Khi cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa, bên cạnh các lực lượng chức năng trực chiến phòng, chống bão, những người làm báo Khánh Hòa cũng đã có mặt kịp thời ở những nơi nguy hiểm nhất để đưa tới bạn đọc những thông tin nóng hổi. Tất cả đều xác định, những khó khăn của mình không thấm vào đâu so với những mất mát mà người dân phải gánh chịu.
Khi cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa, bên cạnh các lực lượng chức năng trực chiến phòng, chống bão, những người làm báo Khánh Hòa cũng đã có mặt kịp thời ở những nơi nguy hiểm nhất để đưa tới bạn đọc những thông tin nóng hổi. Tất cả đều xác định, những khó khăn của mình không thấm vào đâu so với những mất mát mà người dân phải gánh chịu.
Ém quân… đón bão
Được tin cơn bão sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa vào sáng sớm 4-11, ngay từ trưa 3-11, Ban Biên tập đã quyết định cử 10 phóng viên nam khẩn trương có mặt các địa bàn được dự đoán là trung tâm của bão như: Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh... Nhờ thế, ngay từ trước khi bão đến, các phóng viên đã có những thông tin nóng hổi về công tác phòng, chống bão ở các địa phương, sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Khi bão đổ bộ, các phóng viên đã có ngay những thông tin đầu tiên cùng những hình ảnh, video clip về cơn bão cũng như những hậu quả bước đầu do bão gây ra.
Phóng viên Thanh Long trong ngày 3-11 đã ra Ninh Hòa đến 4 lần để kịp cùng đồng nghiệp đưa tin đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ông Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Đến hơn 19 giờ, sau khi xong việc ở Nha Trang, anh mới chạy ra Ninh Hòa. “4 giờ sáng 4-11, bão chính thức đổ bộ vào Ninh Hòa, sức tàn phá của nó mỗi lúc một tăng. Ngoài đường nhà dân tốc mái, tôn bay loạn xạ, chốc chốc, sau 1 cơn giật mạnh, bão lại quật ngã hàng loạt cây cổ thụ xung quanh. Đến khoảng 6 giờ 20, khi mắt bão đang trên vùng ven biển Ninh Hải, nhận định cường độ bão sẽ giảm trong khoảng 10 - 15 phút, tôi cùng phóng viên Phúc Hiếu quyết định ra hiện trường để tác nghiệp. Trên đường đi, 2 anh em vừa ghi lại hình ảnh tan hoang dọc đường vừa vật lộn với cây cối, trụ điện gãy đổ để di chuyển. Có đoạn, 2 anh em phải khiêng cả chiếc xe máy qua cây cổ thụ to nằm chắn ngang đường”, Thanh Long kể.
Cũng ở trong tâm bão Vạn Ninh, phóng viên Văn Giang và Mạnh Hùng đã có những thông tin hết sức kịp thời. Để hoàn thành nhiệm vụ, 2 phóng viên này đã sử dụng nhiều loại phương tiện, từ xe máy, đi nhờ xe của huyện và cả… chạy bộ do có nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn vì cây cối, trụ điện gãy đổ, mái tôn, vật dụng của người dân bay ra đường.
Phóng viên Tạ Văn Long chia sẻ, sáng sớm 4-11, ngay khi nhận được thông tin về việc nhiều tàu thuyền neo trú bão ở vịnh Cam Ranh bị sóng đánh tơi tả, anh lập tức tới hiện trường. Trên đường đi, anh suýt bị 1 cành cây lớn rơi trúng đầu, chưa kể vừa đi vừa phải căng mắt né những đoạn dây điện, dây viễn thông rơi xuống đường. Đến nơi, một khung cảnh tan hoang đến rơi nước mắt hiện ra khi hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị sóng đánh thủng lỗ chỗ. Có chiếc bật lên bờ, hư hỏng nặng. Nỗi đau, sự mất mát của người dân đã được phóng viên kịp thời ghi lại để chuyển tải tới bạn đọc một cách sớm nhất.
Chuyện bây giờ mới kể
Tác nghiệp trong điều kiện mưa bão, mất điện, mạng điện thoại, Internet chập chờn, các phóng viên vẫn biết cách khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên Văn Kỳ cho biết: “Ngay sau khi được phân công nhiệm vụ, xác định tác nghiệp trong điều kiện mưa bão, tôi đã chủ động sạc pin cho tất cả các thiết bị điện tử có trong nhà như: laptop, máy ảnh, điện thoại, sạc và pin dự phòng… bởi điện có thể bị cắt bất cứ khi nào”.
Nói về kinh nghiệm tác nghiệp, Văn Kỳ cho rằng, trong điều kiện mưa bão, chiếc điện thoại quan trọng hơn chiếc máy ảnh rất nhiều, bởi bạn đọc đang cần những thông tin kịp thời, sống động hơn là một hình ảnh chỉn chu. Chính vì thế, hầu hết ảnh đăng trên Báo Khánh Hòa điện tử trong ngày 4-11 của anh đều chụp bằng điện thoại. Tuy lúc này sóng 3G rất yếu, nhiều khu vực không có sóng, nhưng kinh nghiệm của anh, cứ bật 3G liên tục, ấn nút gửi liên tục, khi có sóng điện thoại sẽ tự động gửi. Nhờ vậy, anh không chỉ gửi hình ảnh, thông tin khá tốt về tòa soạn, mà còn gửi được các clip ngay trong ngày bão tàn phá. “Khi quay clip bằng điện thoại, tuyệt đối không quay quá 5 giây vì sẽ nặng, mạng rất yếu, không thể truyền đi. Tôi thường quay 2 đến 3 giây và gửi từng cảnh quay qua imessage cho tòa soạn. Tất nhiên có những thời điểm không có sóng, nhưng phải kiên trì kiểm tra điện thoại liên tục, thấy có sóng là gửi ngay”, Văn Kỳ chia sẻ.
Trong thời gian cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa điện tử đã xuất bản 60 tin, 22 bài, 4 phóng sự ảnh, 180 ảnh, 8 video clip về các vấn đề liên quan đến cơn bão, thu hút hơn 100.000 lượt truy cập mỗi ngày. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là một trong những tờ báo cập nhật thông tin nhanh nhất và đầy đủ nhất về công tác phòng, chống cơn bão số 12 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. |
Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên của Báo Khánh Hòa còn hoàn thành tốt trách nhiệm của một công dân. Phóng viên Văn Giang, Mạnh Hùng bên cạnh viết bài còn kết hợp tuyên truyền vận động người dân ở vùng biển Vạn Ninh sớm di dời khỏi lồng bè để bảo đảm an toàn tính mạng. Trong lúc tác nghiệp tại trụ sở UBND huyện Vạn Ninh, biết chuyện hàng trăm lao động còn ở trên các bè tôm đang la hét cầu cứu trong khi lãnh đạo huyện gọi điện thoại khắp nơi vẫn chưa giải quyết được, phóng viên Mạnh Hùng đã lập tức điện thoại cho Hải đội Cảnh sát biển 302 (Vùng Cảnh sát biển 3) nhờ ứng cứu, đồng thời đưa số điện thoại cho Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh trực tiếp liên lạc với lãnh đạo Hải đội Cảnh sát biển 302. Nhờ đó, ngay trong đêm 4-11, hơn 100 người dân ở các điểm đảo của huyện Vạn Ninh đã được cứu sống, đưa về đất liền. Phóng viên Thanh Long trên đường ra Ninh Hòa tối 3-11 gặp vụ tai nạn giao thông, ô tô chắn ngang đường, đã lập tức gọi điện thoại báo cho lãnh đạo thị xã để chỉ đạo công tác cứu hộ, kịp thời khôi phục giao thông phục vụ việc đi lại của người dân và lực lượng chức năng trước khi bão đến.
Đối với bộ phận trực báo online, thời điểm trước, trong và sau bão thực sự là những giờ cao điểm. Với khối lượng tin, bài, hình ảnh của các phóng viên từ hiện trường đổ về liên tục, trong điều kiện mất điện, mạng chập chờn, các anh luôn tìm cách khắc phục kịp thời, ứng dụng linh hoạt tất cả các thiết bị điện tử để công tác xuất bản không bị gián đoạn. “Trong quá trình xuất bản tin, bài, tôi nhận thấy lượng truy cập tăng rất nhanh, chứng tỏ bạn đọc trong và ngoài tỉnh muốn cập nhật từng giờ, từng phút diễn biến, tình hình cơn bão. Điều đó khiến chúng tôi càng thêm quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để làm sao đưa đến cho bạn đọc những thông tin mới nhất, sớm nhất…”, ông Cung Phú Quốc - Trưởng phòng Báo Online chia sẻ.
Các phóng viên cho biết, tác nghiệp trong những ngày mưa bão, thực phẩm của họ chỉ là mì tôm sống và dường như không ngủ. Phóng viên Đình Lâm chia sẻ: “Sáng sớm 4-11, khi tôi đi tác nghiệp trên đường phố Nha Trang, gió đẩy bạt tay lái, mưa trùm kín mặt, trên đường cây xanh vẫn đổ, tôn vẫn bay, cảm giác sợ hãi vẫn còn ám ảnh. Nhưng trách nhiệm với nghề đã thôi thúc tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Còn phóng viên Văn Giang thì bày tỏ: “Chúng tôi tác nghiệp trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhưng những khó khăn đó không là gì so với những mất mát, đau thương mà nhân dân vùng bão phải gánh chịu. Cầu mong cho bão sẽ không bao giờ vào Khánh Hòa nữa”.
Ngọc Khánh