"Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào xuân 68/Xuân Việt Nam, xuân của lòng dũng cảm", những vần thơ hào hùng của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên khí thế của cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
“Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào xuân 68/Xuân Việt Nam, xuân của lòng dũng cảm”, những vần thơ hào hùng của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên khí thế của cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ở Khánh Hòa, những người lính đã nổ súng tiến công vào nhiều mục tiêu quan trọng ở Nha Trang, giáng cho địch những đòn choáng váng…
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đấu tranh trong Tết Mậu Thân 1968 còn tươi nguyên trong ký ức của ông Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1930, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) - Đại đội trưởng Đại đội Đặc công 88. Ông Dân nhớ lại: “Đầu năm 1968, khi đang đóng quân ở chiến khu Hòn Dữ, chúng tôi nhận được lệnh hành quân về chiến khu Đồng Bò. Trưa 30-1-1968 (29 Tết), lễ xuất quân được tổ chức rất trang nghiêm. Mọi người ai cũng khí thế hừng hực, quyết tâm cao độ. Trên áo có thêm khẩu hiệu Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trời sẩm tối, mọi người bắt đầu hành quân. Đến 23 giờ 30 đêm 29 Tết, khi vừa vào đến khu vực Ngọc Hiệp, do quân ta bất ngờ cho pháo kích vào sân bay Nha Trang nên địch đã báo động, ra lệnh thiết quân luật trên toàn thành phố. Thế nhưng, với khí thế tiến công, các cánh quân của ta vẫn hướng đến các mục tiêu đã định sẵn. Ông Dân nằm trong cánh quân có nhiệm vụ chiếm Đài Phát thanh Nha Trang (gần khu vực Mả Vòng) để phát động quần chúng nổi đậy. “Trên đường đi, cánh quân của tôi đã tiêu diệt trung đội địch trên đồi Trại Thủy. Khoảng 4 giờ sáng mùng 1 Tết, chúng tôi tiếp cận được Đài Phát thanh Nha Trang, nhưng do đã mất yếu tố bất ngờ nên đánh mãi vẫn không chiếm được. Tôi cử một số anh em chiến đấu cầm chừng, còn lại phát triển lực lượng theo hướng xuống ngã sáu - nhà thờ Chánh tòa để tiến ra biển. Quân ta lợi dụng cây hai bên đường để tiến công nhưng địch bắn rất ác liệt nên đến 8 giờ sáng chúng tôi phải rút lui về lại đồi Trại Thủy. Địch bắt đầu tung lực lượng phản kích rất ác liệt, quân ta thương vong ngày càng nhiều, đạn ngày càng vơi… Tôi yêu cầu anh em tiết kiệm đạn, sau mỗi lần hạ địch phải nhanh chóng xông lên lấy vũ khí. Đến chiều, chúng tôi rút qua sông Kim Bồng, đến rạng sáng mùng 2 thì rút lực lượng ra”, ông Dân kể.
Chiến đấu dũng cảm và can trường nhất chính là cánh quân đánh vào Tỉnh đường. Theo Đại tá Nguyễn Đình Hoàn - Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 20 (Sao Thủy), lực lượng cánh A gồm: Đại đội 3 Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 20 và 2 Đại đội đặc công K90, K91. Được sự dẫn đường của lực lượng nội thành, quân ta nhanh chóng chiếm giữ cả 3 mục tiêu: Tỉnh đường, Tiểu khu, Sở Tiếp vận 5. Địch tổ chức nhiều đợt phản công rất ác liệt nhưng quân ta đã chống trả quyết liệt. Nhiều đồng chí thương vong nhưng quyết không rời trận địa, chiến đấu hy sinh cho đến người cuối cùng. Đồng chí Đặng Nhiên - cán bộ nằm vùng nội thành hồi ấy kể, có chiến sĩ tên Trung bị thương nặng được dân nuôi giấu. Tuy nhiên, do lộ thông tin nên anh bị địch đến bắt. Khi địch dụ hàng, anh Trung dõng dạc tuyên bố: “Chính trị viên tôi dặn rằng chiến đấu đến cùng chứ không có từ hàng”. Sau đó, anh bị địch bắn chết. Trong khi các cánh quân ta đang âm thầm tiến về Nha Trang, ở Diên Khánh nhiều xã cũng đã chuẩn bị đoàn biểu tình để xuống Nha Trang tiếp sức giành chính quyền. Tuy nhiên, vì địch chặn đánh quyết liệt, nên chỉ có đoàn biểu tình xã Diên Điền tổ chức xuống đường theo đúng kế hoạch…
Bà Nguyễn Thị Minh Thư (hiện ở 54/6 đường Núi Một, Nha Trang) - thành viên đoàn biểu tình nhớ lại: Đoàn chúng tôi khoảng 150 người đo đồng chí Lương Duy Hiến làm trưởng đoàn. 3 giờ sáng mùng 1 Tết, từ chùa Đại Phước (Đại Điền Trung) chúng tôi xuất quân với đèn măng sông sáng rực. Mọi người mang theo cờ, trống, biểu ngữ tiến về Nha Trang. Trên ngực ai cũng có khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, riêng tôi cùng một đồng chí nữa có nhiệm vụ xuống Nha Trang sẽ đi phá ngục nên mang áo dài giả làm nữ sinh… Trên đường đi, đoàn nhiều lần gặp binh lính nhưng vì khí thế của ta quá mạnh, lại được tuyên truyền nên bọn chúng đành làm ngơ để cho đoàn biểu tình đi qua”. Khi đi qua hết địa phận xã Vĩnh Ngọc, chuẩn bị ngang qua chợ Mới, đoàn biểu tình bị một toán lính địch chặn lại. Tuy địch bắn súng chỉ thiên, nhưng đoàn vẫn dũng cảm tiến lên, đến gần Mả Vòng, địch xả súng vào đoàn biểu tình khiến 8 người hy sinh, nhiều người bị thương. Địch vây ráp, truy bắt nhiều cán bộ nòng cốt trong đoàn biểu tình. Nhiều người ngã xuống tay vẫn còn cầm đèn măng sông, có người vai mang túi cứu thương. Có những em nhỏ tuổi 13, 14 cũng hăng hái đi biểu tình rồi hy sinh, bị bắt bỏ tù...
Lòng dân tin cách mạng
50 năm đã qua, nhưng trang sử hào hùng ngày đó vẫn chưa hề phai mờ. Nhắc đến Mậu Thân 1968, những người cán bộ, chiến sĩ năm xưa vẫn rưng rưng xúc động bởi tình cảm của các cơ sở cách mạng, của người dân nội thành. Ông Phan Ngọc Minh - Đội trưởng Đội Phát động quần chúng thời kỳ đó kể, để chuẩn bị tổng tiến công nổi dậy, ta đã cử nhiều cán bộ vào trong nội thành để tuyên truyền vận động, may áo quần cho cán bộ, cờ để chờ ngày “đứng lên”. Nhờ thế, khi cán bộ, chiến sĩ vào thành có quần áo để cải trang. “Gia đình ông Trần Minh Mười ở đường Nguyễn Trãi đã đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng (nay vẫn còn hầm). Khi quân tiến vào Nha Trang, ông đã lái xe Jeep chở quân đánh vào Tiểu khu…”, ông Minh kể.
Trong những ngày tháng hào hùng và bi thương đó, nhiều người dân đã bất chấp hiểm nguy, tiếp tế cho bộ đội, băng bó vết thương cho thương binh. Khi tình hình trở nên khó khăn, dưới hình thức phật tử đi làm việc nghĩa, nhiều quần chúng đã vào bệnh viện thăm thương binh. Cho đến bây giờ, ông Dân vẫn nhớ người lái đò đã bất chấp hiểm nguy, chở mười mấy thương binh của cánh quân đã đánh nhau ở đồi Trại Thủy vượt qua sông Kim Bồng để rút ra hậu cứ. “Sau này khi giải phóng về, tôi nghe người dân kể ông ấy đã bị địch bắn chết vì chèo đò chở thương binh qua sông. Về sau ông được công nhận là liệt sĩ”, ông Dân kể. Cũng trong chuyến rút ra hậu cứ đó, đoàn quân của ông đã được người dân thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh mang bánh tét ra tiếp tế. Vì không thể mang thương binh đi ngay, nên quân ta phải gửi lại nhờ người dân nuôi giấu, chăm sóc, hơn một tuần sau họ mới ra hậu cứ.
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 không chỉ thể hiện khí thế tiến công của quân và dân ta, mà còn là thước đo lòng dân với Đảng, với cách mạng. Và theo họ, chính tấm lòng của người dân Nha Trang ngày ấy đã tiếp thêm nghị lực để họ vượt qua khó khăn, đi đến chiến thắng về sau.
XUÂN THÀNH