Khi nhà nhà, người người còn vui Tết thì ở các làng biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngư dân đã chộn rộn với những chuyến biển đầu năm.
Khi nhà nhà, người người còn vui Tết thì ở các làng biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngư dân đã chộn rộn với những chuyến biển đầu năm.
Lộc biển đầu năm
Mới 4 giờ sáng mùng 4 Tết (ngày 11-2), ở làng biển Thủy Đầm (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa), không khí trên bến, dưới thuyền đã nhộn nhịp. Người chuẩn bị lễ vật để cúng mở biển, người lo nước uống, thực phẩm cho bữa ăn trưa trên biển, người kiểm tra lại ngư cụ... để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm. Sau hơn 30 phút chuẩn bị, các tàu lần lượt nhổ neo, hướng ra vùng biển giữa Hòn Lớn (huyện Vạn Ninh) và Mỹ Giang (thị xã Ninh Hòa) để khai thác ruốc biển.
Sửa chữa lại ngư cụ cho chuyến biển đầu năm |
Ra biển lúc mờ sáng, ngư dân Phan Kiên (tổ dân phố Thủy Đầm) cho tàu chạy chậm lại rồi bày biện lễ vật ra cúng mở biển. Sau nghi lễ, ông cho tàu tăng tốc. Khi con tàu đã vào đúng “tọa độ”, ông hô lớn: “Thả lưới”. Các bạn thuyền trên tàu nhanh chóng thả dàn lưới quét xuống biển. “Năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết là tàu khởi hành. Mấy ngày Tết, trời trở gió, ruốc biển đang rộ nên chuyến này hy vọng sẽ thu hoạch được nhiều lộc biển”, ông Kiên chia sẻ.
Những con tàu rẽ sóng vươn khơi |
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Quản lý Cảng Hòn Rớ: Từ mùng 4 Tết Bính Thân đến nay, trung bình mỗi ngày có 10 - 15 tàu khai thác xa bờ xuất bến tại Cảng Hòn Rớ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ra vào cảng, chúng tôi đã bố trí các ca trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm. Ở cầu cảng, chúng tôi bố trí, sắp xếp để cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá như: nước ngọt, đá cây, xăng dầu một cách thuận lợi nhất. |
Trong lúc tàu kéo lưới, ngư dân Nguyễn Hoàng, bạn thuyền của ông Kiên tâm sự, ông sinh ra và lớn lên ở làng biển Thủy Đầm. Cũng như bao ngư dân khác, thuở thiếu niên, ông đã thuộc nằm lòng những kỹ thuật của người đi biển do cha ông truyền dạy. Lớn lên, ông theo tàu của người làng đi câu cá nhám ở vùng biển Hoàng Sa. Nay lớn tuổi, ông lại về, theo những con tàu khai thác gần bờ. Sau mấy chục năm bám biển, từng luồng lạch, bãi rạn nông sâu ông đều ghi nhớ và truyền lại cho các con mình. “Nghề biển là nghề “ăn sóng, nói gió”, khổ cực, nguy hiểm, nhưng gắn bó với nó rồi thì lại thấy thích, thấy yêu. Có rong ruổi trên biển đuổi theo đàn cá mới thấy được sự giàu có, vẻ đẹp vô cùng của biển đảo quê hương”, ông Hoàng chia sẻ. Tiếp nối truyền thống gia đình, 3 người con trai của ông Hoàng cũng làm nghề biển, ngày ngày theo tàu khai thác xa bờ đi câu cá nhám ở vùng biển xa.
Câu chuyện với ông Hoàng chưa dứt, chúng tôi đã thấy ông Kiên cho tàu tăng tốc quét thêm đàn ruốc. Tất cả đều dồn hết về phía đuôi tàu. Những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt đưa lưới lên khoang. Mẻ lưới đầu năm may mắn khi họ thu được hơn 7 giỏ ruốc (mỗi giỏ khoảng 25kg), với giá bán 500.000 đồng/giỏ như hiện nay, biển đã cho “lộc” mấy triệu đồng một mẻ lưới. Nhìn thành quả thu được, bạn tàu đều nở nụ cười rạng rỡ.
Ngư dân phường Ninh Thủy trúng ruốc biển đầu năm |
Quan sát trên vùng biển phía nam vịnh Vân Phong, ngoài tàu của ông Kiên còn có khoảng 30 - 40 tàu khác cũng đang khai thác ruốc biển. Theo chia sẻ của các ngư dân, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần, ruốc xuất hiện ít nên không mấy tàu đi khai thác. Nhưng từ cận Tết đến nay, trời trở gió, ruốc biển xuất hiện nhiều nên ngư dân tranh thủ ra biển. Mỗi chuyến biển như thế, họ phải kéo 4 - 5 mẻ lưới mới trở về bờ, thu hoạch được 25 - 30 giỏ ruốc. Khi về bến sẽ có thương lái thu mua ngay. Cũng chính nhờ ruốc xuất hiện dày, giá bán lại cao nên ngư dân vùng bãi ngang ai cũng phấn khởi.
Kỳ vọng một năm thuận buồm, xuôi gió
Tại cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), sáng mùng 4 Tết có hơn 10 tàu cá khai thác xa bờ đồng loạt xuất bến đi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Trần Cư - tài công tàu KH 90268TS (Hòn Rớ) cho biết: “Chuyến mở biển này, ngư trường truyền thống của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận là vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Tôi hy vọng, chuyến biển đầu năm trúng mẻ lưới lớn, được như vậy sẽ là điềm lành cho cả năm”. Được biết, trước Tết Nguyên đán, tàu ông Cư đi chuyến biển cuối năm kéo dài 8 ngày, đến 29 Tết trở về với hơn 15 tấn cá ngừ sọc dưa, giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn trăm triệu đồng. “Hiện nay, ngư trường Trường Sa đang rộ cá ngừ sọc dưa nên 8 anh em bạn thuyền chúng tôi quyết định vươn khơi bám biển từ mùng 4 Tết. Dự kiến chuyến biển này kéo dài khoảng 10 ngày”, ông Cư nói.
Chuẩn bị đá cây cho chuyến biển dài ngày |
Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh: Năm 2015, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ được giải quyết kịp thời, giá một số loại thủy sản tăng nên khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh đạt 88.975 tấn, tăng 4,36% so với năm 2014, trong đó cá ngừ đại dương 4.634 tấn. Năm 2016, ngành Thủy sản tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển toàn diện, chú trọng hiện đại hóa phương tiện khai thác xa bờ, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nghề cá, hiện đại hóa các cơ sở chế biến… |
Trong khi đó, ông Trần Tèo - chủ tàu KH 91395TS (Hòn Rớ) cho biết, từ mùng 3 Tết, ông đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ chuyến biển đầu năm. “Thời điểm này là mùa cá hội tụ trên biển theo chu kỳ. Bên cạnh đó, chuyến biển đầu năm còn mang ý nghĩa tâm linh, thành công hay thất bại của chuyến biển này có liên quan tới những chuyến biển trong năm. Vì vậy, trước khi ra khơi, ngư dân chuẩn bị rất chu đáo, hy vọng chuyến ra khơi này sẽ mang lại nhiều may mắn cho công việc cả năm”, ông Trần Tèo nói. Lâu nay, tàu của gia đình ông đi câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa. Mấy chuyến biển gần đây, cá ngừ sọc dưa được mùa nên ông chuyển sang khai thác loại cá này. Trong chuyến biển cuối năm Ất Mùi 2015, tàu của gia đình ông đánh được 13 tấn cá ngừ sọc dưa và cá cờ, trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Phạm Hùng Dương, chủ tàu KH 99036TS (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) chuyên nghề câu cá ngừ đại dương, trước Tết, tàu của ông trúng lớn với hơn 3 tấn cá ngừ đại dương, anh em bạn thuyền được chia mỗi người hơn chục triệu đồng ăn Tết. “Đang lúc biển có cá nên chúng tôi tranh thủ ra khơi, xuất hành đầu năm để lấy may mắn cho cả năm. Anh em bạn tàu đã chuẩn bị đầy đủ bánh tét, củ kiệu, mang theo chút dư vị của ngày Tết ra biển”, ông Dương nói. Được biết, tàu của ông Dương sẽ vươn khơi khoảng 25 ngày. Theo kinh nghiệm đi biển của ông Dương, sau Tết nắng ấm là lúc nhiều đàn cá ngừ quần tụ về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là thời gian lý tưởng để khai thác cá ngừ đại dương.
Một trong những điều khiến ngư dân trên địa bàn tỉnh vững tâm hơn khi vươn khơi trong năm mới là giá xăng dầu giảm, nhờ đó chi phí của các chuyến biển cũng giảm theo. Cụ thể, những lúc giá xăng dầu tăng mạnh, phí tổn mỗi chuyến biển của ngư dân hơn 200 triệu đồng, nay chỉ khoảng 130 triệu đồng; nhờ vậy hiệu quả của những chuyến ra khơi đánh bắt tăng cao. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân đang phát huy hiệu quả, nhất là việc UBND tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, phê duyệt cho nhiều ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Điều này đã tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng trong ngư dân. Với họ, quyết tâm bám biển không chỉ để làm giàu cho gia đình mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Mong muốn của tôi là sẽ được vay vốn theo Nghị định 67 để đóng con tàu mới vươn ra biển xa khai thác”, ông Dương chia sẻ.
HẢI LĂNG - ĐÌNH LÂM