12:08, 04/08/2018

Khí phách nơi ngục thẳm

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp gặp lại các cựu tù Côn Đảo ở Nha Trang, nghe họ kể về những năm tháng bị giam cầm, tra tấn bởi đòn roi của kẻ thù nơi ngục tù. Dù chịu nhiều gian khổ, mất mát, nhưng những người cộng sản ấy vẫn kiên trung, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng…

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp gặp lại các cựu tù Côn Đảo ở Nha Trang, nghe họ kể về những năm tháng bị giam cầm, tra tấn bởi đòn roi của kẻ thù nơi ngục tù. Dù chịu nhiều gian khổ, mất mát, nhưng những người cộng sản ấy vẫn kiên trung, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng…


Vết sẹo ở nhà tù Côn Đảo


Tôi đã từng nghe những người cựu tù chính trị kể về những cuộc đấu tranh chính trị ở nhà tù Côn Đảo, trong đó có việc rạch bụng tự vẫn đòi kẻ địch phải thực thi các yêu sách của các chiến sĩ cách mạng đang bị tù đày. Mãi gần đây mới biết, ở Nha Trang có một người là “chứng nhân lịch sử” của hành động đấu tranh cảm tử này, đó là ông Trần Hiệp - Phó Ban liên lạc cựu tù chính trị TP. Nha Trang.

 

 Ông Trần Hiệp với chiếc gối kỷ vật  được làm trong những ngày ở khám Chí Hòa.

Ông Trần Hiệp với chiếc gối kỷ vật được làm trong những ngày ở khám Chí Hòa.


Gõ cửa ngôi nhà trên đường Yết Kiêu, ông Hiệp (sinh năm 1949, tên thật là Trần Trớ, quê ở xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) đón tôi với nụ cười hiền lành. Thật khó có thể hình dung con người hiền lành này lại từng có những hành động cảm tử như vậy. Lớn lên ở vùng quê cách mạng tứ thôn Đại Điền, mới 15 tuổi, ông đã “nhảy núi”, tham gia lực lượng quân sự của tỉnh. Sau tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, nhiều cán bộ hoạt động nội thành bị bắt, ông Hiệp được cấp trên điều về hoạt động tại Nha Trang. “Tháng 4-1968, tôi được kết nạp Đảng ở chiến khu Đồng Bò, sau đó được đưa vào hoạt động ở nội thành. Nhưng chỉ vài tháng, do có người cùng quê chỉ điểm nên tôi bị địch bắt”, ông Hiệp nhớ lại. Ở nhà lao, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn hết sức tàn khốc nhưng ông Hiệp đã cắn răng chịu đựng. Không moi được thông tin từ người chiến sĩ cộng sản, đầu năm 1969, địch chuyển ông vào khám Chí Hòa ở Sài Gòn. Sau đó, ông tiếp tục bị đày ra Côn Đảo.


“Ngay khi ra đảo, tôi cùng các bạn tù đã chống chào cờ của địch nên bị tra tấn dã man, rồi địch đưa vào chuồng cọp”, ông Hiệp kể. Bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng ý chí sắt đá, lòng kiên cường bất khuất của người chiến sĩ cách mạng đã giúp ông vượt qua nỗi đau, hợp lực cùng đồng đội ngày đêm tìm cách đấu tranh. Trước cuộc sống quá khắc nghiệt trong nhà giam, chi bộ Đảng trong tù quyết định phát động cuộc đấu tranh trên diện rộng, đòi địch chấm dứt đàn áp tù chính trị; phải cải thiện đời sống tù nhân như: cải thiện bữa ăn, chăm sóc sức khỏe, mở cửa cho tù nhân tắm nắng - tắm nước hàng ngày, chuyển các tù thường phạm đầu gấu đi nơi khác. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đã bị đàn áp, có người bị đánh gãy tay. Trước tình hình đó, ông Hiệp đã xin được mổ bụng tự sát để nâng cao tính đấu tranh. “Khoảng 18 giờ ngày 28 tháng Chạp năm 1970, tôi dùng 1/2 lưỡi dao lam (cất giữ trong ve áo từ khi còn ở khám Chí Hòa) để rạch bụng. Máu chảy lênh láng nhưng tôi yêu cầu bạn tù không được đắp vết thương, vì như vậy là còn sợ chết, hiệu quả đấu tranh không cao… Đến khoảng 12 giờ đêm, cai ngục đã cho bác sĩ vào cầm máu, truyền nước cho tôi. Sáng hôm sau, địch nhượng bộ giải quyết một số đòi hỏi của anh em tù nhân, đưa tôi ra bệnh xá để chữa trị vết thương”. Tháng 11-1973, sau Hiệp định Paris, địch đưa ông Hiệp cùng một số bạn tù từ Côn Đảo về Nha Trang, rồi đưa về giam ở Diên Khánh. Lợi dụng sơ hở của địch, ông Hiệp cùng đồng đội đã vượt ngục trở về với cách mạng.


45 năm đã qua kể từ khi rời nhà tù Côn Đảo, trên bụng ông Hiệp vẫn còn vết sẹo dài lưu dấu kể từ lần tự sát ấy. Ngoài ra, ông vẫn giữ được kỷ vật những ngày tháng lao tù, đó là chiếc gối thêu từ những ngày ở khám Chí Hòa có dòng chữ “tương lai tươi sáng” cùng bông hồng tươi thắm thể hiện niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. “Mỗi khi khó khăn, nhìn vào chiếc gối, nhìn vào vết sẹo… tôi lại có thêm động lực để vượt qua gian khó”.


Kỷ vật để đời


Từ ông Hiệp, tôi được biết ông Lương Minh Dũng - nguyên Bí thư Huyện ủy Diên Khánh, cựu tù đảo Phú Quốc cũng có một kỷ vật để đời. Quê ở tứ thôn Đại Điền, ở tuổi 15, ông Dũng (tên thật là Lương Duy Lãnh) cùng anh và em trai đã đi theo cách mạng. Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Dũng nhận nhiệm vụ vận động bà con ở Diên Điền xuống đường biểu tình ủng hộ cướp chính quyền. Khi đoàn biểu tình bị chặn đánh ở Mả Vòng, TP. Nha Trang, ông Dũng bị thương và rơi vào tay giặc. “Sau vài tuần đánh đập dã man cho tôi thấm đòn, địch mới tra khảo. Chúng tìm cách dụ dỗ tôi lên loa kêu gọi chiêu hồi và lên căn cứ chỉ điểm nhưng tôi từ chối, dù biết trước đòn roi chờ sẵn. Từ Nha Trang, địch đưa tôi lên nhà lao ở Pleiku rồi đưa ra nhà tù Phú Quốc - nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian…”, ông Dũng nhớ lại.

 

Ông Lương Minh Dũng cùng em gái xem lại hình ảnh  về nhà tù Phú Quốc.

Ông Lương Minh Dũng cùng em gái xem lại hình ảnh về nhà tù Phú Quốc.


Vừa đặt chân đến nhà tù Phú Quốc, những người tù đã bị đánh đến không kịp thở. Rồi đến những ngày tháng khổ sai. “Khổ nhất là đi củi, cứ ra khỏi trại là đứng lên ngồi xuống 100 lần rồi mới đi, đến nơi phải đọc thuộc 10 điều quy định mới được vào làm việc, dọc đường quân cảnh hành hạ tùy thích. Trên đường về lại trại, địch bắt chúng tôi trồng cây chuối, rồi giả làm xe lu để “lu” đường. Con đường dốc đầy đá và gốc cây nham nhở, vậy mà chúng tôi phải thi nhau lăn xuống thì còn gì thân xác… Có lần, địch bắt chúng tôi dùng tay đi nhổ tranh, tay ai cũng toe toét máu”, ông Dũng kể. Nhắc lại những đòn roi ngày ấy, ông Dũng vẫn chưa hết rùng mình. Chỉ có ý chí của người chiến sĩ cách mạng mới giúp ông cùng bạn tù vượt qua được những màn tra tấn man rợ đó. “Tôi đã nghĩ mình sẽ không có cơ hội sống sót để trở về. Nhưng còn sống thì còn đấu tranh. Chúng tôi bí mật thành lập các tổ đảng để hoạt động, động viên nhau giữ vững lập trường chiến đấu, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Địch đánh đập mãi mà không khuất phục được ý chí của các chiến sĩ cách mạng nên rồi cũng chùng tay…”, ông Dũng kể.


Sau Hiệp định Paris 1973, địch đưa ông Dũng cùng gần 100 đồng chí ra Quảng Trị để trao trả tù binh. “Đến ngày trao trả, địch cho chúng tôi ăn mặc đàng hoàng nhưng chúng tôi không mặc, cứ mặc nguyên áo tù vậy mà đi. Đến sông Thạch Hãn, trước khi xuống ca nô sang bờ Bắc, chúng tôi xé quần áo ngoài ném vào bọn địch. Ra đến giữa sông nhiều người nhảy ùm xuống nước, bơi sang sông cho thỏa những ngày ở tù bị giam cầm, thiếu nước. Sang đến bờ, thấy cờ Tổ quốc tung bay trong gió, chúng tôi sung sướng đến trào nước mắt. Không ai bảo ai, tất cả đứng nghiêm chào cờ hát vang quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi…”, dù trên người chỉ còn mỗi chiếc quần đùi”, ông Dũng kể mà mắt rưng rưng xúc động.


Dứt câu chuyện, ông Dũng với tay lấy cuốn album cho tôi xem bức ảnh chụp chiếc bấm móng tay mà ông đã làm trong tù. Đó là chiếc bấm móng tay đa chức năng gồm: bấm móng tay, dao, nhíp nhổ râu và que xỉa móng tay được làm rất khéo. “Tôi lấy inox từ ca uống nước cắt ra rồi mài thành bộ bấm móng tay này. Ngày nào cũng mài, suốt mấy tháng trời mới xong… Khi làm xong tôi nhờ bạn tù khắc chữ “kỷ niệm 72” để nhớ về những ngày lao khổ”, ông Dũng nói. Suốt mấy chục năm sau khi trở về từ nhà tù Phú Quốc, bộ bấm móng tay là vật bất ly thân của ông Dũng. Nó là hiện thân của sự kiên trì, nhẫn nại, sáng tạo của người chiến sĩ cách mạng. Mỗi khi khó khăn ông lại nhìn vào kỷ vật để vượt qua… Mãi gần đây, sau nhiều lần được thuyết phục, ông đã trao lại bộ bấm móng tay cho người bạn tù năm xưa là ông Lâm Văn Bảng (Phú Xuyên, Hà Nội) để trưng bày ở Bảo tàng đồng đội. “Bộ bấm móng tay ấy là vật quý nhất cuộc đời tôi. Nhưng tôi nghĩ, nếu giao cho ông Bảng trưng bày thì sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Công chúng, đặc biệt là lớp trẻ sẽ hiểu được để giữ được độc lập, thống nhất của đất nước bao nhiêu người đã ngã xuống”.


Những ngày này, không khí kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đang đến gần. Nhìn bầu trời cao xanh lộng gió, tôi chợt nhớ đến những lời tâm sự của những người cựu tù chính trị năm xưa: “Tổ quốc là trên hết”!


 XUÂN THÀNH