trên đường. Tôi bắt Cường ngoéo tay và cho biết sẽ giám sát. Thỉnh thoảng tôi lại dành ít thời gian chạy xe theo Cường để kiểm tra. Sau này, Cường lên Lâm Đồng lập nghiệp rồi lấy vợ, có con. Tết vừa rồi, Cường lấy xe máy chở cả vợ, con về thăm cô. Thấy em như vậy tôi không cầm được nước mắt”, cô Sen xúc động nói. Nói về công việc và học trò của mình, cô bày tỏ: “Nếu trao tình cảm cho các em thì các em trao lại cho mình cả con tim. Một tình cảm trong sáng, chân thành khiến tôi yêu thêm cái nghề mà tôi nặng nợ”.


Với tình thương yêu học trò và sự tận tâm với nghề, cô Phan Thị Sen đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác. Cô cũng 2 lần được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi đạt thành tích giáo viên dạy giỏi toàn quốc và giáo viên tiêu biểu trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật. Không chỉ giỏi trong chuyên môn, các hoạt động khác của cô đều được ghi nhận với những bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động... và rất nhiều thành tích nổi bật khác.

 
Yêu trẻ bằng cả trái tim


Cô bảo mẫu Lê Thị Khoản công tác tại trung tâm hơn 20 năm. Buổi nói chuyện của chúng tôi với cô liên tục bị gián đoạn bởi chốc chốc lại có HS đến kéo tay, nhờ cô lấy sách tô màu, em khác lại mách cô việc bị bạn rượt đuổi, xô ngã, em thì nhảy lên bàn hò hét khiến cô phải nhanh tay đỡ xuống… Cô cho hay, hàng ngày cô phải giải quyết hàng trăm trường hợp như thế. Lớp có gần 20 em nhưng mỗi em khuyết tật một kiểu, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển, khiếm thính, tự kỷ… Vì vậy, để giữ được trật tự trong lớp học đặc biệt này là một điều rất khó khăn.  

 

Cô Lê Thị Khoản vui vẻ bên trẻ em khuyết tật.

Cô Lê Thị Khoản vui vẻ bên trẻ em khuyết tật.


Ban đầu, cô chỉ nghĩ đây đơn thuần là một công việc để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Nhưng càng tiếp xúc với trẻ và gia đình trẻ, cô thấy có sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó. Tình thương dành cho các em không may bị khiếm khuyết đã dần bồi đắp tình yêu nghề trong cô. Cô Khoản kể, có lần đang chăm sóc các em, cô bị chóng mặt, phải xuống phòng y tế truyền nước. Các em trong lớp hò hét nhau chạy xuống, đứng lấp ló ngoài cửa, có đứa bật khóc khi thấy cô bị chích thuốc. Tuy không nói được những lời yêu thương, nhưng nhìn những ánh mắt lo lắng của trẻ dành cho mình, cô càng vững tin vào con đường mình đã chọn. “Đứa biết thì không nghe, không nói; đứa nghe được, nói được thì không biết. Nhìn bọn trẻ chỉ thấy thương chứ không thể tức giận, dù chúng quậy phá, nhiều khi còn làm cô và các bạn bị thương nhưng đều là những hành động vô thức, ngoài tầm kiểm soát của trẻ”, cô Khoản nói.


Xuất thân từ một giáo viên mầm non, từng có cơ hội tìm công việc tốt hơn nhưng suốt 24 năm qua, cô Trần Thị Tỉnh vẫn đồng hành hết lớp HS này đến lứa HS khác với tình yêu thương vô bờ bến. Những ngày đầu đến lớp, cô Tỉnh bỡ ngỡ vì những kiến thức sư phạm mầm non hình như “không có đất diễn” với những đứa trẻ đặc biệt này. Trẻ chậm tiếp thu, không tập trung nên các hành vi giảng dạy phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Để đáp ứng công việc, cô đã tự đăng ký học Cao đẳng giáo dục đặc biệt để tiếp cận với các em tốt hơn. Tiếp xúc với trẻ ở trường chưa đủ, cô còn tìm đến gia đình các em để hiểu hơn tính cách trẻ, hoàn cảnh gia đình, tư vấn cho phụ huynh nhằm đưa ra phương pháp tác động riêng cho từng em. Những giọt nước mắt ngắn dài của người mẹ, tiếng thở dài của người cha làm cho cô Tỉnh không khỏi trăn trở. Đối với họ, có một đứa con không may bị khuyết tật đã là nỗi lo, nỗi đau quá lớn, đeo đẳng suốt phần đời còn lại. Giúp HS là giúp gia đình các em vơi đi một phần gánh nặng trong cuộc sống. Vì vậy, cô Tỉnh và các giáo viên nữ ở trung tâm vẫn chăm sóc, giảng dạy cho trẻ với tất cả niềm say mê, tâm huyết.    


Tiếp tục vì học trò khuyết tật  


Mỗi trẻ khuyết tật vượt lên số phận, tái hòa nhập cộng đồng là kết quả của những nỗ lực phi thường của những “người mẹ” đang công tác tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật Khánh Hòa. Hiện trung tâm có 25 nữ cán bộ, nhân viên, trong đó 50% nữ có trình độ đại học và sau đại học. Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở trung tâm chia sẻ: “Những khó khăn, vất vả của cán bộ nữ công tác trong môi trường giáo dục trẻ khuyết tật là vô kể.

 

zzVật lý trị liệu để giúp trẻ khuyết tật sớm phục hồi.

Vật lý trị liệu để giúp trẻ khuyết tật sớm phục hồi.


Nếu giáo dục một trẻ bình thường đã khó thì việc uốn nắn, chăm sóc, rèn luyện những đứa trẻ “có lớn mà chưa có khôn” còn khó gấp bội. Điều để giữ chân các cô ở lại với trung tâm là tình thương dành cho HS. Chính tình thương yêu càng thôi thúc tập thể nữ ở đây cố gắng hàng ngày nhằm dành những gì tốt nhất cho HS khuyết tật”.

 

Các nữ cán bộ, nhân viên ở trung tâm không chỉ tận tâm với HS ở trường mà còn đảm đang, tháo vát công việc gia đình, nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Vừa qua, tập thể nữ của trung tâm đã được Công đoàn ngành Y tế tặng giấy khen về phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 - 2018; riêng cá nhân cô Phan Thị Sen vinh dự là 1 trong 10 phụ nữ toàn quốc nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.

Dù công việc vô cùng vất vả, song trong giảng dạy, chăm sóc, tập thể nữ của trung tâm luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi và có những sáng kiến cho việc dạy học. Đơn cử như từ năm 2001 đến nay, cô Phan Thị Sen đã có 5 đề tài, 3 sáng kiến dạy học mang lại hiệu quả cao. Đề tài nổi bật là “Phương pháp dạy trẻ Down hòa nhập cuộc sống”. 3 sáng kiến dạy học gồm: “Mô hình trực quan dạy đại lượng đo thời gian cho trẻ khiếm thính” giúp trẻ nhận biết thời gian; “Khung chứa dữ liệu bài tập trắc nghiệm” giúp dạy trắc nghiệm, kể chuyện được dễ dàng cho các cháu; “Tranh, hình ký hiệu ngôn ngữ với các mẫu câu giao tiếp thông thường” bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, giúp HS tăng cường vốn ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu hòa nhập, tạo thích thú trong giao tiếp cho các em.


Với các em câm điếc, khi mới đến trung tâm, hầu như các em không thể giao tiếp với người khác bằng một ngôn ngữ nào. Có em đã bật khóc khi không thể nói cho người khác hiểu mình đang muốn gì, nghĩ gì. Khó khăn là thế nhưng bằng phương pháp giáo dục riêng và hơn hết là sự yêu thương, tận tâm của các cô mà giờ đây, các em đã có thể nói bằng cách riêng của mình và tập hát cả bài Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu.


Nói về những người phụ nữ ở trung tâm, ông Phan Văn Hiệp - Giám đốc trung tâm nhận xét ngắn gọn: “Những ai có phúc lắm mới có được người vợ, người mẹ là giáo viên dạy trẻ khuyết tật”. Nhận xét vui như vậy nhưng trong thâm tâm ông Hiệp, những nữ cán bộ, nhân viên ở trung tâm thật sự là những người giàu tình yêu thương.


Đình Lâm - Hoàng Dung