Sau cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị gió lốc quật gãy. Nhiều hộ đang có cuộc sống sung túc nhờ loại trái cây đặc sản này bỗng chốc trở nên trắng tay.
Sau cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị gió lốc quật gãy. Nhiều hộ đang có cuộc sống sung túc nhờ loại trái cây đặc sản này bỗng chốc trở nên trắng tay. Buồn trước cảnh vườn cây tan hoang đã đành, nhưng người nông dân còn nhiều nỗi lo phía trước.
Các vườn tan hoang
Đến thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) những ngày sau bão, chúng tôi thấy một không khí trầm buồn, xót xa. Những cây sầu riêng ngã đổ, lá đã úa màu. Gặp chúng tôi, ông Luân Trung Thắng cố nén tiếng thở dài: “Bây giờ các chú đừng hỏi tôi về sầu riêng. Tôi cũng không muốn ra vườn, bởi cây cối ngổn ngang thế kia lòng tôi chịu không được. Vườn sầu riêng là nguồn thu chính của gia đình, bây giờ bị như thế này…”. Được biết, vườn nhà ông Thắng có 250 gốc sầu riêng có tuổi từ 15 đến 20 năm. Mùa sầu riêng vừa qua, bình quân mỗi cây cho thu nhập 6 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây 20 năm tuổi cho thu nhập gấp đôi. Cơn bão đi qua đã làm cây ngã đổ la liệt, gây thiệt hại hoàn toàn 60 gốc sầu riêng. Đó là chưa kể còn một lượng cây khá lớn bị nghiêng gốc, khả năng phục hồi cũng rất thấp.
Vườn sầu riêng nhà ông Trương Nguyên Quốc Việt ở xã Sơn Hiệp cây ngã đổ chỏng chơ, lác đác một vài cây đã được ông Việt cho người cưa dọn. Vườn sầu riêng của ông Việt từng là mô hình điểm trồng xen sầu riêng, cà phê, hồ tiêu từ cách đây gần 30 năm. Với diện tích 2ha vườn, hơn 100 gốc sầu riêng cho thu hoạch từ 10 năm trở lên, nhưng nay bị đổ gần hết. “Mùa vừa qua, gia đình tôi không tốn công chăm sóc nhưng vườn sầu riêng vẫn thu được 120 triệu đồng. 2 tháng trước tôi thuê kỹ sư về chăm sóc, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua phân, thuốc để dưỡng cây chuẩn bị cho vụ năm sau. Lúc cây đã đâm nhiều chồi non, hứa hẹn một vụ mùa năng suất thì bão ập đến”, ông Việt tâm sự.
Thôn Liên Hòa và thôn Xóm Cỏ ở xã Sơn Bình lâu nay vẫn nổi danh với tên gọi “làng trang trại”. Bởi nơi đây tập trung khá nhiều trang trại trồng sầu riêng cho năng suất, sản lượng cao. Cơn bão đi qua, hơn 10ha trồng sầu riêng trong vùng với khoảng 2.000 cây cho thu hoạch từ 4 năm nay bị thiệt hại hoàn toàn. Trang trại của ông Đậu Dương Trần Nguyễn (thôn Liên Hòa) có khoảng 1.700 cây sầu riêng giống Mong Thoong đã cho thu hoạch cũng đã có tới 400 cây bị ngã đổ hoàn toàn. Một lượng khá lớn khác bị nghiêng, nhiều khả năng cũng bị chết trong những ngày tới. “Hầu hết những cây đổ là cây lớn, chủ lực trong vườn. Mùa vừa qua, những cây này năng suất bình quân đạt từ 2,5 đến 3 tạ/cây. Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế của mỗi cây là rất lớn”, ông Nguyễn cho biết. Ông Nguyễn cũng đã đầu tư 200 triệu đồng mua phân, thuốc, thuê 6 nhân công từ tỉnh Tiền Giang ra và 5 nhân công địa phương chăm sóc cây trong vòng gần 1 tháng trước bão. Việc dưỡng sức cho cây vừa hoàn tất thì bão đến, cây đã bị gió, lốc quật đổ. Cây đổ còn đè lên mấy trăm cây măng cụt, tăng thêm thiệt hại.
Gắng gượng cho những mùa sau
Theo ông Nguyễn Quốc Thái - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, mấy ngày vừa qua, một số hộ có sầu riêng bị ngã đổ đã bắt đầu cắt cành, dựng lại những cây nghiêng 45 độ. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả, vì sầu riêng ra trái bằng cành mà bây giờ cắt cành đi rồi chỉ giúp cây sống lại. “Rất may, không có hộ nào phải vay nợ vì các diện tích sầu riêng này đã cho thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những thiệt hại to lớn về cây sầu riêng đã làm nhiều người không còn dám đầu tư trở lại. Nhìn chung, sẽ rất khó khăn và mất nhiều năm để có thể khôi phục lại được diện tích cây sầu riêng như trước đây”, ông Thái nhận định.
Quả thật, việc khôi phục lại vườn sầu riêng của những hộ bị thiệt hại trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. “Tôi muốn dọn những cây bị ngã đổ để có thể trồng lại, nhưng tiền công thợ cao quá, đến 300.000 đồng/người/ngày. Không có tiền thuê nhân công dọn cây, cho người ta cưa lấy củi mà họ cũng không mặn mà. Bên cạnh đó, hiện nay, giống cây vừa hiếm vừa cao giá. Trước đây cây sầu riêng giống đẹp, đốt đều, chiều cao khoảng 60cm có giá 100.000 đồng/cây. Nhưng hiện nay giống không đẹp, chiều cao 40cm giá đã là 120.000 đồng/cây. Tôi đã đến xã đăng ký mua cây giống, nhưng phải đợi đến tháng Tư năm sau mới có”, ông Việt nói. May mắn hơn ông Việt, hộ ông Nguyễn đã mua được 300 cây giống sầu riêng có xuất xứ từ Bến Tre. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng cây giống với số tiền đã bỏ ra thì ông Nguyễn cũng không mấy hài lòng. “Mình đã thiệt hại, bây giờ muốn khắc phục sớm mà khó khăn về giống. Bây giờ mình cần thì phải mua chứ giống này không được tốt. Với những cây giống này, nếu trồng và chăm sóc tốt thì cũng phải đến 5 năm nữa mới cho trái bói”, ông Nguyễn chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Sau bão, toàn huyện có hơn 110ha sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, chiếm hơn 20% tổng diện tích. Trong đó, những địa phương bị thiệt hại nặng là: thị trấn Tô Hạp 47ha, Sơn Lâm 24ha, Ba Cụm Bắc 12ha, Sơn Bình 10ha … |
Về vấn đề hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại cây sầu riêng do bão, đến thời điểm hiện tại ở Khánh Sơn vẫn chưa có phương án cụ thể. “Theo chế độ hiện hành về việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nông nghiệp do thiên tai, bão lũ đối với các diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên là 4 triệu đồng/ha. Trong khi giống cây sầu riêng tương đối cao, nên nếu có thì sự hỗ trợ đó cũng không đáng kể”, ông Nguyễn Quốc Thái chia sẻ. Còn ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã đang cho cán bộ chuyên môn đến từng nhà để người dân đăng ký mua giống. Nhưng việc có cây giống để cung ứng cho người dân cũng phải chờ đến quý I/2018. Còn những hộ nào muốn trồng sớm thì phải tự túc nguồn giống.
Trao đổi với ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, huyện đang thống kê, kiểm đếm lại diện tích sầu riêng bị thiệt hại sau bão một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ có công văn để trình tỉnh có chính sách hỗ trợ, bởi huyện không chủ động được nguồn kinh phí. Về nguồn giống cung ứng cho người dân cũng phải chờ chính sách của tỉnh, nhưng tiêu chuẩn năm nay đã hết, nên chắc phải chờ đến năm sau mới có thể có giống để cung ứng cho người dân tái sản xuất.
Thế Anh - Giang Đình