11:10, 16/10/2018

Gập ghềnh đường tới giảng đường

Những tân sinh viên mà tôi gặp mang những tính cách riêng, nhưng điểm chung ở các em là gia cảnh ai cũng éo le và nghèo khó. Con đường theo đuổi ước mơ vào đại học tuy gập ghềnh, nhưng không vì thế khiến các em thoái chí.

Những tân sinh viên mà tôi gặp mang những tính cách riêng, nhưng điểm chung ở các em là gia cảnh ai cũng éo le và nghèo khó. Con đường theo đuổi ước mơ vào đại học tuy gập ghềnh, nhưng không vì thế khiến các em thoái chí.


12 năm bán vé số nuôi ước mơ vào đại học


Căn phòng thuê hơn chục mét vuông, nơi Mai Văn Thiên sống nằm trong một căn hẻm ngoằn ngoèo ở đường 2-4, TP. Nha Trang. Đây là nơi Thiên cùng bà ngoại 72 tuổi và người mẹ câm, điếc sinh sống 12 năm qua. Từ nhỏ, Thiên đã không biết cha là ai. 7 tuổi, Thiên mới được học lớp 1. Cũng từ đó, em vừa đi học, vừa bán vé số dạo để chia sẻ gánh nặng cơm áo với bà ngoại và mẹ. Thiên tâm sự: “Mẹ em bị câm điếc nên đi cả ngày chỉ bán được ít vé số, đủ cho mẹ sinh hoạt. Có lúc em nghĩ, hay là nghỉ học đi làm, vì học tiếp thì ngoại và mẹ lấy tiền đâu nuôi? Nhưng nghĩ đến những lời động viên của ngoại, nhớ lại tuổi thơ của mình, em lại tự nhủ phải cố học tiếp”. Bà ngoại Thiên nói thêm: “Năm cháu sắp vào lớp 10, tôi bảo hay nghỉ học, làm gì đó kiếm tiền, chứ nhà mình thế này, sao học tiếp? Nhưng cháu không chịu, bảo sẽ tự kiếm tiền lo chuyện học”.

 

Thiên đã bán vé số từ lúc học lớp 1 tới khi vào đại học.

Thiên đã bán vé số từ lúc học lớp 1 tới khi vào đại học.


Hơn chục năm qua, những con đường quanh khu chợ Đầm đã nhẵn bước chân Thiên. Mỗi ngày, bán vé số được 60.000 - 70.000 đồng, Thiên đưa về cho ngoại phần lớn để lo chi tiêu, còn lại Thiên lo việc học. Trong năm học, Thiên bán vé số một buổi. Nghỉ hè, trong khi các bạn vui chơi thì Thiên tranh thủ bán vé số cả ngày. Ngoại Thiên kể, hồi chuẩn bị thi tốt nghiệp, Thiên vẫn đi bán vé số, tối về lại học đến 1 giờ sáng. Có hôm mệt quá, Thiên ngủ thiếp, giật mình tỉnh dậy đã gần 4 giờ, em lại cắm cúi học thêm chút ít rồi vội vã đi lấy vé số. Thương cháu, bà nhiều lần khuyên hãy tạm nghỉ bán vé số, nhưng phải tận trước khi thi 1 tuần Thiên mới chịu nghỉ.

 


Cuối cùng, ước mơ của cậu học trò nghèo đã thành sự thật. Thiên đậu ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Trường Đại học Nha Trang. Nghe tin cậu bán vé số đậu đại học, rất nhiều cô bác buôn bán ở chợ Đầm trầm trồ thán phục, rồi giục nhau mua thêm ít vé số ủng hộ.


Vượt lên hoàn cảnh


Tháng 3 năm nay, cuộc sống của Nguyễn Thị Kiều My (thôn Phú Khánh Thượng, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) bỗng đảo lộn. My vừa nộp xong hồ sơ đăng ký ngành Marketing và Việt Nam học thì cha bị tai nạn, liệt toàn thân. Mẹ My phải nghỉ làm tạp vụ để vào viện chăm cha. Gia đình chẳng khấm khá, họ hàng đều khó khăn, chị em My bắt đầu những ngày vừa học, vừa làm thêm. Nhưng 3 - 4 triệu đồng làm thêm của 2 chị em chẳng thấm gì khi cha nằm viện. Tiền chữa bệnh đã hết hơn 100 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng vay mượn chưa biết bao giờ trả. Tuy cha My đã nói được, nhưng việc phục hồi còn lâu dài, trong khi mỗi tháng, tiền thuốc, chăm sóc cha, sinh hoạt, đi lại của mấy mẹ con tốn hơn chục triệu đồng. Cuối tháng 9 vừa qua, bà nội My lại bị tăng huyết áp, choáng váng ngã quỵ và bị trật khớp, cần người chăm sóc. Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển đại học ngành Marketing, My khóc, cả nhà cũng khóc vì biết em không thể vào TP. Hồ Chí Minh học.

 

Ngân đang cố gắng học giỏi để được nhận học bổng.

Ngân đang cố gắng học giỏi để được nhận học bổng.


Cha My khó nhọc nói: “Tôi đã nghĩ, cùng lắm bán nhà đất đi lo cho con đi học, nhưng căn nhà cũ kỹ, sau bão bị lật tôn, phải che tạm bợ, bán sao được…”. My rơm rớm nước mắt nói: “Nhiều lúc em thấy bế tắc, nghĩ chắc xin bảo lưu. Nhưng biết cha định bán nhà, em mới thấy, cha nằm một chỗ còn nghĩ cho em, sao em không ráng. Vì thế, em quyết tâm đi làm thêm lấy tiền đóng học phí, tiếp tục đến trường để trở thành hướng dẫn viên du lịch”.


Cuộc sống của Mấu Thị Trúc (A Thi, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) khó nhọc từ bé. Khi em lên 3, mẹ bệnh nặng rồi mất. Vài năm sau, ba em đi bước nữa. Hai chị em sống với ông bà ngoại bữa rau bữa cháo được một thời gian thì ông bà cũng qua đời. Mới 6 tuổi, Trúc chính thức cùng chị gái vào ở Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn. Hơn chục năm qua, chị em Trúc sống và học tập trong sự đùm bọc của các cô, các chú trong trung tâm. Đến nay, chị gái Trúc đã là cô giáo dạy tiểu học, còn Trúc cũng vừa đậu ngành Xã hội học, Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh). Chị gái Trúc kể, ngày biết tin em đậu đại học, chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì mong ước của em toại nguyện, nhưng cũng lo vì chi phí ở xa tốn kém. Thương chị, biết ơn trung tâm, vào TP. Hồ Chí Minh, ngoài tiền ăn được trung tâm hỗ trợ, Trúc xin làm thêm ở nhà hàng để có tiền trả thuê trọ.


Với Nguyễn Thị Diễm Phúc (Phú Khánh Trung, Diên Thạnh, Diên Khánh), cuộc sống của em có thể tóm tắt bằng một chữ “nhờ”. Nhà Phúc thuộc hộ nghèo. Hơn chục năm qua, 3 mẹ con Phúc sống nhờ dì trong một căn chòi tôn che tạm. Căn chòi tôn nóng hầm hập vào ngày nắng và dột tứ tung khi mưa xuống. Phúc kể: “Hôm trước mưa to, trên mái dột xuống, dưới nền nước tràn lênh láng. Tủ đồ mất cánh cửa mà hàng xóm bỏ đi, mấy mẹ con tận dụng mang về dựng thay bức tường tôn bung nát, cũng không chắn nổi mưa tạt. Cả nhà ôm nhau khóc...”. Mẹ Phúc sức vóc yếu ớt, xin đi làm đều bị từ chối nên chỉ phụ bán cà phê cóc cho dì, mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng. Từ nhỏ đến giờ, chị em Phúc toàn học nhờ sách của hàng xóm. Đi học, em cũng đi nhờ xe đạp của bạn. Nay vào đại học, em lại đi nhờ xe máy của bạn. Nhận tin đậu Cao đẳng Du lịch Nha Trang, ngành Quản trị khách sạn, em rất lo vì tiền đóng đầu năm gần 6 triệu đồng mà trong túi mới có hơn 1 triệu đồng. Em bàn với mẹ để em đi làm công nhân, dành cho em gái học đại học. Nhưng mẹ và em gái kiên quyết không chịu, còn nói sẽ ráng làm để em yên tâm đi học. Nghe vậy, em chỉ còn cách cố gắng học tiếp và kiếm việc làm thêm để không dồn gánh nặng lên gia đình.


Nuôi dưỡng ước mơ


Khi hỏi mong ước, Phúc không ước có phép màu hỗ trợ em ăn học, mà chỉ mong sửa được căn nhà cho đỡ dột, thay tấm tôn che bằng tường gạch. Chỉ vậy thôi, là đủ để em yên tâm vừa học vừa làm.

 

Được biết, những năm qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện hoặc phối hợp với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có kết quả đậu đại học, cao đẳng cao, như: tặng học bổng toàn phần, bán phần; miễn phí chỗ ở ký túc xá… Vừa qua, 5 tân sinh viên trong bài viết cũng đã được nhận học bổng hỗ trợ của Báo Tuổi Trẻ.  

Thật khó thấy Phan Thị Kim Ngân (Tân Phước Đông, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) buồn cho dù em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mẹ mất năm Ngân học lớp 3. Ba em bị bướu cổ, sức yếu, làm công cho chủ thuyền chỉ được chừng 2 triệu đồng/tháng. Nhận giấy báo đậu cao đẳng ngành Tiếng Anh du lịch (Trường Đại học Nha Trang), Ngân đã tính bảo lưu kết quả. Nhưng, Ngân chưa khi nào quên lời mẹ dặn trước lúc mất và nhớ đến ba đang gắng làm nuôi 2 chị em. “Em chỉ có một mong muốn, đó là học thật giỏi để giành học bổng, cho ba đỡ lo”, Ngân cười nhẹ tênh, rồi vội chạy đi phục vụ bàn ăn khách vừa gọi (việc làm thêm mới của Ngân từ khi nhập học).


Cậu sinh viên còm nhom Mai Văn Thiên cũng lạc quan không kém: “Bán vé số bình thường mà! Nhiều bạn cũng không có cha, có sao đâu!”. Cánh cửa đại học đã mở, nhưng khó khăn kinh tế chưa thôi đeo đuổi Thiên. Không còn thời gian bán vé số, Thiên tính sẽ kiếm việc làm bán thời gian để có tiền đóng học phí, phụ mẹ và ngoại. Ước mơ vào đại học đã thành, giờ Thiên chỉ mong sớm học xong đại học, kiếm được nghề ổn định, có tiền xây cho ngoại và mẹ cái nhà tử tế, không phải đi ở thuê. Trúc cũng đang gắng tìm việc làm thêm mới để thêm thu nhập phục vụ việc học. “Em phải gắng học thật tốt để không phụ lòng mọi người. Em tin, không có gì là không thể, chỉ cần cố gắng thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng”, Trúc tâm sự.


Với những tân sinh viên nghèo giàu nghị lực như: Thiên, Trúc, My, Ngân…, chúng tôi rất tin vào điều đó.



THIỀU HOA