11:08, 04/08/2017

Cuộc trùng phùng bên cung đường huyền thoại

49 năm trước, tại khu vực biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), sự kiện tàu không số mang mật danh C235 chiến đấu và điểm hỏa phá tàu đã tạc dấu son bất tử trên cung đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.

49 năm trước, tại khu vực biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), sự kiện tàu không số mang mật danh C235 chiến đấu và điểm hỏa phá tàu đã tạc dấu son bất tử trên cung đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Hôm nay, những người lính từng tham gia trận hải chiến năm xưa có dịp gặp lại nhau ngay tại nơi đã diễn ra trận chiến bi hùng...


Nhớ về thời bi tráng


Biển Hòn Hèo cuối tháng 7, những con sóng ở Khu di tích lịch sử tàu C235 dịu nhẹ miên man. Vừa bước xuống xe, các cựu thủy thủ của tàu không số C235 đã vội vàng lần hồi ra mép nước. Không ai bảo ai, cả 4 người lính già cùng hướng mắt nhìn ra phía xa của biển.

 

Trong những đôi mắt mờ đục ẩn hiện bao tâm trạng, ký ức xưa theo đó ùa về. Cựu chiến binh Lâm Quang Tuyến (hiện đang sống ở Vũng Tàu) bồi hồi nhớ lại: “Tối 27-2-1968, tàu C235 xuất phát với 20 thành viên, chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo. Đây là một khu vực rất khó đi do luồng hẹp và nhiều đá ngầm. Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên vùng biển quốc tế, tối 29-2, tàu tạt sang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ. Phát hiện ra tàu ta, địch lập tức huy động 3 tàu chiến Ngọc Hồi, HQ12, HQ 617 và 4 tàu khác của Duyên đoàn 25 đến vùng biển Nha Trang với ý định bắt sống. Biết bị lộ, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điểu khiển tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đến được bến Ninh Phước lúc 0 giờ 30 phút ngày 1-3-1968. Anh quyết định thực hiện phương án hai, cho thả hàng xuống nước để quân dân ở bến mò vớt sau. Đến rạng sáng, địch đưa 3 tàu loại lớn và 4 tàu loại nhỏ khép chặt vòng vây. Trước tình thế hiểm nghèo, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống bến Ninh Vân nhằm giữ bí mật không để lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi theo, nã đạn dữ dội, bật đèn pha và gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc két. Trong lửa đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy đồng đội chiến đấu và điều khiển tàu chạy sát bờ”.

 

Thả hoa tưởng nhớ các liệt sĩ tàu C235

Thả hoa tưởng nhớ các liệt sĩ tàu C235


Theo ông Tuyến, cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt, hỏa lực của địch liên tục bắn vào tàu C235 của ta, có 5 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị mảnh đạn sượt qua đầu. Sau một thời gian chiến đấu với tàu địch, tàu C235 bị hỏng máy, mất khả năng cơ động.

 

Để đảm bảo bí mật cho con đường trên biển, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hạ lệnh cho phá hủy tàu. Khi đặt 1,7 tấn thuốc nổ vào khoang máy và các vị trí khác, anh lệnh cho đồng đội lần lượt rời tàu, còn anh đi sau cùng để kiểm tra kíp nổ lần cuối. Một lát sau, mặt biển Hòn Hèo bùng lên cột lửa khổng lồ cùng tiếng nổ dữ dội. Sức công phá của thuốc nổ khiến một nửa con tàu văng lên lưng chừng núi Bà Nam, thuộc địa bàn xã Ninh Vân, nửa còn lại chìm xuống biển.

 

“Khi mới rời tàu, chúng tôi còn 9 người, anh Phan Vinh và anh Thứ đã kiên cường chống trả để anh em khác thoát lên núi. Cuối cùng 2 anh đã hy sinh. 7 người còn lại thì sau đó 1 người bị địch bắt, 1 người hy sinh trong những ngày tránh địch vây ráp trên đỉnh Hòn Hèo. Gần 13 ngày đêm trong rừng, cuối cùng 5 chiến sĩ còn lại của tàu đã tìm được cơ sở của ta”, ông Tuyến kể.

 

Trở lại chiến trường xưa, bao kỷ niệm sinh tử và ân tình gắn với Hòn Hèo - Ninh Vân ùa về đầy xúc cảm trong câu chuyện của những cựu thủy thủ tàu C235. Đó là những gộp đá, rặng rừng làm nơi ẩn nấp, chuyện 13 ngày liên tiếp không ăn, uống trên đường tránh địch; là những câu chuyện tìm về hậu cứ, những người nuôi giấu, chăm sóc chiến sĩ ở xã Ninh Vân suốt 3 tháng trời. 

 

Cựu pháo thủ tàu C235 Hà Minh Thật (hiện đang sống tại TP. Hồ Chí Minh) bùi ngùi: “Vậy là đã 49 năm trôi qua, 14 đồng đội đã mãi mãi nằm lại vùng biển Hòn Hèo. Trong số 6 người còn sống sau trận hải chiến thì đến nay cũng chỉ còn 4 người chúng tôi trở về lại nơi các đồng đội đã hy sinh. Chúng tôi nợ con người và vùng đất này nhiều lắm”.   

 

Cựu thủy thủ tàu C235 bên nhà bia tưởng niệm 14 liệt sĩ

Cựu thủy thủ tàu C235 bên nhà bia tưởng niệm 14 liệt sĩ

 

Gọi cha bên triền sóng


Giữa sóng nước Ninh Vân, ngoài sự hiện diện của những cựu binh tàu không số, còn có cả những người con, người cháu... của các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống. Trong số họ, có người chưa một lần được gọi tiếng cha, chưa một lần được cha ẵm bồng.

 

Đến Ninh Vân, về Hòn Hèo, những người con của các liệt sĩ tàu C235 như mong tìm thấy hơi ấm và hình ảnh của cha; được đặt tay lên từng thớ đất, phiến đá, cành cây, ngọn cỏ, cảm giác thân thương, gần gũi đến lạ kỳ. Đặt di ảnh cha lên bia tưởng niệm, chị Doãn Thị Thu (con liệt sĩ Doãn Quang Ruyện, quê Thái Bình) nức nở: “Cha ơi, hôm nay con lại về đây để trò chuyện cùng cha. Con mong ngày nào cũng tự tay thắp cho cha và các đồng đội của cha nén nhang. Nhưng vì khoảng cánh xa xôi, nên không làm được như tâm nguyện. Lần này, con cùng các đồng đội của cha về lại đây, thấy nơi cha nằm xuống yên bình, con cũng ấm lòng”.

 

Cũng lặn lội từ miền Bắc vào thắp nhang cho cha, chị Ngô Thị Hải Yến (con gái duy nhất của liệt sĩ Ngô Văn Thứ, quê Hải Dương) bùi ngùi: “Tôi chưa một lần được gặp bố mà chỉ hình dung qua ảnh và những lá thư tay gửi về gia đình. Biết nơi bố hy sinh tại chiến trường miền Nam, bao năm tôi và mẹ mong mỏi được vào thăm nơi bố đã hy sinh và gặp đồng đội của bố. Năm 1994, tôi đã tìm về Ninh Vân, hồi đó phải thuê tàu cá từ Nha Trang ra vì chưa có đường như bây giờ. Dù đã 3 lần được đặt chân lên vùng đất Hòn Hèo nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp đồng đội của bố. Mọi người được nghe câu chuyện cảm động về các thành viên tàu C235, trong đó có bố, tôi cảm thấy rất xúc động, tự hào. Nhìn thấy các đồng đội của bố, tôi có cảm tưởng như tìm thấy hình bóng của bố mình”.


Trong cuộc gặp gỡ này, mỗi người một quê, nhưng qua cuộc trùng phùng, họ như thân thiết với nhau từ thuở nào. Các anh, các chị mừng mừng tủi tủi, động viên nhau và hứa với nhau lần sau trở lại sẽ làm khung ảnh lớn có đủ di ảnh của 14 liệt sĩ để thờ phụng tại Hòn Hèo. Trong phút giây thả hoa xuống biển Ninh Vân, không ai bảo ai, các thân nhân đều thầm gọi tên cha mình và các đồng đội đã mãi nằm lại vùng biển lịch sử.    

 
Giọt nước mắt tri ân

 

Cuộc gặp này là một trong những hoạt động nằm trong chương trình “Tri ân huyền thoại” do Báo Tiền Phong phối hợp với Học viện Hải quân, Tập đoàn Vingroup và UBND xã Ninh Vân tổ chức.

Với những người lính năm xưa, cuộc gặp mặt này là cơ hội cho họ được trở về để cảm ơn mảnh đất và những con người đã nuôi giấu họ sau khi tàu C235 điểm hỏa. Trước sự đón tiếp của hàng trăm người dân xã Ninh Vân, cựu chiến binh Lê Duy Mai (quê ở Thanh Hóa) nghẹn ngào: “Hôm nay trở về đây, tôi muốn được nói lời cảm ơn sâu sắc tới người dân Ninh Vân. Nhờ có người dân nơi đây mà chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay. Bà con đã che chở chúng tôi trước mắt địch. Anh em chúng tôi mỗi người một quê nhưng từ lâu đã tự coi vùng đất này là quê hương thứ 2 của mình. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng anh em chúng tôi sẽ cố gắng thường xuyên trở về mảnh đất này thêm nhiều lần nữa để có điều kiện gặp lại những người đã cưu mang mình”. Giọng nói của người lính già cứ nghẹn lên từng hồi. Không gian trở nên trầm xuống, tất cả như hướng lòng mình trở về thời quá khứ hào hùng.

 

Thân nhân xúc động bên di ảnh của liệt sĩ
Thân nhân xúc động bên di ảnh của liệt sĩ


Trong lần gặp gỡ này, các cựu thủy thủ tàu không số và thân nhân của những đồng đội đã hy sinh còn ngược về phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa để tìm gặp vợ chồng bà Phạm Thị Hường và ông Nguyễn Bá Cường, người đã trực tiếp chăm sóc các chiến sĩ tàu C235 năm xưa. Khi xe vừa dừng bánh, bà Hường đã chạy ra ôm lấy các cựu thủy thủ như ôm những người thân lâu ngày gặp lại. Mừng mừng tủi tủi, bà Hường và ông Cường hỏi thăm từng người thân của các liệt sĩ tàu không số. Nước mắt lại rơi, nhưng có lẽ đây là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của vui mừng cho ngày gặp lại. “Ngày ấy, tôi là người trực tiếp nuôi các anh tại Hòn Hèo. Trước khi ra Bắc, trong 3 tháng trời tôi đã cùng các đồng chí khác chăm sóc các anh tận tình. Chiến tranh qua đi, dù có thời gian dài việc gặp nhau bị gián đoạn, nhưng từ sâu thẳm lòng mình, chúng tôi đã xem nhau như anh em. Hôm nay được gặp cả con của các chiến sĩ hy sinh, vợ chồng tôi cũng xem như con cái trong nhà. Mong những lần trùng phùng như thế này sẽ còn nhiều, để hương hồn 14 người đã khuất được thanh thản mỉm cười nơi chín suối”, bà Hường tâm sự.


Cuộc gặp gỡ diễn ra tuy ngắn ngủi, song nghĩa tình có lẽ không thể kể xiết. Khi chuyến xe chở các cựu thủy thủ và thân nhân liệt sĩ tàu C235 từ từ lăn bánh rời khỏi mảnh đất Hòn Hèo lịch sử, kẻ ở người đi vẫn như bịn rịn, lưu luyến...



ĐÌNH LÂM