05:06, 21/06/2017

Những "nhà báo không thẻ"

Mỗi người mỗi nghề, cùng chung niềm đam mê làm báo nên các cộng tác viên (CTV) không ngại ngần dấn thân để có thể truyền tải thông tin đến bạn đọc gần xa. Hành trình làm báo của các CTV có biết bao vui, buồn đáng trân trọng. Nói theo cách vui, họ chính là những "nhà báo không thẻ".

Mỗi người mỗi nghề, cùng chung niềm đam mê làm báo nên các cộng tác viên (CTV) không ngại ngần dấn thân để có thể truyền tải thông tin đến bạn đọc gần xa. Hành trình làm báo của các CTV có biết bao vui, buồn đáng trân trọng. Nói theo cách vui, họ chính là những “nhà báo không thẻ”.


Có duyên với nghề


Là sinh viên Đại học Tổng hợp (cũ), có lẽ Thiếu tá Nguyễn Văn Nhất (bút danh Văn Nhất) - Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng PX15 Công an tỉnh không nghĩ sau này công việc của anh lại gắn với nghề báo. Theo mấy anh bạn khoa báo cùng phòng, anh bắt đầu cộng tác với các báo từ năm 1994, khi còn là sinh viên. Vào ngành Công an, anh được giao làm công tác tuyên truyền, chính thức thành “nhà báo không thẻ”.

 

Năm 2004, anh cùng lãnh đạo đơn vị về Cam Ranh phản ánh tình trạng xả thải làm cá nuôi chết hàng loạt. Gần 1 tuần lăn lộn dưới cơ sở, anh về dựng phim, làm hậu kỳ. Tác phẩm được chọn dự thi liên hoan truyền hình ngành Công an và được giải C. Sau đó, phóng sự còn được giải khuyến khích giải báo chí toàn quốc và phát trong chương trình Vì an ninh Tổ quốc của Đài Truyền hình Việt Nam. “Giải thưởng không cao, nhưng đã động viên người làm báo nghiệp dư như tôi để tiếp tục cống hiến, trăn trở với nghề báo”, anh nói.

 

Cộng tác viên Văn Nhất thực hiện đề tài xe độ chế tại huyện Khánh Vĩnh.
Cộng tác viên Văn Nhất thực hiện đề tài xe độ chế tại huyện Khánh Vĩnh.


Năm 2011, ở Khánh Hòa xuất hiện nhóm đối tượng lừa đảo bán thuốc trừ sâu giả. Khi các anh lân la hỏi chuyện người dân xã Vĩnh Hiệp để dò thông tin, bất ngờ trinh sát ập tới khóa tay vì… nhầm đối tượng! Cũng may, anh mang theo thẻ ngành! “Nghề Công an luôn bất thường về giờ giấc, nghề báo còn bất thường hơn. Công an làm báo là tổng hợp hai sự bất thường đó. Chuyện nửa đêm bật dậy đi quay là bình thường”, anh cho biết. Cuối năm 2016, xảy ra vụ sạt lở đất ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang). 3 giờ sáng, các anh có mặt ở hiện trường, 2 người quay phim trực tại chỗ, anh đọc lời dẫn tại hiện trường rồi mang hình về xử lý, xong lại ra hiện trường… Trong 1 ngày, ê kíp sản xuất 8 tin, bài nóng. Có bản tin nóng được phát sóng chỉ sau khi sự kiện xảy ra chừng 1 giờ.

Hiện nay, ngoài các chuyên đề đơn vị giao, anh là CTV chính của Truyền hình Công an (ANTV) và cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa (KTV), Báo Khánh Hòa, Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, Báo Công an Đà Nẵng. 5 tháng đầu năm, ê kíp của anh đã thực hiện 98 phóng sự, 30 chuyên mục các loại và 132 bản tin.


Gắn bó với miền núi


4 năm gần đây, trên Báo Khánh Hòa xuất hiện nhiều bài viết của CTV Đinh Luận (Đinh Thị Luận, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Khánh Sơn). Hơn chục năm làm việc ở miền núi, cô phóng viên đài huyện luôn năng nổ, có mặt ở mọi địa bàn, cả khi thời tiết khắc nghiệt. Ngày 28-5 vừa qua, chị qua cầu tràn Cô Róa để tác nghiệp ở xã Thành Sơn. Việc vừa xong thì trời tối, mưa lớn, lũ về ngập cầu, chị phải đợi đến gần 21 giờ mới qua được. Ngoài hoàn thành việc của đài, chị còn cộng tác với Báo Khánh Hòa, KTV, Tạp chí Thể thao và du lịch Khánh Hòa, VOV (Đà Nẵng)... Đợt mưa lũ cuối năm 2016, nghe tin cầu treo Cam Khánh (xã Sơn Lâm) sắp bị lũ cuốn trôi, chị vội vã cùng chồng chạy xe máy lên, thấy cầu treo gần đổ xuống con sông Tô Hạp cuồn cuộn nước. Bỗng dưng, đất dưới chân sạt lở ầm ầm, tất cả vội chạy, hai vợ chồng cũng chạy cật lực lên chỗ cao rồi chị tác nghiệp luôn. Ngay tối đó, tin cầu treo Cam Khánh bị sập đã được đăng trên Báo Khánh Hòa điện tử. Mùa mưa lũ 7 - 8 năm trước, cầu tràn A Pa Bưởi (nối thị trấn Tô Hạp với xã Sơn Hiệp) bị mưa lũ, đất đá bít đường ống, gây chia cắt giao thông, chị và đồng nghiệp phản ánh ngay cảnh phụ huynh cõng con tan học lội cầu tràn về nhà. Tin vừa phát trên KTV, hôm sau, cơ quan chức năng lên khắc phục sự cố.

 

Cộng tác viên Đinh Luận phỏng vấn một cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn

Cộng tác viên Đinh Luận phỏng vấn một cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn

 

Đinh Luận chia sẻ, niềm say mê làm báo khiến chị không ngại đi và viết. Năm 2005, khi đang học Trường Cao đẳng Truyền hình (Hà Nội) và thực tập tại Báo Ninh Bình, được đăng bài “Hàng mã - hàng giả, tiền thật”, chưa kịp mừng, chị đã bị nhiều người kéo đến nhà hăm dọa. Năm 2006, chị quyết định rời quê Ninh Bình lên Khánh Sơn. Bây giờ, ban ngày chị làm việc của đài huyện, tối làm truyền hình và viết bài cộng tác, có hôm tới 1 - 2 giờ. Đến giờ chị không quên bài báo đầu tiên cộng tác với Báo Khánh Hòa. “Tôi được một phóng viên của báo động viên viết bài, và tôi nghiền ngẫm học hỏi các tin, bài về Khánh Sơn trên Báo Khánh Hòa khá lâu. Đến năm 2013, tôi mới rụt rè gửi bài thu hoạch sầu riêng trái vụ ở Khánh Sơn. Không ngờ, mấy ngày sau, bài được đăng, ra trang nhất. Tôi nhớ đó là số báo ngày 10-3-2013. Cầm tờ báo mà tôi không thể tin mình đã làm được”, Đinh Luận xúc động. Cũng chính từ niềm đam mê và nỗ lực không ngừng, mấy năm nay, bài viết của tác giả Đinh Luận xuất hiện đều đặn trên Báo Khánh Hòa, được tòa soạn và bạn đọc đánh giá cao. Ghi nhận sự đóng góp đó, chị được Ban Biên tập Báo Khánh Hòa khen thưởng CTV xuất sắc nhiều năm liền.

 

Cộng tác viên Đinh Luận lội qua sông Tô Hạp đi tác nghiệp
Cộng tác viên Đinh Luận lội qua sông Tô Hạp đi tác nghiệp


Trên từng cây số


Gặp CTV Vân Hằng (Vũ Văn Hội), có thể thấy ngay sự “bụi bặm” của dân làm báo: áo khoác chống nắng bạc phếch, đôi giày cổ cao, túi xách sờn mép, đựng đủ thứ: máy ảnh, máy quay phim, chai nước, cây kim, sợi chỉ, chai dầu gió… Ở ông còn có sự vô tư, đam mê làm báo khi chẳng ngại trèo núi, đi bộ, cũng chẳng băn khoăn về chiếc máy quay, máy ảnh nhỏ xíu, trầy xước, chẳng rõ tên hiệu.

Mỗi ngày, trên chiếc xe Dream, người đàn ông 64 tuổi này đi chừng 150 - 200km về các huyện, nay hướng bắc, mai hướng nam. Đi nhiều, ông thuộc lòng từng ổ gà trên đường về các huyện. Làm báo từ năm 1993, ngẫm lại, ông vẫn không ngờ đang dạy nhạc lại chuyển hẳn sang làm báo, sau khi tình cờ được người phụ trách tờ Khánh Hòa Chủ nhật mời cộng tác. 2 năm sau, ông mua chiếc máy quay hiệu M7 để làm truyền hình. Đồ nghề tác nghiệp khá thô sơ, nhưng ông làm việc rất nghiêm túc, có nhiều tin mang tính phát hiện như: sạt lở ở Ninh Tịnh (Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa), nạn tiêm chích ma túy công khai ở khu vực núi Sạn…

Tháng 1-2015, ông theo ghe ngư dân ngăn cản xáng cạp để đưa tin hút cát tại vịnh Cam Ranh gây ô nhiễm, làm thủy sản nuôi ở Cam Phúc Bắc chết hàng loạt. Sau khi tin được phát, nhiều báo đài tiếp tục phản ánh sâu. Vụ việc đã được chính quyền giải quyết triệt để. Tháng 8-2015, ông đưa tin cầu Cam Hải nối hai xã Cam Hải Đông và Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm có dấu hiệu xuống cấp, nhiều chân trụ bằng bê tông bị nứt bể, lộ cả sắt bên trong, gây mất an toàn giao thông. Sau khi báo phát hành, UBND tỉnh đã đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với đơn vị chủ quản kiểm tra, xác minh để có biện pháp xử lý.

 

Cộng tác viên Vân Hằng (bìa phải) và cộng tác viên Hùng Kính trèo núi ghi hình ở Ninh Hòa
Cộng tác viên Vân Hằng (bên phải) và cộng tác viên Hùng Kính trèo núi ghi hình ở Ninh Hòa


Không làm việc nào khác, nên với CTV Vân Hằng, tin tức là cuộc sống. Ông cộng tác hàng ngày với kênh VTC 14, HTV 7, Truyền hình Vĩnh Long 2, Truyền hình Kiên Giang, Truyền hình Tuổi Trẻ, Báo Khánh Hòa, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ… 24 năm làm báo, ông luôn thận trọng căn từng thước phim, từng khung hình. Mỗi lần bị tòa soạn rầy vì những sự cố, ông lại trân trọng tiếp thu, coi như được “bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí”. Đều đặn mỗi ngày, CTV Vân Hằng dậy lúc 6 giờ sáng, gửi tin cho các tòa soạn, nhẩn nha uống cà phê, ăn sáng rồi lên đường đi huyện. Gần trưa là ông dựng máy và làm, không ăn trưa, chiều mới tà tà về nhà, ăn tối, nghỉ ngơi tới 22 giờ bắt đầu tách ảnh, cắt phim, xử lý kỹ thuật đến 1 giờ sáng.


Ông bảo: “Còn sức còn đi, vì tôi muốn người xem luôn có món ăn tinh thần mới. Chỉ cần đưa được tin hay là khoái rồi!”. Cũng vì cái tâm đó mà ông làm không ngày nghỉ, dù mỗi tháng chỉ phụ gia đình hơn 3 triệu đồng. Có lần, đang đi đường, bị đau dạ dày dữ dội, ông tấp vào quán nước mía, nghỉ tạm trên võng một lúc rồi đi tiếp. Lễ, Tết, ông càng đi dữ, đơn giản vì “dịp đó phóng viên nghỉ hết, không ai đưa tin”. Cả năm, ước chừng chỉ 10 ngày ông không có tin - một kỷ lục đáng nể với cả nhà báo chuyên nghiệp!



Để cuộc sống tốt đẹp hơn


Lần đầu dẫn con lên Khánh Sơn, ra về, mẹ Đinh Luận khóc vì lo chị khó trụ nổi ở miền núi; chị cũng khóc, âu lo vì tất cả quá mới lạ. Nhưng rồi, chị nhận ra xung quanh có bao tấm gương đang nỗ lực vươn lên, thôi thúc chị phản ánh và gắn bó. “Bây giờ, tôi chỉ trăn trở được cộng tác với Báo Khánh Hòa ở thể tài phóng sự và được học đại học báo chí, để hy vọng có nhiều tác phẩm chất lượng hơn”, chị chia sẻ.


Còn CTV Văn Nhất thường có chút chạnh lòng khi gần đến kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, bởi những người làm báo nghiệp dư như anh chưa chính thức được tôn vinh. Dù vậy, anh vẫn say mê công việc vì được tiếp cận nhiều câu chuyện cuộc sống, góp sức làm xã hội tốt đẹp hơn.


Chợt bâng khuâng nhớ tâm sự của CTV Vân Hằng: “Cuộc sống có biết bao điều mà đôi khi phóng viên không phản ánh hết được, nên CTV phải góp sức để nhân lên điều hay, hoặc chỉ ra điều đáng phê phán để sửa, bỏ, để giúp người dân”.


 THIỀU HOA