05:10, 07/10/2017

Chuyện "nước thánh" ở suối Đá Xẻ

Hơn 20 năm qua, người dân khắp nơi vẫn đổ về khu vực suối Đá Xẻ (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để cầu Mẹ, xin "nước thánh" về uống với niềm tin sẽ chữa được bách bệnh và đem lại nhiều điều nhiệm màu trong cuộc sống. 

Hơn 20 năm qua, người dân khắp nơi vẫn đổ về khu vực suối Đá Xẻ (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để cầu Mẹ, xin “nước thánh” về uống với niềm tin sẽ chữa được bách bệnh và đem lại nhiều điều nhiệm màu trong cuộc sống. Lời đồn thổi này chưa biết linh thiêng tới đâu, chỉ biết với những gì đang diễn ra, nguy cơ ô nhiễm môi trường và hoạt động mê tín dị đoan đã và đang hiện hữu.


Băng rừng tìm động Mẹ


Từ chợ Ninh Lộc, vượt qua cánh đồng thôn Vạn Khê, chúng tôi đưa xe vào bãi giữ của một người dân nằm ngay dưới chân núi để bắt đầu hành trình khám phá suối Đá Xẻ. Trong bãi lúc này, ngoài rất nhiều xe máy còn có mấy chiếc ô tô 7 chỗ mang biển kiểm soát Thừa Thiên - Huế. Chủ bãi xe cho biết, đoàn khách từ Huế đã đến đây được mấy ngày tổ chức cúng bái rất linh đình. Từ chân núi, chúng tôi men theo con đường nhỏ chỉ đủ một người đi. Sau 30 phút leo núi, chúng tôi gặp một miếu thờ nhỏ. Tiếp tục đi thêm khoảng 20 phút, chúng tôi gặp một bãi đá với những tảng đá lớn và đặc biệt là có một ngôi mộ được sơn quét màu sắc đẹp mắt. Bắt chuyện với người đàn ông tên Chân - nhà ở đường Nguyễn Thái Học (TP. Nha Trang) đang ngồi nghỉ chân ở đây, chúng tôi được biết, ngôi mộ này của một nhà sư đã chết cách đây 20 năm. Từ vị trí này, đi thêm mấy trăm mét nữa chúng tôi gặp một hang đá rộng lớn chừng hơn 30m2. Khi chúng tôi vào, trong hang đá có khoảng 20 người mặc áo đạo tràng đang ngồi nấu nướng, ăn uống. Thấy chúng tôi, một người đàn ông rót trà mời và hỏi chúng tôi lên đây có việc gì. Nghe chúng tôi bảo lên đây cầu Mẹ để làm ăn được thuận lợi, người đàn ông nhanh nhảu bảo: “Các anh đã tìm đúng địa chỉ. Đoàn chúng tôi tháng nào cũng từ Huế vào đây. Trong đoàn hầu hết là dân làm ăn buôn bán ở chợ Đông Ba. Tối qua, chúng tôi tổ chức cúng tạ cho một người trong đoàn vì vừa làm ăn trúng quả sau khi đến đây xin Mẹ và được Mẹ độ”.

 

Nhiều ban thờ được đặt trong động Mẹ

Nhiều ban thờ được đặt trong động Mẹ


Rời hang này, chúng tôi đi lên khu vực hồ Đá Xẻ thì thấy một người đàn ông mang theo nhiều can nhựa, theo sau là một phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi. Qua trò chuyện, được biết người phụ nữ tên Hồng - nhà ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), còn người đàn ông là người được bà Hồng thuê để gánh nước. Theo chân hai người này, chúng tôi men theo lối mòn bên phải hồ Đá Xẻ đi lên phía trên. Vượt qua mấy tảng đá lớn, trước mắt chúng tôi là một cửa động rộng lớn. Phía trên mái động là một phiến đá có diện tích khoảng 10m2. Đến nơi, bà Hồng cho chúng tôi biết đây là động Mẹ, cũng có người gọi là Tây Lầu. Dọc lối đi trong động, chúng tôi thấy có rất nhiều ban thờ với hoa trái, nhang đèn đầy đủ. Phía trên các tảng đá nhỏ hay trên sàn động có hàng trăm chân nến đã cháy, gạo, muối, bỏng ngô được rắc vãi rất nhiều. Chỉ vào một khe đá hẹp, bà Hồng nói: “Mẹ ở trong đó”. Rồi bà ngồi xuống chuẩn bị lễ vật để cúng. Qua quan sát, khe đá chỉ đủ một người chui vào, bên trong có một tảng đá màu đen da trơn có hình dáng như một người phụ nữ bị mất đầu. Phía trước mặt tảng đá có một ban thờ và dưới đó là dòng nước rỉ ra từ vách đá và đọng lại thành một hồ nhỏ. Sau khi cúng bái xong, bà Hồng trực tiếp lấy các can nhựa mang theo múc nước đầy vào rồi chuyển cho người đàn ông mang về. Theo lời bà Hồng, tảng đá này được những người đi rừng phát hiện cách đây khoảng 20 năm. Sau đó vợ chồng bà Mười Hợi ở làng Vạn Khê lên đây lập miếu thờ. Từ đó, thông tin về dòng nước, sự linh thiêng của nơi đây được đồn thổi mãi đến tận bây giờ.


Những câu chuyện khó tin


Gặp những người tìm đến với động Mẹ, chúng tôi được nghe khá nhiều câu chuyện kỳ bí đến mức… khó tin. Chẳng hạn như chuyện ông Hùng trước đây ở gần chợ Phương Sài (phường Phương Sơn, TP. Nha Trang). Theo ông Hùng: Năm 2000, việc làm ăn của gia đình ông rất kém, ông còn bị tai nạn giao thông gãy xương vai, cổ, thần kinh bị ảnh hưởng nặng. Được người giới thiệu, vợ ông lên đây lấy nước về cho ông uống, chỉ sau một thời gian ngắn bệnh thuyên giảm nhiều, việc làm ăn của gia đình khấm khá hơn. “Để được gần Mẹ, vợ chồng tôi quyết định chuyển về sinh sống ở phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa). Tuần nào vợ chồng tôi cũng lên đây để viếng Mẹ và xin nước về dùng”, ông Hùng nói.

 

Nhiều người dân tìm đến suối Đá Xẻ

Nhiều người dân tìm đến suối Đá Xẻ


Câu chuyện của bà Hồng cũng ly kỳ không kém. Cách đây 5 năm, bà Hồng phát hiện mình bị ung thư phải điều trị rất tốn kém. “Tóc của tôi trước đây rất dài, nhưng vì hóa trị nên rụng hết. Hai năm trước, bác sĩ nói với tôi việc điều trị không tiến triển hơn và khuyên gia đình chuẩn bị tinh thần. Khi đó, tôi nghe chuyện về dòng nước Mẹ nên tìm đến đây. Lần đầu, tôi phải thuê người khiêng, nhưng sau khi được uống nước, tôi thấy người khỏe ra. Kể từ đó, tuần nào tôi cũng cố gắng lên đây. Từ chỗ không đi lại được, đến nay tôi đã có thể leo được cả tiếng đồng hồ đường rừng để đến đây”, bà Hồng kể.   


Câu chuyện ông Chân trở thành một tín đồ thường xuyên đến động Mẹ để cầu bái cũng có căn nguyên khá ly kỳ. Trước đây gia đình ông Chân gặp rất nhiều điều không may. Con cái làm ăn thua lỗ, vợ chồng mâu thuẫn sâu sắc, sức khỏe của ông không được tốt. “Cách đây 15 năm, vợ tôi theo người lên đây xin nước và cúng Mẹ, lúc đó tôi không tin và còn có ý ngăn cản vợ. Sau đợt nằm viện vì bệnh nặng, tôi nghe lời vợ thử uống nước thì thấy người khỏe hơn. Từ đó đến nay, tuần nào tôi cũng lên đây 2 lần để xin nước. Cũng nhờ có nước Mẹ nên tình cảm vợ chồng cũng tiến triển tốt hơn, việc làm ăn của con tôi trở nên thuận lợi và phát triển hơn”, ông Chân nói.


Ông Sáng - người làng Vạn Khê tự nguyện lên sống ở đây để quét dọn vệ sinh kể, có nhiều bà cụ bệnh nặng lúc lên đây phải có người khiêng, nhưng sau vài lần lấy nước về uống đã khỏe ra và tự mình đi xin nước được. Cũng có nhiều trường hợp sau khi lên cầu tự, cầu làm ăn phát đạt được như ý nên quay trở lại cúng tạ rất lớn.

 

Hàng chục người ăn uống trong hang đá ở khu vực suối Đá Xẻ.
Hàng chục người ăn uống trong hang đá ở khu vực suối Đá Xẻ.


Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước


Qua tìm hiểu, được biết nguồn nước từ suối Đá Xẻ được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt trực tiếp cho người dân 7/8 thôn của xã Ninh Lộc với số lượng khoảng 8.000 người. Tuy nhiên, ở khu vực đầu nguồn nước rác thải sinh hoạt vứt tràn lan dọc theo các hốc đá, dòng suối; bên cạnh đó là việc những đoàn khách hàng chục người ở lại ăn uống, tắm giặt, phóng uế khiến vấn đề ô nhiễm nguồn nước thực sự rất đáng báo động. “Ở đây, người dân vẫn chưa có nước máy để dùng. Mọi sinh hoạt đều trông chờ vào nguồn nước từ suối Đá Xẻ. Với việc có nhiều người đến và ở lại trên đó, chúng tôi lo ngại sẽ xảy ra dịch bệnh vì ô nhiễm nguồn nước”, ông Lê Bảy - người dân làng Vạn Khê lo lắng.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Hải - Trưởng Công an xã Ninh Lộc thừa nhận: “Việc có nhiều người lên khu vực suối Đá Xẻ tiềm ẩn nguy cơ lớn về mất vệ sinh môi trường, cảnh quan và ô nhiễm nguồn nước. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần phản ánh vấn đề này. Chính quyền xã cũng rất lo ngại việc ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến dịch bệnh cho người dân. Vì thế, nhiều lần lực lượng chức năng của xã đã lên đây để thu gom rác thải mang đi đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên, việc làm này cũng không thường xuyên vì địa bàn xa xôi, đi lại khó khăn”.

 

Người dân vào động Mẹ xin nước.
Người dân vào động Mẹ xin nước.

 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Thời gian qua, xã Ninh Lộc đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế người dân ở các địa phương tụ tập, hành lễ cúng bái mê tín dị đoan ở khu vực suối Đá Xẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo tình hình nơi đây không phát sinh những sự việc phức tạp, thời gian tới, UBND thị xã Ninh Hòa sẽ chỉ đạo Phòng Nội vụ, Văn hóa - Thông tin, Công an phối hợp để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, phòng chống hoạt động mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, sẽ rà soát lại thông tin, tư liệu liên quan đến di tích trên để có định hướng đối với việc phát triển du lịch. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vấn đề vệ sinh môi trường ở khu vực này.

Cũng theo ông Hải, việc người dân các nơi như: Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Đắk Lắk… đổ về khu vực suối Đá Xẻ đã diễn ra từ lâu. Cách đây khoảng 10 năm, tình hình nơi đây thực sự rất phức tạp với các hoạt động mê tín dị đoan. Nhưng sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã thì tình hình đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, số lượng người dân trở lại nơi này có dấu hiệu tăng, nhất là vào các ngày vía hoặc ngày rằm. “Trước đây, chúng tôi từng ra quân dẹp bỏ các công trình am miếu được xây dựng trái phép và yêu cầu người dân ở trên đó quay trở về. Làm liên tục như vậy trong nhiều năm nên tình hình đã ổn định hơn. Năm 2016 và đầu năm 2017, chúng tôi đã tổ chức lực lượng lên phá các cây cầu gỗ, di dời các bức tượng Phật đưa về đặt ở chùa Thạnh Đức”, ông Hải cho biết.


Để hạn chế người dân các nơi lên khu vực suối Đá Xẻ, xã Ninh Lộc cũng đã đề ra biện pháp cấm lên núi, cấm ở lại trên núi. Từ đầu năm 2017, xã đã thành lập Đội tự quản ở thôn Vạn Khê, đội có nhiệm vụ phát hiện và thuyết phục những đoàn có đông người đến đây quay trở về. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân biết trước nên tách thành các nhóm nhỏ để đi lên. “Cái khó của chúng tôi là những đoàn người lên đây đều có sự tiếp tay, cảnh giới của một số đối tượng trong xã. Chính vì thế, khi lực lượng chức năng lên thì những người ở trên đó đã được báo động, chúng tôi rất khó bắt gặp các hành vi cúng bái, mê tín dị đoan để xử lý”, ông Hải cho biết thêm.


Mong rằng, những bất cập trên sẽ sớm được chính quyền địa phương giải quyết để người dân nơi đây có cuộc sống yên bình.



Nhân Tâm