Giữa mênh mông sóng nước, những ngôi chùa đã giúp quân và dân Trường Sa thêm ấm lòng khi hướng về đất mẹ. Chùa ở đảo là sự khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc, bởi từ ngàn đời nay người Việt ở đâu là chùa ở đó. Và chưa có nơi đâu, đạo và đời gắn bó chặt chẽ với nhau đến thế!
Giữa mênh mông sóng nước, những ngôi chùa đã giúp quân và dân Trường Sa thêm ấm lòng khi hướng về đất mẹ. Chùa ở đảo là sự khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc, bởi từ ngàn đời nay người Việt ở đâu là chùa ở đó. Và chưa có nơi đâu, đạo và đời gắn bó chặt chẽ với nhau đến thế!
Đến Trường Sa lần này, chúng tôi có dịp ghé thăm các chùa Song Tử Tây, Sơn Linh (đảo Sơn Ca), Nam Huyên (đảo Nam Yết). Những ngôi chùa có kiến trúc đậm nét cổ truyền, nhưng thay vì mái vát cong đầu đao là hoa văn sóng biển. Theo người dân trên các đảo, không biết từ bao giờ, những ngư dân Việt đi đánh cá ở Trường Sa đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ. Sau này, phật tử trong cả nước đã đóng góp để trùng tu nơi thờ Phật khang trang và vững chãi hơn. Điều thú vị, chính điện của các ngôi chùa ở Trường Sa đều hướng về thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Và cũng chỉ ở Trường Sa, ngay cổng tam quan lá cờ Phật giáo bay cùng lá cờ Tổ quốc!
Đã thành lệ, các đoàn công tác ra thăm đảo bao giờ cũng đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu mong quốc thái dân an. Còn nhớ ở chùa Song Tử Tây, sau lễ dâng hương, đại đức Thích Nhuận Đạt - trụ trì chùa Song Tử Tây đã thỉnh 108 tiếng chuông. Đã từng đi qua nhiều vùng đất linh thiêng, nghe nhiều tiếng chuông chùa nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy xúc động như nghe tiếng chuông chùa ở đảo hôm ấy. Trong tiếng sóng rì rào, tiếng chuông chùa ngân dài trong không gian bao la của trời biển tạo nên một cảm giác bồi hồi khó tả. Có cảm giác như mình đang ở làng quê yên bình nào đó chứ không phải ở đảo xa.
Khi mọi người ra về, tôi nán lại trò chuyện với đại đức Thích Nhuận Đạt - người đã tình nguyện ra trụ trì các chùa ở Trường Sa suốt 4 năm nay. Tôi gặng hỏi: “Sao thầy không về đất liền mà tình nguyện ở đảo lâu đến vậy?” Đại đức Thích Nhuận Đạt chia sẻ: “Tu ở đâu cũng là tu, tôi có duyên mới được ra Trường Sa. Trường Sa cũng có đất đai, cây cỏ, có đồng bào của mình sinh sống, vậy nên Phật có mặt để an ủi tâm linh”.
Hiện nay, Trường Sa có 6 ngôi chùa ở các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn. Sống ở đảo, người dân vẫn giữ nếp truyền thống ngày rằm, đầu tháng là đi chùa lễ Phật, nghe giảng đạo pháp, còn những ngày thường, họ đến phụ quét dọn nhà chùa. Ngư dân mỗi khi có dịp vào đảo cũng dành thời gian vào chùa lễ Phật cầu an. Sự hiện diện của các chùa ở Trường Sa chắc hẳn đã giúp ngư dân an lòng hơn trong những ngày lênh đênh trên biển. “Mình luôn cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho bà con đi biển yên lành, làm ăn khấm khá chứ biển giả khó lường”, thầy Đạt bày tỏ. Đêm trên đảo, nằm nghe tiếng chuông chùa vang trong thinh không, mênh mang trên sóng nước mà ngỡ như hồn cha ông vọng về. Chuông chùa ở đảo không chỉ là thức tỉnh lương tri, hướng con người hành thiện mà còn là lời nhắc nhở hướng về cội nguồn dân tộc. Chợt nhớ ai đó từng viết: “Tiếng chuông chùa lan tỏa nơi đảo xa/Nghe câu kinh, nhịp mõ an hòa/Nơi biển lặng in mái chùa dân tộc/Ta thấy hồn Đại Việt ở Trường Sa”.
Đi rồi mới thấy, có lẽ không nơi đâu trên đất nước này, đạo và đời lại gắn kết như ở Trường Sa. Các nhà sư cùng với người dân tham gia vào các hoạt động trồng cây xanh, chào cờ với đơn vị bộ đội trên đảo vào những ngày lễ trọng hay đón khách từ đất liền ra thăm. Thường ngày, các nhà sư trụ trì là người giúp gia đình người dân thiết lễ, cúng kỵ mà không cần câu nệ đến việc cậy nhờ. Còn nhớ ở đảo Song Tử Tây, khi ghé thăm nhà chị Phạm Thị Bích Luyện thấy có mấy củ dền tím, bắt chuyện chị Luyện cho biết đó là quà của thầy Thích Nhuận Đạt mới mang từ đất liền ra. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng nhắc đến thầy Đạt với tình cảm rất trìu mến. “Thường ngày, thầy cũng hay đá bóng, đá cầu với anh em ở đảo. Thỉnh thoảng thầy gọi tôi lên chùa ăn sáng, thụ lộc”, anh Tống Văn Tùng - cán bộ hậu cần ở đảo Song Tử Tây kể. Đặc biệt, các em học sinh ở đảo rất quý thầy Đạt.
Còn ở đảo Sơn Ca, đại đức Thích Nguyên Hòa - trụ trì chùa Sơn Linh cũng rất gần gũi với cán bộ, chiến sĩ ở đảo. Cánh lính trẻ tập luyện thể thao bị chấn thương vẫn thường nhờ thầy Hòa chữa giúp. “Thầy là “bác sĩ” thứ 2 ở đảo sau các bác sĩ quân y. Nhiều ca bị trật khớp, bong gân đều nhờ thầy chữa trị”, trung tá Phạm Thế Nhương, đảo trưởng đảo Sơn Ca nói. Hôm đoàn chia tay về đất liền, đại đức Thích Nguyên Hòa đã ra tận cầu cảng tiễn cán bộ, chiến sĩ về đất liền. Ông ôm vai những người lính trẻ với ánh mắt từ tâm, dường như không còn khoảng cách giữa đời và đạo. Hỏi chuyện, thầy Nguyên Hòa nhẹ nhàng nói: “Anh em bộ đội với mình như người trong nhà. Những khi vui, buồn họ đều tìm đến mình để bày tỏ”.
Chia tay Trường Sa, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng tâm sự, tiếng chuông là một trong những điều họ nhớ nhất khi rời đảo về đất liền. Đại dương mênh mông đầy hào phóng nhưng cũng lắm hiểm nguy rình rập. Hiểm nguy từ thiên nhiên, bão bùng giông tố; hiểm nguy trước các thế lực nước ngoài chống phá công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. Xét theo chiều hướng đó, chùa ở Trường Sa không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh mà còn là “cột mốc chủ quyền” của người Việt vững vàng trước mọi bão giông.
Những ngày chạm Tết này, lại càng thêm nhớ tiếng chuông chùa ở Trường Sa - thứ âm thanh huyền diệu không dễ gì được nghe thêm một lần nữa trong đời.
XUÂN THÀNH