12:06, 28/06/2018

Kỳ 2: Thắm tình quân dân

Mỗi lần đến Trường Sa, chúng tôi đều ấn tượng với tình cảm, sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của quân và dân nơi đảo xa. Mối quan hệ mật thiết ấy là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người con đang ngày đêm bám biển…

 

Mỗi lần đến Trường Sa, chúng tôi đều ấn tượng với tình cảm, sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của quân và dân nơi đảo xa. Mối quan hệ mật thiết ấy là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người con đang ngày đêm bám biển…

 

Âu tàu Song Tử Tây là nơi tránh trú bão an toàn cho nhiều tàu cá của ngư dân.

Âu tàu Song Tử Tây là nơi tránh trú bão an toàn cho nhiều tàu cá của ngư dân.

 

Tình quân dân như cá với nước

 

Sinh sống ở thị trấn Trường Sa nhiều năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chương và chị Trần Thị Kim Liên không thể nào quên những tình cảm mà bộ đội dành cho không chỉ gia đình anh chị. Anh Chương chia sẻ, tuy cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn, cách xa đất liền nhưng người dân nơi đây luôn nhận được những tình cảm đặc biệt của bộ đội. Dân cần gì là bộ đội giúp đỡ ngay. “Mỗi lần được tin bão đổ bộ vào đảo, các chiến sĩ đã trực tiếp đến từng nhà dân hỏi thăm và phụ giúp gia đình chằng chống nhà cửa. Những ngày bị bệnh tật, các bác sĩ quân y của đảo thường xuyên lui tới thăm khám, chăm sóc, hướng dẫn cách sử dụng thuốc rất tận tình, chu đáo”, anh Chương kể.

 

Vợ chồng anh Huỳnh Đức Phong và chị Nguyễn Thị Ngọc Nở sống nhiều năm trên đảo Sinh Tồn cũng cảm nhận sâu sắc tình cảm người lính đảo dành cho mình. Anh Phong tâm sự: “Tình cảm quân dân trên đảo như người trong một nhà. Dân hết gạo, hết thức ăn, nước uống… đều được bộ đội chia sẻ. Những ngày lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) trên đảo còn giúp dân sơn sửa lại nhà cửa, gói bánh chưng, chung vui đón giao thừa thật đầm ấm”. Không chỉ vậy, sau giờ thao trường, chiến sĩ lại đến các hộ dân để giúp nhổ cỏ, trồng rau, vệ sinh xóm làng. Những ngày trời yên, biển lặng, quân dân lại cùng nhau ra khơi buông lưới đánh bắt hải sản để cải thiện đời sống. Hàng đêm, các chiến sĩ còn thay nhau đến từng nhà tập hát, dạy chữ cho những em nhỏ.


Đối với những chiến sĩ mới ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tình cảm, sự động viên từ phía người dân là điểm tựa tinh thần, giúp họ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chiến sĩ Lê Hoàng Trung đang làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Ở đây, người dân luôn xem chúng tôi như người thân trong nhà. Có gói bánh, gói quà, các hộ cũng san sẻ với bộ đội. Chính tình cảm mà nhân dân dành cho chiến sĩ đã phần nào giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, là động lực để mọi người vượt qua khó khăn”.


Trung tá Vũ Thế Long - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết, để thắt chặt tình quân dân, CB-CS trên đảo đã kết nghĩa với tất cả các hộ trên đảo, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Quan hệ quân dân là truyền thống lâu đời của quân đội. Đặc biệt, ở những nơi biển đảo thì truyền thống đó càng được phát huy. Nó thể hiện qua quá trình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong làm ăn, sinh sống. Chia sẻ với chúng tôi về tình quân dân, Trung tá Lương Quốc Anh - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa khẳng định: “Khi tiếp xúc với dân, chúng tôi luôn làm đúng 3 điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; 3 điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân. Ngoài nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, mỗi CB-CS nơi đây còn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa để xứng đáng với truyền thống: đi dân nhớ, ở dân thương; quân với dân như cá với nước”.

 

Lính đảo Sinh Tồn giúp dân khuân vác đồ đạc.

Lính đảo Sinh Tồn giúp dân khuân vác đồ đạc.

 

Kịp thời giúp ngư dân


Không chỉ chắc tay súng bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc, các đơn vị bộ đội ở Trường Sa còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn. Đã có nhiều vụ tàu cá của ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản ở Trường Sa gặp nạn được bộ đội ứng cứu kịp thời. Ngày chúng tôi lên thăm đảo Trường Sa, cũng là lúc CB-CS Đồn Biên phòng Trường Sa (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) vừa cứu hộ, cứu nạn thành công tàu cá Bình Định mang số hiệu BĐ-97030-TS do ông Trần Văn Hòa (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 12 thuyền viên. Trung tá Phan Lê Giáp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa chia sẻ: “Nhận được tín hiệu cầu cứu của tàu cá cách đảo 12 hải lý, chúng tôi đã hiệp đồng với các chiến sĩ Hải quân trên đảo điều 2 tàu CQ cùng 10 chiến sĩ tức tốc lên đường cứu nạn. Tiếp cận được tàu cá, chúng tôi xác nhận máy tàu bị hỏng, tàu thả trôi tự do. Sau 3 giờ sửa chữa, tàu cá hoạt động trở lại trong niềm vui của các thuyền viên”. Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã kịp thời cứu nạn gần chục tàu cá của ngư dân các tỉnh: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa bị hỏng máy, thủng khoang vô nước. Trong đợt cơn bão số 16 cuối năm 2017, đơn vị cũng đã hiệp đồng cứu nạn, hướng dẫn, cung cấp nhu yếu phẩm và ổn định tinh thần cho hơn 60 tàu cá với hàng trăm ngư dân.


Hôm chúng tôi lên thăm đảo Song Tử Tây, cũng là thời điểm trên Biển Đông hình thành áp thấp nhiệt đới. Nhận được tin báo từ đất liền, chỉ huy đảo liền thông báo đến các đơn vị đóng chân trên đảo sẵn sàng mọi phương án để hướng dẫn tàu cá của ngư dân ra vào âu tàu tránh trú. Đồng thời, các xuồng CV, CQ túc trực để nếu có tàu cá ngư dân gặp nạn thì kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, xăng dầu, nước ngọt để cung cấp cho ngư dân nếu cần. Trung tá Nguyễn Đức Độ cho biết: “Hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển của mỗi CB-CS trên đảo luôn được đề cao. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã kịp thời cứu nạn gần 50 tàu cá của ngư dân bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân bị tai nạn lao động, bệnh tật đã tìm đến quân y tại đảo nhờ cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí. Nhiều trường hợp nguy kịch tưởng không qua khỏi nhưng nhờ bàn tay của các y, bác sĩ nơi đây đã được chữa lành bệnh, trở về đất liền”.


Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, mỗi năm, Trường Sa bị ảnh hưởng bởi hàng chục cơn bão lớn nhỏ và áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, khi gặp bão, ngư dân luôn chọn đảo làm nơi trú ẩn. Ngoài Trường Sa, hầu hết các đảo, điểm đảo đều được xem là điểm tựa an toàn của ngư dân vươn khơi bám biển. Mỗi chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo đều được huấn luyện cứu hộ, cứu nạn đạt loại giỏi. Do vậy, nếu gặp nạn, ngư dân hãy phát tín hiệu để được bộ đội giúp đỡ kịp thời.


Khi tàu chúng tôi rời Trường Sa, thấp thoáng vẫn thấy những chiến sĩ đang cùng với người dân cần mẫn chăm sóc rau. Còn ngoài khơi xa, những chiếc tàu cá của ngư dân thong thả buông lưới, bởi họ biết, bên cạnh mình luôn có những người lính đảo sẵn sàng giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn.


V.G
 

 

Kỳ 1: Lưu luyến người ở, người về