Người dân xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch rộ rong mơ. Hiện tại, giá rong mơ tuy không bằng thời điểm đầu vụ, nhưng bù lại sản lượng cao, khai thác đến đâu bán hết đến đó nên người dân rất phấn khởi.
Người dân xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch rộ rong mơ. Hiện tại, giá rong mơ tuy không bằng thời điểm đầu vụ, nhưng bù lại sản lượng cao, khai thác đến đâu bán hết đến đó nên người dân rất phấn khởi. Trong niềm vui đó, vẫn còn những nỗi băn khoăn về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.
Ra biển vớt rong
Khuya, biển Đầm Vân êm ả như ru. Trên bến tàu, những tiếng í ới, giục nhau ra biển vớt rong đã xua đi vẻ tĩnh lặng về đêm của làng biển. Theo chân vợ chồng anh Trà Đức Tuấn, ở thôn Tây (xã Ninh Vân) đi lấy rong mơ ở khu vực Rạn Cầu, chúng tôi phần nào biết được sự vất vả của nghề này. Thấy chiếc ghe nhỏ của vợ chồng anh Tuấn hôm nay có khách, những người vớt rong trong làng buông lời trêu: “Mùa rong đang rộ, phải tuyển thêm người đi vớt rong à?”. Nghe vậy, anh Tuấn cất lời: “Thì ở làng này, ai chẳng tranh thủ mùa rong, làm ngày, làm đêm, nhà nhà làm rong, người người vớt rong. Tui tính chuyến này về sắm thêm cái ghe để đi vớt rong đây”.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ khoảng 2 giờ sáng trên chiếc ghe nhỏ, dưới ánh trăng, mặt biển phẳng lặng trông như một tấm gương lớn bàng bạc. Vừa điều khiển ghe hướng ra Rạn Cầu, anh Tuấn rành rọt: “Mùa khai thác rong mơ được bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, đến khoảng tháng 8 âm lịch thì kết thúc. Nhưng thời điểm thu hoạch rộ nhất là vào tháng 6, tháng 7 âm lịch. Vào đầu vụ, rong mơ chỉ mới dài khoảng 40cm, nằm hẳn dưới mặt nước nên phải lặn xuống mới lấy được. Vì thế, việc khai thác vất vả, nguy hiểm, nhưng năng suất không cao. Còn thời điểm này, rong đã dài 2m, nổi hẳn trên mặt nước nên chỉ cần ngồi trên thuyền là vớt được”. Góp thêm vào câu chuyện với chúng tôi, vợ anh Tuấn bảo: “Rong mơ ở Ninh Vân rất nhiều, nhưng nghề khai thác rong mới gắn bó với người dân Đầm Vân hơn chục năm nay. Nghề này đã giúp cho cư dân miền biển có thu nhập khá cao, nhiều gia đình trở nên khá giả cũng nhờ đi khai thác rong. Như vợ chồng tôi, việc khai thác rong cũng đủ trang trải cho 2 đứa con học cấp 3 ở trên thị xã”.
Sau gần 40 phút chạy ghe, chúng tôi ra đến Rạn Cầu; giữa mặt biển bao la, dù anh Tuấn chỉ nhưng chúng tôi không phân biệt được rong mơ trôi nổi ở đâu. Chỉ đến khi anh tắt máy, rọi đèn pin, chúng tôi mới thấy những vạt rong dập dờn trong sóng nước. Để tranh thủ thời gian, vợ chồng anh Tuấn vội lấy những chiếc sào nhỏ, 1 đầu buộc móc sắt để bắt đầu vớt rong mơ. Vớt được đến đâu họ lại ôm lên rũ cho ráo nước rồi bỏ vào khoang ghe. Khi thấy việc dùng sào để vớt chậm, anh Tuấn nhảy ùm xuống biển, đầm mình trong nước lạnh để vớt cho nhanh. Sau hơn 1 giờ đầm mình trong nước, anh Tuấn lại trèo lên ghe. Anh chia sẻ: “Đầm mình trong nước biển lạnh quá lâu rất dễ bị chuột rút, đơ cứng chân tay, rất nguy hiểm. Thấy trong người ớn lạnh là phải lên, ngồi một lúc cho ấm người rồi lại nhảy xuống nước. Công việc cứ diễn ra đều đặn như thế đến sáng, khi mặt trời bắt đầu gắt thì quay ghe về bờ”.
Trên đường trở về, nhìn số rong trong khoang, anh Tuấn ước tính khi phơi khô xong cũng được khoảng 1,8 tạ. Hiện tại, mức giá 5.000 đồng/kg rong khô, vợ chồng anh thu được 900.000 đồng, sau khi trừ tiền dầu còn được 800.000 đồng. “Bây giờ, giá tuy giảm hơn so với đầu vụ (đầu vụ khoảng 7.000 đồng/kg), nhưng được cái rong nhiều, dễ lấy. Đang vào vụ, nên buổi sáng đi lấy rong về phơi chưa đến 1 ngày là có người đến thu mua liền. Ngày nào cũng có tiền vào nên làm thấy ham lắm!”, vợ anh Tuấn phấn khởi.
Ghe chúng tôi cập bờ cũng là lúc những ghe khác trở về với đầy ắp rong trong khoang. Gặp cha con ông Thắng - cũng ở thôn Tây đang cập bến. Nhìn vào lượng rong chất đầy trên ghe, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với sức lao động của họ. “Với 1,5 tấn rong, sau khi phơi khô chắc cũng được khoảng 5 tạ. Với giá hiện tại, sau khi trừ tiền dầu, cha con tôi cũng có được khoảng 2 triệu đồng. Bây giờ đang vào vụ nên tranh thủ làm để có thêm thu nhập, chứ mấy tháng nữa biển động lại phải đi tìm việc khác”, ông Thắng cho biết.
Ai mua?
Ông Nguyễn Văn Túc - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân chia sẻ: “Ở Ninh Vân hiện có 54 ghe thuyền và hàng chục thuyền thúng chuyên nghề khai thác rong mơ. Trung bình mỗi tháng, người dân toàn xã khai thác được 720 tấn rong khô (tương đương hơn 2.100 tấn rong tươi). Năm nay, sản lượng rong đạt cao hơn so với mọi năm, trong khi giá rong vẫn giữ ở mức tương đương năm trước nên thu nhập của người dân khá cao. Khai thác rong mơ là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho rất nhiều gia đình trên địa bàn. Rong khai thác xong, đem phơi khô 1 nắng là có thương lái đến cân mua, giao tiền ngay. Không riêng gì ở Ninh Vân mà nhiều địa bàn khác ở Ninh Hòa cũng đang rộ mùa khai thác rong mơ”.
Đến khu vực biển bãi Bàng (thôn Tây, Ninh Vân) chúng tôi được những người đang phơi rong tại đây cho hay, cách đây khoảng 10 năm, có người Trung Quốc đến Ninh Vân khảo sát, đặt vấn đề với người dân thu mua loại rong này. Nghề khai thác rong mơ ở Ninh Vân cũng xuất phát từ đó. Riêng đầu vụ rong năm nay có ông A Thèm (người Trung Quốc) đi cùng ông Ký ở Nha Trang ra Ninh Vân xem rong. Sau đó, không thấy ông A Thèm ra nữa mà chỉ thấy ông Ký đứng ra thu mua.
Để tìm hiểu việc bán mua rong mơ ở địa phương này, chúng tôi tiếp cận ông Ký (TP. Nha Trang), 1 trong 3 người chuyên gom rong ở khu vực Ninh Vân - Ninh Phước, ông cho hay: “Rong thu mua được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch; không chỉ ở Khánh Hòa mà nhiều địa phương khác có nguồn lợi rong mơ cũng xuất khẩu theo con đường này. Riêng ở Ninh Vân - Ninh Phước, cứ trung bình 2 ngày tôi lại đưa 2 xe đến chở một lần, khi gom đủ xe thì chở thẳng ra phía bắc để xuất. Sang đó họ sử dụng làm gì thì tôi không rõ lắm, chỉ nghe nói là làm nước giải khát hoặc làm thực phẩm chức năng gì đó, chứ tiêu thụ trong nước chỉ chưa đến 10%”.
Khai thác đi đôi với bảo vệ
Tìm hiểu thêm về nguồn lợi rong mơ tại Khánh Hòa, chúng tôi được ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản chia sẻ: “Không riêng gì ở Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh… nhiều khu vực tại Ninh Hòa có rong mơ phân bố như: Hòn Mỹ Giang, Hòn Khô, Rạn Ngầm (xã Ninh Phước); Bãi Cỏ, Bãi Dài, Bãi Bàng, Rạn Chảo (xã Ninh Vân)... Thực tế nghề khai thác rong mơ giúp người dân vùng biển có thu nhập ổn định hơn so với đánh bắt gần bờ. Từ năm 2014 đến nay, chi cục phối hợp với các xã tuyên truyền, thành lập nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ để người dân vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có rong mơ; qua đó giúp người dân khai thác hợp lý, đảm bảo sinh kế, bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống của sinh vật biển”. Riêng đối với kỹ thuật khai thác rong mơ, ông Én nhấn mạnh, về thời gian chỉ nên trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 10 hàng năm; khai thác rong theo luống; khi cắt rong phải để lại gốc bám và đoạn thân dài khoảng 10 - 15cm để duy trì sự phát triển của rong...
Thực tế ở Ninh Vân, người dân địa phương chỉ tập trung thu hoạch rong mơ bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi. Bởi lẽ, khi đó cây rong đã dài nên việc khai thác cũng dễ hơn. Quan trọng là khi đó trứng của các loài thủy sản đã nở thành con, nên việc lấy rong lúc này không làm ảnh hưởng nhiều đến các loài thủy sản. “Khu vực có rong mơ cũng là bãi đẻ trứng của các loài tôm cá. Nếu mình đi lấy rong sớm thì sẽ làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của những loài này. Nên thời điểm lấy rong thích hợp nhất vẫn là từ tháng 5 trở đi”, ông Thắng cho biết. Nhưng cũng theo ông Thắng, trong những năm gần đây, số lượng người ở địa phương khác đến các khu vực có nhiều rong mơ ở Ninh Vân khai thác càng đông. Từ đầu tháng 3 âm lịch họ đã mang đồ để lặn bứt rong mơ, mặc dù tổ đồng quản lý đã can thiệp nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt. Vì nguồn lợi nên một số ít người dân địa phương cũng đua theo, đi khai thác rong mơ từ sớm.
Thực tế, rong mơ nếu bị khai thác quá mức, môi trường sinh thái biển sẽ bị tác động, mất đi sự cân bằng bởi nhiều loài sinh vật biển mất chỗ trú ngụ và sinh sản. Vì vậy, người dân cần tuân thủ thời gian, kỹ thuật thu hoạch rong mơ. Bên cạnh sự quản lý, tuyên truyền của ngành, rất cần các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tổ cộng đồng khai thác rong mơ và người dân. Quan trọng hơn cả là ý thức giữ gìn nguồn lợi rong mơ của người dân, chỉ khi khai thác đi đôi với bảo vệ thì nguồn lợi mới bền vững.
GIANG ĐÌNH - BÍCH LA