Ngày 29-4-1975, quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn. Từ Trường Sơn đến Trường Sa, những người con đất Việt tiếp tục vượt gian khó gìn giữ biển đảo quê hương...
Ngày 29-4-1975, quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn. Từ Trường Sơn đến Trường Sa, những người con đất Việt tiếp tục vượt gian khó gìn giữ biển đảo quê hương. Suốt 43 năm qua, không biết bao nhiêu máu xương, công sức của cha ông và thế hệ hôm nay đã đổ xuống vùng biển đảo thiêng liêng này... để tạo nên một thế đứng vững vàng, một sức sống mới cho Trường Sa.
Sau hơn 10 năm, tôi lại được đến với Trường Sa. Vừa chạm vào bờ đảo, trong tôi trào dâng một niềm xúc động, vui mừng bởi mọi sự rất khác với những gì mình từng thấy ở chuyến đi năm 2007. Càng khác xa với hồi ức những cựu binh ở Trường Sa thời kỳ đầu mà tôi từng may mắn được tiếp chuyện.
Bền gan giữ đảo
Thượng tá Lê Văn An (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh), người tham gia giải phóng Trường Sa rồi được phân ở lại làm đảo trưởng đảo Song Tử Tây vẫn nhớ như in những tháng ngày gian khó sau tháng 4-1975. Hồi mới tiếp quản, nhà cửa chưa có gì, đời sống cán bộ, chiến sĩ rất kham khổ, quanh năm chỉ toàn ăn đồ hộp đến mức phát ngấy. Trong số các đảo nổi ở Trường Sa, chỉ có Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết là có bể chứa nước xây từ thời chế độ cũ, mỗi bể chỉ khoảng 5m3. Ngay lập tức, tàu vận tải phải chở gấp các téc đựng xăng dầu từ căn cứ quân sự Cam Ranh ra để chứa nước cho bộ đội. “Kỷ luật về chuyện cấp nước rất nghiêm. Tôi làm đảo trưởng giữ chìa khóa két nước. Hàng ngày 3 giờ sáng, tôi cùng đảo phó ra mở két cấp nước cho anh em cấp dưỡng nấu ăn, sau đó là khóa két lại. Nước hiếm, nên từ cán bộ đến chiến sĩ mỗi tuần chỉ được 3 ca nước để tắm. Mỗi lần tắm phải thấm nước vào khăn rồi lau khắp người, sau khi tắm còn phải gom nước lại để tưới rau...”, ông An kể.
Cùng với nước, rau xanh cũng rất thiếu thốn. Thiếu tá Trần Văn Thế (nguyên Chủ nhiệm Công binh Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) từng có mặt ở Trường Sa những năm thập niên 80 kể rằng, hồi ấy lính đảo đều mắc bệnh táo bón do thiếu rau xanh. Trên đảo Trường Sa có mấy bụi sâm đất luôn được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Chỉ những lúc đảo có nhiều người ốm hay dịp lễ, Tết, lãnh đạo mới cho thu hoạch, nấu nước chia thành ca nhỏ cho từng người. Nhắc đến chuyện rau xanh, Thượng tá Lê Văn An nhớ lại: “Có lần tàu ra, anh em xin được ít đậu xanh nên bàn nhau làm giá đỗ. Chúng tôi tận dụng giao thông hào tránh gió để làm nơi gieo giá đỗ. Thời tiết khắc nghiệt, cọng giá teo tóp nhưng khi đưa vào bếp nấu canh chia cho toàn đảo anh em ai cũng mừng đến rơi nước mắt”.
Cùng với hồi ức của những người lính, cuốn tiểu thuyết - ký sự Đảo chìm của Trần Đăng Khoa (từng là lính hải quân ở Trường Sa giai đoạn 1979 - 1980) đã giúp tôi hiểu thêm về một thời gian khó trong hành trình giữ đảo. Chuyện lính đảo khát khao tình cảm đến mức tranh nhau “yêu” con gái thủ trưởng đang độ tuổi “đái dầm”, y tá mổ ruột thừa cho lính đảo bằng lưỡi dao cạo râu... được Trần Đăng Khoa viết một cách hóm hỉnh, đã khắc họa chân thực về sự thiếu thốn, gian khổ nhưng đầy lạc quan của những người lính đảo thời kỳ đầu.
Đổi thay nơi đảo xa
Bây giờ, Trường Sa đã khác trước rất nhiều. Khắp các đảo mà tôi đi qua, từ Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… nhà cửa khang trang, cây xanh tươi tốt, điện sáng, nước ngọt đủ đầy. Từ trên boong tàu nhìn vào, các đảo mướt xanh một màu như công viên sinh thái giữa biển khơi, những mái nhà đỏ tươi thấp thoáng trong bóng cây, những trụ điện gió vươn cao kiêu hãnh. Đi vào các làng đảo, trường học, bệnh xá được xây dựng khang trang, đường đi được lát bê tông sạch sẽ, trồng hoa, cây cảnh rất đẹp mắt còn hơn cả các làng “nông thôn mới” ở đất liền. Nhiều đảo nổi có âu tàu, khu làng chài cho ngư dân về tránh bão, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá (dầu, đá lạnh). Đảo Nam Yết còn có cả ô tô tải để chở hàng... Cùng với sự đi lên về đời sống vật chất, các công trình văn hóa được xây dựng ngày càng nhiều hơn. Những tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh thức niềm tự hào lịch sử oai hùng dân tộc. Những mái chùa đậm chất Việt góp phần nối kết truyền thống văn hóa ngàn đời của cha ông.
Còn nhớ, khi tôi đến Trường Sa tháng 4-2007, lính đảo vẫn phải dè xẻn từng chút nước ngọt, điện cũng rất hạn chế. Những người lính đảo hiếu khách phải dồn quân nhường những căn giường ọp ẹp để chúng tôi ngủ qua đêm. Còn bây giờ, nhà khách của các đảo khang trang không kém gì các nhà nghỉ ở đất liền. Ấn tượng nhất là nhà khách - Trung tâm Văn hóa đảo Nam Yết với hội trường có sức chứa lên đến 300 chỗ ngồi, có phòng trưng bày truyền thống về Hải quân nhân dân Việt Nam.
Về thăm khu nhà chiến sĩ mới cảm nhận được sự đổi thay của đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa. Các phân đội, cụm chiến đấu đều có ti vi, đầu máy karaoke để theo dõi thông tin thời sự, giải trí; có khu tập luyện thể thao. Những ngày ở đảo, tôi đã được hòa mình vào những đêm văn nghệ của các chiến sĩ trẻ trên đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca. Những gương mặt rắn rỏi, những tiếng hát thô mộc nhưng đầy sức sống của người ở đảo có sức cuốn hút đến lạ kỳ. Kể chuyện y tá mổ ruột thừa bằng dao cạo râu trong ký sự Đảo chìm, cánh lính trẻ cười xòa bảo rằng “bịa”. Cũng phải thôi, bởi các bệnh xá ở Trường Sa bây giờ đã tươm tất hơn nhiều với các thiết bị cơ bản như: máy siêu âm, máy chụp X-quang, bồn giảm áp. Mỗi bệnh xá trên các đảo nổi như: Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây... đều nhận được sự hỗ trợ của một bệnh viện lớn của quân đội ở đất liền. Các bệnh viện đã cử các bác sĩ có trình độ tay nghề cao ra công tác ở đảo, trong đó có những bác sĩ có trình độ tiến sĩ và tương đương (chuyên khoa II). Bác sĩ, Tiến sĩ Hồ Chí Thanh - Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết cho biết, anh cùng đồng nghiệp đã nhiều lần mổ cấp cứu ngư dân bị tai nạn lao động trên biển. Với sự hỗ trợ trực tuyến từ đất liền, các bác sĩ cũng đã nhiều lần phẫu thuật thành công cho các bệnh nhân nặng. Đặc biệt, tháng 11-2016, Bộ Quốc phòng có quy chế về tổ chức vận chuyển cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển, đảo và vùng sâu vùng xa bằng máy bay quân sự. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được kịp thời đưa vào đất liền để cứu chữa.
Đại tá Bùi Đình Dương - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, Trường Sa đã có nhiều đổi thay. Các đảo đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chủ động xây dựng vững chắc về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người dân ngày được nâng cao hơn.
|
Ghé thăm các nhà dân trên đảo, mới thấy đời sống ở đảo hiện nay cũng đủ đầy không thua kém so với đất liền. Nhà nào cũng có tủ lạnh để lưu giữ thực phẩm tươi sống, có ti vi để theo dõi tin tức thời sự ở đất liền và xem các chương trình giải trí. Sống nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng nhiều người dân trên đảo vẫn giữ thói quen đi lễ chùa, dâng hương tượng đài Đức thánh Trần vào những ngày lễ, Tết và ngày rằm hàng tháng. Bắt chuyện, anh Trần Văn Thôi, người dân ở đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Đời sống của người dân trên đảo ngày một tốt hơn. Trường học, bệnh xá được đầu tư khang trang... giúp chúng tôi yên tâm sinh sống”.
Chia tay Trường Sa, tôi nhớ mãi nụ cười những người lính trẻ, những gương mặt hồn nhiên của trẻ em trên các làng đảo. Rồi đây, các em sẽ tiếp nối cha anh tiếp tục bảo vệ, xây dựng Trường Sa ngày càng vững bền trong lòng đất Việt.
THÀNH NGUYỄN