11:06, 26/06/2018

Kỳ 1: Lưu luyến người ở, người về

Có ai đó từng nói Trường Sa đi nhớ, ở thương. Quả thật, trong chuyến tàu ra thăm lại Trường Sa lần này, chúng tôi đã được chứng kiến những giây phút lưu luyến, tự hào giữa người về, người ở lại.

Có ai đó từng nói Trường Sa đi nhớ, ở thương. Quả thật, trong chuyến tàu ra thăm lại Trường Sa lần này, chúng tôi đã được chứng kiến những giây phút lưu luyến, tự hào giữa người về, người ở lại.


Náo nức theo con sóng


7 giờ sáng một ngày đầu tháng 6, chúng tôi lên tàu Trường Sa 571 đến với Trường Sa. Sau bữa cơm chiều đầm ấm trên khoang tàu, ông Lưu Ngọc Phi - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng đoàn công tác cho biết: “Chuyến đi này, ngoài lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh ra thăm Trường Sa, còn có các công chức, giáo viên ra nhận nhiệm vụ mới tại 3 đảo, gồm: Trường Sa, Sinh Tồn và Song Tử Tây; đồng thời, đón các công chức, giáo viên ở các đảo đã hoàn thành nhiệm vụ về đất liền”.

 

Trao bằng khen của UBND tỉnh  cho những công chức, giáo viên xuất sắc trở về từ Trường Sa.

Trao bằng khen của UBND tỉnh cho những công chức, giáo viên xuất sắc trở về từ Trường Sa.


Càng ra khơi xa, biển càng động, những cơn mưa giông bất chợt và gió cấp 6, cấp 7 kéo theo sóng cao 5 - 7m khiến tàu tròng trành, lắc lư. Đứng trên boong tàu, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, thầy giáo Nguyễn Hữu Tình (ở xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) cho biết: “Trong đợt thi tuyển giáo viên ra Trường Sa dạy học, tôi may mắn trúng tuyển, đây cũng là mong ước bấy lâu nay của tôi. Hôm nay được lên tàu ra Trường Sa nhận việc, tâm trạng tôi lúc nào cũng chộn rộn, hồi hộp mong sớm được lên đảo”. Không chỉ các công chức, giáo viên ra Trường Sa công tác chộn rộn, hồi hộp, mà hầu hết thành viên đi trên tàu cũng có chung tâm trạng nôn nao, mong ngóng sớm đặt chân lên thăm các đảo ở Trường Sa.


Sau 2 đêm, 1 ngày lênh đênh trên biển, khi bình minh vừa ló rạng phía chân trời, thị trấn Trường Sa hiện ra. Tất cả mọi người đều hướng ánh nhìn về phía đảo với tâm trạng háo hức, phấn chấn. Con tàu từ từ tiến sát, rồi cập cảng Trường Sa, đưa mọi người lên thăm đảo trong niềm tự hào, xúc động. Những ngày sau đó, tàu Trường Sa 571 lần lượt đưa đoàn công tác đến thăm các đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây.


Hạnh phúc được ra đảo làm việc


Trong chuyến ra Trường Sa lần này, chúng tôi gặp anh Bành Hữu Tình (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). Anh Tình vốn đang giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Suối Cát, nhưng khi biết tin có đợt thi tuyển giáo viên ra Trường Sa, anh tình nguyện đăng ký thi và trúng tuyển. “Những ngày đầu đặt chân lên đảo, tôi cũng bỡ ngỡ và bất ngờ vì trong tâm trí tôi luôn nghĩ Trường Sa rất thiếu thốn, khó khăn, nhưng khi ra đây thấy điều kiện cho việc giảng dạy và sinh sống ở trên đảo khá thuận lợi. Ấn tượng nhất với tôi là các em học trò rất lễ phép và ngoan ngoãn. Đặc biệt, tuy mới ra đảo được 2 ngày, nhưng các chiến sĩ, người dân ở đây thường xuyên lui tới hỏi thăm, động viên càng khích lệ tôi an tâm công tác. Với tình cảm này, tôi sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đưa con chữ, kiến thức đến với các em học sinh nơi đây”, anh Tình chia sẻ.

 

Thầy giáo Lê Xuân Quyết (bên trái) bàn giao sổ, sách dạy học lại cho thầy giáo Nguyễn Hữu Tình.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết (bên trái) bàn giao sổ, sách dạy học lại cho thầy giáo Nguyễn Hữu Tình.

 

Ông Lưu Ngọc Phi cho biết, những công chức, giáo viên ra Trường Sa công tác đợt này đều qua đợt xét tuyển chặt chẽ. Hầu hết họ đều có phẩm chất đạo đức tốt, có mong muốn được ra Trường Sa làm việc và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ. Những công chức, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Trường Sa về đất liền, sẽ được bố trí, sắp xếp công việc mới phù hợp với chuyên môn.

Tuy đã có công việc ổn định nhiều năm tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Cam Ranh, nhưng anh Nguyễn Thế Hùng Linh (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) vẫn tình nguyện thi tuyển ra công tác tại đảo Song Tử Tây. Anh Linh bộc bạch: “Được ra Trường Sa làm việc là mong ước từ lâu của tôi. Những ngày đầu ra đảo, được đón nhận tình cảm, sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, tôi có thêm động lực để vượt khó. 5 năm công tác ở đây, tôi nguyện sẽ đem hết trí lực góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đảo ngày càng vững mạnh”.    


Đặc biệt, trong số 14 công chức, giáo viên ra Trường Sa nhận nhiệm vụ lần này, có 2 công chức là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là anh Mấu Lỷ (người dân tộc Raglai, ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) trúng tuyển công chức Văn phòng xã đảo Sinh Tồn và anh Mấu Quốc Thịnh (ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn) trúng tuyển công chức Văn phòng xã đảo Song Tử Tây. Anh Mấu Lỷ chia sẻ: “Trường Sa rất đẹp. Ở đây, mọi người đều yêu thương, quý mến nhau. Chính vì vậy, tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.



Lưu luyến phút chia tay


Tàu Trường Sa 571 đưa các công chức, giáo viên ra nhận việc, đồng thời đón những công chức, giáo viên đã làm việc ở đây hơn 5 năm trở về đất liền nhận nhiệm vụ mới. Ở các bến đảo, những lính đảo, người dân ra tiễn các công chức, giáo viên về lại đất liền đều bùi ngùi, xúc động. Tận mắt chứng kiến những phút giây ấy, chúng tôi vô cùng cảm động. Trên cầu cảng thị trấn Trường Sa, ông Đỗ Minh - nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa ôm chầm những người lính đảo, hai hàng nước mắt ứa ra. Trong phút giây lưu luyến ấy, ông chúc những người lính, các hộ dân và các em nhỏ ở lại mạnh khỏe, sống đoàn kết, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Ông Minh ra Trường Sa công tác từ năm 2013. 5 năm sinh sống ở đây, ông luôn xem Trường Sa là ngôi nhà thứ 2 đầy ắp tình cảm. Chính nơi đây đã giúp ông trưởng thành, rắn rỏi hơn.

 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (bên trái) tạm biệt lính đảo lên tàu về đất liền.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (bên trái) tạm biệt lính đảo lên tàu về đất liền.


Trước hôm lên tàu về đất liền nhận công tác mới, thầy giáo Lê Xuân Quyết - nguyên giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây đã đến nhà từng hộ để tạm biệt và căn dặn những học trò của mình. Thầy Quyết chia sẻ: “Những năm sinh sống và dạy học ở đảo, chúng tôi luôn được cán bộ, chiến sĩ, phụ huynh học sinh xem như người thân trong nhà. Những kỷ niệm, tình cảm ấy đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người, giờ phải xa mảnh đất này, tôi thật không muốn chút nào”.

 

Thầy giáo Lê Xuân Quyết căn dặn học trò chuẩn bị về đất liền.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết căn dặn học trò chuẩn bị về đất liền.


Tuy đã dặn lòng không được khóc, nhưng nước mắt thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ - nguyên giáo viên Trường Tiểu học xã Sinh Tồn cứ ứa ra. Được mọi người động viên, thầy mới nở nụ cười, rồi ôm chầm những chàng lính đảo,  các em học trò tạm biệt trước lúc lên tàu. “Với tôi, Trường Sa như huyết quản chảy trong mình vậy. Bây giờ phải xa nơi đây tôi rất buồn. Sau này nếu có cơ hội, tôi sẽ xin quay lại nơi đây để tiếp tục gieo chữ”, thầy Hạ bộc bạch.


Trên hành trình từ Trường Sa về lại đất liền, chiều chiều chúng tôi lại thấy những công chức, giáo viên đứng trên boong tàu, ánh mắt hướng về phía đảo. Trong ánh mắt ấy, chúng tôi thấy được nỗi nhớ Trường Sa đang cồn cào trong họ. Rồi mọi người lại khoác vai, nhìn nhau bằng ánh mắt tự hào. Niềm tự hào của những người may mắn, hạnh phúc khi được ra mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió sinh sống, làm việc bằng cả tình yêu thương đong đầy.


VĂN GIANG

 


Kỳ 2: Thắm tình quân dân