Đã 15 năm người dân sống trong vùng dự án kè sông Cái (giai đoạn 2) cứ mòn mỏi mong chờ dự án được làm. Những viễn cảnh tươi sáng về các khu dân cư ven sông cứ mãi nằm trên giấy, còn người dân thì cứ khổ vì quy hoạch treo.
Đã 15 năm người dân sống trong vùng dự án kè sông Cái (giai đoạn 2) cứ mòn mỏi mong chờ dự án được làm. Những viễn cảnh tươi sáng về các khu dân cư ven sông cứ mãi nằm trên giấy, còn người dân thì cứ khổ vì quy hoạch treo.
Cuộc sống tạm bợ
Đi sâu vào những dải đất chạy dọc 2 bên bờ sông Cái mới hiểu hết nỗi khổ của người dân sống trong vùng dự án treo kéo dài hơn 1 thập kỷ. Cuộc sống của người dân nơi đây dường như chậm hơn so với những vùng ven đô lân cận đang đô thị hóa đến chóng mặt.
Ngôi nhà từ đường của gia đình ông Nguyễn Văn Chương ở tổ 9 Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp) nằm sát mép sông Cái mấy chục năm nay không được sửa sang lại. Ngôi nhà cũ kỹ, rêu mốc, ẩm thấp, trần bong tróc. Khu vườn khá rộng rãi, được gia đình tận dụng làm nơi thả gà, đậu xe và trẻ em vui chơi. Ông Chương kể: “Do kè sông Cái quy hoạch nên đại gia đình tôi gặp khá nhiều khó khăn. Trong nhà có 4 thế hệ sống chung với nhau. Dù có miếng đất đến 750m2 nhưng không thể tách thửa ra riêng vì quy hoạch, bán cũng không được. Anh em trong nhà phải bươn chải đi tìm nơi khác ở. Muốn sửa sang lại nơi thờ tổ tiên, làm nhà ở cho đàng hoàng có được đâu nên cuộc sống rất bức bí”.
Ông Lê Văn Công, năm nay đã 76 tuổi, nhà ở tổ Vạn Trung 2 (Vạn Thắng) cho biết, ông sống ở đây được 50 năm. Gần 30 năm trước, ông được thông báo khu vực nhà ông ở sau này sẽ làm bờ kè. Vì vậy, ông chỉ xây nhà cấp 4. Thời gian trôi qua, nhà xuống cấp ẩm thấp, mục nát, xiêu vẹo nhưng ông không dám sửa vì cứ lo bị giải tỏa. 16 nhân khẩu cứ phải chui ra chui vào căn nhà xập xệ. “Ba mươi năm qua, tôi luôn sống nhấp nhổm không biết khi nào đi, ở. Tôi bây giờ cũng đến tuổi về với ông bà, nên chỉ mong muốn cho công trình này sớm thành hiện thực để trước khi nhắm mắt còn thấy được con cháu an cư lạc nghiệp”, ông Công chia sẻ.
Hàng chục năm qua, cuộc sống người dân trong vùng dự án kè sông Cái cứ mãi trong cái vòng luẩn quẩn, bí bách. Môi trường thì ô nhiễm, đất đai thì không được sang nhượng tách thửa, cấp sổ, nhà cửa thì không được xây mới, nhưng hễ xây dựng nhà là bị đình chỉ, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ. Bà Phạm Thị Loan, 53 tuổi, có nhà ở tổ Vạn Trung 2 cho hay, chồng bà năm nay đã 70 tuổi, từng nghỉ hưu theo diện mất sức lao động, lương chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng, còn bà vốn lao động tự do, hiện nay lớn tuổi nghỉ ở nhà. Khu đất gia đình bà thừa kế rộng cả ngàn mét vuông giữa lòng thành phố; gia đình chỉ mong muốn xây vài phòng trọ cho thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống mà không được. Sau cơn bão số 12 năm 2017, nhà cũ bị sập mái, bà lên phường xin thì được cho sửa lại. Bà đánh liều vay mượn tiền xây dựng thêm 2 căn nhà khác để cho thuê thì bị chính quyền phát hiện đình chỉ và xử phạt. “Vợ chồng tôi già, không lao động được, cuộc sống chật vật, bệnh tật không có tiền chữa bệnh. Trong khi đó đất đai tổ tiên để lại rộng mênh mông nhưng đành bỏ hoang”, bà Loan nói.
Quản lý khó khăn
Khu dân cư sát mép sông Cái của tổ Vạn Trung 2 nằm trong lòng TP. Nha Trang nhưng lại khá tách biệt với bên ngoài, bởi những con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, có đoạn chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy lách qua. Mới đây, tại 1 khu đất trống cạnh khu dân cư này bỗng trở nên náo nhiệt khi có gần 30 đoàn viên, dân quân và cán bộ, nhân viên phường Vạn Thắng tập trung dọn vệ sinh môi trường và làm bờ rào với mục đích không cho người dân lấn chiếm đất công dọc sông để nuôi gia súc, gia cầm. Chen lẫn trong không khí làm việc khẩn trương là những tiếng la ó của người dân địa phương lấn chiếm đất công.
Theo UBND phường Vạn Thắng, có khoảng 100 hộ sống trong vùng quy hoạch kè sông Cái, đoạn qua địa bàn phường. Quy hoạch kéo dài làm địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý môi trường, lấn sông, xây dựng trái phép… Ông Ngô Thanh Sơn - Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng cho biết, người dân sống cạnh mép sông có thói quen hay đổ đất lấn sông, mỗi ngày một ít, từ năm này sang năm khác, nên có nơi đất lấn thêm ra sông vài chục mét. Chính quyền vận động, tuyên truyền, lâu lâu lại đi dọn dẹp, rào chắn nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Đoạn sông qua địa bàn phường có khoảng 10 hộ lấn chiếm đất sông, hộ ít thì cả trăm mét, hộ nhiều thì từ vài trăm mét trở lên.
Ông Nguyễn Ngọc Chinh - Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp cũng phải lục tìm, lần dở lại những tập tài liệu cách đây hơn chục năm mới có thể cho biết chính xác mốc thời gian từ khi có chủ trương quy hoạch kè sông Cái là năm 1997, đến năm 2003 thì có quy hoạch và quyết định thu hồi đất của dân. Kè sông Cái chạy qua 5 tổ dân phố của phường, đó là các tổ: 7, 8, 9 Lư Cấm, tổ 10 Vĩnh Hội và tổ 15 Ngọc Sơn với khoảng 300 hộ bị ảnh hưởng. Sống trong vùng dự án treo chịu nhiều thiệt thòi nên người dân nhiều năm qua bức xúc, đã liên tục kiến nghị lên chính quyền về việc đẩy nhanh thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn phải chờ. Trong khi đó, chính quyền cũng gặp khó khăn trăm bề trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, chống sạt lở, an ninh trật tự đô thị do xung đột lợi ích…
Đến bao giờ sẽ làm kè?
Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dọc sông Cái là nơi tập trung rất đông nhà cửa của người dân. Dự án kè kéo dài không chỉ làm cuộc sống người dân bế tắc, bị uy hiếp mỗi mùa mưa lũ mà rác thải, nước thải từ nhà dân xả ra 2 mép sông Cái đổ ra biển là nguyên nhân khiến vịnh Nha Trang ô nhiễm trong thời gian qua. Việc đầu tư xây dựng bờ kè dọc sông Cái là công trình rất quan trọng đối với đô thị Nha Trang. Vấn đề này đã được các thế hệ lãnh đạo tỉnh đặt ra từ hơn 20 năm trước, nhằm giải quyết các mục tiêu: chống ô nhiễm môi trường, thoát lũ, phát triển đô thị hai bên sông, nâng cao đời sống cho người dân. Việc xây dựng kè là bức thiết, tuy nhiên, đến nay cũng chỉ xây dựng được một số đoạn ngắn 2 bên bờ sông đoạn từ cầu Hà Ra, cầu Xóm Bóng ra cầu Trần Phú. “Nước lên, nước xuống, rác thải sinh hoạt, chất thải của người và động vật dọc sông cứ thế đổ ra biển, như thế thì làm sao có được Nha Trang xanh - sạch - đẹp. Nhiều địa phương khác có điều kiện kinh tế khó khăn hơn nhưng cũng đã xây dựng được những bờ kè dọc bờ sông. Nguyên là lãnh đạo tỉnh, tôi rất mong muốn dọc bờ sông Cái, cồn Nhất Trí, cồn Ngọc Thảo được xây dựng kè.
Trước mắt, cần xây dựng kè bờ Nam sông Cái, vì đây là khu vực trung tâm của thành phố”, ông Chi bày tỏ.
Theo quy hoạch từ năm 2003, kè dọc 2 bờ sông Cái giai đoạn 2 gồm: bờ tả rộng 18m, từ cầu Xóm Bóng đến cầu Đường sắt; bờ hữu rộng 28m, từ cầu Hà Ra đến cầu Đường sắt; kè và đường bờ xung quanh cồn Ngọc Thảo. Tổng diện tích thu hồi toàn bộ dự án hơn 51,2ha, đi qua các phường: Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Vạn Thạnh, Vạn Thắng và Ngọc Hiệp. |
Lưu Khánh