10:06, 27/06/2017

Thú chơi đá cảnh

Sau mỗi trận mưa rừng, dân chơi đá cảnh lại đi lên phía thượng nguồn sông ở Khánh Vĩnh để tìm những viên đá mang hình thù độc đáo hoặc đậm chất nghệ thuật của tạo hóa. Mỗi viên đá tìm được chứa đựng bao sự nhọc nhằn và khiếu thẩm mỹ của người chơi...

Sau mỗi trận mưa rừng, dân chơi đá cảnh lại đi lên phía thượng nguồn sông ở Khánh Vĩnh để tìm những viên đá mang hình thù độc đáo hoặc đậm chất nghệ thuật của tạo hóa. Mỗi viên đá tìm được chứa đựng bao sự nhọc nhằn và khiếu thẩm mỹ của người chơi... 

 
Nhọc nhằn thú chơi


Theo dân chơi đá, sau những đợt mưa rừng lớn là thời điểm thích hợp để tìm được những viên đá đẹp. Bởi khi nước sông lớn, chảy xiết sẽ đảo đá, làm lộ ra những viên đá lâu nay bị chôn vùi phía dưới. Các tay “săn” đá thường chia thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp đi một bãi riêng biệt. Có tốp chuyên đi lên xã Sơn Thái, Khánh Thượng, một số tốp lại chọn thượng nguồn sông Giang (xã Khánh Trung) hoặc sông Chò (xã Khánh Hiệp). Mỗi khu vực, có những loại đá mang đặc điểm riêng biệt, tùy vào sở thích của người sưu tầm.

 

Tìm đá nơi thượng nguồn sông Cái

Tìm đá nơi thượng nguồn sông Cái


Tại khu vực bãi Keo, đoạn sông Cái chảy qua xã Sông Cầu, cặp đôi Cường - Tuấn lầm lũi bước từng bước trên bãi đá bỏng rát. Mặc cho cái nắng đầu hè và hơi nóng từ đá bốc lên hầm hập, 2 “tín đồ” đá cảnh vẫn không rời mắt khỏi những viên đá lớn, nhỏ vô tri. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, Cường tâm sự: “Cái thú chơi đá này có một sức hút ghê gớm, khi đã trót yêu rồi thì rất khó bỏ. Trời nắng đổ lửa hay mưa tầm tã, khi nghe ở đâu có đá đẹp thì sẵn sàng khoác ba lô lên và đi. Lúc mặt trời đứng bóng, người ta nghỉ ngơi, nhưng với dân sưu tầm đá thì đó lại là khoảng thời gian quý nhất để tìm được những viên đá đẹp. Bởi khi mặt trời thẳng đỉnh đầu, ánh sáng của nó sẽ lột tả những vẻ đẹp viên đá, người “săn” đá cũng vì thế mà dễ dàng nhận ra”.

 

Tìm đá  nơi thượng nguồn sông Cái


Cường cho biết, trong giới chơi đá ở Nha Trang, anh được xem là trẻ tuổi nghề. Dù mới vào nghề, song anh đã thấm thía nỗi cực nhọc của thú chơi này. Để tìm được viên đá đẹp, người chơi phải lặn lội mấy chục cây số, phơi mình dưới cái nắng mùa hè hay cả buổi ngâm mình dưới nước để hụp lặn tìm đá giữa lòng sông. “Đi lượm đá bị bầm trầy vì đá là chuyện bình thường. Những phiến đá lớn ở dưới nước, nếu không cẩn thận khi móc đá lên sẽ bị dập tay, dập chân. Thú chơi đá cảnh mới nhìn thì có vẻ thanh tao, nhẹ nhàng, nhưng để đeo đuổi nó thật sự phải có đam mê. Một thú chơi nhiều khi phải trả những cái giá rất đắt. Cách đây mấy năm, trong một lần đi nhặt đá cảnh vào mùa lũ, một người chơi đá ở Nha Trang đã bị con nước cuốn đi và mãi mãi không về”, Tuấn kể thêm.

 

Niềm vui khi lặn được viên đá đẹp

Niềm vui khi lặn được viên đá đẹp


Khơi hồn... cho đá


Cũng giống như nghệ thuật Thạch ngoạn (Trung Quốc), Suiseki (Nhật Bản), đá cảnh ở Việt Nam đã và đang lôi cuốn rất nhiều người tham gia. Đá cảnh đẹp, quý, trước hết phải là dạng đá tồn tại hình dạng nguyên sơ như nó vốn có, người chơi chỉ cần lau rửa cho hết đất cát, rong rêu bám trên mặt đá mà không được phép tác động vào. Hòn đá sẽ mất ngay giá trị nếu nó bị đục đẽo, mài dũa, làm thay đổi hình thù ban đầu. Giá trị của đá thể hiện ở các đường nét mềm mại, bố cục hoàn chỉnh, hình sắc cao qua các yếu tố cơ bản: thể - hình - vân - sắc - ánh và chất. Thể của nó có nhiều loại từ trầm tích, hoa cương, mã não, granite, dung nham… Hình phải là hình dáng lạ, hoa văn mặt đá đẹp. Vân phải mạch lạc, rõ nét. Sắc màu và ánh là nâu, xám, trắng, vàng rực rỡ, hay bóng láng. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là những tiêu chí bất di bất dịch. Có nơi chỉ quan niệm, viên đá đẹp là viên đá có 4 yếu tố: hình - sắc - chất - ý.

 

Ông Lê Công Quý bên một số tác phẩm đá đã sưu tầm

Ông Lê Công Quý bên một số tác phẩm đá đã sưu tầm

 

Ông Nguyễn Đình Huấn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Khánh Hòa: Phong trào chơi đá cảnh ở Khánh Hòa đã có cách đây mấy chục năm, với những thế hệ đầu như: ông Hồ Khiêm, Hoàng Phiệt, Nguyễn Văn Phúng. Hiện nay, số người chơi đã lên đến mấy trăm người. Chơi đá cảnh là một bộ môn nghệ thuật đặc sắc và lôi cuốn người chơi. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn những nhân tố như: ông Quý, bác sĩ Long, anh Dương... để đá cảnh Khánh Hòa lớn mạnh hơn.

Khác với những bộ môn nghệ thuật khác, người chơi đá cảnh không bao giờ nhận mình là nghệ nhân và cũng chưa bao giờ xem mình là người thổi hồn vào đá. Ông Trần Tấn Hưng (đường Bạch Đằng, TP. Nha Trang), người có thâm niên trên 20 năm sưu tầm đá cảnh cho biết: “Viên đá nếu nằm lại ở bãi sông thì muôn đời nó vẫn chỉ là những viên cuội vô tri. Nhưng khi được người sưu tầm nhìn thấy vẻ đẹp, mang về thì nó sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật ẩn chứa giá trị thẩm mỹ. Nhưng người sưu tầm đá không bao giờ là nghệ nhân bởi người tạo ra tác phẩm bằng đá là thiên nhiên, với thời gian hàng ngàn, hàng triệu năm. Người sưu tầm đá chỉ có công khơi hồn cho đá, biết nhặt nhạnh, đem về những viên đá đẹp để mọi người cùng thưởng thức”. Theo ông Hưng, mỗi viên đá là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, không viên nào giống viên nào. Có tác phẩm giống như những dãy núi hùng vĩ với hang động, thác nước. Có những tác phẩm lại gợi đến cho người xem hình ảnh thanh bình về những bình nguyên rộng lớn với đồng bằng, núi non, hồ nước. Nhiều khi, viên đá cảnh đơn thuần chỉ để thể hiện tình mẫu tử qua hình tượng mẹ bồng con. “Đá luôn muôn hình vạn trạng, nhưng cái hay của người chơi đá là có nhìn ra được những hồn cốt của nó để đem nó về tự nhiên, đưa sang một không gian mới và trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Người chơi và đá nhiều khi phải tìm được sự đồng điệu”, ông Hưng cho hay.


Trong giới chơi đá cảnh ở Khánh Hòa, ai cũng biết ông Lê Công Quý (76 tuổi, ở phường Vĩnh Phước, Nha Trang), bác sĩ Long (ở thị xã Ninh Hòa) hay anh Võ Dương (Lê Hồng Phong, Nha Trang). Đây là những người có một niềm đam mê mãnh liệt với đá, giúp phong trào đá cảnh ở Khánh Hòa ngày càng phát triển. Như ông Quý, dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn đều đặn cùng với những người chơi trẻ đi tìm đá ở khắp nơi. Và có một điều đáng trân quý, ông chơi đá không phải để buôn bán. Ông Quý tâm sự: “Cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của tạo hóa được hình thành suốt cả ngàn năm thì tiền bạc nào mua được? Có những tác phẩm người ta nài nỉ tôi bán, tôi không bán. Nhưng với một người bạn tâm giao, biết chơi đá, tôi sẵn sàng tặng không”. Ông Quý đang ấp ủ một dự định sẽ xin phép xây dựng một bảo tàng mini để trưng bày đá cảnh. Đó sẽ là nơi có đầy đủ các chủng loại đá mà ông bỏ công sưu tầm mấy chục năm qua, trong đó có những loại đá quý, đá bán quý. Đó cũng sẽ là nơi để anh em chơi đá quy tụ lại với nhau cùng sinh hoạt, kể với bạn bè, con cháu những câu chuyện kỳ thú về từng viên đá mà họ đã dày công sưu tầm.



ĐÌNH LÂM