09:02, 06/02/2018

Kỳ 2: Điểm tựa của ngư dân

Những năm qua, huyện đảo Trường Sa đã trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân đánh bắt xa bờ. Những âu tàu neo đậu, khu nhà tránh bão, những bệnh xá thắm tình quân dân... đã trở thành "địa chỉ đỏ" để ngư dân ghé vào khi gặp khó khăn trong những ngày lênh đênh trên biển.

Những năm qua, huyện đảo Trường Sa đã trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân đánh bắt xa bờ. Những âu tàu neo đậu, khu nhà tránh bão, những bệnh xá thắm tình quân dân... đã trở thành “địa chỉ đỏ” để ngư dân ghé vào khi gặp khó khăn trong những ngày lênh đênh trên biển. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” không chỉ là khẩu hiệu với quân và dân Trường Sa, mà cho tất cả người Việt làm ăn trên biển.


Đảo là nhà


Nói chuyện về Trường Sa, Đại tá Bùi Đình Dương - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa hồ hởi cho biết, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đi vào hoạt động từ tháng 5-2015 với nhiều dịch vụ như thu mua hải sản, cung cấp dầu, nước ngọt, đá cây ướp lạnh... đã giúp ngư dân yên tâm bám biển. Vào những ngày biển động, khu hậu cần nghề cá ở Đá Tây trở thành nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền của ngư dân. Ngoài ra, những đảo nổi như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn... đều có những âu tàu lớn có sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn để các tàu neo đậu tránh bão.

 

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây cứu hộ ngư dân mùa bão năm 2017.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây cứu hộ ngư dân mùa bão năm 2017.


Ngày 9-1, khi chúng tôi ở đảo Song Tử Tây, tàu cá KH 96877TS  do thuyền trưởng Cao Văn Thanh Huy điều khiển bị hư máy nổ khi đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa (cách đảo Song Tử Tây 135 hải lý về phía Đông) đã được kéo về âu tàu ở đảo để sửa chữa. Vừa vào âu tàu, lực lượng cứu hộ của đảo đã kiểm tra máy nổ, đưa ra phương án kéo máy nổ lên bờ để sửa chữa. Dù buồn vì tàu mới xuất bến vài ngày đã bị hỏng, nhưng thuyền trưởng Cao Văn Thanh Huy vẫn mừng khi kịp kéo tàu về Song Tử Tây để nhờ cậy lực lượng cứu hộ của đảo sửa chữa. Ngày 22-1, tàu Trường Sa 20 cũng đã cứu nạn thành công 2 tàu cá gặp nạn ở Trường Sa đưa về âu tàu Sinh Tồn an toàn. “Đối với ngư dân đánh bắt ở Trường Sa, các đảo giống như ngôi nhà để trở về mỗi khi biển động hay gặp nạn. Đời ngư dân lênh đênh trên biển, thấy được đảo của mình là mừng lắm...”, anh Huy xúc động nói.


Chuyện cứu hộ tàu cá ở Trường Sa không phải là hiếm. Chỉ tính riêng đảo Song Tử Tây, năm 2017 đã cứu được 4 tàu cá, 44 ngư dân; sửa chữa 25 lượt tàu. Ngoài ra, đảo còn đưa hàng trăm ngư dân về ở trong khu làng chài, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho ngư dân trong những ngày tránh bão. Trong cơn bão số 12 tháng 11-2017, tàu cá QN91739 của ông Nguyễn Xị ở Quảng Nam bị chìm ở vùng biển sát gần đảo Song Tử Tây. Đảo đã huy động lực lượng cứu được 34 ngư dân, tìm vớt thi thể 2 ngư dân bị thiệt mạng. Ngay sau đó, đảo đã kêu gọi các lực lượng quân, dân trên đảo ủng hộ được 61 triệu đồng để giúp đỡ gia đình 2 ngư dân bị nạn.


Kể chuyện cứu hộ, Trung tá Vũ Xuân Trường - Chính trị viên đảo Song Tử Tây mở cho tôi xem những hình ảnh cứu hộ mà anh chụp được trong những cơn bão cuối năm. Tình quân dân, nghĩa tình đồng bào chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ của đảo bất chấp nguy hiểm làm công tác cứu nạn.


Hết lòng vì ngư dân


Không chỉ trú bão, mỗi khi bị bệnh nặng, ngư dân thường ghé đảo để nhờ cứu giúp. Và những bác sĩ quân y trên các đảo bao giờ cũng rất tận tình. Từ Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị..., dở cuốn sổ ghi khám chữa bệnh ở đâu tôi cũng thấy chi chít tên ngư dân đến xin thuốc, khám bệnh. Bệnh xá Nam Yết 55 ngư dân, trong đó 4 ca pha phẫu thuật cấp cứu; Sơn Ca phát thuốc, chữa bệnh cho 82 ngư dân, trong đó có 4 ca mổ ruột thừa. Đặc biệt, Song Tử Tây khám bệnh, cấp thuốc cho 461 lượt ngư dân, trong đó 22 ca phải cấp cứu, điều trị dài ngày.

 

Một ngư dân được cứu lên bờ.

Một ngư dân được cứu lên bờ.


Tôi đã nghe không ít câu chuyện xúc động về sự tận tâm của cán bộ, chiến sĩ và những người mặc blouse trắng ở đảo. Bác sĩ, Tiến sĩ Hồ Chí Thanh, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết cho biết, anh cùng đồng nghiệp đã mổ cho ngư dân Huỳnh Thanh Trà (48 tuổi, Quảng Nam) bị viêm phúc mạc lủng dạ dày; Lê Phước Liêm (34 tuổi, Bình Định) bị cụt 2 ngón tay do tai nạn lao động; Phạm Hà (42 tuổi, Quảng Ngãi) bị vết thương lóc da ở cổ tay vì tai nạn lao động; Phạm Ngọc Anh (Quảng Nam) bị áp xe tổ chức liên kết vùng má phải phẫu thuật. Theo bác sĩ Thanh, năm 2015, với sự hỗ trợ trực tuyến từ Bệnh viện Quân y 103, bệnh xá Nam Yết từng mổ cấp cứu cho ngư dân bị gãy 2 xương cẳng chân, sau đó chuyển về đất liền điều trị tiếp.


Trong câu chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đức Tùng không quên lần cấp cứu cho ngư dân Huỳnh Linh (19 tuổi, quê ở Bình Định). “Bệnh nhân bị vết thương thận trái, tụ máu hố thận lớn, mất máu mức độ nặng. Chúng tôi phải chống sốc, huy động các chiến sĩ truyền máu, cắt lọc làm sạch vết thương... Khi bệnh nhân ổn định, Vùng 4 Hải quân đã điều trực thăng chuyển bệnh nhân vào đất liền”. Rồi lần cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Quả (26 tuổi, Bình Định) bị gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi; ngư dân Đỗ Văn Thành (48 tuổi, Quảng Nam) bị đột quỵ não, liệt nửa người...  

 

Băng bó vết thương cho ngư dân.

Băng bó vết thương cho ngư dân.


Những năm gần đây, các bệnh xá ở Trường Sa đã được trang bị thêm nhiều máy móc phục vụ khám chữa bệnh như: máy siêu âm, máy chụp XQ, bồn giảm áp... Mỗi bệnh xá trên các đảo nổi đều nhận được sự hỗ trợ của một bệnh viện lớn như: Bệnh viện 175 phụ trách bệnh xá Trường Sa, Quân y 108 phụ trách bệnh xá Song Tử Tây, Quân y 110 phụ trách bệnh xá Sơn Ca, Quân y 103 phụ trách bệnh xá Nam Yết... Các bệnh viện luôn cử những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao ra công tác ở đảo, trong đó có những bác sĩ có trình độ tiến sĩ và tương đương (chuyên khoa cấp II). Với thực tế số bệnh nhân tăng cao, các loại bệnh ngày càng đa dạng, các bác sĩ đã nêu cao tinh thần vượt khó, duy trì thường xuyên kênh trao đổi trực tuyến, tư vấn, hội chẩn với các chuyên gia hàng đầu ở bệnh viện chủ quản để công tác chữa được tốt nhất. Những trường hợp nặng, các bác sĩ còn điện về đất liền hỏi thăm tin tức bệnh nhân. Đặc biệt, tháng 11-2016, Bộ Quốc phòng có quy chế về tổ chức vận chuyển cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển, đảo và vùng sâu vùng xa bằng máy bay quân sự. “Nhờ có chỉ thị này, nhiều bệnh nhân đã được kịp thời đưa vào đất liền để cứu chữa. Mới nhất là trường hợp ngư dân Huỳnh Linh bị vết thương thủng thận”, bác sĩ chuyên khoa II An Thành Phú bệnh xá Song Tử Tây cho biết.


Đời ngư dân lênh đênh trên biển, một trận bão, một cơn bệnh bất thường đều có thể làm hư hại tàu, nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên, việc có Trường Sa làm điểm tựa vững chắc là một điều may mắn để họ yên tâm bám biển. Tôi nhớ mãi cái bắt tay cảm ơn, cùng lời gửi gắm của thuyền trưởng Cao Văn Thanh Huy khi đem tàu về Song Tử Tây sửa chữa: “Tất cả nhờ anh em trên đảo”. Giản dị vậy thôi nhưng đầy niềm tin!


XUÂN THÀNH

 

Kỳ 1: Sức sống Trường Sa Đảo xa gọi mời

 

 
 
Kỳ 4: Đất nước từ Trường Sa