Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có gần 150 ngư dân bị các nước: Indonesia, Malaysia... bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải. Bên cạnh tán gia, bại sản vì mất tàu cá, không ít ngư dân phải vướng vào vòng lao lý nơi đất khách quê người.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có gần 150 ngư dân bị các nước: Indonesia, Malaysia... bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải. Bên cạnh tán gia, bại sản vì mất tàu cá, không ít ngư dân phải vướng vào vòng lao lý nơi đất khách quê người.
Sạt nghiệp vì mất tàu
Gần đây, phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) đang trở thành “tâm điểm”, bởi liên tiếp xảy ra các vụ tàu cá bị Indonesia bắt giữ. Trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh có 8 tàu cá bị bắt giữ thì có đến 7 tàu thuộc phường Vĩnh Phước. Đi đến đâu cũng nghe ngư dân bàn tán về những vụ bắt tàu, những cái lắc đầu ngán ngẩm cho gia cảnh của chủ phương tiện bị thu giữ.
Ghé thăm gia đình anh Nguyễn Minh Lắm (tổ 4, Vĩnh Phước), có tàu mới bị Indonesia bắt giữ hôm 25-9, không khí nặng nề bao trùm. Anh Lắm tâm sự: “Thế là trắng tay. Cả gia nghiệp chính là con tàu, bây giờ tàu mất không còn cái làm ăn, bao nợ nần chưa trả hết giờ không biết phải xoay xở làm sao”. Trông vào hoàn cảnh gia đình anh Lắm chợt nhớ đến câu: “Có chồng làm ruộng thì theo/Có chồng làm biển hồn treo cột buồm”. Đối với người làm nghề biển, nhất là vươn khơi, không chỉ cược mạng sống mà còn cược tất cả tài sản vào sóng nước vô thường. Con tàu không đơn thuần là phương tiện kiếm cơm, với ngư dân đó chính là gia nghiệp. Không còn tàu, ngư dân gần như mất sinh kế.
Ngày tồi tệ nhất đến với ngư dân Huỳnh Tấn Cư (320 đường 2-4, phường Vĩnh Phước) đã gần 2 năm, nhưng dường như anh vẫn chưa thể nguôi ngoai. Đầu năm 2016, tàu cá KH99009TS của gia đình anh đang đánh bắt trong vùng biển giáp với Indonesia thì bị hải quân nước này bắt giữ, đưa về giam giữ ở đảo Batam. Cũng thời điểm này, Chính phủ Indonesia ra lệnh đánh đắm toàn bộ những chiếc thuyền bị hải quân hay kiểm ngư bắt được nên con tàu của gia đình anh Cư đã vĩnh viễn nằm lại xứ vạn đảo. Lục lọi từ trong tủ ra cuốn thẩm định giá con tàu do ngân hàng làm năm 2015, anh Cư buồn rầu: “Đây là hình ảnh cuối cùng còn lại của con tàu. Nhờ nó tôi mua được nhà, nhưng khi tàu bị bắt tôi đã phải bán nhà để trả nợ. Không còn nơi bấu víu, tôi đành phải về nhà bố mẹ tá túc. Gần 2 năm qua, tinh thần tôi suy sụp, đầu óc bấn loạn, không làm được gì cả. Con tàu hơn 3 tỷ đồng trong phút chốc đã tan thành mây khói, không còn gì để lo cho cuộc sống gia đình”.
Ám ảnh những ngày bị giam cầm
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 150 ngư dân bị các nước: Indonesia, Malaysia... bắt vì lý do xâm phạm lãnh hải. Với những người đã từng bị giam cầm ở Indonesia, đó là những ngày tháng kinh hoàng. Đói, rét và những trận đòn vô lý luôn ám ảnh các ngư dân sau khi bị bắt. Dù được phía Indonesia trả tự do cách đây mấy tháng, song ngư dân trẻ Đào Minh Cường (tổ 7, phường Vĩnh Phước) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể: “Hôm đó, khoảng hơn 1 giờ sáng, máy tầm ngư hiển thị lượng cá vây quanh tàu 500 - 700kg. Sau tiếng hô: “Thả đèn nhử cá” của thuyền trưởng, tôi bước xuống chiếc thúng chai, rồi kéo theo chiếc đèn điện gắn vào phao rời khỏi mạn tàu. Tất cả anh em nghĩ rằng sẽ được một mẻ cá lớn. Nhưng bất ngờ, tàu hải quân của Indonesia xuất hiện, bắt giữ toàn bộ ngư dân cùng tàu và ngư lưới cụ. Sau đó, 11 anh em trên tàu được đưa về giam giữ ở trại Comindo trên đảo Natuna của Indonesia”. Theo lời anh Cường, mỗi ngày, những người bị bắt chỉ được cấp đúng 1 chén gạo. Rau, cá, củi... đều phải tự lo. Mặc dù được phía Indonesia lo chỗ ở, chăm sóc y tế... nhưng mọi thứ đều rất tệ. Môi trường xung quanh đầy cỏ rác, ẩm ướt nên muỗi và các côn trùng khác rất nhiều. Có những hôm trời mưa, mái tôn dột nát, người rét run còn muỗi thì chích đỏ tay. Hàng ngày, ngư dân Việt Nam phải lao động khổ cực, nhưng chỉ cần làm không vừa ý quản lý là bị no đòn. Để có thể sống sót được giữa nơi hà khắc như vậy, gia đình các ngư dân phải vay mượn tiền để đưa sang nơi tạm giam cho họ để trang trải cuộc sống. “6 tháng bị tạm giam ở đảo Natuna quá khủng khiếp. May mắn là tôi không bị bệnh, nếu bị bệnh thì khó bảo toàn được tính mạng. Trong số những ngư dân bị bắt cùng tôi, đã có người phải bỏ mạng. Mộ phần họ hiện nay vẫn còn nằm lại Indonesia. Sau khi được thả về, tôi đã bỏ luôn nghề biển”, anh Cường tâm sự.
Lão ngư Nguyễn Điểm (tổ 4, Vĩnh Phước), bị Indonesia bắt và mới trở về cách đây không lâu cho biết, lúc bị giam ở đảo Tiga, cuộc sống của ông và các ngư dân khác rất cực khổ. Mỗi ngày, phía Indonesia chỉ phát cho ngư dân một lượng gạo nhất định. Trên đảo này, rau, cá rất khan hiếm. Lâu lâu, bắt được vài con cua suối về giã nát nấu canh cho cả chục người. Nhiều người bị ốm lên y tế xin thuốc thì bị bắt tập thể dục. Nhiều hôm người giữ kho quên, không phát gạo, cả nhóm đành phải nhịn đói.
Vì sao bị bắt?
Tiếp xúc với các chủ tàu và thuyền viên, nhiều người thật thà thừa nhận đã đi vào đánh bắt ở vùng biển của Indonesia, Malaysia nên mới bị bắt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người khẳng định khi bị bắt tàu của họ còn đang trong vùng lãnh hải của mình, một số tàu thì nằm trong vùng chồng lấn, hoặc một số vô tình để thả trôi vượt qua khỏi tọa độ cho phép. Lực lượng biên phòng khi làm việc với người dân đều cho biết là tàu của họ bị bắt ngay khu vực giáp ranh. Đây là những ngư trường quen thuộc, xưa nay đánh bắt nhưng các nước không có động thái gì, thời gian gần đây các nước mới đuổi bắt như vậy.
Anh Huỳnh Tấn Cư cho biết: “Tàu của tôi bị bắt khi chưa hề xâm phạm lãnh hải nước khác, vẫn đang nằm trong vùng biển của Việt Nam. Bản thân tàu của chúng tôi đều có định vị và được lực lượng cảnh sát biển hướng dẫn vùng được phép đánh bắt. Tôi rất mong cơ quan chức năng có những biện pháp hữu hiệu hơn để ngư dân có thể yên tâm bám biển”. Mới đây, 5 tàu cá của phường Vĩnh Phước và phường Xương Huân (Nha Trang) cũng bị phía Indonesia bắt giữ trong vùng giáp ranh, rất may lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có mặt để can thiệp kịp thời nên hải quân Indonesia phải thả 4 tàu, còn tàu KH 97579TS của ông Nguyễn Bá Phước (phường Vĩnh Phước) bị đâm chìm.
Được biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng nhận được nhiều phản ánh liên quan đến việc ngư dân bị bắt giữ trong lãnh hải của Việt Nam. Song, vì trên biển mênh mông như vậy, việc xác định được bằng chứng là điều không hề đơn giản. Lực lượng biên phòng chủ yếu tập trung tuyên truyền cho ngư dân về vấn đề lãnh hải, để người dân không xâm phạm trái phép vùng biển của nước khác.
Đình Lâm
Đại tá Nhữ Mai Pháo - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa: Thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền được 212 buổi/12.467 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào tình hình trên Biển Đông; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong giải quyết chủ quyền biển đảo. Một số nội dung cơ bản về Luật Biển Việt Nam cũng được đề cập. Đặc biệt, Chỉ thị 689/CT-TTg về việc nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và một số quy định đối với ngư dân hành nghề trên biển đã được tuyên truyền rất kỹ đến chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng, ngư dân...