11:06, 01/06/2018

Những người lính không quân hàm

Ngày qua ngày, bất kể nắng mưa bão bùng, nhân viên khí tượng hải văn ở Trường Sa vẫn miệt mài "bắt bệnh ông trời" để kịp thời cho ra những bản tin dự báo thời tiết. Những người canh giữ hải đăng thì thức canh ánh đèn dẫn đường cho tàu thuyền lưu thông trên biển… 

Ngày qua ngày, bất kể nắng mưa bão bùng, nhân viên khí tượng hải văn ở Trường Sa vẫn miệt mài “bắt bệnh ông trời” để kịp thời cho ra những bản tin dự báo thời tiết. Những người canh giữ hải đăng thì thức canh ánh đèn dẫn đường cho tàu thuyền lưu thông trên biển…  Họ, những người lính không quân hàm đã góp phần không nhỏ trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.


Những người “đếm gió, đo mây”


19 giờ, khi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đang rộn ràng với đêm văn nghệ, cũng là lúc anh em ở Trạm Khí tượng hải văn trên đảo (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ) phải báo cáo số liệu về đất liền. Ông Hoàng Trọng Vó (50 tuổi) - Trạm trưởng cho biết, ở quần đảo Trường Sa, có 2 trạm khí tượng ở thị trấn Trường Sa và Song Tử Tây. Mỗi ngày 4 lần, ông và đồng nghiệp thu thập các số liệu thời tiết gửi về đất liền vào các thời điểm: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Đó là ngày bình thường, còn khi thời tiết xấu có áp thấp nhiệt đới, hay bão thì cứ 30 - 40 phút/lần báo cáo số liệu quan trắc về đất liền.

 

Nhân viên Trạm Hải đăng Song Tử Tây vệ sinh “mắt biển” .

Nhân viên Trạm Hải đăng Song Tử Tây vệ sinh “mắt biển” .


Các trạm khí tượng ở Trường Sa được xem là “con mắt” báo bão sớm nhất, trước khi bão ập vào đất liền. Chính vì vậy, việc báo số liệu về đất liền phải luôn được thực hiện chính xác, kịp thời. Những lúc mưa to, gió lớn, dù đang là nửa đêm, cán bộ, nhân viên của trạm vẫn phải lao ra vườn khí tượng để lấy số liệu chuyển về trung tâm ở đất liền phân tích, xuất bản những bản tin dự báo thời tiết phục vụ người dân được an toàn. “Đã có người bị bão xô ngã, xây xát, thậm chí có trường hợp hy sinh khi đi lấy số liệu như anh Hoàng Văn Nghĩa, ở Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa”, ông Vó chia sẻ. Được biết, đêm 21-3-2010, quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa (sinh năm 1986, quê Nam Định) ra khu vực cầu cảng đảo Trường Sa thu thập số liệu mực nước và cấp sóng. Quá lâu không thấy Nghĩa trở về, anh em ở trạm hốt hoảng chạy ra cầu cảng để tìm, mãi mới thấy thi thể đồng đội mắc kẹt dưới lớp san hô. Sự hy sinh của anh Nghĩa khiến cán bộ, nhân viên 2 trạm khí tượng hải văn ở Trường Sa tiếc thương không nguôi.

 

Cán bộ Trạm Hải đăng Sơn Ca vệ sinh đèn.

Cán bộ Trạm Hải đăng Sơn Ca vệ sinh đèn.


Trước khi vào trạm, tôi cứ hình dung lực lượng quan trắc viên khí tượng bám trụ nơi đây hẳn là những người rất khô khan, bởi suốt ngày họ phải vùi đầu vào các con số vô tri, tẻ nhạt. Nhưng tôi đã nhầm, anh em ở trạm đều rất cởi mở, mến khách. Họ có thể biến những chuyện gian khổ ở đảo thành chuyện vui, thậm chí coi đó như là trải nghiệm để rèn luyện bản thân. Chẳng hạn, khi tôi bày tỏ sự ái ngại về việc cánh đàn ông phải lọ mọ cơm nước, giặt giũ, may vá…, một nhân viên trẻ lại nói vui: “Anh khéo lo. Không khéo sau này về đất liền, cô nào vớ được chúng tôi lại thấy may mắn vì có ông chồng đảm đang ấy chứ”!

 

Nhân viên Trạm Khí tượng thủy văn  Song Tử Tây ghi chép số liệu.

Nhân viên Trạm Khí tượng thủy văn Song Tử Tây ghi chép số liệu.


Thức canh “mắt biển”


Chia tay những người làm khí tượng, tôi ghé thăm Trạm Hải đăng Song Tử Tây ngay sát bên. Trạm chỉ có 4 người, liên tục thay phiên nhau trực đèn hàng đêm. Khi 1 người trực, 3 người còn lại làm các việc khác như: kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo hệ thống điện, vệ sinh hệ thống đèn báo hiệu. “Công việc ở hải đăng phải đảm bảo thường xuyên, liên tục. Nếu đèn chính gặp sự cố là phải bật đèn phụ lên ngay. Nếu đèn tắt sẽ rất nguy hiểm đối với tàu thuyền đi lại”, Trạm trưởng Vũ Duy Minh (quê Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết.

 

Ra công tác ở Trường Sa từ năm 1993, nên ông Minh có cả kho chuyện về đời lính nhà đèn. Trong ký ức của ông, chuyện thiếu thốn rau xanh, nước ngọt của những ngày đầu ra đảo là điều bình thường, cái thiếu lớn nhất chính là tình cảm. “Thời ấy, không có điện thoại để gọi điện hỏi thăm gia đình, tất cả thông tin gần như đều chờ thư. Khi vợ sinh con thứ 2 tôi cũng không có mặt, bố vợ mất cũng không về được…”, ông Minh kể với giọng áy náy. Hơn 24 năm làm nghề canh đèn biển, ông Minh đã luân chuyển qua 8/9 trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa và đây là lần thứ 5 ông “chốt” ở Song Tử Tây. Ông không nhớ mình đã ăn bao nhiêu cái Tết ở đảo, chỉ nhớ cứ 2 - 3 Tết ở ngoài đảo mới được ăn một cái Tết ở đất liền. “Tết đáng nhớ nhất là khi tôi ở Trạm Hải đăng Đá Lát. Năm đó vì bão vào cuối năm, tàu không kịp mang hàng Tết nên chúng tôi phải “ăn ké” Tết của bộ đội. Anh em lính đảo viện trợ lương thực, thực phẩm để chúng tôi đón Tết, cảm động lắm”.   

 

Trạm Hải đăng Nam Yết.

Trạm Hải đăng Nam Yết.

 

Trường Sa hiện có 9 ngọn hải đăng tại các đảo: Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết, thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam. Việc xây dựng những hải đăng này tuân theo luật pháp quốc tế, là trách nhiệm của quốc gia có biển, được Cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế. Hải đăng không chỉ giúp chỉ đường, dẫn lối cho tàu thuyền quốc tế qua lại khu vực an toàn mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trên Trạm Hải đăng Sơn Ca, Trạm trưởng Nguyễn Đức Thanh (46 tuổi, quê Hải Phòng) vừa pha trà mời khách, vừa dí dỏm: “Lính đèn biển chúng tôi sướng lắm, quanh năm được ở resort biển cao cấp, không phải ai mơ cũng được”. Nói vậy, nhưng khi nhắc lại chặng đường đã qua giọng ông chùng xuống. Ông kể, ngày trước, cuộc sống của anh em công nhân khó khăn lắm, nhất là ở hải đăng các đảo chìm. Nhiều ngọn hải đăng xây dựng đã lâu, cao, mỗi khi biển động công việc trực đèn càng nguy hiểm, tháp đèn cứ rung bần bật. Đó là chưa nói đến nỗi nhớ đất liền. Có những ngày vắng lặng thèm nghe tiếng người lạ đến quay quắt. Mỗi lần được về nhà ai cũng mừng vui, nhưng hành trình rất gian nan, có khi kéo dài gần cả tháng trời, vì tàu phải đi hết tất cả các trạm mới về bờ. Có lần vào đất liền đã 29 Tết, chiều 30 ông Thanh lên tàu ở TP. Hồ Chí Minh, đến chiều mùng 2 mới ra được Hà Nội, lại phải bắt xe về Hải Phòng. Ấy vậy, khi về nhà được vài tuần ông  lại nhớ đảo. “Bây giờ thì trạm đã có điện, cuộc sống cải thiện nhiều, đã có ti vi, thực phẩm được đựng vào tủ cấp đông. Cứ 2 tháng/lần công ty cho tàu ra tiếp tế lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, bây giờ đã có điện thoại, cập nhật được thông tin, liên lạc được với gia đình, bạn bè…”, ông Thanh kể với giọng phấn khởi.


Cũng ở hải đăng Song Tử Tây, tôi gặp Lưu Dũng Linh (24 tuổi, quê Ninh Bình) - người chỉ mới  7 tháng tuổi nghề. Bắt chuyện, Linh cho biết anh học trường hàng hải, ngành máy tàu. Ra trường, anh đi biển được mấy chuyến rồi xin chuyển qua nghề canh đèn biển. Dù mới ra đảo được vài tháng, nhưng Linh đã có trải nghiệm đáng nhớ, khi phải trải qua ca mổ ruột thừa cấp cứu trên đảo. Kéo áo khoe vết mổ còn khá mới, Linh cười nói: “Chỉ là chuyện nhỏ thôi anh. Coi như đây là kỷ niệm của em với Trường Sa vậy”. Nghe giọng nói chắc nịch của Linh, tôi tin rồi đây Linh cùng những đồng nghiệp trẻ của mình sẽ tiếp bước lớp đàn anh đi trước, giữ mãi ánh sáng của những con “mắt thần” trên biển.


XUÂN THÀNH