Khác với hình dung về một thế giới với những tiếng la hét, những ánh mắt thờ ơ, lạc thần…, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa khá thanh bình. Đó là bởi bệnh nhân luôn nhận được sự chăm sóc tận tụy, thương yêu của các thầy thuốc.
Khác với hình dung về một thế giới với những tiếng la hét, những ánh mắt thờ ơ, lạc thần…, Bệnh viện (BV) Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa khá thanh bình. Đó là bởi bệnh nhân (BN) luôn nhận được sự chăm sóc tận tụy, thương yêu của các thầy thuốc.
Muôn kiểu bệnh nhân
10 năm đã qua nhưng điều dưỡng Nguyễn Chế Linh (khoa Nam) vẫn chưa quên lần “cứu hộ” một BN có hoang tưởng tự sát. Thoăn thoắt leo lên bồn chứa nước cao khoảng 20m, BN này luôn miệng kêu “ta là máy bay” rồi dang hai tay, chạy vù vù quanh mép bồn nước, đòi “hạ cánh”! Gần 2 giờ thuyết phục BN bỏ ý định “hạ cánh khẩn cấp” chưa thành thì bỗng nhiên BN này nhảy luôn xuống bồn, khiến BV phải huy động lực lượng xả hết bồn nước để “cứu hộ”…
Điều dưỡng và bệnh nhân cùng hoàn thiện các sản phẩm |
Hầu hết BN tâm thần dễ xúc động, có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào. Y sĩ Phan Tuấn Kiệt (khoa Nam) cười hóm hỉnh: “Ở đây, BN chửi nhân viên là chuyện nhỏ, đánh nhân viên là chuyện thường!” và cho biết nhân viên Nguyễn Tấn Phúc (khoa Nam) vừa nằm viện 2 ngày vì bị BN đánh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương, phụ trách Khoa Hoạt động liệu pháp chưa quên một BN nam rất hung hãn mỗi lần lên cơn là phải cần 9 - 10 người mới khống chế được bằng cách… quăng lưới trùm. Để thực hiện hoạt động liệu pháp, ban đầu, cô vừa run vừa tiếp xúc BN qua song sắt, nhưng sau đó cô và BN đã có sự gần gũi, chia sẻ…
Không riêng BN nam, các BN nữ cũng khiến các bác sĩ, điều dưỡng… nhiều phen hú vía. Điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng (khoa Khám - Trẻ em) có 15 năm gắn bó với nghề và từng có thời gian khá dài làm việc tại khoa Nữ. “Ngày mới vào làm, tôi cũng có cảm giác sợ hãi vì thấy BN hung hãn quá! Năm 2004, tôi bị một BN nữ quăng bu-lon vào mặt. Lại có ca bệnh mới vào được 2 ngày đột ngột nhảy lên người tôi đánh đu đứt hết cúc áo. Nhưng qua thời gian, tôi cũng quen dần với những biểu hiện ấy, nếu mình e ngại thì không bao giờ điều trị cho họ được” - điều dưỡng Dũng bộc bạch.
Bệnh nhân bỏ giá thể rau, nấm vào giàn trồng thủy canh |
Một số BN lại khiến y, bác sĩ dở khóc dở cười. Do hoang tưởng, ảo giác chi phối, có BN nghĩ cơm là thuốc độc, người cho ăn định đầu độc mình nên cứ đến bữa là đánh, phun cơm vào mặt người cho ăn! Nhiều trường hợp không tự vệ sinh cá nhân được, các nhân viên phải dọn giường thường xuyên…
Gắn bó với nghề
Chân ướt chân ráo từ Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh về khi BV thành lập (năm 2000), điều dưỡng Hương gặp ngay 2 BN đánh nhau. Nghe người đánh nói: “vì nó chửi em!”, chị định hỏi người bị đánh vì sao chửi thì phát hiện BN này câm điếc! “Lúc đó, tôi chợt nghĩ: có khi họ đánh mình cũng vì nghĩ mình chửi họ! Chắc phải nghỉ việc thôi!”, chị nhớ lại. Vậy nhưng từng ngày, từng ngày, chị Hương và các y, bác sĩ, nhân viên ở đây vẫn gắn bó với BV, tâm huyết với BN. Hiện nay, chị vẫn còn tiếp tục gắn bó với BV sau khi đã về hưu.
Hướng dẫn bệnh nhân làm tranh |
Cũng về BV từ ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Đình Tân - Trưởng khoa Khám - Trẻ em tâm sự, hồi đó anh chuyển về chỉ vì muốn được đi lại gần hơn. Nhưng rồi tiếp xúc, gần gũi BN, anh hiểu đằng sau những dáng hình xộc xệch, những cặp mắt lạc thần… là những bi kịch cuộc đời. Có người mất trắng tài sản; có người nhiều năm bị chồng hành hạ; người lại vội kết hôn khi tình cảm chưa đủ sâu đậm, rồi ly hôn sau cưới 1 tuần, dẫn đến sang chấn tinh thần… Bác sĩ Tân bùi ngùi: “Họ đáng thương hơn đáng giận! Vì thế, liều thuốc mà họ cần nhất chính là sự yêu thương, chăm sóc tận tình”.
Việc chăm sóc BN bình thường đã khó, đối với BN mắc bệnh tâm thần khó khăn càng tăng gấp bội. Từ sáng sớm, các y, bác sĩ, điều dưỡng phải giục BN dậy, hướng dẫn đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, trông cho ăn sáng, khám bệnh, cho ăn trưa, rồi tâm sự, theo sát từng diễn biến tâm lý... Công việc căng thẳng nhưng khi đối diện với người bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn nhẹ nhàng và ân cần từ cử chỉ cho đến lời nói. Nhiều BN bị sa sút nặng về tâm thần, mất hết kỹ năng sống, không biết đánh răng, rửa mặt, tắm…, phải lần lần dạy lại như dạy một đứa trẻ. Để giúp BN đánh răng trở lại, thường phải mất hơn 1 tháng (mỗi tuần 3 - 4 buổi)!
Và nỗi vất vả đó được bù đắp khi chứng kiến BN bình phục. Bác sĩ Tân xúc động nhớ lại một BN học lớp 11 ở Ninh Hòa nhập viện vì loạn thần cấp và nhất thời, nhưng gia đình lại chữa bằng cách mời thầy cúng! Vào BV điều trị hơn 20 ngày, BN được xuất viện, sau đó còn đỗ đại học với điểm số rất cao. Ngày hai cha con quay lại thăm BV, cậu này nhắc đi nhắc lại: “Nếu không có bác sĩ, không biết cuộc đời em đi về đâu” và khóc… Điều dưỡng Hương cũng chưa quên khoảng thời gian chăm sóc 1 BN nữ hoang tưởng cơm là… phân, mỗi bữa ăn là mỗi bữa cực nhọc. “Một ngày, tôi đang đi ở hành lang thì BN này nhào ra ôm chầm lấy: “Cô Hương ơi, con tỉnh rồi! Con khỏi bệnh rồi!”. Tôi xúc động rơi nước mắt”. Kỷ niệm nhớ nhất sau nhiều năm hành nghề của điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng là đang đi thì đột nhiên được một BN cũ mừng rỡ ôm chầm lấy nói cảm ơn. “Nghe họ cảm ơn, xin lỗi mình…, cảm xúc thật khó tả. Đó là động lực để chúng tôi gắn bó với nghề”, điều dưỡng Dũng nói.
Cần sự chung sức của cộng đồng
Trên đường từ khoa Hoạt động liệu pháp đến sân chơi đa năng, chúng tôi được phen hú hồn khi chạm trán một BN ánh mắt đờ đẫn, miệng lẩm bẩm vô nghĩa. Nghe kể, điều dưỡng Hương cho biết: Kỳ thị, e ngại chính là rào cản lớn nhất đối với BN tâm thần khi hòa nhập cộng đồng. Trước đây, BN chỉ được điều trị bằng thuốc, chưa được phục hồi các kỹ năng, nên khi trở về, họ không hòa nhập được, trở nên mặc cảm, căng thẳng, sang chấn thần kinh và tái phát. Năm 2007, BV thành lập khoa Hoạt động liệu pháp nhằm giúp giảm thiểu một số triệu chứng, phục hồi khả năng tự phục vụ, hòa nhập được khi xuất viện.
Thăm vườn liệu pháp, nhìn những luống rau xanh tươi, những trái đu đủ chín vàng..., thật không thể ngờ đây là thành quả lao động của BN tâm thần. Và càng ngạc nhiên hơn khi ngắm những cây hoa được kết từ vô số hạt nhựa óng ánh ở phòng trưng bày, bởi nó đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ rất lớn của BN và cả các điều dưỡng, giáo viên…
Rời BV, chúng tôi vấn vương với những trăn trở về cộng đồng. Hiện nay, nhiều người nhà BN vẫn thiếu kiến thức chăm sóc người bệnh. Hệ thống chăm sóc tâm thần ngoài cộng đồng chưa đồng bộ. Và lớn nhất là rào cản kỳ thị của người dân. “Mong mọi người đừng nghĩ BN tâm thần là người bỏ đi; hãy kiên nhẫn chăm sóc, hướng dẫn BN để họ tự giúp chính mình, có vậy, họ mới không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội”. Lời nhắn nhủ của điều dưỡng Hương và những lời chào thân thiện của BN giúp chúng tôi hiểu, bên trong BV không phải là thế giới thờ ơ, cô đơn của những BN tâm thần mà ăm ắp tình yêu thương của những “thiên thần áo trắng”.
KIM THAO - THIỀU HOA
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính: BV có quy mô 140 giường bệnh, gồm 4 khoa lâm sàng (Khám - Trẻ em, Nữ, Nam, Hoạt động liệu pháp) và khoa Dược - xét nghiệm. Hiện BV có 130 cán bộ, viên chức, trong đó có 11 bác sĩ, 45 điều dưỡng. Khó khăn lớn nhất hiện nay của BV là thiếu bác sĩ. Hơn 10 năm qua, BV chỉ hợp đồng mới được 1 bác sĩ (từ tháng 7-2015), trong khi với công suất điều trị hiện tại, BV cần có thêm 10 - 15 bác sĩ. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên đều rất tâm huyết, gắn bó với nghề.
Năm 2015, BV có tổng số 90.347 lần khám bệnh; 3.038 lượt BN nội trú, 49.982 ngày điều trị nội trú. BV còn triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Hiện tại, BV quản lý 4.211 BN. Ngoài ra, BV duy trì bếp ăn tình thương và đã giúp rất nhiều BN nghèo tại BV.