Chiến tranh qua đi từ lâu, song hậu quả của chất độc da cam vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Mặc dù vậy, hàng ngày những nạn nhân da cam vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng để những nạn nhân khác noi theo, vượt lên số phận.
Chiến tranh qua đi từ lâu, song hậu quả của chất độc da cam vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Mặc dù vậy, hàng ngày những nạn nhân da cam vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng để những nạn nhân khác noi theo, vượt lên số phận.
“Vết thương” kép
Những ngày đầu tháng 8, ông Vũ Cao Cải - tổ dân phố Lợi Hòa, phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh luôn luôn bận rộn. Hẹn mấy lần mới gặp được ông, bởi ông phải chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8) và đi vận động các mạnh thường quân để có thêm kinh phí hoạt động cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Cam Ranh. Rót ly trà mời khách, ông thủng thẳng nói về những khó khăn mà các nạn nhân da cam gặp phải trong cuộc sống: “Hậu quả của chất độc hóa học dioxin là vô cùng khốc liệt. Ở TP. Cam Ranh, có trường hợp cả 6 người trong gia đình đều là nạn nhân chất độc da cam. Nhiều trường hợp, các cháu sinh ra nhưng mãi mãi không được làm “người”. Ngây dại có, điên loạn có và còn vô số những tật nguyền khác đeo bám lấy mảnh đời bất hạnh của họ”.
Trở về từ cuộc chiến, ông Cải mang trong mình những vết thương của chiến tranh. Những hôm trái gió trở trời, vết thương xưa lại, hành hạ người cựu binh già. Cách đây gần 10 năm, ông phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam. “Ngày biết mình bị nhiễm chất độc da cam, tôi lo lắng vô cùng. Bản thân mình thì không vấn đề gì, chỉ sợ các con sẽ trở thành những nạn nhân vô tội. Vừa là thương binh, vừa là nạn nhân da cam song tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội, đồng chí khác”, ông Cải trải lòng.
Đến thăm gia đình thương binh Vũ Đình Nã (thôn Trung Nam, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) khi ông đang bị những di chứng của chất độc da cam và vết thương hành hạ. Trong đôi mắt của người cựu chiến binh một thời ngang dọc khắp chiến trường B ẩn chứa sự chịu đựng nỗi đau đớn không nói nên lời. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (vợ ông Nã) tâm sự: “Vợ chồng tôi đều là thương binh, đồng thời là nạn nhân chất độc da cam. Mấy năm trước còn đỡ, mấy năm nay lúc thì vết thương hành hạ, khi thì di chứng của chất độc da cam phát tác, sinh đủ thứ bệnh nhưng phải cố động viên nhau vượt qua khó khăn, nỗi đau”.
Vươn lên trong cuộc sống
Mặc dù vậy, rất nhiều người mà chúng tôi gặp đều cố gắng vượt qua nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống. Trường hợp của ông Nguyễn Xuân Đông (68 tuổi, thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) là một ví dụ. Sau chiến tranh, ông Đông lập gia đình và những đứa con sinh ra ít nhiều đều mang trong mình di chứng của chất độc dioxin. Đứa tật nguyền, động kinh, đứa trí nhớ kém, học trước quên sau… Thế nhưng, ông vẫn nỗ lực đương đầu với nỗi đau để chiến thắng số phận. Từ một công nhân chế biến thủy sản, đi làm thuê, phụ hồ, rồi làm bảo vệ..., đến năm 2005, từ vốn liếng tích cóp được, ông thành lập doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa và san lấp mặt bằng. Giờ đây, ông có trong tay gần chục chiếc máy múc, máy ủi; thường xuyên tạo công ăn, việc làm cho hơn 50 công nhân, lao động địa phương. Doanh thu hàng năm đạt từ 4 đến 5 tỷ đồng. Điều đáng trân trọng là hầu hết công nhân tại doanh nghiệp của ông đều thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ của địa phương. Họ có thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. “Cuộc sống đã không phụ lòng người, từ chỗ nghèo khó nay gia đình tôi đã thành lập được doanh nghiệp, nhà cửa khang trang, con cái được chăm lo đầy đủ hơn và cũng giúp đỡ được ngiều người hơn”, ông Đông tâm sự.
Xoa dịu nỗi đau
Có một điều đáng trân quý, chính bản thân những người bị nhiễm chất độc dioxin cũng luôn tự nguyện giúp đỡ nhau, cùng cố gắng xoa dịu nỗi đau da cam. Ông Vũ Cao Cải - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Cam Ranh chia sẻ: “Những năm qua, nhiều hội viên đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những đau đớn thể chất, tinh thần, phấn đấu vươn lên bằng chính nghị lực của bản thân”. Bản thân ông Cải hàng ngày vẫn dành sức lực để lo cho hội, lo cho các nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề hơn mình. Với ông, việc giúp các nạn nhân khác vừa là trách nhiệm vừa là sự thôi thúc của tinh thần người lính năm xưa.
Hay như ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Nha Trang, tuy công việc kinh doanh bận rộn, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội. Ông tận tâm, tận tụy, hết mình với những nạn nhân của thứ chất độc ghê sợ. Ông Đông bày tỏ: “Hiện nay, toàn thành phố có hơn 1.000 nạn nhân da cam. Phần lớn cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn do biến chứng bởi chất độc da cam khiến bệnh tật, sức khỏe suy yếu. Chính vì thế, ở cương vị là chủ tịch hội tôi phải cố gắng hoạt động để phần nào góp phần xoa dịu nỗi đau da cam”.
Trong trái tim của anh bộ đội Cụ Hồ luôn thôi thúc ông phải tìm cách giúp đồng đội, giúp con, cháu họ dịu bớt phần nào nỗi đau trông thấy ấy. Một mặt là giúp đỡ, hướng dẫn thủ tục để các đối tượng đều được xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước. Mặt khác, ông còn tìm mọi cách để kêu gọi, vận động sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đến với những mảnh đời mang trong mình chất độc da cam. Trung bình mỗi năm, ông Đông cùng với các cấp, ngành vận động được gần 100 triệu đồng cho Quỹ Vì nạn nhân da cam TP. Nha Trang. Từ nguồn quỹ này đã trích ra thăm hỏi, hỗ trợ xây sửa nhà, giúp đỡ gia đình các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống.
Đình Lâm - Văn Giang
Ông Phạm Minh Chánh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Những năm qua, với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã phần nào giúp gia đình nạn nhân da cam ổn định được tinh thần, vơi bớt khó khăn. Nhiều nạn nhân da cam tuy tuổi cao, sức yếu như: ông Nguyễn Xuân Đông, ông Vũ Cao Cải… vẫn tích cực tham gia công tác hội. Họ là những tấm gương sáng, không quản ngại khó khăn đi đến nhiều nơi để vận động tạo quỹ chăm sóc nạn nhân; và còn là cầu nối tiếp thêm nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.